Trang chủ Đời sống Đừng đổ lỗi cho Thần, Thánh, mà hãy xem lại chính mình

Đừng đổ lỗi cho Thần, Thánh, mà hãy xem lại chính mình

99

Đây tuyệt nhiên không được gọi là bài giáo trình của nhà Phật mà chỉ nên hiểu theo nghĩa là đàm đạo về thế giới mà độc giả và bạn đọc đã nói ở trên mà thôi qua sự hiểu biết học tập của tôi.


Trước tiên để các bạn hiểu được khái niệm sơ khai về các thế giới xung quanh ta, tôi buộc phải nói sơ qua chút ít về vấn đề này qua các Kinh điển Phật giáo đã nói đến.


Thưa các quý vị đồng tu! Thế giới hiện hữu quanh chúng ta không chỉ có người, các loài động vật, cây cối, núi sông và xa hơn chút là các vì sao, mặt trăng, mặt trời v.v… như mắt thường chúng ta vẫn nhìn thấy (tức là bằng nhục nhãn-mắt thịt) mà còn cả vô vàn thế giới khác mà chúng ta không nhìn thấy được như vi khuẩn, các vi trùng v.v…


Chúng cũng là những vật sống như chúng ta, nhưng là những phân tử nhỏ li ti mà người ta phải mượn đến kính hiển vi, kính phóng đại gấp nhiều lần mới thấy được nó. Nhưng nói vật nhỏ vậy không nhìn thấy đã là một điều, nhưng còn các thế giới khác như Phật, Bồ-Tát, Thần, Thánh, Ma, Quỷ v.v…đang ở trước mắt chúng ta, dõi theo mọi cái ta đang làm mà chúng ta cũng không hề nhìn thấy các vị đó.


Tại sao có hiện tượng lạ đó? Vì chúng ta nhìn đời bằng mắt thịt (tức là nhục nhãn) sức nhìn của nó thật là hạn chế vô cùng. Như đã nói ở trên ngay cả vi trùng, vi khuẩn ở ngay trên bàn tay ta, trong thức ăn v.v… mà ta không nhìn thấy nó. Cho đến muôn vàn các vì sao ở xa xôi thì chịu chết, hết tầm mắt là coi như không sao thấy được, phải cậy nhờ vào một thứ phương tiện khác như ống nhòm, kính viễn vọng v.v…may ra mới nhìn được những thứ ở tầm gần, còn xa nữa thì coi như chịu chết, nên ta chịu tên gọi là phàm phu.


Nhưng có những người mà sức nhìn, sự hiểu biết của họ lại vượt lên tất cả, thấu rõ chân tướng của vạn vật, vũ trụ, từ những cái to lớn đến kinh dị cho đến vật dù nhỏ bé đến đâu, thậm chí nhìn thấy mọi thứ trong thế gian này và cả mọi thế giới xa xôi, nhìn xuyên qua núi, qua nước, như ta nhìn thấy các vật trong lòng bàn tay mình vậy.


Đã thế, các Ngài còn nhìn thấy cả quá-khứ, hiện-tại và vị-lai nữa thấu đáo và bản chất, người đó chính là Phật và chư vị Bồ-Tát. Các vị chư Thiên cũng có sức nhìn và nhận biết ghê gớm đó, nhưng ở mức hạn chế hơn rất nhiều so với các vị Phật và Bồ-Tát, nên vẫn phải nương nhờ vào sự chỉ bảo của các Ngài.


Tại sao lại có hiện tượng này? Đó là vì ta chuyên nhìn đời và thế giới này bằng mắt thịt mà mắt đó khả năng tầm nhìn rất có hạn, còn các vị Phật và Bồ-Tát, Thần, Thánh ….nhìn Thế giới bằng trí tuệ, cái này mới có sức nhìn rộng lớn và tầm hiểu biết đến vô biên. Muốn có mắt trí tuệ này thì các Ngài đã phải bỏ ra nhiều đời nhiều kiếp để tu nhiếp tâm mình luôn luôn phẳng lặng, đã vứt bỏ được mọi sự cám giỗ đời thường, không còn mọi thứ phiền não, đã gột bỏ hết mọi lòng tham, lam chấp chước, tính sân hận, lòng si mê v.v…trong đạo Phật gọi đây là tu được tâm dưỡng tính để tâm luôn được thanh-tịnh.


Chúng ta hãy xem, chỉ một chút sân hận khi ai đó xúc phạm, nói xấu mình nổi lên, nhiều người tâm đã bốc hỏa, mất hết cả trí khôn, đốt cả nhà cửa, đánh đập trừng phạt tàn nhẫn kẻ giám chọc tức ta, phá hoại cả nhà cửa gia đình họ và lẽ tất nhiên phá cả hạnh phúc và sự bình yên của gia đình mình, thậm chí bao nhiêu công đức, vật chất, các thứ mà bao đời xây dựng mới được trong giây lát đem đốt đi sạch.


Hỏi lúc đó, tâm chẳng còn thể sáng suốt bình tĩnh thư thái để phân biệt cái gì đúng cái gì sai, nói chi có trí tuệ mà nhìn xa trông rộng? Cái ở trước khi bị mây mờ vô minh của sân hận che lấp, mắt chẳng còn nhận biết, hỏi cái ở xa hơn, những trừu tượng hơn?


Lại nữa, lòng tham lam, sân hận, sự si mê đã làm mờ mắt chúng ta, ta ham cái mà đáng lẽ phải bỏ, ta bỏ cái mà đáng ta nên phải nhận lấy, điên điên dại dại vì nó suốt ngày, suốt đêm hỏi sao có thể tâm sáng suốt để nhìn thấy cái gì to lớn vĩ đại cho được? Tình trạng này chẳng khác nào con cá sống dưới giếng, tầm mắt chỉ nhìn thấy vạn vật trong thế giới nhỏ bé là giếng nước đó bầu trời như một cái nong.


Đó cũng như đàn kiến kia, tầm nhìn của nó là cái sân trước nhà chúng ta đang ở, với cây bưởi đầu hè, nó gọi là cần trụ thiên, cái hố nước mưa đêm qua, nó bảo là cái hồ lớn, còn cái ao sau nhà với nó là một đại dương mênh mông.


Nhiều người cứ nói là làm gì có Thần, Thánh, có Phật và Bồ-Tát, có thế giới và địa-ngục? Tình trạng đó là có khác gì hoàn cảnh này, khác nào con kiến hay con cá khi người khác nói là thế-giới này không phải chỉ như ánh đã thấy mà thực ra nó rộng lớn vô cùng.


Này nhé, ngoài nơi ta sống đây, còn có hàng vạn sinh linh to lớn gấp ngàn, gấp triệu lần ta, đó là con người, con voi, con lợn, gà, con chó v.v…và xa nữa là núi đồi cao ngất tầng mây xanh v.v…nó đâu có tin, nó bảo đó là mê tín, là dị đoan. Ngay ngài Tề-Thiên Đại-Thánh, có sức thần như vậy, khi chưa tu hành để thành Phật, khi đứng dưới ngón chân Phật to lớn lại bảo đó là trái núi, ngài đâu có biết là mình đang đi dưới chân đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni?


Nhiều người trong chúng ta, sức nhìn có hạn, lại có tâm nghi ngờ, kiêu ngạo cho mình là tài giỏi hơn người, vẫn hay tự khoe, tôi cái gì cũng chẳng thể qua mắt “con ruồi bay qua biết con đực con cái” nên hễ ai nói đến cái mà mình không biết đến thì lại bảo người ta là họ mê tín, là dị đoan.  Đó mới là nỗi khổ của chúng ta, hạn chế tầm nhìn, sự hiểu biết và cả đức huệ nữa.


Như vậy, chúng ta đã có một vấn đề phức tạp lớn là có cái ta nhìn thấy và còn rất nhiều những cái mà ta không thể nhìn thấy được. Cái tầm nhìn áy mỗi người đều có khác nhau, rộng hẹp, gần xa là do trí tuệ của mỗi người, đâu chỉ là do mắt.


Như người mắt lòa, hay người đi đến nơi xa xôi, chưa từng đặt chân đến mà vẫn biết được đường đi vì qua kinh nghiệm đã trải qua, và nhất là nghe theo lời người khác chỉ dẫn. Cũng tương tự như thế, con người có thể không nhìn thấy thế giới xa xôi, thế giới Thần Thánh, Thế giới Phật, Bồ-Tát mà vẫn cảm nhận được điều đó, biết rằng các vị vẫn hiện hữu, tỏ tường được sức mình bé nhỏ nhưng sức lực và trí tuệ của các Ngài là vĩ đại, nên gọi các Ngài là siêu nhiên.


Sức nhìn và nhận biết nhận biết thế giới chư Thiên, Phật bằng như vậy là do tâm-linh, không phải bằng mắt, cái nhìn này cao hơn chút với cái nhìn và nhận biết từ mắt thịt như đã nói ở trên, tuy vẫn còn hạn chế rất nhiều. Cha ông ta xưa và chúng ta hôm nay nhận biết về Thế giới đó phần nhiều là như vậy.


Các quý vị đồng tu thân mến! Thực ra thế giới mà ta không nhìn thấy đó hiện hữu vẫn luôn có Phật, Bồ-Tát, Thần, Thánh và cả Ma, Quỷ v.v….Những ai mà tâm đã thanh tịnh tuyệt đối, có trí tuệ lớn, lại có lòng từ bi lớn (trong nhà Phật gọi là có phúc đức, trí tuệ vẹn toàn) thì đó là Phật, còn người đang phấn đấu để tiến đến được hoàn thiện như vậy gọi là Bồ-Tát, sau nữa là các vị Thần, Thánh, ngoài ra còn có cả thế giới Ma, Quỷ v.v…nữa.


Nếu chúng ta tu tâm mình thanh tịnh, ta cũng có khả năng nhìn thấy các vị, chẳng phải chỉ có nhận biết qua tâm linh, qua người khác kể lại. Khi có con mắt trí huệ đó, ta sẽ thấy, thế giới ta sống mà người đời gọi là trần-gian thì trên cõi đây còn có thế giới chư Thiên ( hế giới của người Trời), dưới còn có địa-ngục và các thế giới ấy đều là do sự cai quản của các chư vị này mà đứng đầu là Ngài Thích-Đề Hoàn-Nhân (nhân gian gọi Ngài là Đế Thích), trên nữa có Đế-Thiên, dưới có các vị vua các cõi trời như 32 tầng trời Đao-Lợi rồi dưới nữa là bốn tầng trời của Trời Tứ-Thiên-Vương.


Đây là những tầng trời gần chúng ta nhất với sự cai quản của bốn vị Thiên Vương. Dưới các vị vua Trời này còn có các vị Thần biển, Thần sông hồ (Hà bá, Hà tuyền), Thần Núi, Thần đồi (Thần Sơn Tuyền),  Thần cây, Thần Gió, Thần Mưa v.v… gọi đây là Thiên -Long Bát Bộ.


Người xưa hiểu rõ đạo lý này nên vua coi mình là Thiên-tử (là con Trời), giữ quy tắc thật công bình,  phân minh, Vua cũng phải chấp hành luật, quan cũng vậy và dân cũng vậy, luật bất vị thân, ai có công thì thưởng, có tội phải chịu tội, luật không dung người thân hay kẻ sơ, nên gọi đó luật hồi đó là Thiên-lý.


Cha ông ta và nhiều nhà lãnh đạo Việt nam xưa xuất thân phần lớn là từ nhà nho nên các vị biết về các Thế giới này, nên hết lòng tôn trọng và kính yêu, luôn luôn cẩn trọng giữ gìn nâng nịu mọi thứ quanh ta, không hề xúc phạm. Hồ Chủ tịch xưa, mỗi năm hễ có dịp thường đến chùa Trấn Quốc lạy Phật và chính tay Người trồng cây Bồ-Đề mà thủ tướng Găng-đi Ấn-độ tặng tại đây.


Hay Ngài thường lên núi Tản-Viên, lên vùng cao đến đề Hùng thờ các vị các vị Thần Thánh và luôn cho mình là con rồng cháu tiên, đặt lễ thờ các vua Hùng, cầu các Ngài phù hộ cho đất nước mua tạnh gió hòa, dân an quốc thình.


Ngày nay, đã như thành nếp, có nhiều vị lãnh đạo cả vợ chồng gia đình ngoài việc thay mặt đất nước đến viếng lạy tại chùa, hay đến đền Hùng, các vị cũng rất kính cẩn hành hương riêng nơi thâm sơn để được thanh tịnh cúng dường cầu bái Phật và chư Thiên Thần Thánh.


Nhưng cái khổ chính là nhiều người ngày nay và đa số người dân không được biết về thế giới đó, họ sống với tư tưởng vô-thần, nên không biết để có tâm nâng niu kính trọng, nên làm ra tội mà không biết hoặc vì lòng tham, ham lợi mà cứ làm.


Núi kia cứ tha hồ phá, nước trên nguồn chẩy ra biển lớn, thì ngăn be, cây cối trăm năm ở đầu nguồn cũng chặt, cây trong rừng phòng vệ đê chống lũ, triều cường cũng đốn. Chúng ta đã thấy nhiều ngôi chùa quý như chùa Quỳnh Lâm ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng ninh là chùa lớn gần như nhất ở miền đông bắc nước ta, dưới chân núi Yên Tử cũng bị phá. Đền thờ Thần Hà-Tuyền bên cửa sông Cái-Lân, Hạ-long cũng san luôn.


Rồi sông hồ ở Hà Nội và nhiều thành phố khác bị xâm lấn, lấp dần đi để làm nhà. Sông Tô-lịch xưa là dòng sông cái, nối các phố phường Hà Nội, thuyền bè qua lại được, nay chỉ là cái kênh nhỏ đầy xình rác, dẫn nước thải. Nước Tây hồ rộng vậy cũng đang bị xâm hại, nhỏ dần đi và bốc mùi tanh hôi bởi đủ các thứ người ta vất xuống và nhiều con sống đang bị bức tử do các nhà máy hóa chất các doanh nghiệp đổ ra.


Thử hỏi các vị Hà-bá, thần núi, thần sông có tức giận hay không? Những hang động, cây to bóng cả là nơi nương ở của các Thần cây, Thổ sơn nay cũng bị chặt phá, hỏi như vậy liệu có nên chăng? Ta tự chuốc lấy mối thù của các vị đó rồi. Ai phá nhà ta thì ta nghĩ sao? Thần, Thánh, Thổ địa, Ma, Quỷ là những người như ta, ai tu tâm dưỡng tính thì là Thiện Thánh, Thiện Thần, còn ai chưa tu thì là Ma, Quỷ, tính sân hận cũng chưa thể bỏ mà sức các vị lại lớn, nên khi các các vị bị chọc tức thì phải biết chừng.


Đức Phật trong Kinh nói về Mười Hạnh Phổ-Hiền, Ngài vì thế đã khuyên chúng ta, không quy-y các vị này, nhưng phải biết cung kính các vị, không nên gây thù chuốc oán đem họa vào mình. 


Ngày nay, người ta cúng bái các Ngài đôi ba lễ quả, con gà, nắm xôi, chén rượu rồi phá nhà các Ngài, hủy hoại cuộc sống của các vị mà nói là hết lòng lễ bái mà các Ngài không phù hộ. Vậy nói thế có công bằng không, có đạo lý không?


Chúng ta thử hỏi, chưa kể các vị có trừng phạt chúng ta hay không, nhưng việc làm dại khờ đó, chúng ta là ta đã tự phạt chính chúng ta trước tiên. Rừng cây cối bị chặt trơ trụi thì còn gì bảo vệ cho ta, mưa đến lũ ắt tràn về. Rừng phòng hộ bao năm là bức thành giữ đê nay chặt phá thì triều cường lên đê phải vỡ. Ao hồ trong thành phố lấp đi nhiều xây nhà cao tầng, làm đường vậy mưa lớn, nước chẩy đi đâu mà không lụt?


Phá đường, phá núi, ngăn sông, lấp hồ, ao ngòi đốn cây, giết thú, bắt chim là ta hủy hoại môi sinh. Gom người về một chỗ, mở rộng thành phố không quy hoạch khoa học, phá đường, hỏi sao không ách tắc giao thông, không ô nhiễm môi trường? Cho nên đó là do chính ta hại ta thôi, ta làm ta chịu, còn nếu do bàn tay Thần Thánh làm để trừng phạt thì đủ hiểu đến lúc đó tất cả đã thành đất bằng, đâu còn gì để mà mà hôm nay chúng ta than thở, oán trách nữa.


Phật và Bồ-Tát cũng các vị chư Thiên, Thần Thánh rất mực từ-bi, yêu quý chúng ta, nhìn thấy cảnh ngập lụt hôm nay rất làm thương xót. Ta là người thường nhìn thấy cản đó mà nước mắt còn lưng tròng, xót xa, huống là các các Ngài? Nhưng các Ngài không thể làm hộ chúng ta khi mà chính chúng ta cố tình tàn phá môi sinh của chính mình, tự đem búa phá nhà mình. Hãy thật bình tâm suy nghĩ lại xem có nên oán giận, đổ lỗi cho các vị không? Nếu suy nghĩ sâu xa một chút, ta sẽ thấy với oán giận ấy, trong đó đã chứa đựng những cái vô lý, bất công, là sự vu oan cho các Ngài và đặc biệt còn có cả sự vô ơn, bất kính nữa. Hãy thật cẩn thận!


“Hồi đầu là ngạn”, câu nói đó luôn là cửa miệng nhà Phật dăn dạy chúng ta, hãy quay lại sửa chữa những gì ta đã sai, làm lại cái gì ta thấy là có lỗi. Hãy nâng niu những cái dù nhỏ bé nhất như một gốc cây, một con sông nhỏ, một nhành lúa, một cành hoa.


Hãy chăm sóc bảo vệ con vật thân thiết quanh ta là con chó, con mèo, con trâu, con bò và cả những con thú trên rừng, cho đến cái lớn hơn là hãy dừng tay đừng than phá thêm môi sinh vốn đã kiệt quệ quanh ta, hãy làm tất cả để nó hồi sinh.


Lại nữa, ăn năn hối lỗi, trồng lại rừng, xây lại chùa chiền, đền miếu ngàn xưa, nạo vét làm sách sông hồ v.v…đó là việc rất đáng làm là ta tự cứu ta, trước khi chờ các Ngài giúp đỡ.


Mấy lời tâm sự trên đây, xin các vị gần xa thấu tỏ.


Nam mô A-Di Đà Phật


Hà-lan, ngày 15 tháng 11 năm 2008.