Trang chủ Tu học Pháp thoại Một vầng trăng

Một vầng trăng

291

Ngày tháng như thoi đưa, tuổi già chồng chất, mạng sống ngắn ngủi. Hiểu đạo mà không cố gắng tu hành thì thật đáng tiếc! Người xưa chí thiết tu hành mà còn than thân, trách phận, lý nào chúng ta lại để ngày tháng trôi suông.


Một thiền sư đã nói :

Gió cuộn mây tàn vũ trụ thênh
Trời xanh như nước một vầng trăng
Tâm ấn tổ sư rành rành đó
Chỗ này ai nấy tự xem bằng

Tâm ấn của tổ sư chính là tâm chân thật. Ai cũng có, không hề dấu diếm và chính là Niết bàn thường tại. Chỉ cần gió cuộn mây tan, tức những lăng xăng điên đảo và loạn tưởng đã quét sạch thì bầu trời bao la thênh thang hiện bày.

Tu như vậy là tu thẳng tắt không qua một quá trình phương tiện nào. Nó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm buông bỏ và loại trừ những tăm tối điên đảo của mình. Như muốn nhà sáng thì phải thắp đèn. Thắp như thế nào? Nghĩ bậy đừng nghĩ, nói bậy đừng nói, làm bậy đừng làm… được vậy thì dần dần tâm ta sẽ sáng. Đây là một phương thức mà ai cũng có thể áp dụng.

Trời xanh như nước một vầng trăng, bầu trời không mây thì thênh thang xanh biếc. Giữa cái thênh thang xanh biếc ấy trăng sẽ hiện ra. Đó là tâm chân thật của ta hiện tiền. Ngoài ra “một vầng trăng” còn diễn tả hình ảnh của một việc làm duy nhất, không bị những lăng xăng điên đảo làm rối loạn. Việc gì chỉ tập trung một việc đó thôi. Làm vậy thì ta được bình an tức thì.

Tâm ấn tổ sư rành rành đó, một khi tâm đã rỗng rang bình an thì sự ấn chứng của chư vị tổ sư cũng sẵn sàng. Tức ta sống được với bản hạnh của Bồ tát.

Tuy nhiên đó chỉ mới là một bước trong công phu tu hành, chưa phải rốt ráo. Ngài Tử Thuần nói:

Dừng dừng đúng ngọ chữa tròn khuyên
Lặng lặng canh ba chẳng hiện tiền.
Sáu cửa chưa từng hơi hướm ấy.
Tuy nhiên trăng sáng vẫn không riêng.

Tuy dừng được tất cả những lăng xăng phiền não thì bầu trời thênh thang rộng mở, trăng sáng hiện tiền. Nhưng vầng trăng này chưa phải là vầng trăng tròn đầy. Trạng thái tâm lặng lẽ như sự tịch tịnh yên lắng vào lúc giữa đêm chưa phải là chỗ rốt ráo. Phiền não hết nhưng tâm vẫn còn bị chi phối bởi những quan điểm nhận thức, nên nói, dù đã tịch lặng nhưng chưa thật tròn đầy.

Thường trong đời sống, ta làm được việc gì thì hay bị mắc kẹt vào việc ấy. Những gì đã thành nếp mà có sự đổi khác thì sinh phiền não. Giả như mình đang tụng kinh mà ai làm gì ồn náo thì mình bực. Hoặc ngược lại mình không thích tụng kinh mà ai tụng kinh thì mình không ưa. Đó là do chúng ta chưa thoát khỏi những quan niệm, định kiến. Nó làm chướng ngại tâm chân thật hiển lộ tròn đầy. Nên nói, lặng lặng canh ba chẳng hiện tiền.

Tuy nhiên, dù cho chỗ tịch lặng ấy chưa được rốt ráo, sáu căn của mình còn dong ruổi ngược xuôi, ánh sáng của vầng trăng vẫn tỏa khắp. Đây là chỗ ai cũng có thể nhận được nếu biết cách tu. Chỉ cần chúng ta chịu buông bỏ, đừng vướng mắc, làm chủ được mình.

Ngày tháng như thoi đưa, tuổi già chồng chất, mạng sống ngắn ngủi. Hiểu đạo mà không cố gắng tu hành thì thật đáng tiếc! Người xưa chí thiết tu hành mà còn than thân, trách phận, lý nào chúng ta lại để ngày tháng trôi suông. Thiền sư Duy Công đã tự thán :

Công phu chưa đến chỗ vuông tròn
Hằng tựa lan can luống lo âu
Hôm nay là ba mai lại bốn
Tuyết sương dễ đến phủ trên đầu

Tâm trạng khắc khoải này là tâm trạng chung. Nếu như chỉ thích làm phước làm lành để chuẩn bị cho đời sau thì không nói làm chi.Còn với thiền sinh chúng tôi, thì việc tu hành quả là bức thiết. Từ đời sống cho đến quan niệm, hiểu biết, tất cả đều được xây dựng theo đúng bản hạnh của Phật và Bồ Tát. Vậy mà, hôm nay mùng ba, mai mùng bốn rồi ngày kia mùng năm, tới mùng sáu… thời gian trôi chẳng hề dừng, tới chẳng hề lui, tóc bạc phủ đầu, thân thể suy yếu nhưng công phu chưa đến chỗ vuông tròn, đạo cả chưa sáng. Chẳng trách “hằng tựa lan can luống lo âu”.


Trích “PHƯƠNG TIỆN CHO NGƯỜI TU THIỀN”
HT. Thích Nhật Quang