Trang chủ Thời đại Giáo dục Giáo dục nhân cách trong giáo dục Phật giáo

Giáo dục nhân cách trong giáo dục Phật giáo

149

Con người ngũ uẩn


Ngũ uẩn gồm sắc (vật chất, hình tướng), thọ (cảm nhận, cảm giác khi tiếp xúc với các sự vật, đối tượng), tưởng (suy nghĩ, so sánh, đối chiếu), hành (vận động, hành động của thân, miệng, ý), thức (cái biết do các quan năng mang lại). Con người theo Phật giáo là tập hợp của 5 thành tố trên, ngoài ra không có gì khác. Tập hợp là một từ bao hàm trong nó ý nghĩa hữu vi, bị điều kiện hay bị chi phối bởi nhân duyên. Mỗi một thành tố tự nó cũng là do nhân duyên, tức là không có cái sắc nào tự đứng một mình, không có cái thọ nào, tưởng nào, hành nào, thức nào tự thành lập mà không có sự hiện diện, hỗ trợ của các thành tố khác. Tóm lại, tất cả các thành tố và tập hợp các thành tố đều do nhân duyên, như vật lý duyên khởi là yếu tính của sự thành lập ngũ uẩn. Và đã như vậy thì tập hợp ngũ uẩn hay con người xét cho cùng không thể hàm chứa một ngã tính nào cả. Không có ngã tính, không có ngã thì cái gọi là nhân cách con người chỉ là cách nói tạm thời, quy ước mà thôi.


Nhân cách


Bản chất tối hậu của con người là vô ngã, nhưng vì con người là con người của cõi hữu vi, mọi người đều có tâm lý, thái độ, hành xử, tư duy… giống và khác với những người khác nên chúng ta phân biệt nhân cách người nói chung và nhân cách của một người nói riêng.


Con người là một tập hợp duyên khởi, cụ thể là tập hợp ngũ uẩn, tức là một sự khổ theo quan điểm của đạo Phật. Con người tự nhận mình có ngã là do thói quen từ vô thỉ, thói quen chấp trước, phân biệt, cho rằng cái tập hợp ngũ uẩn là ngã. Cái thức (A lại da) mang các chủng tử được huân tập từ bao đời kiếp được nhận là một ngã linh hồn. Hoàn cảnh chung của cái sức sống tương tục, hay nói khác đi, là nghiệp hay nghiệp lực của thế giới này (hay cộng nghiệp) khiến người ta có những thái độ hành xử, tư duy giống nhau như đau buồn trước sự mất mát, giận dỗi khi bị xúc phạm, vui mừng khi được xứng ý. Như vậy, nghiệp đã tạo ra nhân cách, hay nói khác đi, nhân cách của một người chính là nghiệp của người ấy.


Phật giáo chấp nhận khá nhiều học thuyết về tâm lý, về nhân cách của các triết gia, các nhà khoa học hiện đại nhưng điều đặc biệt là Phật giáo còn đi sâu hơn những học thuyết ấy trong việc xem các bản năng, dục tính, ngã, siêu ngã, tiềm thức có gốc gác trong những đời trước. Trong khi bàn về nguyên nhân của nhân cách trong Phật giáo, người ta phải đụng chạm đến 12 chi phần duyên khởi, 5 thành tố ngũ uẩn, 3 tính chất căn bản của nhân cách là: tham, sân, si.


Tham, sân, si là biểu hiện của tự ngã sai lầm, của cái giả ngã khổ đau nhưng lý Duyên khởi cho ta biết rằng ngã vốn không, cho nên cái tính không vẫn là bản chất của nó. Mặt khác, vô tham, vô sân, vô si là biểu hiện của cái vô ngã. Đây là hai mặt của một nhân cách. Do hai mặt này, nhân cách không thiện và nhân cách thiện đều có mặt trong cùng một cá nhân. Thiện và không thiện là hai đặc tính của nhân cách: có gây trở ngại cho cá nhân và cho người khác hay không. Như vậy, thiện hay ác là tính chất của mọi thái độ, cảm xúc, hành động, tâm lý và tư duy của con người nói chung.


Phật giáo với lý thuyết về A lại da còn quan niệm về nhân cách thứ ba là vô ký (không thiện không ác). Điều này rất quan trọng đối với giáo dục nhân cách, chúng ta sẽ bàn tiếp sau này.


Nhưng đối với một cá nhân là đối tượng của giáo dục thì nhân cách riêng của cá nhân ấy mới thực sự quan trọng. “Bá dân bá tánh” (trăm người trăm tánh) hẳn rất đúng trong ý nghĩa rằng mỗi người có một nhân cách riêng, không có hai nhân cách hoàn toàn giống nhau.


Tại sao như vậy?


Ta hãy trở lại tập hợp ngũ uẩn. Do tập khí từ các đời quá khứ và đặc biệt do hoàn cảnh nhân duyên hiện tại, trong đó yếu tố quan trọng nhất là giáo dục mà chức năng vận hành của từng thành tố và “cấu trúc” 5 thành tố của mỗi người không giống nhau. Việc không giống nhau của 5 uẩn này khiến cho mỗi người có một nhân cách riêng.


Việc phân loại nhân cách dựa vào trắc nghiệm tâm lý, thái độ là hết sức cần thiết cho giáo dục nói chung và việc phân tích cho được nguyên nhân của một loại hình nhân cách là rất cần thiết cho việc giáo dục nhân cách.


Giáo dục nhân cách


Nhân cách, nói cho đến chỗ tuyệt đối, tối hậu là vô ngã. Giáo dục nhân cách là làm sao chuyển cái giả ngã thành ra vô ngã.


Cái giả ngã, cái ta hay nhân cách mà một người tự ý thức về mình là cái không thật, cái gây đau khổ. Cái gọi là “ta” chỉ là do duyên khởi do tập hợp 5 uẩn mà tạo thành.


Theo Pháp tướng Duy thức học, cái chấp ngã là chức năng của Mạt na, Mạt na nhìn vào A lại da mà cho rằng A lại da là ngã, là ta. Vậy, “ngã” được hình thành do nội dung mà A lại da chứa đựng và sự chấp ngã của Mạt na. Để tiến đến vô ngã, một người phải phá bỏ chấp trước và mặt khác không làm phong phú nội dung ngã của A lại da bằng cách điều phục thân, khẩu, ý trong hành động, đồng thời tạo thêm và phát triển các chủng tử thiện, hạn chế sự hiện hành của các chủng tử ác. Để đạt mục tiêu ấy, thiền định là phương pháp tốt nhất. Thiền định giúp ta buông bỏ phân biệt, chấp trước, phát triển trí tuệ để nhìn rõ nguyên nhân của khổ đau.


Giáo dục Phật giáo giúp con người phát triển trí tuệ để thấy rõ ngũ uẩn là không, là vô ngã. Phật giáo đề cao 6 Ba la mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Chính việc thực hành lục Ba la mật là một phương pháp rèn luyện nhân cách tuyệt vời, là phương cách trị liệu hữu hiệu nhất đối với những bệnh nhân cách (personality disease) mà các nhà phân tích nhân cách hiện đại đã phân tích và tìm cách chữa trị.


Ngoài ra, nhờ việc phân tích ngũ uẩn và áp dụng giáo lý Duyên khởi mà giáo dục nhân cách của Phật giáo có thể xếp loại nhân cách và phương pháp giáo dục, trị liệu cho từng nhân cách: Người có dục tham nặng thì cần tu tập quán vô thường, vô ngã và thực hành bố thí. Người nặng sân hận thì cần thực hành tứ vô lượng tâm v.v…


Như vậy, cái nhân cách tốt đẹp nhất là cái nhân cách vô ngã. Nhân cách càng gần với vô ngã thì càng tạo hạnh phúc cho cá nhân mang nhân cách ấy và góp phần tạo hạnh phúc cho những người chung quanh.


Mọi khổ đau đều là những thể hiện của tham, sân và si. Ngã chấp là động cơ vận hành của tam độc này. Càng vô ngã thì càng được giải thoát, tức càng ít khổ đau. Sự thật này là kinh nghiệm sống hàng ngày mà người ta lại không để ý đến. Giáo dục phải nhắc nhở cho người ta, phải khuyến khích người ta thực hiện vô ngã. Như thế, nói một cách khác, giáo dục, nhất là giáo dục nhân cách, phải xem vô ngã là mục đích tối hậu.


Những trường hợp bất thường về nhân cách mà các nhà chuyên môn gọi là bệnh nhân cách chính là bệnh chấp ngã, chấp ngã trong các lĩnh vực khác nhau về ý nghĩ, về tâm lý, về ứng xử, hành động. Giáo dục Phật giáo có thể điều chỉnh, chữa trị những trường hợp bất thường ấy. Con đường vô ngã chính là con đường của giáo dục Phật giáo vậy.