Trang chủ PGVN GHPGVN Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát huy truyền...

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa và phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc của PGVN

103

Từ khi nước nhà được độc lập, thống nhất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập (7//11/1981 – 2006) đến nay đã tròn 25 năm. 25 năm đối với lịch sử du nhập và truyền bá của Phật giáo Việt Nam là một chặng đường không dài nếu không nói là rất ngắn. Nếu nhìn một cách toàn diện và khách quan về tất cả mọi phương diện mà Phật giáo đã đóng góp cho đạo pháp và dân tộc Việt Nam từ trước đến nay, thì quá trình hình thành và phát triển cũng như những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 25 năm qua rõ ràng còn hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử có những nhận định về sự đóng góp khác nhau, nhất là trong thế kỷ 20 và 21. Một giai đoạn mà khoa học kỹ thuật được đề cao, thì những quan niệm về những đóng góp chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với đạo pháp và dân tộc phải được nhìn trong chiều hướng tích cực. Kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cột mốc để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua để rồi có bước chuẩn bị tốt hơn cho những bước đi sắp đến.
Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị Sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai xin nêu lên một vài suy nghĩ của mình về Phật giáo Việt Nam hiện nay và tương lai. Mong rằng đây là những nguyện vọng chung của Tăng Ni, Phật tử góp phần cho công cuộc hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

1. Đào Tạo Tăng Ni:
Trong những năm qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển về mọi mặt khá đồng bộ, đối với hệ thống giáo dục, đào tạo Tăng tài của Giáo hội, trường lớp từ Sơ cấp đến Cao đẳng và Học viện tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhhiên, để ổn định và phát triển lâu dài trong tương lai, chúng tôi thiết nghĩ Giáo hội cần phải tổ chức môi trường tu học khép kín, cần tiến đến tổ chức nội trú cho Tăng Ni sinh ở mọi cấp học, như một số tỉnh đã làm, để thuận lợi trong giáo dục và quản lý. Theo đó, nền giáo dục của chúng ta phải có định hướng đào tạo những tu sĩ đúng nghĩa và không thiên về học vị bằng cấp, do đó chúng ta không cần thiết đòi hỏi bằng cấp Phật giáo phải được xã hội công nhận. Làm thế nào, mỗi tu sĩ đào tạo ra có đầy đủ đạo hạnh, có đời sống nội tâm vững chãi, an lạc thực sự, có trãi nghiệm, có thực học thực tu, để giúp đạo, giúp đời. Đó là những yếu tố cần thiết mà xã hội, quần chúng cần đến đạo Phật.

2. Trẻ Hóa hàng ngũ Lãnh đạo Giáo hội:
Trẻ hóa ở đây có hai nghĩa: Trẻ hóa về mặt tư tưởng và trẻ hóa về con người. Phật pháp bất ly thế gian pháp, các tổ chức xã hội đang trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo để bắt kịp và đáp ứng nhu cầu thời đại, nhất là khuynh hướng hội nhập hiện nay với nền công nghệ tiên tiến đang phát triển nhanh chóng làm thay đổi thế giới từng ngày, người lãnh đạo phải có cái nhìn toàn diện trong chiều hướng mới để lãnh đạo đất nước đúng hướng, phát triển và hội nhập quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không như một tổ chức xã hội, nhưng không thể tách rời xu hướng này nếu muốn đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Chúng tôi thiết nghĩ, đã đến lúc Giáo hội cần phải trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, lẽ dĩ nhiên sự trẻ hóa này cần có lộ trình, cần phải có thời gian. Trẻ hóa hàng ngũ lãnh đạo chính là thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đối với thế hệ Tăng Ni trẻ có đạo đức, có uy tí, có năng lực từng bước cơ cấu vào hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội các cấp để tránh trình trạng một người kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Được như vậy mới kết hợp một cách hài hoà giữa các vị đạo cao đức trọng với lớp Tăng Ni trẻ năng động, nhiệt huyết giúp cho hoạt động của Giáo hội chuyển động với nhiều khởi sắc hơn, đáp ứng kỳ vọng của Tăng Ni, Phật tử vào Giáo hội trong thời đại mới.

3. Tăng Cường Giáo Quyền:
Đây là một vấn đề lớn và quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong khuôn khổ hội thảo này, chúng tôi muốn nêu lên vấn đề để chúng ta cùng chia xẻ. Mọi tổ chức đều cần phải có quyền lực nhất định để duy trì và phát triển hoạt động của tổ chức. Nếu một tổ chức không có quyền lực thật sự thì hiệu quả thi hành sẽ không cao nếu không nói là bế tắc. Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam vấn đề giáo quyền đã được đặt ra từ lâu, nhưng hiệu quả thực thi còn quá hạn chế. Do vậy, chúng tôi nghĩ rằng: nêu lên vấn đề giáo quyền lúc này là hết sức cần thiết, nếu giáo quyền được các cấp Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử áp dụng một cách nghiêm chỉnh thì mọi hoạt động của Giáo hội sẽ được triển khai và đạt được kết quả tốt hơn.
Ví dụ: Giáo hội muốn thực hiện chủ trương thống nhất trang phục, màu sắc Tăng Ni trong cả nước theo từng Tông phái, hoặc để cân đối, điều động Tăng Ni trong cả nước, phân bổ, điều hòa Tăng Ni cho các vùng, miền, tránh những nơi có quá nhiều tu sĩ và những nơi thiếu hình bóng tu sĩ… Các điều này khó thực hiện được nếu giáo quyền của Giáo hội không đủ mạnh. Do vậy chúng tôi thiết nghĩ cần phải thiết lập những định chế, những văn bản pháp quy, tăng cường quyền lực Giáo hội, giúp cho Giáo hội có đầy đủ quyền lực thực hiện chức năng lãnh đạo của mình.

4. Vấn đề truyền bá Phật pháp đến vùng sâu vùng xa:
Nói đến truyền bá Phật pháp đến vùng sâu vùng xa, mọi người đều liên tưởng đến đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở nơi đó, điều này không phải bây giờ mới được đề cập đến mà trước năm 1975 Giáo hội cũng đã có sự quan tâm đến.
Gia lai là một trong những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, kể cả dân tộc bản địa và mới di cư đến gần đây. Đối với một số các tỉnh khác từ lâu đã có đồng bào các dân tộc thiểu số từ lâu sinh hoạt tại các chùa, tịnh xá. Riêng tại Gia Lai vài năm trước đây cũng có một vài chùa đã có một số ít đồng bào về sinh hoạt nhưng còn gặp trở ngại nên không còn sinh hoạt nữa. Như vậy, Gia Lai hiện nay không có đồng bào dân tộc sinh hoạt tôn giáo tại các đơn vị cơ sở.
Chúng tôi đề nghị Trung ương Giáo hội có chủ trương, kế hoạch lập một Ban hoặc bộ phận chuyên trách về việc truyền bá Phật pháp đến đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng thời mời các tỉnh có kinh nghiệm trong công tác này phổ biến kinh nghiệm cho các tỉnh khác. Tuyển dịch một số kinh, sách giáo lý cơ bản, sách truyện Phật giáo… sang tiếng dân tộc để làm tài liệu cơ bản cho công tác này. Được như vậy mới từng bước đưa đạo Phật đến với đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chân thành cảm ơn chư Tôn Đức cùng quý vị