Trang chủ PGVN Cửa thiền Đưa trẻ làng chài lên chùa học chữ

Đưa trẻ làng chài lên chùa học chữ

70

Sau thời gian dài chuẩn bị, lớp học do nhóm thanh niên tình nguyện Thanh Hóa tổ chức đã khai giảng và hoạt động được gần 6 tháng.


Chiều thứ Bảy, một ngày cuối tháng 10/2006, chúng tôi đến thăm lớp học tình thương xóa mù chữ tại căn phòng cũ trong khuôn viên Chùa Chanh (TP Thanh Hóa).


Thầy giáo Phan Văn Dũng (sinh viên năm thứ hai, khoa Lý trường Đại học Hồng Đức) đang lên lớp dạy các em tập viết, vẽ. Hơn 30 học sinh đang chăm chú tập viết dưới sự hướng dẫn của thầy Dũng. Phụ giúp thầy Dũng, chuẩn bị cho các em những sáp chì, giấy vẽ là cô giáo Phạm Thị Nga (25 tuổi, hiện làm việc tại Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa).


Từ khi có ý định mở lớp, việc đầu tiên của Nhóm tình nguyện là khảo sát tình hình trẻ em không được đến trường tại các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các khu vực xung quanh TP; đặc biệt trẻ em sinh sống ở khu vực cạnh các nhánh sông, khu vực ven thành phố.


Các em đại đa số thuộc gia đình nhà nghèo, sống trên thuyền chài, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Vận động các em đi học đã khó, kiếm nơi học cho các em còn khó hơn.


Nhóm tình nguyện đã tìm đến nhiều nơi xin giúp đỡ. Khi trao đổi việc này với sư thầy Thích Đàm Nhung và Thích Đàm Phương (Chùa Chanh) nhà chùa đã đồng ý cho sử dụng một căn phòng để làm lớp học cho các em.


Nguyễn Thị Tình (21 tuổi, sinh viên năm thứ ba, khoa tiếng Anh, trường Đại học Hồng Đức) cho biết: “Sau khi được các thầy cho mượn địa điểm làm lớp học, chúng em phải vào trường THPT Quảng Xương 3 xin bàn ghế cũ về đóng, sửa tạm để làm bàn, ghế ngồi học. Tiền sách, bút, sáp màu… chúng em tự quyên góp rồi mua sắm cho các em. Ban đầu mọi việc đều rất khó khăn”.


Trong ngày khai giảng lớp học có sự tham gia của Trưởng phòng Giáo dục TP Thanh Hóa, đại diện trường Đại học Hồng Đức, Ban trị sự chùa Chanh, Ban trị sự chùa Thanh Hà… Các đại diện đến dự và ủng hộ lớp bằng những món quà bằng tiền và hiện vật để lớp tiếp tục kiện toàn cơ sở vật chất, phục vụ tốt hơn việc học cho các em.


Nhóm tình nguyện đã chủ động liên hệ với Tỉnh Đoàn Thanh Hóa xin hơn 200 chiếc áo cũ để về giặt và phát cho các em. Ngoài ra, các ngày lễ trong năm Nhóm tình nguyện tự thiết kế những tấm thiếp, mua hoa, đồ lưu niệm để bán và lấy kinh phí mua đồ dùng học tập và giảng dạy.


Phần lớn các sinh viên đều đến từ các huyện xa như: Quảng Xương, Tĩnh Gia… và đều phải trọ học ở thành phố. Ngoài việc đảm bảo học tốt thời gian trên lớp, họ luân phiên đến dạy lớp học. Thành viên của nhóm lên đến hàng chục người.


Lớp học bây giờ đã thành địa chỉ đỏ của học sinh nghèo không có cơ hội đến trường. Có gia đình có 2 – 3 anh chị em cùng tham gia lớp học như ba chị em:


Nam (14 tuổi), Hải (11 tuổi), Phương (6 tuổi) con của chị Bùi Thị Sâm (ở số nhà 57, phố Lò Chum, TP Thanh Hóa); hai chị em Nguyễn Thị Mai (12 tuổi ) và Nguyễn Văn Mạnh (10 tuổi) gia đình sống trên thuyền ở sông Vọng Voi (xã Thành Công, TP Thanh Hóa); hai chị em Nguyễn Thị Na (12 tuổi) và Nguyễn Văn Nam (10 tuổi) sống ở khu vực âu thuyền…


Dẫu biết phía trước còn nhiều khó khăn, song những thành viên của Nhóm tình nguyện Thanh Hóa đang cố gắng để duy trì lớp học. Nhóm đang tiếp tục vận động trẻ em làng chài, trẻ em hoàn cảnh khó khăn đến lớp học này, đồng thời kêu gọi những tấm lòng hảo tâm để lớp học tình thương có kinh phí duy trì….


Nhìn dòng tập viết: Đạo đức, gia đình… trên nền bảng ép dầu đen đóng nẹp gỗ áp tường; những ánh mắt chăm chú nhìn những nét chữ mẫu của thầy giáo để tập viết, chúng tôi thấy cả khoảng trời mơ ước trong những đôi mắt trẻ thơ.