Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Hai mặt của thực tại (Phần 2 – Tiếp theo và hết)

Hai mặt của thực tại (Phần 2 – Tiếp theo và hết)

83

 Lá Cờ Rỗng Không 

Có lần Sư đọc một quyển sách về Thiền Tông. Quý Sư biết rằng trong pháp hành của tông phái nầy, vị Thiền Sư không giảng giải dông dài. Thí dụ như trong thời thiền tọa mà một thiền sinh ngủ gục, vị Thầy cầm thiền trượng trong tay đi ngang qua và "Quắc!", cây trượng đập ngay vào lưng. Người thiền sinh lầm lỗi bị đập liền cảm tạ Thầy để bày tỏ lòng tri ân sâu xa của mình. Trong pháp hành thiền nầy thiền sinh được dạy phải biết ơn tất cả những gì tạo cho mình những cảm giác khả dĩ là cơ hội để phát triển.
 
Ngày kia một nhóm tỳ khưu tụ hội trong giảng đường. Ngoài sân chùa một lá cờ bay phất phới trước gió, làm đầu đề bàn thảo giữa hai nhà sư: Vì sao lá cờ thật sự bay phất phơ trong gió. Một thầy cho rằng vì gió. Thầy kia cãi lại, nói là vì cờ. Hai thầy tranh luận, cố bênh vực quan kiến hẹp hòi của mình và không thể đồng ý với nhau. Cứ thế họ có thể bàn cãi đến chết.
 
Nhưng vị Thiền Sư can thiệp và dạy: "Cả hai chúng con đều sai. Lối hiểu biết đúng là không có cờ, và không có gió".
 
Ðó là pháp hành. Ta thực hành không phải để được bất cứ gì, không phải để có cờ, và không phải để có gió. Nếu có một lá cờ ắt có một luồng gió, nếu có một ngọn gió ắt có một lá cờ.
 
Quý Sư phải quán tưởng và suy niệm tận tường cho đến khi cái thấy của mình điều hợp, đúng theo Chân Lý. Quán suy cặn kẽ sẽ thấy rằng không có gì còn lại. Nó là rỗng không — hư vô. Rỗng không, không có cờ. Rỗng không, không có gió. Trong Hư Vô to lớn không có cờ và không có gió. Không sanh, không già, không bệnh, không chết. Sự hiểu biết có tính chất quy ước của chúng ta về lá cờ và ngọn gió chỉ là khái niệm. Trong thực tế không có gì. Thế thôi! Không có gì khác hơn là nhãn hiệu rỗng không.
 
Nếu thực hành theo đường lối nầy chúng ta sẽ đạt đến mức độ có thể thấy trọn vẹn toàn bộ, và tất cả những vấn đề khó khăn của chúng ta sẽ chấm dứt. Trong cái Hư Vô to lớn ấy Thần Chết không bao giờ tìm thấy ta; không có gì để lão, bệnh, tử, bám đeo dính theo. Khi chúng ta thấy và hiểu biết điều hòa, hợp đúng với Chân Lý — tức có chánh kiến — thì chỉ còn trạng thái rỗng không to lớn. Ðây là nơi mà không còn "chúng ta", không còn "chúng nó", không còn "tự ngã", không có gì hết.
 
Khu Rừng Giác Quan
 
Thế gian và đường lối vô cùng tận của thế gian triền miên diễn tiến. Nếu chúng ta cố tìm hiểu nó, công phu ấy chỉ đưa ta đến hỗn loạn và rối trí. Tuy nhiên, nếu ta sáng suốt quán chiếu thế gian một cách rõ ràng thì trí tuệ thật sự phát sanh. Chính Ðức Phật đã thấu hiểu đường lối của thế gian. Ngài có khả năng điều ngự và hướng dẫn rộng lớn vô biên vì kiến thức về trần thế của Ngài rất dồi dào phong phú. Xuyên qua giai đoạn chuyển tánh, từ trí thông minh sáng suốt tại thế có tính cách phàm tục, Ngài đã thấm nhuần, ăn sâu vào và đạt đến trí tuệ siêu thế, phi trần tục, và sự biến đổi nầy làm cho Ngài là Vô Thượng Sĩ, bậc thượng sĩ không ai sánh bằng.
 
Như vậy, nếu hành trì đúng theo Giáo Huấn của Ðức Phật, hướng tâm quán chiếu trở lại vào bên trong chính mình, ta sẽ tiến đạt đến một mức độ hiểu biết hoàn toàn mới mẻ. Khi ta thấy một vật, không có vật gì. Khi ta nghe một âm thanh, không có tiếng động nào. Trong khi hửi ta có thể nói là không có mùi. Tất cả những giác quan hiển nhiên là có hiện hữu, nhưng tất cả đều là không, không chứa đựng gì là ổn định. Nó chỉ là những tri giác, phát sanh rồi hoại diệt, sanh rồi diệt.
 
Nếu ta thấu hiểu sự vật đúng với thực tại thì giác quan không có gì là thực chất mà chỉ là những tri giác, đến rồi đi. Trong thực tế không có "một cái gì". Nếu không có "một cái gì" tức nhiên không có "chúng ta" và "chúng nó". Nếu không có "chúng ta" xem như một con người, ắt không có gì "của ta". Ðó là phương cách để chấm dứt đau khổ. Không có bất luận ai để thâu nhận sự khổ thì ai đau khổ?
 
Khi đau khổ phát sanh, ta bám níu vào trạng thái đau khổ và do đó, phải thật sự chịu đau khổ. Cùng thế ấy, khi hạnh phúc phát sanh ta bám níu vào hạnh phúc và do đó, chứng nghiệm lạc thú. Bám níu vào những cảm giác như vậy làm khơi dậy khái niệm về "một cái ta", về "tự ngã" và những tư tưởng về "chúng ta", "chúng nó" liên tục phát hiện. Ðây là đầu dây mối nhợ cho tất cả, bắt đầu mang ta đi trong một vòng lẩn quẩn vô cùng tận.
 
Do vậy, chúng ta đến đây hành thiền và sống điều hòa, hợp theo Giáo Pháp. Chúng ta ly gia cắt ái, xa lìa nhà cửa để sống giữa rừng, tâm đượm nhuần trạng thái thanh bình. Chúng ta ra đi để sống an lạc với chúng ta chớ không phải vì sợ sệt, cũng không phải là đào tẩu. Tuy nhiên, có người vào rừng sống rồi lại bám níu vào cảnh rừng núi, đâm ra luyến ái cuộc sống trong rừng; giống như người quen sống ở thành thị bám níu vào cuộc sống đô thị. Họ lạc lối trong rừng và họ lạc lối trong thành phố.
 
Ðức Phật ca ngợi cuộc sống giữa rừng sâu bởi vì trạng thái đơn độc của thân và tâm thích hợp thuận lợi cho pháp hành nhằm giải thoát. Nhưng Ngài không muốn cho ta phải tùy thuộc vào lối sống trong rừng hay phải dính mắc, kẹt cứng trong trạng thái vắng lặng thanh bình. Chúng ta đến đây thực hành để khai triển trí tuệ. Nơi đây, giữa rừng sâu, ta có thể gieo trồng và vun quén đắp bồi hột giống trí tuệ.
 
Sống trong cảnh hỗn loạn và phiền nhiễu, những hột giống ấy khó mà sanh sôi nảy nở, nhưng một khi đã học làm quen với lối sống trong rừng ta có thể trở lại sống an vui với thành phố, cùng với tất cả những khuấy động của chốn phồn hoa đô thị. Học sống trong rừng có nghĩa là khơi động, phát triển, làm cho trí tuệ tăng trưởng. Trí tuệ ấy, ta có thể áp dụng vào bất cứ nơi nào.
 
Khi giác quan của chúng ta bị khuấy động ta bị kích thích, bồn chồn, và giác quan trở thành kẻ thù nghịch. Nó thù nghịch với ta bởi vì chúng ta còn điên cuồng. Chúng ta không có trí tuệ để đối phó với nó. Ðúng ra nó là thầy của ta, nhưng vì ta còn si mê nên không thấy như vậy. Ta quen sống trong thành phố và không bao giờ nghĩ rằng giác quan của mình có thể dạy mình. Ngày nào mà trí tuệ chưa thật sự phát sanh chúng ta vẫn còn thấy giác quan và những đối tượng của nó (tức lục căn và lục trần) là kẻ thù. Một khi trí tuệ phát hiện, lục căn và trần cảnh không còn là thù nghịch nữa mà trở thành con đường chính, đưa ta vào tuệ minh sát và Chánh Kiến.
 
Một thí dụ hiển hiện là mấy con gà rừng ở quanh đây. Tất cả quý vị đều biết rằng gà rừng rất sợ người ta. Vậy mà từ ngày Sư về đây, ở trong rừng nầy Sư có thể dạy chúng nó học và Sư cũng học của chúng nữa. Lần nọ Sư rải lúa cho chúng nó ăn. Thoạt tiên chúng nó rất nhút nhát và không dám đến gần mấy hột lúa. Tuy nhiên, sau một thời gian, chúng nó quen đến tìm ăn và còn trông chờ Sư cho ăn là khác. Quý Sư thấy không? Có một vài điều ở đây mà ta có thể học hỏi. Lúc ban đầu mấy con gà rừng e sợ vì nhận thấy có sự hiểm nguy trong những hột lúa, chúng xem lúa là kẻ thù. Trong thực tế, không có hiểm họa trong lúa, nhưng chúng nó không biết rằng lúa chỉ là vật thực, và chúng nó sợ. Khi cuối cùng, tự mình thấy rằng không có gì phải sợ, chúng có thể đến ăn mà không có gì hại.
 
Những con gà rừng học hỏi như vậy một cách tự nhiên. Sống ở đây, trong khu rừng này, ta cũng học hỏi cùng một thế ấy. Lúc ban sơ, ta nghĩ rằng giác quan của ta là vấn đề tạo khó khăn, và bởi vì không biết xử dụng nó một cách thích nghi nên ta gặp rất nhiều phiền toái. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm của pháp hành, ta học được lối nhìn chúng nó thích ứng với Chân Lý. Chúng ta học cách xử dụng giác quan giống như mấy con gà xử dụng hột lúa. Chừng đó giác quan không còn là thù nghịch với ta nữa, và bao nhiêu vấn đề khó khăn đều tan biến.
 
Giờ phút nào mà chúng ta còn suy tư, quán xét, và hiểu biết lầm lạc thì những sự vật ấy còn là thù nghịch với ta. Nhưng khi ta bắt đầu quán xét chân chánh thì những gì kinh nghiệm sẽ đưa ta đến trí tuệ và hiểu biết chân chánh — giống như mấy con gà cuối cùng hiểu biết chân chánh. Theo đường lối nầy ta có thể nói rằng mấy con gà thực hành "thiền minh sát". Chúng nó hiểu biết thích ứng với Chân Lý, đó là tuệ minh sát của chúng.
 
Trong pháp hành nầy lục căn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, là những công cụ mà nếu xử dụng thích nghi, sẽ soi sáng Giáo Pháp cho chúng ta. Ðó là điều mà tất cả những ai hành thiền phải quán niệm. Nếu không nhận thức rõ ràng, chúng ta vẫn còn sống mãi trong tình trạng mâu thuẫn và xung đột.
 
Như vậy, đã sống trong cảnh tĩnh mịch của rừng thiêng chúng ta nên tiếp tục phát triển những cảm giác vi tế và chuẩn bị dọn đất nhằm canh tác trí tuệ. Quý Sư đừng nghĩ rằng mình đã thâu hoạch một vài trạng thái tâm thanh bình an lạc giữa khu rừng vắng, và như thế là đủ. Chớ nên yên trí ngừng nghỉ chỉ vì đã hưởng được bao nhiêu đó! Quý Sư hãy ghi nhớ nằm lòng rằng chúng ta đến đây để gieo trồng và vun quén hột giống trí tuệ.
 
Khi trí tuệ chín mùi và chúng ta bắt đầu hiểu biết thích ứng với Chân Lý, ta sẽ không còn bị lôi kéo lên xuống nữa. Thông thường, khi vui ta xử sự khác và khi buồn chúng ta có một lối cư xử khác. Ưa thích, chúng ta phấn khởi, lên tinh thần. Ghét bỏ, chúng ta bực dọc, buồn phiền, giảm suy ý chí. Theo cung cách ấy chúng ta vẫn còn xung đột với kẻ thù.
 
Khi sự vật không còn đối nghịch với ta nó sẽ trở thành ổn định và quân bình. Sẽ không còn lên xuống hoặc thấp cao. Chúng ta thấu triệt những sự vật của thế gian và hiểu biết rằng đường lối của chúng là vậy. Nó chỉ là thế gian pháp (atthalokadhamma, tám pháp thế gian: được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ).
 
"Thế gian pháp" biến thành "Con Ðường" — tức Bát Chánh Ðạo. "Thế gian pháp" có tám. "Con Ðường" có tám. Nơi nào có "thế gian pháp" cũng có "Con Ðường". Khi chúng ta sống một cách sáng suốt rõ ràng tất cả những kinh nghiệm tại thế của ta trở thành pháp hành "Bát Chánh Ðạo". Nếu không sáng suốt rõ ràng, "thế gian pháp" sẽ lấn áp trội lên và chúng ta tách rời, lìa xa "Con Ðường". Khi Chánh Kiến phát sanh, trạng thái giải thoát ra khỏi mọi đau khổ hiện khởi ngay tại đây, trước mắt ta. Quý Sư sẽ không tìm được giải thoát bằng cách chạy rong chạy rỗi nhìn quanh nơi nào khác!
 
Như vậy không nên gấp rút và quá sức cố gắng hoặc thực hành hấp tấp. Hãy để cho công phu hành thiền của mình diễn tiến thong thả, nhẹ nhàng, và đều đặn tiến dần từ bước một. Còn về trạng thái an lạc, nếu cảm nghe an lạc, hãy chấp nhận như vậy. Ðó là bản chất của tâm. Phải tìm pháp hành của ta và kiên trì giữ vững.
 
Có thể trí tuệ không phát sanh! Trước kia Sư thường suy tư về pháp hành, và khi trí tuệ không phát sanh Sư cố ép cho nó đến. Nhưng làm như vậy không có kết quả, không có gì thay đổi. Lúc ấy, sau khi thận trọng suy xét, Sư nhận thức rằng không thể quán chiếu cái gì mà chính mình không có. Vậy thì tốt hơn phải làm thế nào? Tốt hơn hết, chỉ thản nhiên chăm chú hành thiền, hành thiền với tâm xả. Nếu không có gì làm cho ta lo âu thì không có gì để ta cứu chữa. Nếu không có vấn đề thì không có gì để ta cố gắng giải quyết. Khi có vấn đề, đó chính là lúc mà ta phải giải quyết, ngay vào lúc ấy!
 
Không cần phải đi đâu tìm kiếm cái gì đặc biệt, chỉ sống bình thường, nhưng hiểu biết tâm ta ở đâu! Sống với Chánh Niệm và hiểu biết rõ ràng. Hãy để cho trí tuệ hướng dẫn ta, không nên dể duôi chểnh mảng, hờ hững lăn trôi theo những cơn buồn vui tùy hứng. Hãy chuyên cần và giác tỉnh!
 
Nếu không có gì. Tốt! Khi có gì xảy diễn, hãy quán chiếu và suy niệm.
 
Nhập Vào Trung Tâm
 
Ta thử quan sát con nhện. Nhện giăng tơ, làm thành một màng lưới, rồi ngồi lại ở giữa, im lìm, bất động. Sau đó, một con ruồi bay đến, đáp lên, và mắc vào lưới nhện. Vừa khi ruồi đụng đến và làm rung chuyển lưới thì "phụp!" nhện phóng nhanh tới và quấn chặt. Ruồi bị giữ lại đó. Nhện quay về trung tâm màng lưới, thâu mình vào, im lặng. Quan sát một con nhện như vậy có thể khai triển trí tuệ. Hệ thống giác quan của ta có cái tâm ở giữa và mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý bao quanh. Khi một giác quan bị khơi động, thí dụ như có hình thể tiếp xúc với mắt, thì nó rung động và chạy đến tâm. Tâm là cái gì hay biết — ở đây là biết hình thể. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm cho trí tuệ phát sanh. Giản dị như vậy!
 
Giống như con nhện trên màng lưới của nó, ta phải giữ mình, thu thúc lục căn. Vừa khi nhện hay biết có ruồi chạm vào lưới, tức thì nó nhanh chóng phóng tới chụp và quấn chặt, rồi quay về trung tâm trở lại. Không có gì khác biệt với tâm ta. "Nhập vào trung tâm" có nghĩa là sống với Chánh Niệm, ghi nhận và hay biết rõ ràng, luôn luôn giác tỉnh, làm tất cả mọi việc một cách thỏa đáng và chính xác — đó là trung tâm của chúng ta. Thật sự không phải làm gì nhiều, chỉ thận trọng sống như vậy. Nhưng nói thế không có nghĩa là chúng ta sống buông lung, không chuyên cần, nghĩ rằng, "không cần thiền tọa hoặc thiền hành", hay quên đi, gác qua một bên pháp hành. Chúng ta không thể bất cẩn. Phải thận trọng, luôn luôn giác tỉnh, y như con nhện đứng rình để chụp ruồi làm vật thực.
 
Ðó là tất cả những gì ta cần phải biết: ngồi lại và suy niệm về con nhện. Chỉ làm thế thôi, trí tuệ có thể tự nhiên phát hiện. Tâm ta giống như con nhện. Những cảm tưởng giống như ruồi, muỗi và những loại côn trùng khác nhau. Tất cả chỉ có bấy nhiêu! Giác quan bao trùm và luôn luôn khơi động tâm. Khi một giác quan tiếp xúc với đối tượng, nó lập tức chạy đến tâm. Tâm quán chiếu, suy xét tận tường rồi nhập trở lại vào trung tâm. Ta sống an trú như vậy — giác tỉnh, hành động chính xác và luôn luôn giữ chánh niệm, hay biết với trí tuệ. Chỉ bấy nhiêu, và pháp hành của ta hoàn thành viên mãn.
 
Ðiểm nầy rất quan trọng. Chúng ta không nhất thiết phải ngồi thiền suốt ngày suốt đêm, hay là phải đi kinh hành suốt đêm suốt ngày. Nếu quan niệm pháp hành là vậy ta thật sự tạo khó khăn cho mình. Phải làm điều nào mà mình có thể làm được, lượng sức dẻo dai và năng lực của mình và xử dụng khả năng của cơ thể trong mức độ thích nghi.
 
Ðiều rất quan trọng là hiểu biết cái tâm và các giác quan. Thấu hiểu nó đến như thế nào và thấu hiểu nó đi như thế nào. Khởi sanh như thế nào và hoại diệt như thế nào. Hãy thấu hiểu tận tường. Trong ngôn ngữ của Giáo Pháp ta có thể nói rằng giống y như lưới nhện bao bắt ruồi muỗi và những loại côn trùng khác nhau, tâm cột trói giác quan bằng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Rồi những giác quan ấy đi về đâu? Ta giữ nó lại để làm vật thực, tồn trữ nó vào kho để làm chất liệu dinh dưỡng — chất liệu để quán niệm nhằm nuôi dưỡng trí tuệ. Ðó là chất dinh dưỡng đối với người hay biết và thấu hiểu.
 
Biết rằng những sự vật ấy là vô thường, dính liền với đau khổ và không có gì gọi là "ta" thì phải là điên cuồng ta mới chạy theo chúng! Nếu không nhận thức rõ ràng như vậy ắt ta phải đau khổ. Khi đã quan sát tận tường và thấy rằng những sự vật ấy quả thật là vô thường thì dầu nó có vẻ như đáng cho ta chạy theo, thật sự nó không đáng. Tại sao ta muốn làm gì trong khi bản chất của nó là đau đớn và sầu khổ? Nó không phải của ta, không có thực chất, không có gì thuộc về của ta. Như vậy tại sao ta chạy theo tìm nó làm gì? Tất cả mọi vấn đề khó khăn đều chấm dứt nơi đây. Còn đâu khác để ta chấm dứt nó?
 
Chỉ nhìn rõ con nhện và quay cái nhìn vào bên trong mình, hướng cái nhìn trở lại vào trong. Ta sẽ thấy rằng hai hình ảnh đều giống nhau y hệt. Khi cái tâm đã thấy Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thì nó buông bỏ tất cả và tự phóng thích. Nó không còn bám níu vào đau khổ hay hạnh phúc. Ðó là chất liệu dinh dưỡng cho tâm linh người có pháp hành, người thật sự đã tự rèn luyện. Tất cả chỉ có bấy nhiêu, thật giản dị! Ta không cần chạy tìm nơi nào khác. Như vậy bất luận việc gì mà ta đang làm, đặt tâm ở ngay tại đó. Không cần phải rầm rộ và phiền nhiễu. Làm như vậy đà tinh tấn và năng lực của pháp hành sẽ tiếp tục tăng cường và trở nên thuần thục.
 
Tẩu Thoát
 
Năng lực của pháp hành nầy đưa ta ra khỏi vòng quanh sanh và tử. Ta mãi còn thênh thang trong vòng lẩn quẩn nầy vì vẫn còn ham muốn và khát khao. Chúng ta không còn lầm lạc trong những hành động bất thiện hay vi phạm giới luật, nhưng được như vậy chỉ có nghĩa là chúng ta sống điều hợp thuận theo Giới Luật của Giáo Pháp: thí dụ như có người thỉnh chúng ta tụng kinh để cho tất cả chúng sanh đừng xa lìa những sự vật được thương yêu quý mến. Quý Sư hãy suy nghĩ lại xem! Quả thật là trẻ con. Ðó là đường lối của người thế gian, vẫn còn chưa có thể buông bỏ. Ðó là bản chất tham ái của con người, khát khao ham muốn những gì khác hơn là cái mà họ có: họ muốn được trường thọ, họ mong mỏi sẽ không chết hoặc không bệnh hoạn. Ðó là những gì mà con người mong mỏi và thèm khát. Rồi khi họ nghe nói rằng bất luận ham muốn nào mà không được thỏa mãn sẽ gây đau khổ thì họ đuối lý. Họ có thể nói gì? Không nói gì được, bởi vì đó là Chân Lý.
 
Khi đề cập đến tham ái ta biết rằng tất cả mọi người đều có lòng tham và muốn cho tham vọng của mình được thỏa mãn. Nhưng không có ai khứng chịu dừng bước, không ai muốn tẩu thoát. Do đó phải làm cho pháp hành của chúng ta ngày càng tế nhị. Những ai thực hành một cách kiên trì, không sai lệch hay chểnh mảng, sống cuộc đời hiền hòa, thu thúc, và luôn luôn chuyên cần tinh tấn, những vị ấy sẽ thấu triệt. Bất cứ gì phát sanh, các Ngài luôn luôn vững chắc không lay chuyển.
 
 
Người dịch: Sunanda Phạm Kim Khánh và Sumana Lê Thị Sương
Theo: Những lời dạy của Ngài Ajahn Chah