Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Hoa Lâm Viên – Chùa Diên Phúc – Đình Thái Đường: Những...

Hoa Lâm Viên – Chùa Diên Phúc – Đình Thái Đường: Những địa danh của Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi

1145

Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và để khẳng định về giá trị lịch sử các địa danh như Hoa Lâm Viên – Chùa Diên Phúc – Đình Thái Đường thuộc Phủ Đông Ngàn, huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh xưa, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh – TP Hà Nội gắn liền với sự phát triển của Vương triều Nhà Lý qua 8 đời Vua trị vì và đây cũng là một vấn đề được rất nhiều các học giả, các nhà nghiên cứu sử học quan tâm.

Trong cuộc toạ đàm của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Sử học Hà Nội về “Những phát hiện khảo cổ học ở Đông Anh và những vấn đề về quê hương Nhà Lý” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã nêu được ba dẫn chứng quan trọng:

Thứ nhất: Nội dung khắc trên tấm bia đá “Lý Gia Linh Thạch” ở chùa Tiêu Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh có ghi: “Bấy giờ có Phạm Mẫu người Hoa Lâm, Đông Ngàn hay qua vãn cảnh chùa.

Thứ hai: Câu đối ở hậu cung đình Thái Đường, nay là thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, Đông Anh – Hà Nội ghi rõ: “Lý Triều Quốc Mấu cố hương tại”.

Thứ ba: Trong Việt sử thông giám cương mục đã từng giải thích rõ ràng: “Thái Đường : Tên thộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh chỗ này là hành cung Nhà Lý trước”.

Xã Mai Lâm nay đã trải qua 1000 năm vẫn còn tồn tại tên của các thôn mang đậm dấu ấn của Vương Triều Nhà Lý. Thôn Thái Đường có đình thờ Thân mẫu Vua Lý là bà Phạm Thị Ngà; thôn Du Lâm nơi có rừng cây um tùm mát mẻ, nhà Vua thường du ngoạn vào những dịp về dâng hương thờ Thân mẫu…

Những dẫn chứng trên là cơ sở để Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Quang Ngọc khẳng định : Quê ngoại của vua Lý Công Uẩn chính là Hoa Lâm xưa và Thái Đường ngày nay.

Không chỉ có “Đại Việt sử ký toàn thư” mà nhiều bộ chính sử khác như: “Việt sử thông giám cương mục” cũng đề cập đến chuyện “Mùa đông năm ấy (Năm Kiến trung thứ 8 – 1232) nhân người họ Lý làm tế lễ các Vua Lý ở Thái Đường – Hoa Lâm. Trần Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chon sống.

Sự việc khiến “Hoa Lâm Viên” trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ khảo cổ học ngoại thành Hà Nội từ năm 1999. Trong quá trình lấy đất bán cho các nhà máy gạch, dân trong làng đã phát hiện một thành bậc tam cấp điêu khắc hình sấu đá. Theo PGS – TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐHKHXH&NV) cho biết, toàn bộ thành bậc này đèu mang phong cách nghệ thuật thời Lý và khá giống với hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và những hiện vật được tìm thấy trong Hoàng thành. Sự phát hiện về những hiện vật nói trên càng chứng tỏ thêm Hoa Lâm Viên tồn tại một kiến trúc cung đình triều Lý.

Chùa Diên Phúc (Diên Phúc tự) cũng là một địa danh lịch sử gắn liền với Hoa Lâm Viên, đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý, là nơi thờ Phật và cũng là nơi thờ bà Phạm Thị – mẹ vua Lý Công Uẩn. Chùa là một công trình nghệ thuật mang đậm phong cách thời Lý, hiện nay trong chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật quí giá. Trong suốt quá trình tồn tại gần 1000 năm, ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ngoài việc bị thiên nhiên phá huỷ, ngôi chùa còn bị chiến tranh tàn phá. Năm 1992 khi Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, nhân dân làng Thái Bình đã vận động và quyên góp kinh phí di chuyển Chùa và Đình Thái Đường từ bên ngoài đê chuyển vào vị trí hiện nay.

Theo sư thầy Thích Minh Thịnh – Trưởng ban đại diện Phật giáo huyện Đông Anh, trụ trì chùa Diên Phúc : “Đây là một ngôi chùa cổ, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của Vương triều nhà Lý, một trong những triều đại mà Phật giáo phát triển rất hưng thịnh, Phật giáo đã trở thành Quốc Giáo. Trong chùa còn lưu giữ nhiều văn bia rất có giá trị liên quan đến nơi phát tích của dòng họ Vua Lý, điều này một lần nữa khẳng định giá trị lịch sử của chùa Diên Phúc.

Nhà chùa cùng nhân dân và các phật tử gần xa đã đóng góp rất nhiều công sức, vật chất, tiền bạc để khôi phục và xây dựng lại ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay xứng đáng là một địa danh lịch sử của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn vật.”

Đình Thái Đường – Một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình đã được sắc phong của các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn đến nay, kiến trúc của đình hầu như còn nguyên vẹn, mặc dù trong chiến tranh, đình đã bị tàn phá ảnh hưởng nặng nề. Đứng trên con đê ôm lấy dòng sông Thiên Đức xưa – sông Đuống ngày nay, chúng ta thấy một ngôi đình bề thế, cổ kính, rêu phong năm tháng phủ kín nằm bên cạnh một ngôi chùa khang trang đẹp đẽ hẳn không khỏi xúc động, tài sản của Cha Ông ta được nhân dân ở đây lưu giữ một cách trân trọng.

Hội thảo lần này về các địa danh lịch sử trên vùng đất Hoa Lâm – Thái Đường do Giáo sư – AHLĐ Đặng Vũ Khiêu chủ trì, là một cuộc hội thảo vô cùng quan trọng. Nó khẳng định lần nữa về giá trị lịch sử của Hoa Lâm – Thái Đường, về nới phát tích Vương triều Nhà Lý, một Vương triều rất thịnh trị trải qua hơn 125 năm với 8 vị Vua anh minh.

Thành phố Hà Nội,  các cơ quan hữu quan và Chùa Diên Phúc đang trong giai đoạn chuẩn bị gấp rút để cuộc hội thảo được thành công tốt đẹp. Rất cần nhận được sự đóng góp những ý kiến quý báo cho cuộc hội thảo để lần nữa khẳng định giá trị lịch sử của vùng đất này.