Trang chủ Văn hóa Hoàng thành – “Nền cũ lâu đài” bừng sáng trước thềm Đại...

Hoàng thành – “Nền cũ lâu đài” bừng sáng trước thềm Đại lễ

87

Quả thật, khi nghe nói Đại lễ sẽ diễn ra ở Hoàng Thành, tôi đã chẳng có chút hào hứng nào, trong bộ nhớ của tôi – người đã ra vào khu vực “hoàng thành” từ khi còn “khó khăn”, thì trong đó làm gì có chỗ nào đủ không gian tổ chức Đại lễ; mọi chỗ đều bị phân cắt chia xẻ hết rồi:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
!”

Tôi dự đoán, chắc đại lễ sẽ tổ chức một cách “cám cảnh” ở một khu sân ven đường Hoàng Diệu, đường Nguyễn Tri Phương hay bên cạnh công trình nào đó…
Ấy thế mà, khi noi theo dãy cờ Phật bên đường Hoàng Diệu, bước qua cổng  của Câu lạc bộ thể thao quân đội (cũ), tiến vào vài bước, dụi mắt nhìn, tôi ngỡ ngàng: sân vận động Cột cờ với các công trình khán đài A – B, hàng rào, nhà cửa, quán bia … đã được tháo rỡ hoàn toàn, lộ ra là cả một quảng trường Hoàng thành vuông vức, rộng mênh mông trải rộng từ bờ thành Đoan Môn đến gần Cột cờ, chính giữa trục Thần đạo Bắc – Nam của Hoàng Thành Thăng Long ngàn năm văn vật.

Thử hỏi, có nơi nào xứng đáng hơn và có vinh dự nào lớn hơn để / khi tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long ở nơi đây?

Hơn nữa, đây lại là hoạt động quy mô lớn đầu tiên mở màn cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Cũng đã từ rất, rất lâu rồi mới có một hoạt động Phật giáo, lại có quy mô lớn, được tổ chức ở trung tâm Hoàng Thành – Có lẽ là từ sau thời Lý – Trần đến nay.

Phải chăng, hoạt động Phật giáo này vừa là chính mình, vừa vượt ra khỏi / lên trên tính chất của một sự kiện tôn giáo để hòa vào, đồng hành và trở thành quốc gia – Dân tộc?

(Được biết, từ cổng Đoan môn về phía bắc còn có Chính Bắc Môn với một vết đạn chưa mờ, vết tích trận giặc năm 1882 và việc ngài Hoàng Diệu tử tiết.

Lùi vào một chút thì còn Hậu Lâu, còn gọi là Tĩnh Bắc lâu – “Lầu Công Chúa”. Rồi đến Điện Kính Thiên – di tích trung tâm, hạt nhân chính trong tổng thể các địa danh lịch sử của thành cổ Hà Nội, chiếm vị trí trung tâm của khu di tích.

Rồng đá điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ. Nền điện Kính Thiên và đôi rồng chầu đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.

Đoan Môn – điểm tựa của lễ đài Đại lễ năm nay, là một bức tường thành có lầu phía trên, tầng một có năm cổng vòm xây bằng đá tuyệt đẹp. Đây là cửa chính đi vào hoàng thành. Cửa này có ba tầng, tầng một mở năm cửa nên còn có tên là Ngũ Môn. Đằng sau Đoan Môn là sân Long Trì (thềm rồng) còn gọi là Đan Trì (thềm đỏ).

Đoan Môn, theo chính sử triều Nguyễn, là di tích có từ thời Lý. Một số học giả cũng cho rằng hai chữ Hán "Đoan Môn" khắc trên biển đá trước cửa Đoan Môn có từ thời Lý. Ở thời Lê Trung hưng, cửa Đoan Môn đựoc ghi chép nhiều với cả hai tên gọi: Đoan Môn và Ngũ Môn.

Thẳng phía Nam là cửa Tam Môn, mà vào khoảng 1812 – 1814, Nguyễn Gia Long cho phá đi để xây Cột Cờ (nay vẫn còn sừng sững). Cột cờ cao 60 m, gồm có chân đế, thân cột và vọng canh.

Như vậy, di tích trên mặt của Hoàng thành Thăng Long còn sót lại đến ngày nay chỉ còn một số ít nằm trên trục chính tâm Thần đạo, tính từ Nam lên Bắc gồm: Cột Cờ – Đoan Môn – nền điện Kính Thiên – Hậu Lâu – Bắc Môn.

Được biết, khi làm hồ sơ đề cử Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới, đại diện UNESCO và các chuyên gia quốc tế có dịp đến với Hoàng Thành Thăng Long đều đánh giá rất cao giá trị nổi bật toàn cầu của khu di tích đặc biệt này. Đúng dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8/2010 này, tại thủ đô Bra- xin, UNESCO đang họp hội đồng vớ nghị trình trong đó có bàn đến việc đề cử Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới).

Tiến vào quảng trường, chúng tôi thấy đông đảo các quý Thầy, các nhà kỹ thuật, các Phật tử, đặc biệt là các đoàn viên của Liên đoàn TTNPTTĐ đang khẩn trương, phấn khởi hoàn thiện các khâu chuẩn bị.

Cờ phướn, cờ Phật, băng rôn, đèn lồng, đèn hoa… được treo, được căng, được cắm khắp nơi trong khu Hoàng thành và không gian lân cận.

Hàng chục xe hoa Phật giáo đang được trang hoàng để tham gia các lễ rước và diễu hành ở phố phường Hà Nội.

Lễ đài chính được thiết lập ở chính Bắc của Quảng trường, tựa vào Đoan môn, nhìn về chính Nam, hướng đến cột cờ Hà Nội. Lễ đài được thiết kế rất đặc biệt, hình tròn đường kính tới vài chục thước, đa cấp đồng tâm. Trần thiết là một bông sen khổng lồ, trang điểm là hệ thống đèn màu, đèn lồng rực rỡ. Tượng Tam thế Phật bằng đồng uy nghi cao gấp đôi người thường được an vị chính giữa lễ đài. Nơi đây sẽ an vị Xá lợi Phật để thập phương Phật tử trăm họ được chiêm bái, cúng dường.

Từ xa nhìn lại thành lầu Đoan môn rực rỡ trong ánh đèn màu, trong cờ hoa nhà Phật; vừa mang vẻ uy nghi, bề thế, trang nghiêm, đài các của nơi vương triều nhất thống Quốc gia, vừa gần gũi, ấm áp như một mái chùa quen thuộc của làng quê đất Việt.

Hỏi chuyện Đại đức Thích Tiến Đạt – Phó Ban tổ chức đại lễ, chúng tôi được biết: Khu nhà bạt lớn bên trái lễ đài là nơi sẽ tôn trí Long vị Lịch đại Quốc sư – các bậc danh Tăng Việt Nam, tiêu biểu là thiền sư Vạn Hạnh; Đối diện bên phải lễ đài là nơi sẽ tôn trí thần vị Lịch đại Đế Vương – minh quân tiền triều, tiêu biểu là Đức Thánh quân Lý Thái Tổ…

Kế tiếp bên trái là 3 khu nhà bạt lớn được trần thiết đặc biệt, hoành tráng, rực rỡ, là nơi tổ chức trai đàn cầu cho “âm siêu” theo phong cách 3 miền Bắc Trung Nam; Đối diện là 7 khu nhà bạt lớn, thiết kế ban thờ đức Phật Dược sư, là nơi tổ chức đàn tràng pháp hội Dược sư cầu cho “dương thái”.

Khu chính giữa quảng trường cũng đang được các quý Thầy và Phật tử chùa Hoằng Pháp (Tp. Hồ Chí Minh) chăng đèn kết hoa chuẩn bị cho lễ hội hoa đăng cúng Phật, cầu cho Quốc Thái Dân An.

Tuy rất bận bịu, song Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Trưởng Ban tổ chức Đại lễ vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên và chỉ đạo công việc chuẩn bị. Gặp anh chị em phóng viên báo chí, Thượng tọa nhắc nhở: “Đại lễ năm nay tuy quy mô rất lớn nhưng số người không được trực tiếp tham dự sẽ còn nhất nhiều. Vì vậy báo chí, nhất là hệ thống truyền thông Phật giáo cần hết sức cố gắng, tập trung phản ánh, đưa tin tức, hình ảnh nhanh chóng, đa dạng, phong phú, kịp thời các hoạt động của tuần lễ kỷ niệm đặc biệt này tới đồng bào Phật tử và nhân dân, trong nước cũng như ngoài nước, góp phần hoằng dương chính Pháp, mang lại sự hoan hỉ, pháp lạc cho đại chúng.”

Từ ngày 27/7 đến hết ngày 2/8/2010, trong suốt 1 tuần lễ, tại Hoàng Thành Thăng Long là chính và các địa danh: Đền Lý Bát đế, chùa Tiêu Sơn, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, nhà Hát Lớn, Cung Hữu Nghị, Cung Thiếu nhi, Thiên Đường Bảo Sơn, Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, … Các hoạt động Phật sự – Quốc sự sẽ được thực hiện, long trọng kỷ niệm 1.000 năm Phật giáo Thăng Long – cũng là 1.000 năm Phật giáo đồng hành và hộ trì Dân tộc.

Quả thật, chưa có Tôn giáo nào và ở đâu có được sự gắn bó, hòa đồng bền bỉ, vô tư, hiệu quả và lâu bền như Phật giáo và Dân tộc Việt Nam.