Trang chủ PGVN GHPGVN Hoạt động kinh tế tài chính GHPGVN phát triển vượt bậc

Hoạt động kinh tế tài chính GHPGVN phát triển vượt bậc

297

 

Những thành quả cụ thể, những chỉ tiêu, những con số phản ánh đã đạt kết quả, đã vượt, mang nhiều ý nghĩa, chắc chắn sẽ được Ban Kinh tế Tài chính hệ thống và tổng kết đầy đủ, vì nói đến hoạt động kinh tế tài chính, thì điều trước tiên, phải là những con số cụ thể.
 
Ở đây, chúng tôi chỉ xin giới thiệu khái quát những bước tiến lớn về mặt tư duy, được thể hiện qua Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” được tổ chức vào ngày 29 tháng 10 năm 2011. Trong đó, nội dung của hội thảo, đặc biệt là ý kiến của các vị tôn đức lãnh đạo Ban Kinh tế tài chính trong các bản tham luận, đã thể hiện những tư duy mới của Ban Kinh tế Tài chính, thể hiện bước tiến, đuổi kịp và từ đó đồng hành với thời đại trong hoạt động kinh tế tài chính Phật giáo.
 
Đó là những cơ sở để xác định vị thế mới của Ban Kinh tế Tài chính Trung ương, xác định khả năng thực tế và tiềm tàng của hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội, cho phép chúng ta lạc quan về tương lai hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Trước hết, các đề tài của Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” được Ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội đưa ra cho thấy một cái nhìn toàn diện, tổng quát, sâu sắc, theo đó là những yêu cầu cụ thể, xác định bước phát triển tương lai của hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội. Chúng ta có thể điểm qua những vấn đề chính mà hội thảo đặt ra:
 
1.      Trí và đức của một doanh nhân Phật tử.
2.      Lợi nhuận trong doanh nghiệp và sự đóng góp cho xã hội.
3.      Tính nhân quả trong kinh doanh.
4.      Lợi ích tu tập thiền định trong kinh doanh.
5.      Môi trường xanh trong sản xuất kinh doanh của người Phật tử.
6.      Xây dựng nền kinh tế nhà chùa (các ngành kinh doanh phù hợp với hoạt động của ngành Kinh tế Tài chính của Giáo hội trong thời hội nhập).
7.      Đề án về một mô hình doanh nghiệp của Phật giáo (cơ sở, tổ chức, nhân sự, hoạt động…).
8.      Ý kiến về việc thành lập một hội đoàn, một Câu lạc bộ doanh nhân Phật tử.
9.      Vai trò của người Cư sĩ Phật tử, của doanh nhân Phật tử trong ngành, trong doanh nghiệp thuộc Ban Kinh tế Tài chính của Giáo hội.
10.Những đóng góp, đề nghị và yêu cầu của doanh nhân Phật tử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đối với Ban Kinh tế Tài chính của Giáo hội.
11.Doanh nghiệp Phật giáo với việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp nước ngoài trong thời hội nhập.
12.Xây dựng và phát triển du lịch tâm linh thời hội nhập.
 
Chúng ta lưu ý, các vấn đề đặt ra cho hoạt động kinh tế tài chính giáo hội không phải chỉ nhằm vào mục tiêu tìm kiếm nguồn tài chính cho Giáo hội, mà trên hết, là đặt ra một nền tảng lý luận trong hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội, phù hợp với những nguyên tắc chính yếu của Đạo Phật. Từ đó, những yêu cầu đã đi từ tổng quát đến cụ thể, từ tổng quát chung đến chi tiết.
 
Ở đây, chúng ta thấy rất rõ quan điểm xây dựng các hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội trong sự gắn bó mật thiết đối với tập thể doanh nhân, những người lãnh đạo điều hành doanh nghiệp Phật tử.
 
Đây là một tư duy cơ sở đúng đắn, đưa ra những định hướng hết sức xác đáng cho hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội.
 
Đã qua rồi cái thời kỳ kiểu hoạt động kinh tế tài chính Phật giáo chỉ là hoạt động mưu sinh của nhà chùa, giới hạn trong hai chúng xuất gia là Tăng và Ni, như là một hoạt động tay trái, phục vụ cấp thời một nguồn tài chính ít ỏi cho việc tu học. Có thể kể đến các hoạt động thường thấy trong 20 – 30 năm trước đây như làm ruộng, làm vườn, làm tương, chao, xì dầu, se nhang, đan mây tre, làm trầm hương, mì sợi chay,… Những hoạt động như thế rất cần thiết trong bối cảnh kinh tế chưa phát triển, đời sống kinh tế khó khăn, tăng ni không thể trông cậy vào tịnh tài cúng dường của Phật tử.
 
Điểm quý, là những hoạt động kinh tế nhà chùa như thế đã đáp ứng phần nào nhu cầu tài chính của tăng ni để tu học trong hoàn cảnh nhất thời.
 
Tuy nhiên, những hoạt động kinh tế nhà chùa như trên cũng có những mặt trái của nó. Vì chủ yếu là lao động thủ công, nông nghiệp, nên hiệu quả kinh tế không cao, nguồn tịnh tài có được thấp, đương nhiên không thỏa mãn được nhu cầu cần có để phát triển Phật pháp, việc đáp ứng tịnh tài có giới hạn, nhưng làm mất nhiều thời gian, công sức của Tăng ni.
 
Điểm quan trọng là với phương cách làm kinh tế nhà chùa như thế, tăng ni sẽ là người trực tiếp tham gia sản xuất. Từ đó, đồng thời với hoạt động tu học, cũng đồng thời diễn ra một quá trình song song, là nông dân hóa, thợ thủ công hóa người tu sĩ Phật giáo. Điều này tất yếu làm mất trang nghiêm của Tăng. Những hoạt động kinh tế nhà chùa như thế sẽ chỉ là những giải pháp tình thế, tạm thời trong một khoảng thời gian nhất định.
 
Từ những hoạt động kinh tế nhà chùa như thế, tất yếu phát sinh nhu cầu có một cách làm kinh tế nhà chùa mới. Manh nha từ khi đất nước khởi động tiến trình đổi mới, tư duy làm kinh tế nhà chùa mới đã dần dần hoàn thiện, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây của Giáo hội, mà Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” vừa được tổ chức là bước phát triển mới trong cố gắng khẳng định hướng phát triển mới trong hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
Những quan điểm kinh tế tài chính mới của Phật giáo Việt Nam thể hiện được những tinh thần của thời đại, với những đặc điểm căn bản, trong đó những hình thức, trình độ kinh doanh mới đã được chú ý. Một loạt tham luận đã chỉ ra bối cảnh kinh tế mới có liên quan đến Phật giáo Việt Nam, chẳng hạn:
 
         Tham luận của TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, Ban Tư vấn Kinh tế Phật giáo, nhan đề “Vài suy nghĩ về kinh tế Phật giáo trong tình hình mới”.
         Tham luận của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, nhan đề “Tinh thần doanh nhân thế kỷ XXI”.
         Tham luận của cư sĩ Nhuận Hòa – Trưởng ban Kinh tế Tài chính Phật giáo tỉnh Đắc Nông, nhan đề “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời kỳ hội nhập”.
 
“Thời hội nhập”, như tên của hội thảo đã đề cập, tức là bối cảnh, môi trường, điều kiện cụ thể, thế mạnh cũng như thách thức, đã được các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm, cho thấy một nhận thức mới mang tầm vóc của thời đại. Nói theo cách nói Phật giáo, vấn đề khế cơ cũng đã được quan tâm một cách đầy đủ trong việc phát triển một khía cạnh hoạt động đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Điều đó, chuẩn bị một nền tảng hết sức cần thiết, bảo đảm kết quả cho hoạt động kinh tế tài chính của Phật giáo Việt Nam phát triển đúng hướng, mạnh mẽ và toàn diện trong tình hình mới.
 
Bên cạnh đó, các vấn đề có tính nguyên tắc trong hoạt động kinh tế tài chính của Phật giáo Việt Nam cũng được chú ý một cách tương xứng.
 
Điều đó thể hiện qua:
         Tham luận của Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương có nhan đề “Tầm quan trọng của trí và đức đối với một doanh nhân Phật tử”.
         Tham luận của Thượng tọa Thích Phước Đạt, Phó Ban Văn hóa Phật giáo Trung ương, với nhan đề “Sự phát triển kinh tế nhìn từ triết lý Phật giáo
         Tham luận của Tỳ kheo ni Thích nữ Diệu Tâm nhan đề “Sự cần thiết trong vấn đề tu tập và hoằng pháp chốn thiền môn”.
         Tham luận của Thượng tọa Thạch Hà – Trưởng ban Kinh tế Tài chính Phật giáo tỉnh Cà Mau, nhan đề “Sự tương tác giữa tinh thần Phật giáo với doanh nghiệp”.
 
Điều đáng trân trọng là tư duy về cơ cấu hoạt động kinh tế tài chính Phật giáo Việt Nam đã có bước chuyển biến lớn. Trong đó, người tu sĩ được hiểu chủ yếu với vai trò là người định hướng, phối hợp, hơn là người trực tiếp tham gia làm kinh tế. Điều này, trả người tăng sĩ Phật giáo Việt Nam về đúng vị trí cần có trong hoạt động kinh tế tài chính Phật giáo. Điều này vừa phù hợp với tinh thần Phật giáo, vừa phù hợp với tinh thần thời đại.
 
Một quan hệ mới giữa người tu sĩ Phật giáo có vai trò định hướng, tham vấn, với người doanh nhân Phật tử đã được hình thành. Hoạt động kinh doanh đúng tinh thần chánh pháp, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp Phật tử và lợi lạc xã hội, tất nhiên sẽ cũng là hoạt động kinh tế tài chính của chính Phật giáo Việt Nam, góp phần dẫn đến việc gia tăng mức đóng góp tịnh tài, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tài chính phục vụ các hoạt động của hóa đạo, hoằng pháp. Đây là điều ích đời, lợi đạo. Định hướng mới này mở ra con đường mới cho hoạt động kinh tế, tài chính của Phật giáo Việt Nam, và nếu làm đúng kết quả chắc chắn là hết sức tốt đẹp.
 
Một thành quả cũng rất đáng được ghi nhận, là tại Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” ngoài những vấn đề lý luận cơ bản, nhiều phương án kinh doanh cụ thể, phù hợp với tinh thần Phật giáo đã được đề cập. Có thể kể đến “Đề án thành lập hội doanh nghiệp Phật giáo” (tham luận của Đạo hữu Trịnh Thúy Quỳnh, Giám đốc Công ty du lịch Hành hương Việt), “Mỗi ngôi chùa là một khu du lịch tâm linh” (tham luận của Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Trưởng ban Kinh tế Tài chính Phật giáo tỉnh Vĩnh Long), “Đề xuất nghiên cứu thành lập Ngân hàng Phật giáo” (tham luận bổ sung của cư sĩ Minh Thạnh)…
 
Tuy chưa nhiều lắm so với những vấn đề lý luận nhưng những phương án cụ thể được nêu ra tại hội thảo cũng phần nào cho thấy những quan điểm mới trong hoạt động kinh tế tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bước đầu đi vào triển khai theo chiều sâu.
 
Nhìn nhận Hội thảo “Doanh nhân, doanh nghiệp Phật tử trong thời hội nhập” như là một điểm son trong thành quả hoạt động của Ban Kinh tế tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có nghĩa là chúng ta ghi nhận bước chuyển mình chung của Giáo hội trong mục tiêu phát triển đồng hành với bước tiến của thời đại.

 

MT