Trang chủ Blog chùa Hàng vạn người dự lễ Vu Lan Báo hiếu 2016 tại chùa...

Hàng vạn người dự lễ Vu Lan Báo hiếu 2016 tại chùa Phật Quang

136

Theo đó, nhằm phát huy truyền thống báo hiếu tứ ân của người con Phật và cũng không quên nhắc nhở đến nhiều khía cạnh tình nghĩa ở trên đời. Mà để có thể có tình nghĩa thì đều do đạo đức. Trong đó, tình yêu địa cầu cũng là đạo đức vô cùng lớn để xây dựng bảo vệ sự sống cho hành tinh này. 

 

Theo đó, chúng ta luôn mong rằng thế giới này được bình an, hạnh phúc, là một nơi để con người sống bên nhau mà cùng nhau tu tập, hướng về Thánh đạo giải thoát. Nhưng ta không biết rằng có một thực tế cay đắng là con người đang dồn hết sức để chạy đua trên những mục tiêu rất dễ dẫn tới sự diệt vong. Cho nên, Thượng tọa đã cố gắng truyền đạt từng chút đạo lý đến với từng đối tượng thính chúng, hy vọng giúp cho mọi người hiểu và ý thức được việc chung tay bảo vệ môi trường sống, điều này đồng nghĩa với việc bảo vệ sự sống của chính mình. 

Được biết, trong hai ngày diễn ra đại lễ Vu Lan với một chương trình bao gồm nhiều hoạt động đều đậm đà những ý nghĩa sâu sắc, nhằm nâng đỡ tâm hồn con người càng trở nên trong sáng, nhu nhuyến và hiền thiện qua từng tiết mục được liên kết theo từng phần của chương trình. Ví dụ như từng bài Kinh tụng, từng bài hát, từng vở kịch lịch sử, từng chủ đề thuyết Pháp, từng nhân vật gặp gỡ giao lưu, v.v… đều đem đến cho thính chúng những giá trị tinh thần phong phú, và ngày càng ấn tượng hơn, gây được sự chú ý của nhiều người yêu mến đạo Phật. Đó là lý do mà trong các dịp Lễ lớn của Phật Giáo, Thiền Tôn Phật Quang có số lượt người đến chùa dự lễ, thính Pháp cứ tăng dần theo cấp số nhân, mỗi kỳ Lễ có từ trên hai vạn đến ba vạn người tham dự. 

 

Đến chứng minh và tham dự lễ có sự quang lâm của: Chư tôn đức Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh BRVT; cùng Chư tôn đức Tăng, Ni trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, còn có trên ba vạn lượt người, bao gồm các tín đồ Phật giáo; các du khách thập phương; các phật tử trực thuộc Tổng Đạo tràng Phật Quang trong cả nước, cùng với gần 2000 sinh viên đến từ các trường Đại học tại TP.HCM về chùa công quả phục vụ cho đại lễ Vu Lan đồng tham dự.

Vào đêm 14/07, số lượng phật tử về tham dự Lễ Khai Mạc lên đến đỉnh điểm là trên hai vạn người. Và đến sáng ngày 15/07 thì số người đến chùa chiêm bái, vãn cảnh và cầu nguyện không dừng lại mức đó mà vượt lên hơn ba vạn người. 

Mở đầu chương trình, vào lúc 8h00’ sáng ngày 14/07, tại ngôi Chánh điện đã diễn ra khóa lễ Cầu an – cầu cho quốc thái dân an, thế giới được hòa bình và ông bà cha mẹ còn hiện tiền được tăng phước tăng thọ. Đồng thời cầu siêu cho hương linh người thân trong gia đình, các chiến sĩ trận vong, các oan hồn uổng tử chưa siêu thoát sẽ được siêu sanh về cảnh giới an lành nhân mùa Vu Lan báo hiếu. 

 

Kế đến, Chư tôn đức Tăng tại Bổn tự thay mặt Thượng tọa Trụ trì tác lễ, thực hiện nghi thức Quy y Tam Bảo cho gần 1000 phật từ mới trong 2 ngày liên tiếp từ 14 – 15/07/năm Bính Thân. 

Và theo thông lệ, cứ mỗi dịp Lễ lớn của Phật giáo, Thiền Tôn Phật Quang đều tổ chức buổi giao lưu nói chuyện của các nhân vật nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng cho các phật tử được dịp học hỏi, mở mang kiến thức xã hội, kiến thức Phật học. Đặc biệt là giới sinh viên có cơ hội chiêm nghiệm những tấm gương của những người đi trước có lý tưởng sống cao đẹp, sống để phụng sự mọi người. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để mọi người chiêm nghiệm những gì đang diễn ra trong đời sống hàng ngày. 

Vì vậy, vào lúc 14h00’, tại Lễ đài đã diễn ra chương trình Diễn kịch Lịch sử (chiến thắng quân Nguyên Mông)và giao lưu với vị khách mời là Trung tướng Phạm Xuân Thệ – Là một sĩ quan cấp cao trong quân đội nhân dân Việt Nam – Hàm trung tướng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn II (1995 – 2000), Tư lệnh Quân khu I (2002-2007), và vào 2011, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vụ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. 

 

Đầu tiên, khi được ĐĐ Thích Khải Thành đặt câu hỏi rằng: Ông muốn truyền tải tinh thần nào cho tất cả phật tử nói chung và đặc biệt là các em sinh viên?

– Ông trả lời: Với tư cách là một cựu chiến binh, một phật tử, một người đi trước, tôi luôn hi vọng thế hệ trẻ của Việt Nam sẽ biết tìm hiểu, làm theo những lời dạy của Đức Phật để vừa là một người phật tử, vừa là một người công dân mẫu mực, biết bảo vệ non sông bờ cõi, biết giữ gìn sự yên bình cho đất nước.

Thật hạnh phúc khi hai tư tưởng lớn gặp nhau. Cũng vậy, Thượng tọa Trụ trì luôn un đúc tình yêu nước cho các phật tử, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay. Người thường sáng tác những bài hát, bài thơ, dựng những vở kịch lịch sử và bàn bạc trong các đạo lý giảng dạy đều nói lên hào khí, tình yêu nước, sức mạnh của dân tộc ta. Và kêu gọi mọi người phải nuôi dưỡng tình yêu thiêng liêng này, đồng thời phải truyền lại tiếp cho những thế hệ về sau. 

Theo Thượng tọa, mỗi người Việt Nam ta dù già hay trẻ đều phải giữ chắc tình yêu nước trong lòng mình để truyền lại cho một người nào đó, chứ không ai được thờ ơ, hời hợt, sống chỉ để biết cho riêng mình. Nên nhớ, tinh thần yêu nước quả cảm bất khuất đó chính là sức mạnh không ai có thể lý giải được. Dân tộc chúng ta nhỏ bé, đơn sơ đi lên từ những điều đơn giản nhất, nhưng đủ sức mạnh để đánh bật quân thù. 

 

Là phật tử, chúng ta về đây với mái chùa yêu thương, với đạo lý Phật dạy, nên biết tu dưỡng, từng ngày hoàn thiện tâm hồn mình để nâng cuộc đời vượt khỏi những đau khổ tầm thường mà bước lên Thánh vị cao siêu hơn. Nhưng muốn đi lên cao hơn thì nền tảng phải hết sức vững chắc. Những nền tảng vững chắc đó chính là những điều đạo đức, những đạo lý, sự tử tế trong cuộc sống, và có một yếu tố quan trọng là tình yêu nước không bao giờ mất.  

Dịp này, Thượng tọa đã giới thiệu với Hội chúng về một nhân vật lịch sử đó là Trung tướng Phạm Xuân Thệ – người đến với dấu ấn lịch sử đất nước chúng ta – người đã trải qua cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, chứng kiến sự hi sinh của hàng ngàn, hàng vạn con người để Bắc Nam có ngày sum họp như hôm nay. Tại Lễ đài, Thượng tọa phân tích vì sao một người nào đó lại trở thành con người ghi lại dấu ấn lịch sử trong thời điểm đó. 

Suốt 40 năm qua, từ khi đất nước thống nhất, chúng ta đừng nghĩ rằng: Đất nước ta hòa bình, yên vui. Sự thật, có biết bao nhiêu những thế lực tiếp tục chống phá, và các chiến sĩ ta vẫn ngày đêm căng mình chiến đấu bảo vệ để cho nhân dân ta được hưởng cuộc sống thanh bình. Nhiều khi ta vô tư không biết gì, nhưng cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước chưa bao giờ ngừng sự ác liệt, chỉ là bề ngoài ta thấy vậy thôi. Bằng chứng là trên báo đài, chúng ta cũng thấy phảng phất những bóng ma của chiến tranh vẫn lởn vởn đâu đây, và tất cả người Việt Nam ta từ trẻ đến già lúc nào trong tâm cũng phải sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đất nước này. 

 

Đi vào chương trình giao lưu, MC Trí Bảo và Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã mang đến cho các thính giả một cuộc trò chuyện thân tình, thú vị, sâu sắc, chỉ bởi ngay từ đầu ông đã khẳng định: Ông đến chùa Phật Quang với tư cách là một phật tử, mà là một phật tử mặc áo lính. 

Thật thú vị, qua buổi giao lưu mọi người được nghe ông kể lại cuộc đời binh nghiệp của mình với những kí ức của một thời bom đạn rất ác liệt, mà hiện tại trong mình ông còn mang những vết tích di chứng của chiến tranh. Qua trao đổi, được biết ông được báo chí và anh em trong đơn vị tôn vinh và ca ngợi là “Cơn lốc động Cô Tiên”, cũng như được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng là chính bằng hành động xông xáo, chiến đấu dũng cảm và sự chỉ huy kiên quyết lúc đó, chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, tiểu đoàn của ông đã đánh tan 1 tiểu đoàn và sở chỉ huy của E56 quân Sài Gòn vừa nhảy dù xuống động Cô Tiên. Và ông cho rằng đó là trận đánh ông không thể quên.

Ông nhấn mạnh: Một người lính, nếu biết đoàn kết thành một sức mạnh thì sức mạnh ấy không kẻ thù nào ngăn cản được, bất kỳ ai đụng đến cũng đều thất bại. Vì vậy, là một phật tử, là một người lính thì phải biết rèn luyện về tâm trí, phải biết học tập để nâng cao trình độ, phải biết rèn luyện để nâng cao sức khỏe, nhằm tạo thành một sức mạnh trong sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc Việt Nam.


Dịp này, mọi người còn được nghe kể lại về chiến trường Thượng Đức năm xưa, nơi đã xảy ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt, nơi hàng ngàn anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, hàng ngàn đồng bào tử nạn. Cũng trong trận chiến lịch sử này đã để lại trong lòng ông nổi tiếc nuối cho đến tận bây giờ. Ông tự trách và nhận lỗi mình đã chỉ huy chưa tốt, để rất nhiều đồng chí phải hi sinh trong cuộc chiến đấu ngay khi chiến thắng cận kề. Hành động đó được ông ghi trong quyển hồi ký bằng câu nói rất tình người “Để tôi vào được Dinh Độc Lập, biết bao đồng đội đã ngã xuống”, tức ông cảm nhận còn nhiều điều chưa làm được trong những ngày chiến đấu ấy, vì bao nhiêu đồng đội đã hy sinh xương máu để cho ông và mọi người được hưởng hạnh phúc hôm nay. Theo ông, họ mới xứng đáng là người được chúng ta ghi công và tôn vinh.  

Để tỏ lòng biết ơn, tri ân các đồng chí đồng đội của mình, ngay sau khi nhận quyết định về hưu, ông cùng đồng chí của mình đi thăm lại chiến trường, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, và quyên góp xây dựng tượng đài chiến thắng ở Thượng Đức. Là người lính và cũng là một người phật tử nên ông hiểu sâu về thế giới tâm linh cũng như niềm tin về cõi chết, cho nên, hàng năm ông đã tổ chức các khóa lễ Cầu siêu để cho đồng chí đồng đội của mình được siêu thoát. Và trong lễ Cầu siêu, ông nhân danh một phật tử, nhân danh một người chỉ huy của đồng chí đồng đội trong chiến trường mà kêu gọi tất cả các linh hồn của các anh hùng liệt sĩ ở các chiến trường, các trận đánh hãy về nơi cửa Phật để quy y Phật, để siêu thoát, để phù hộ cho quốc thái dân an. Nghĩa cử này ông quyết tâm làm cho đến bao giờ không thể làm được nữa thì mới thôi. 

 

Cũng tại buổi giao lưu, mọi người được nghe Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – nguyên Sư trưởng Sư đoàn 325, quyền tư lệnh quân khu II, kể lại một trận chiến hết sức nổi tiếng mà ít người biết tới đó là mặt trận Vị Xuyên – Hà Giang. Mặt trận Vị Xuyên (Thanh Thuỷ) được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984 – 1989. Điều đáng nhớ nhất là vào ngày cao điểm (12/07/1984) của trận chiến Vị Xuyên, quân đội Việt Nam phản công giành lại những điểm cao bị Trung Quốc chiếm giữ thì trên toàn mặt trận Vị Xuyên có đến 820 chiến sĩ thương vong.

Qua sự trao đổi của Thiếu Tướng, mọi người ai cũng cảm nhận được phần nào dưới từng bước chân chúng ta đi đều là xương máu của các anh chiến sĩ đã ngã xuống vì quê hương đất nước này. Chúng ta thấy “Chiến tranh” thật là tàn khốc, nhưng lớp trẻ ngày nay rất khó cảm nhận được hết sự tàn khốc của nó. Và giới trẻ cũng không cảm nhận được sự đắt giá của hòa bình. Tuy nhiên, qua buổi trò chuyện như thế này sẽ khuyến khích động viên các em càng ý thức hơn trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, gìn giữ sự bình yên, sự phát triển của quê hương đất nước. 

 

Sau cùng, ông nhắc nhở chung: Trong những năm qua Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế thế giới, kí kết các hiệp định thương mại quan trọng. Tuy nhiên, một thách thức lớn được đặt ra là làm sao để không bị lạc hậu. Nếu thua sút bạn bè thế giới, ta dù không bị thôn tính bằng con đường chiến tranh, nhưng sẽ bị thôn tính bằng con đường trí tuệ. Vì thế, giới trẻ hãy cố gắng học tập rèn luyện để đưa đất nước đi lên.

Để kết thúc chương trình giao lưu, TT.Thích Chân Quang thay mặt nhà chùa xin trân trọng vinh danh ông Phạm Xuân Thệ danh hiệu “Dấu Ấn Lịch Sử Anh Hùng”. Điều làm cho chúng ta cảm động: Có thể nói ông vừa là một phật tử, vừa là một người lính với đầy chiến công anh hùng, có một bề dày lịch sử như vậy, mà lại là người có ý thức về tâm linh rất sâu sắc. Ông biết những việc nào nên làm để bày tỏ sự biết ơn sâu nặng của mình đối với công lao to lớn của các thế hệ cha ông, cũng như những đồng đội đã nằm xuống một cách hay nhất và ý nghĩa nhất.

Tiếp theo, đúng 18h30’, ĐĐ.Thích Tánh Khoan hướng dẫn nghi thức Lễ tưởng niệm những vị quá cố trong Bổn tự – đó là Sư chú Thích Thông Thái, sư cô TN.Liễu Nghiêm, sư cô TN Liễu Nguyện và sư cô TN.Viên Hạnh – Các vị là những tấm gương tu hành vẫn còn sống mãi trong tâm tư, trong ký ức của Đại chúng và phật tử Thiền Tôn Phật Quang.

 

Sau lễ Tưởng niệm, tại sân Chánh điện, toàn thể hội chúng tọa thiền 30 phút dưới sự hướng dẫn của ĐĐ.Thích Tánh Khoan. Và TT.Thích Chân Quang mở đầu đêm khai mạc đại lễ Vu Lan PL.2560 bằng bài Pháp thoại có tựa đề: ĐẠO ĐỨC LÀ VẤN ĐỀ SỐNG CÒN CỦA NHÂN LOẠI. Ý nghĩa của bài Pháp thoại này, Thượng tọa muốn truyền trao một thông điệp quan trọng rằng: Nếu chúng ta muốn giữ cho thế giới này được tồn tại, ta giữ cho nhân loại này được sống còn. Và nếu ta biết là khoa học kĩ thuật đến ngày nay vẫn chưa tìm thấy được một sự sống nào khác ngoài trái đất này thì chúng ta phải tích cực truyền dạy đạo đức hơn trong cuộc đời này.  

Thông thường người ta hay nghĩ: Còn cơm ăn; còn không khí; còn tình yêu; còn hi vọng thì còn sống. Tuy nhiên, thật sự còn “Đạo đức” thì nhân loại mới còn tồn tại. Ngược lại, nếu đạo đức biến mất, nhân loại sẽ diệt vong. Kết luận này tuy đơn giản nhưng không hề sai. Hiện nay, loài người dù chưa ngưng đánh giết nhau nhưng vẫn chưa tận thế, vì còn nhiều người đạo đức. Tức đánh nhau thì đánh, nhưng vẫn còn chỗ để ta yêu thương, vẫn còn ai đó để ta quý mến, và cuộc sống này vẫn tiếp diễn. Còn nếu thật sự con người hết sạch đạo đức, ngày tận thế sẽ lập tức đến.

 

Nhưng ĐẠO ĐỨC CỦA CON NGƯỜI TỪ ĐÂU MÀ CÓ? Đây là điều rất lạ, bởi trong gène của loài người không quy định đạo đức. Ví dụ loài chó có gène quy định về sự trung thành. Khi sinh ra, dù không được ai dạy, nhưng đến lúc nào đó khi hiểu được ai là chủ của mình, chúng sẽ một mực trung thành với họ. 

Còn với chúng ta, người được dạy dỗ thì trung thành, người không được chỉ bảo khuyên răn thường là kẻ lừa lọc phản bội. Dù rất thông minh con người vẫn không mang một gène di truyền dành cho đạo đức. Đây là một thử thách lớn cho nhân loại. Theo đó, Thượng tọa phân tích, trong cuộc sống này từ những việc rất bé cho đến việc rất lớn, chỉ cần thiếu đạo đức một chút thì đau khổ lập tức xuất hiện, và những người chung quanh ta cũng bị ảnh hưởng ngay. Đó là lý do những người có trí tuệ họ yêu quý đạo đức là vậy. 

Nhân đây, Thượng tọa cũng phân tích sự khác nhau về tính chất giữa đạo đức và  luật pháp là thế nào. Trong đó nhấn mạnh tại sao con người tự nguyện làm điều thiện. Theo quan điểm của Người, có 4 lý do khiến chúng ta tự nguyện làm điều thiện:

Thứ nhất, vì TIN NHÂN QUẢ. Biết rằng mỗi việc làm sai đều sẽ kéo theo một quả báo đau khổ dành cho mai sau. Cho nên, người hiểu Nhân quả thường chọn nhân lành mà gieo, chọn điều thiện mà làm để gặt quả lành trở lại. 

 

Thứ hai là sự XÚC ĐỘNG TRƯỚC MỘT TẤM GƯƠNG TỐT. Điều này thể hiện khuynh hướng của sự bắt chước. Tuy nhiên, cái bắt chước của con người có trí tuệ, có cảm xúc, có nhận thức khác với sự bắt chước không suy nghĩ của loài vật. Ví dụ khi chứng kiến ai đó liều chết, xả thân lao vào đám cháy cứu người, dù không dám làm như họ, nhưng ta rất cảm động. Sự cảm động này chính là một ý niệm về đạo đức sẽ theo ta suốt đời. Sau này ta cũng sẽ thường tự nguyện làm những điều tốt đẹp. 

Thứ ba, vì ta YÊU ĐIỀU THIỆN MỘT CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN. Ta không làm điều thiện vì mưu cầu quả báo lành, cũng chưa có duyên được gặp một tấm gương nào đặc biệt làm ta xúc động. Nhưng tự nhiên ta yêu điều thiện một cách vô hình và vô điều kiện. Đây là điều rất cao thượng mà chỉ những người có trí tuệ, có thiện căn mới đạt được.

Lý do thứ tư là TIN VÀO SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THẦN THÁNH. Hầu hết các tôn giáo đều có niềm tin này. Người tín đồ lệ thuộc tâm hồn mình vào một vị Thần Thánh tưởng tượng ở trên cao, tuy nhiên nhờ đó mà họ không dám làm điều ác, nên ta cũng xem như là họ có đạo đức. 

Và nhờ bốn lý do trên mà trên thế giới, đạo đức cứ trôi chảy từ tâm hồn này sang tâm hồn kia, lan tỏa từ vùng này qua vùng kia. Rồi nhờ dòng chảy vô hình này mà thế giới còn tồn tại. Cũng vì thế, người có công lao truyền dạy đạo đức thật là những người đáng quý trên cuộc đời. Tuy nhiên, ai là người truyền dạy đạo đức. 


Thực sự, mỗi người chúng ta đều đã từng truyền dạy đạo đức cho ai đó rồi, nhưng ta thường KHÔNG Ý THỨC RÕ, KHÔNG CỐ GẮNG NHIỀU. Từ đây, khi hiểu rằng mỗi một giây phút thiếu vắng đạo đức là một giây phút bất an xảy đến với cuộc đời; hiểu rằng đạo đức còn thì thế giới này còn tồn tại; hiểu rằng đến hôm nay những kính thiên văn viễn vọng vẫn chưa soi thấy có sự sống nào khác ngoài hành tinh này thì chúng ta phải làm sao cho đạo đức được truyền bá, được tuôn chảy. Và ta phải làm một người truyền dạy đạo đức hết sức tích cực. 

Nên nhớ, thiếu đạo đức thì tất cả đều đổ vỡ. Chỉ khi nào có đạo đức thì người ta dù chạy theo nhau về kinh tế, kĩ thuật, quân sự, nhưng cuộc chạy đua đó mới không dắt loài người đi đến diệt vong. Vì vậy, một thế giới đạo đức là một thế giới hạnh phúc. Đó là chân lý. Mà muốn thế giới này hạnh phúc, ta buộc phải đem đạo đức đến trước. Nhưng muốn ban tặng đạo đức cho mọi người thì chính ta trên tay mình, trong tim mình đã phải tràn đầy đạo đức trước.

Sau bài Pháp thoại, BTC nhường sân khấu lại cho MC điều khiển chương trình Văn nghệ thật hoành tráng, mang đậm màu sắc văn hóa của nơi diễn ra Lễ hội và đem đến cho người thưởng thức nhiều cảm xúc theo từng cung bậc khác nhau khi nhớ về ân cha nghĩa mẹ, về tình yêu thương giữa con người với nhau.

 

Sáng hôm sau (15/07), buổi lễ Vu Lan chính thức bắt đầu lúc 8h00’.

Mở đầu là nghi thức niệm hương, lễ Phật, cùng hát bài Loài Người Thương Nhau. Kế đến, TT Thích Chân Quang thuyết giảng đề tàì: TÌNH YÊU ĐỊA CẦU. 

Thường Vu Lan là một ngày đặc biệt của đạo Phật. Chúng ta hay nghe nói đạo Phật là siêu thoát, là đi tìm sự vượt khỏi sinh tử, xem cuộc đời như ảo ảnh phù du. Tuy nhiên, đạo Phật là cũng là sự dấn thân nhập thế để làm vô số điều thiện lành cho đời. 

Đức Phật đã từng dạy các đệ tử của Người: Việc ác dù rất nhỏ cũng không làm; việc thiện dù rất nhỏ cũng không bỏ. Trong cuộc đời này, ai cũng phải đối diện với vô số điều thiện – ác chung quanh mình. Nên người đệ tử Phật cần có sự tỉnh táo, sáng suốt, tinh tế trong mọi việc, để suốt cuộc đời ta phân biệt được điều gì là thiện; điều gì lá ác trong từng chút nhỏ nhặt của cuộc sống. Và người đó cũng được gọi là Thánh. 

Hãy nhớ rằng, chữ ‘Thánh’ rất cao siêu nhưng cũng thật gần gũi. Vị Thánh là một người đắc đạo, giác ngộ, giải thoát, có thần thông,có phép lạ. Nhưng đó cũng là người có trí tuệ nhìn rõ tội và phước. Nếu ta gặp ai đó và không biết là Thánh hay phàm, nhưng ta thấy vị đó tinh tế trong từng điều thiện, điều ác, biết rõ từng chút phước, chút tội thì ta hãy cúi mình đảnh lễ họ, bởi đó đích thực là vị Thánh giữa cuộc đời. 

 

Với chúng ta, dù đã mơ hồ phân biệt được, tuy nhiên những tội phước mà chúng ta nhìn thấy còn rất sơ sài, đơn giản, tổng quát. Ta chưa thể nhìn được điều tội, điều phước từ trong một hạt bụi nhỏ. Và Thượng tọa đã trích dẫn nhiều ví dụ để chứng minh cho luận cứ trên. Với cách lập luận logic và toàn diện vấn đề đã thu hút sự chú ý của người nghe và những đạo lý đó tự nhiên đi vào trái tim từng con người, nó trở thành nhựa sống để nuôi dưỡng tâm hồn họ.

Đi qua cuộc đời, cái trí biết đến điều phúc, điều tội càng nhỏ chừng nào thì hạnh phúc càng sâu đậm chừng ấy. Đó là Thánh trí của đạo Phật mà người đệ tử Phật phải tìm thấy, phải khai mở cho bằng được.

Trong phạm vi đề tài này, khi đề cập đến tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương địa cầu, Thượng tọa đã nhắc nhở đến một điều làm cho ta nhức nhối, cay đắng, đó là “RÁC”. Rác là tội lỗi của con người. Dù không ai nghĩ rằng khi vứt rác cũng là lúc ta vừa làm một điều tội, nhưng một người đệ tử Phật phải có được trí tuệ nhìn thấy điều này. Chưa cần xả rác bừa bãi, chỉ cần cho một mảnh rác vào thùng, ta đã thấy đó là một điều tội lỗi.

 

Mỗi năm con người đổ vào sông, vào suối, vào biển mấy tỉ tấn xà phòng. Điều này vượt qua giới hạn chịu đựng của mọi dòng sông. Một địa cầu nguyên sơ, xanh tươi đẹp đẽ đã trở thành một địa cầu oằn oại, dơ bẩn và khổ đau. Những con sông không còn đẹp, những con suối không còn sạch. Cá chết trắng sông, thú rừng cũng bắt đầu ung thư vì dòng nước ô nhiễm. Ngày nào đó nếu được tái sinh lại, ta sẽ bỡ ngỡ vì địa cầu không còn là một nơi ta sống thoải mái được nữa. Tất cả đều trở thành rác, thành sự dơ bẩn. 

Những người yêu thương nhân loại phải thấy được điều này để làm trái đất trong sạch trở lại, trở thành một nơi đáng sống cho con người, cho muôn thú, cho tất cả chúng sinh. Bởi khi kính viễn vọng thiên văn soi khắp vũ trụ vẫn chưa tìm thấy hành tinh nào có sự sống thì trái đất này vẫn là nơi duy nhất có sự sống mà ta biết được, nên ta phải yêu quý, đắp bồi. 

Tóm lại, lòng yêu thương cả nhân loại, cả tinh cầu này, đó là tình cảm quá lý tưởng, khó đạt được. Nhưng vì là đệ tử của Phật nên ta phải cố gắng mở lòng, dặn lòng, buộc lòng mình làm cho bằng được. Và vì trái đất đang từng ngày bị phá hoại bởi chất thải, rác rưởi của chính chúng ta, nên ta hứa với nhau sẽ gắng công làm sạch lại trái đất, để đền ơn tinh cầu này, để chúng ta không trở thành những con người bội bạc. Điều sau cùng, Thượng tọa mong muốn mỗi người hãy là một chiến sĩ, là một sứ giả tình nguyện mang thông điệp này cho mọi người khắp nơi để cùng nhau giữ gìn trái đất thiêng liêng, bảo vệ sự sống của muôn loài.

 

Tiếp theo, toàn thể hội chúng tụng bài SÁM VU LAN để gửi gấm tình yêu và lòng biết ơn trái đất với những ước nguyện cao quý thiêng liêng, đồng thời nguyện cầu Mười phương chư Phật gia hộ cho thế giới có được một nền hòa bình thực sự và dài lâu. 

Sau đó, các phật tử tiến lên lễ đài đảnh lễ Tam bảo và mỗi người được nhận một biểu tượng có hình quả địa cầu đặt trên thảm lá xanh rất đẹp, thầm nhắc nhở người con Phật luôn nhớ nghĩ về tình yêu trái đất nhân ngày biết ân cuộc đời.  

Đến đây, lễ hội Vu Lan đã khép lại, nhưng dư âm của nó chưa thể phai nhòa trong tâm thức của những người mang trái tim mình đến với Phật. Cảm xúc chắc là không ai giống ai, nhưng biết đâu tất cả những người con Phật nhân mùa Vu Lan đều hòa chung một niềm vui, một hạnh phúc lớn, đó là mong làm cái gì có ý nghĩa để dâng cho cuộc đời ./.