Trang chủ Tin tức HT.Thích Bảo Nghiêm chia sẻ Phật pháp tại VOV

HT.Thích Bảo Nghiêm chia sẻ Phật pháp tại VOV

83

Đón tiếp Hòa thượng có bà Trần Thị Tri – Giám đốc Hệ Văn hóa – Đời sống – Khoa giáo VOV2, cùng đông đảo các cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Buổi gặp mặt thân tình giữa Hòa thượng và các cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam ấm cúng, tràn đầy ý nghĩa. Hầu hết các cán bộ trong Đài là những người thường xuyên đi lễ Phật tại các chùa. Với nhiều tình huống đã được đặt ra trong việc ứng xử đúng hay sai qua các câu hỏi xoay quanh trong cuộc sống thường nhật. 

Nhiều câu hỏi với các khái niệm cơ bản về Phật giáo đã được Hòa thượng tận tình giảng giải như giáo lý cơ bản về  trường phái Phật giáo tại Việt Nam, hệ thống tổ chức Giáo hội từ Trung ương đến cơ sở, các chức danh trong Giáo hội. Phật Tổ, Bồ tát như thế nào?. Việc thực hành nghi thức Phật giáo tại gia và nhà chùa, cách xưng hô, chào hỏi các quý Thầy. Đặc biệt về cuộc sống gia đình làm thế nào để dung hòa tín ngưỡng dân gian về thờ cúng ông bà, tổ tiên và Phật giáo.

Các câu hỏi đã được Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm tận tình chia sẻ và giải đáp, chúng tôi xin trích lược một số ý, như sau:

Về giáo lý cơ bản  trường phái Phật giáo tại Việt Nam Hòa thượng đã nhấn mạnh “Ở Việt Nam hiện nay có cả 2 hệ phái Bắc tông và Nam tông. Hai hệ phái này chia thành 10 tông phái: Nam tông bao gồm có  Câu Xá tông, Thành Thực tông, Luật tông. Bắc tông bao gồm Thiền tông, Tịnh Độ tông, Mật tông, Pháp Tướng tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Tam Luận tông. Nam tông hay Bắc tông là tên gọi khác của Phật giáo nguyên thuỷ và Phật giáo phát triển.

 Về hình thức, Nam tông vẫn duy trì hình thức sinh hoạt căn bản theo đúng truyền thống ngay từ thời đức Phật: Chư Tăng vận y phục màu vàng, ăn ngày một bữa, tụng kinh bằng tiếng Pali…điểm đặc sắc của các nước Phật giáo Nam Tông là tăng sĩ mặc y phục và tụng kinh giống nhau (kinh tạng Pali)

 
Ngược lại, Bắc tông không duy trì hình thức sinh hoạt nguyên thuỷ. Các nước Phật giáo Bắc tông tự điều chỉnh cách thức sinh hoạt căn bản trong đời sống tu tập hàng ngày dựa vào phong tục tập quán, văn hoá truyền thống và nhu cầu xã hội của mỗi nước. Nói chung, Bắc tông vốn là mô thức Phật giáo phát triển, do vậy để thích ứng với xã hội trở thành yếu tố hàng đầu trong việc truyền bá”.

Về ý nghĩa Phật và Bồ tát, Hòa thượng cũng đã giảng giải “ Không thể nói có bao nhiêu vị Phật bởi “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, ta lại có tam thế/thời (quá khứ, hiện tại và tương lai) và mười phương chư Phật, vậy nên, có hằng hà sa số Phật. Bên cạnh đó, mỗi con người đều có “Phật tâm”, nếu ta nuôi dưỡng, phát triển Phật tâm tốt, những người ấy đều có thể thành Phật”.

“Phật là người đã dứt khỏi vòng sinh tử luân hồi, đã chứng đạt giải thoát, chứng Niết Bàn. Theo tiếng Phạn, Phật nói đủ là Phật Đà và người Trung Hoa dịch là Giác (giác ngộ). Giác có 3 bậc: tự giác và giác tha  và  giác hạnh viên mãn”.

 

Về Bồ tác : “Bồ tát là dịch âm từ chữ Phạn và là lược dịch (đầy đủ là Bồ đề tát đỏa). Bố tát là người đã giác ngộ về nỗi khổ của tất cả chúng sinh, đồng tình và thông cảm với nỗi khổ đó và phát nguyện cứu thoát chúng sinh ra khỏi những nỗi khổ đó, thậm chí hy sinh cả bản thân mình để cứu giúp người. Có thể hiểu: Bồ tát là người đã giác ngộ (chứng quả vị Phật), nhưng không lên cõi Niết Bàn mà nguyện ở cõi Ta bà để cứu giúp chúng sinh”.


Về Hệ thống tổ chức của Giáo hội bao gồm:

“- Cấp Trung ương: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mọi mặt hoạt động giữa hai nhiệm kỳ.)

– Cấp Tỉnh, Thành: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố. (Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Trị sự và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương, Quy chế, Quyết định và các Chỉ thị do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành hoặc phê chuẩn)

 – Cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”

Về  Giáo phẩm:

“- Hòa thượng: là các Thượng tọa được tấn phong khi có đủ 40 tuổi hạ và 60 tuổi đời trở lên; Thượng tọa: là các Đại đức được tấn phong khi có đủ 25 tuổi hạ và 45 tuổi đời trở lên Tương ứng với các tiêu chuẩn trên là giáo phẩm Ni trưởng và Ni sư đối với sư ni”


Các câu hỏi đưa ra xoay quanh chủ đề “Thực hành nghi thức Phật giáo tại gia và nhà chùa”:

Hòa thượng cũng đã khuyên dạy:” Đối với tại gia “Tại gia”: Không phải gia đình nào cũng thờ Phật, nhưng bất cứ gia đình người Việt Nào cũng thờ tổ tiên, ông bà mình và thần linh; vì thế, dù thờ ai, cũng không câu nệ vào lễ vật mà quan trọng nhất là cái tâm của mình cùng với sự nghiêm cẩn khi hành lễ và hướng về cái thiện để “Phật tâm” được khởi. Lưu ý: nếu thờ Phật thì lễ vật dâng cúng hoàn toàn chay tịnh”.



Đặc biệt Hòa Thượng cũng đã chia sẻ về việc “Làm thế nào để dung hòa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo”

 Hòa thượng đã nhấn mạnh “Đã hàng ngàn năm nay, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã hòa quyện với nhau để trở thành Phật giáo của người Việt, văn hóa của người Việt. Lý do là vì bản thân Phật giáo là một tôn giáo có tính hòa bình và khả năng thích ứng cao, Phật giáo không câu nệ (chấp) vào việc phụng thờ, không đòi hỏi việc tôn thờ đức Phật là duy nhất, mà luôn khuyên con người con người nghĩ thiện và làm thiện, thực hành bố thí…. Tôn trọng quá khứ, tôn trọng tổ tiên, những người có công, làm người có hiếu… luôn là những việc làm được Phật giáo khuyến khích và tôn trọng”.

Sau 2 tiếng gặp gỡ và chia sẻ tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV),  Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã thuyết giảng một cách tổng quát về giáo lý và giải đáp các câu hỏi Phật học cơ bản của các cán bộ  nhân viên tại  Đài.

Buổi nói chuyện thắm tình đạo vị đã để lại nhiều ấn tượng sâu săc đối với các cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm bày tỏ niềm vui và hoan hỷ đối với Ban lãnh đạo đã tổ chức thành công chương trình chia sẻ Phật pháp cho các cán bộ nhân viên. Thay mặt Đài Ban Giám đốc bà Trần Thị Tri phát biểu cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian đến chía sẻ tại chương trình. Các thành viên đều cảm nhận sự vị diệu và màu nhiệm của đạo Phật. Buổi giao lưu, chia sẻ đã kết thúc trong niềm an vui, hỷ lạc và tràn đầy đạo vị.

 Xin giới thiệu chùm ảnh: