Trang chủ PGVN Cửa thiền Dưới tán bồ đề

Dưới tán bồ đề

72

 Ngôi chùa mà chúng tôi đề cập là chùa Bồ Đề Đạo Tràng – người dân địa phương quen gọi là chùa Thầy Thỏ – mái ấm của hơn 30 em nhỏ mổ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa, sống nương nhờ vào cửa Phật dưới sự dạy bảo tận tình của các sư cô.

Tình thương nơi cửa Phật

Ngôi chùa có một vị trí khá đặc biệt. Nó nằm lọt thỏm giữa các nhà máy, xí nghiệp trong vùng – nơi tập trung rất nhiều công nhân và đa phần là dân nhập cư. Vào một ngày trong năm 2004, nhà chùa thấy có đứa bé bị bỏ rơi trước cổng. Lúc ấy các sư cô không khỏi bất ngờ và lo lắng, không biết mình có đảm đương nổi việc chăm sóc trẻ nhỏ không ?

“Ban đầu có một số người dân ngỏ lời đề nghị xin đứa bé về nuôi nhưng chúng tôi suy nghĩ mãi. Nếu làm vậy thì chằng khác nào chính chúng tôi lại là người bỏ rơi đứa trẻ một lần nữa chăng? Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ giữ trẻ lại để nuôi nấng”, sư cô trụ trì Thích Nữ Từ Thảo nhớ lại. Rồi từ đó, chùa lại tiếp tục nhận được đứa bé thứ hai, thứ ba, thứ tư… bị bỏ rơi.

Ban đầu việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh hết sức khó khăn vì tất cả các sư cô đều xuất gia từ nhỏ nên không hề có chút kinh nghiệm nuôi trẻ. Thấy vậy, sư cô Thích Nữ Từ Thảo đã gặp gỡ một số phật tử và phụ nữ ở địa phương hỏi chuyện nuôi dạy trẻ nhỏ. “Lúc đầu nghe tôi hỏi, không ít người nhìn chúng tôi với con mắt dò xét, nghi ngờ. Nhưng khi họ hiểu ra chuyện, hằng tháng họ còn đem sữa cho các bé ở đây nữa”, sư cô tâm sự.

Đến nay, hầu hết các sư cô ở đây đều hiểu cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Bằng tình thương, lòng nhân ái cùng với sự quyết tâm kiên trì nhẫn nại của tập thể sư cô trong chùa mà mọi khó khăn cũng qua và dần trở nên quen thuộc với công việc nuôi dạy trẻ.
Mái ấm đời người

Đa phần các bé ở đây đều có độ tuổi còn rất nhỏ. Cháu lớn nhất 6 tuổi, còn cháu nhỏ nhất thì chưa đầy một tháng. Tất cả các bé được nhà chùa đứng ra làm giấy khai sinh và kiêm luôn việc đứng tên người nuôi dưỡng. Không những vậy, các sư cô còn đặt tên cho từng bé, với những cái tên đầy ý nghĩa như Trí Thiện, Thảo Đoan, Hoài Nhân, Trí Đức… Sư cô chia sẻ: “Phải làm giấy tờ cho đàng hoàng để sau này tụi nhỏ còn đến trường và được học hành tử tế với người ta. Có như thế chúng tôi mới thật sự yên lòng…”.

Đáng thương nhất ở mái ấm này có lẽ là trường hợp của bé Thảo Đoan. Năm nay bé được 4 tuổi nhưng thân hình thì xanh xao ốm yếu, bởi sự hoành hành của căn bệnh tủy bẩm sinh. Hiện nay, tháng nào cũng như tháng nào, nhà chùa phải đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM để vô máu. Chi phí mỗi lần điều trị như vậy tốn hơn 1 triệu đống. Dù biết bé khó qua khỏi nhưng sư cô vẫn kiên trì với quyết tâm kéo dài cuộc sống mỏng manh của bé .

Vào tháng 10-2007, “Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người già cô đơn Bồ Đề” chính thức được thành lập. Theo thời gian, số lượng bé ngày một tăng, vào thời điềm chúng tôi đến đã có hơn 30 bé được nhà chùa nhận nuôi dưỡng.

Nhìn những đôi mắt hồn nhiên ngây thơ, những tiếng nói cười rộn rã của các bé, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Hy vọng rồi đây các bé sẽ có được một cuộc sống tốt hơn.

Đối với các cô, khó khăn nhất hiện nay là nguồn sữa cho các cháu. Hiện nay, hằng tháng nhà chùa phải chi gần 50 triệu đồng để lo cho các cháu. Ngoài số tiền hỗ trợ từ phật tử, các nhà hảo tâm… các sư cô phải làm thêm nhiều việc như làm bao bì giấy, đèn cầy, nhang, chuỗi hạt… để kiếm thêm một phần nào chi phí nuôi dưỡng các bé.
 
Theo: Sài Gòn Giải Phóng