Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Hồng Ánh: Từ lúc quy y Tam bảo, tôi thấy mình biết...

Hồng Ánh: Từ lúc quy y Tam bảo, tôi thấy mình biết nghĩ đến người khác nhiều hơn

60

 

Cần một người bạn hơn một người che chở








Cô dâu Hồng Ánh trong ngày cưới


* Rất nhiều người đã ngạc nhiên khi biết lễ cưới của chị tổ chức tại một ngôi chùa, theo nghi thức Phật giáo. Có gì giống với đám cưới ở xứ sở Phật giáo Bhutan của cặp Lương Triều Vỹ – Lưu Gia Linh không nhỉ?


– Vì một lý do đơn giản: chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM – PV) là nơi tôi quy y.




* Vậy ra diễn viên Hồng Ánh đã là Phật tử rồi?

– Từ lúc quy y tôi thấy mình biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, trước đây hay ăn thua đủ lắm (cười). Tuy không xuất gia như các thầy nhưng tôi học được nhiều điều tốt đẹp từ Phật pháp về đối nhân xử thế. Trong cuộc sống vợ chồng, tôi được dạy phải biết, hiểu, thương, tha thứ, coi nhau như bạn…

Trong hôn nhân, tôi cũng giống những người bình thường khác thôi. Có khác chăng vì mình là Phật tử thì cố gắng thực hiện tốt ngũ giới (không uống rượu, không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp, không nói dối). Người bình thường thực hiện tốt 5 giới này thì cuộc sống cũng tốt hơn.

Thêm nữa, tôi có một suy nghĩ, mình đã giới thiệu với đức tin của mình, rằng đây sẽ là người mình gắn bó suốt đời, nên khi xảy ra những mâu thuẫn nào đó, ngoài nghĩ đến ông bà, cha mẹ, con cái…, mình còn có đức tin phải nghĩ đến khi muốn đưa ra những quyết định.

Sự “ràng buộc” này sẽ rất tốt. Dẹp bớt đi cái tôi quá lớn của mình thì cơ hội hàn gắn cũng nhiều hơn.


* Nói vậy tức là Hồng Ánh giờ này đã biết bình an, chứ không “sôi sục” như trước?


– Tôi coi thế thôi chứ cũng không có yên lắm đâu, nhiều khi cũng “lụp chụp” lắm. Tôi tự thấy mình phức tạp trong nội tâm, trong mối quan hệ nên tự muốn có đức tin để “kềm” mình lại. Có thể nói phần thiếu của tôi được anh Sơn (nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, phu quân của Hồng Ánh – PV) bù vào và ngược lại, chứ cá tính của hai người hoàn toàn khác nhau. Tôi người miền Nam, anh lại là người miền Bắc… Tôi ồn ào, bộc trực, anh Sơn nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, sâu sắc hơn.



* Chị cần một người đàn ông che chở?


– Với nghề của mình, tôi cần một người bạn hơn. Thậm chí đôi khi tôi thấy anh Sơn còn phải nép vào mình (cười). Ngay cả trong cách xưng hô cũng nói lên điều đó, anh hay gọi tôi bằng “mẹ” (của những đứa con), cho tôi cảm giác mình rất lớn. Ban đầu thì gọi nhau là đồng chí, xưng tôi. Sau gọi tên, bây giờ là gọi là “mẹ” và “ông xã”.


Không được chồng đánh giá cao vì tài năng


* “Đồng chí” ấy “lý luận phê bình” thế nào về những công việc chị đang làm?


– Anh Sơn bảo là tôi đi được một dòng tưởng chừng riêng nhưng vẫn hòa nhập được vào mặt bằng chung của điện ảnh Việt Nam, cả kịch nói cũng vậy. Cũng không phải tất cả những gì tôi làm đều “được” hài lòng hết, vì anh Sơn đặc biệt rất khắt khe với những người làm nghề, có thể bỏ qua những hạn chế về chuyện “tiền ít, kỹ thuật kém” nhưng không đồng ý với những hạn chế về nền tảng văn hóa.

Anh nhận xét là tôi không có được xuất phát với phần nền cơ bản, nhưng được cái rất chịu khó và yêu tác phẩm của mình điên cuồng. Chính vì yêu nên ý thức được mình hạn chế chỗ nào và tìm cách bù đắp, đây là điều tôi được chồng đánh giá cao chứ không phải được đánh giá cao vì tài năng.



* Chị nghĩ thế nào về việc trước công chúng, tiếng nói của chồng dành cho vợ (và những tác phẩm của vợ làm) khó khách quan?

– Thật ra, tôi không được một vị trí riêng đâu. Anh Sơn nói là sẽ dành thời gian xem nhiều hơn để có cái nhìn tổng quan về phim Việt Nam những năm gần đây và sẽ viết, trong đó có cả những tác phẩm có tôi tham gia. Tôi cảm thấy không công bằng với những người làm công tác lý luận phê bình khi bị phản bác không phải vì lý luận của họ mà quy chụp họ vì “thái độ” hay bằng những góc nhìn cá nhân.

Ví dụ như họ nói không bao giờ thấy Sơn viết về phim có Ánh tham gia mà “soi” vào tác phẩm của những đồng nghiệp khác. Nhưng im lặng không có nghĩa là không nói một ngày nào đó. Thường thì anh Sơn viết không vì một áp lực nào hết, chỉ đơn giản một tác phẩm kích được ngòi bút, một vấn đề lấy cảm hứng từ chính tác phẩm khiến anh cần chia sẻ hoặc có rất nhiều nguồn dư luận xung quanh tác phẩm khiến anh buộc phải viết.

Đó cũng là điều tôi thấy hạn chế ở anh: viết phê bình chưa phải công việc thường xuyên của anh mà nó thường gắn với cảm xúc.


* Có những trăn trở cho công việc của chồng như vậy, với góc độ của một người làm nghề, chị nhìn nhận tác phẩm phê bình của “đồng chí” thế nào?


– Vì không phải là người trong nghề nên đôi khi anh Sơn có cái nhìn hơi khắt khe về mặt tình cảm, nhưng tôi hoàn toàn đứng cùng quan điểm về chuyên môn.


* Một cách cảm tính, lấy một người đàn ông làm lý luận phê bình có làm chị lo lắng?


– Tôi tin vào những quyết định của mình nên việc tôi, tôi cứ làm thôi, ai muốn phê gì thì phê nhưng tôi cũng đón nhận những lời phê bình với thái độ tích cực vì có những căn bệnh một mình tôi chưa chắc đã nhìn ra. Còn trong cuộc sống thì tính tôi có phần “bung xòe”, anh Sơn thì nguyên tắc, kỷ luật, đặc biệt trong giờ giấc.

Ví dụ như khi anh viết hay đọc sách, tôi rất khó chịu là mình không đi qua đi lại được (mà nhà thì không rộng đến mức mỗi người có riêng một phòng làm việc). Những lúc như vậy tôi sẽ ra ngoài với bạn hoặc xem phim một mình, coi kịch một mình… Đó là những lúc tôi tự do. Hoàn toàn vui vẻ trong sự một mình đó.


* “Anh Sơn” của chị có vẻ từa tựa chồng của Hạnh trong Trăng nơi đáy giếng?


– (Cười to). Có đoạn thoại Hạnh (vai diễn của Hồng Ánh – PV) dặn cô vợ sau của chồng: “Chỗ ảnh làm việc em không được đi qua đi lại nhiều, nói chuyện to tiếng”. Nhưng mà chồng tôi lại không giống ông chồng kia, không đến nỗi “quần áo phải xếp ngay ngắn, bộ nào giặt sắp mặc phải để đầu giường”… Chỉ riêng những gì dính líu đến đọc và viết lách, anh ấy mới cần sự riêng tư tuyệt đối.


Sống thử là bài học lớn


* Vậy ngoại trừ việc “gia trưởng” trong chuyện đọc và viết lách, chồng chị trong gia đình là người thế nào?


– Anh Sơn không phải là người xốc vác trong cuộc sống gia đình lắm. Nhiều khi bạn bè nói tôi như người đàn ông trong nhà, đèn đóm, sửa chữa đồ gia dụng các thứ toàn tôi đảm nhiệm thôi. Biết là vì tình cảm với vợ, chồng cũng muốn làm nhưng đụng vô là y như rằng sẽ hư nên anh có “chống chế”: “Mẹ phải nhìn thấy ở khía cạnh là người ta đã nỗ lực, rất muốn làm, nhưng làm chưa được tốt lắm. Thôi thì chồng cố gắng đi làm kiếm nhiều tiền để khi có chuyện gì mình gọi thợ tới”.

Trong những kế hoạch anh đề ra trong năm nay, tôi thấy có mục “cố gắng tập lái xe để đỡ cho vợ”, nhưng tôi biết tập sẽ không được đâu, vì khả năng định hướng, phản xạ về tốc độ của anh kém vô cùng.




* Chị cũng là người hay nhớ trước quên sau, xem ra khoản nhược điểm của hai người bằng nhau. Chị hay anh sẽ phải là người thay đổi nhiều hơn?


– Chắc ngang nhau. Tự biết dung hòa là bí quyết hạnh phúc mà. Ví dụ như tôi hay quên, mở cửa bếp, cửa nhà… không đóng lại, chồng bị đụng đầu hoài. Nếu chồng thấy bực mình thì sẽ là chuyện lớn, nhưng anh Sơn thì lại lặng lẽ đi đóng lại. Anh ấy có tật lần nào đi về cũng vô lộn nhà người khác (vì các căn hộ trông giống nhau), tôi phải làm một cái bảng “nhà của mình” để chồng phân biệt. Cứ “có qua có lại” là tôi thấy vui.


* Có khi nào cư xử đó chỉ có trong thời gian yêu đương?


– Thực sự chúng tôi đã sống trước hôn nhân từ lâu rồi.


* Quan điểm của chị về chuyện này (sống thử trước hôn nhân) thế nào?


– Tôi thấy tốt hay không là do mình, mặc dù tỷ lệ hạnh phúc trong số những người sống thử trước hôn nhân ở xã hội của mình hiện tại không nhiều. Nhưng cá nhân tôi thì thấy đó là bài học khi bước vào hôn nhân. Tôi hay nói với anh Sơn là mình chỉ gật đầu đồng ý cho cuộc sống chung lâu dài khi không dòm ngang dòm ngửa nữa, vì tính tôi khá… “trăng hoa” (cười). Trong con người mình, mình tự kiểm duyệt được, bên cạnh người đàn ông nào cho mình cảm giác bình an, tự tin thì có lẽ đó là sự lựa chọn đúng. Sống cạnh nhau mà nhấp nhỏm, ghen tuông… thì mệt mỏi lắm.


* Chị thấy bài học mà mình có được từ chuyện sống thử là gì?


– Tôi không rút ra bài học, chỉ cảm thấy mình phải hoàn thiện mỗi ngày để phù hợp với nhau hơn. Nhưng có một điều quan trọng tôi thấy cần giữ gìn là tình bạn với nhau, ngồi lại được với nhau. Trong thời gian tôi quen anh Sơn, có nhiều lần có sự can thiệp của người thứ ba, chúng tôi ngồi xuống nói chuyện là mình có nên tiếp tục cuộc sống này nữa hay không? Người thứ ba có đủ mạnh để mình kết thúc mối quan hệ này hay không? Nhiều mối quan hệ tan vỡ vì cả hai “đùng đùng” thôi. Ngồi lại với nhau, để thấy nếu tình yêu với người thứ ba đủ lớn, thì có chia tay ít ra mình cũng là những người bạn chứ không đến nỗi thù hằn nhau.


* Còn trở ngại lớn trong hôn nhân khi chị là nghệ sĩ?



– Một trong những điều tôi tìm hiểu được là trong hôn nhân phải tôn trọng tự do của người nghệ sĩ. Cũng giống như tôi tôn trọng tự do sáng tác của anh Sơn. Mỗi người nên có một góc riêng. Mình có muốn bước vô thế giới riêng của bạn đời, giành nó cho mình, hiểu như họ hiểu cũng không bao giờ được. Tôi không giành được góc viết lách của anh Sơn cũng như anh không bao giờ hiểu hết con người nghệ thuật trong tôi. Tốt nhất là chỉ nên có sự tương đối khi kết hôn. Những khoảng trời riêng của mình đã làm bận rộn mình rồi, nên đừng bao giờ có ý định kiểm soát khoảng trời riêng của người kia.



* Chị sống tình cảm, yêu nhiều trong quá khứ, Sơn cũng từng có gia đình riêng, những điều này sẽ có tác động thế nào đến cuộc sống vợ chồng tương lai?


– Trước đây, đó là một trong những điều làm cả hai có cảm giác bất an. Chỉ đến khi mọi người nhìn nhau như bạn, cuộc sống mới của mình không ảnh hưởng nhiều đến người khác, tôi mới vững tâm. Đó cũng là cái mình thiệt thòi, vì mất rất nhiều thời gian trước khi bước vào hôn nhân. Tôi cũng đã có khoảng thời gian tìm hiểu rất kỹ khi quyết định cho cuộc sống chung. Với người nghệ sĩ, việc lập gia đình muộn một chút cũng không có gì là to tát cả.


* Đã có một sự nghiệp lẫy lừng phía sau, chị dự đoán, sau hôn nhân, công việc sẽ thế nào?


– Mọi thứ có lẽ chỉ thay đổi ở cột mốc tôi làm mẹ.