Trang chủ Văn học Tùy bút Hạnh nguyện lợi tha

Hạnh nguyện lợi tha

Có lần thấy lớp mệt mỏi, làm biếng học, thầy không la mắng mà chỉ nói nhẹ nhàng: “tụi bây thiệt là…” lời nói chơn chất, mộc mạc, bình dị, hiền hòa, thể hiện sự bao dung trìu mến khiến cả lớp cảm thấy thật vui và thích thú, một tràng vổ tay thật giòn vang lên, xua tan sự uể oải, lớp trở lại không khí sinh động. Thầy hay đọc mấy câu thơ nhắc nhở chúng con:   


Trên đường đạo không gì bằng tinh tấn


 Không gì bằng trí tuệ của đời ta


 Sống điêu linh trong kiếp sống ta bà


 Chỉ tinh tấn là vượt qua tất cả. 


Thầy ơi! những pháp âm này sẽ theo chúng con đi suốt cuộc đời.


Thầy đến với cuộc đời và tận tụy bao năm hoạt động rồi cuối cùng cũng đã ra đi, chỉ còn lưu lại những tiếc thương, những lời tâm huyết, những công việc còn dang dở, những ước mơ chưa kịp thực hiện.


Nhìn những chiếc lá rơi ta thử ngẫm nghĩ rồi sẽ thấy thương và khâm phục cuộc đời lặng lẽ chỉ biết hiến dâng của lá. Lá luôn làm hết nhiệm vụ của mình là giúp cây quang hợp, cung cấp dưỡng chất nuôi cây, không bao giờ nghĩ đến một ngày thân vàng úa phải rời xa công trình mà mình đang xây đắp. Một làn gió thổi qua, chiếc lá nhỏ bé sẽõ rời thân cây, chấm dứt cuộc đời ngắn ngũi. Giây phút cuối cùng ấy, trong không gian lơ lững, lá vẫn hồn nhiên đong đưa theo gió như giang tay chào vẫy cám ơn đất trời.


Tôi còn nhớ lời thầy dạy: “Mọi con sông đều có nước lớn nước ròng, có lúc đục lúc trong, lúc sóng dữ lúc êm đềm… nhưng chẳng con sông nào có thể chảy ngược. Ðời người hệ lụy với dòng chảy thời gian được biểu hiện qua bốn tướng sanh – già – bệnh – chết. Rồi thì chúng ta phải thuận theo quy luật đó, chúng ta phải sống cho ra sống, sống đúng với nghĩa của một con người”.


Vào ngày trước lúc xả bỏ nhục thân, thầy hết lời khuyên nhắc chúng con về hạnh thiểu dục tri túc, mà cũng chính là bài pháp cuối cùng của thầy với lớp chúng con tại giảng đường Vĩnh Nghiêm: “Với người xuất gia, ít muốn – biết đủ chính là tự giải thoát cho mình. Xưa nay oán thù, hơn  thua, ganh ghét cũng tại thiếu tri túc mà ra. Người tu mất hạnh thanh tịnh cũng vì không biết tri túc. Nên biết: Tửu bất túy nhơn, nhơn tự túy; sắc bất mê nhơn, nhơn tự mê…tụi con nên biết kềm lòng. Một người biết điều khiển được cảm xúc của mình, người đó sẽ mạnh hơn…”


Tôi chỉ mong mình sống được theo tấm gương lợi tha của thầy: Vì đời vì đạo, âm thầm phục vụ, làm hết sức mình…


Và chỉ cần có thế.        


                                          


Thích Trí Tài