Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Khi nào Tăng Ni VN có tuyên bố mạnh mẽ chống lại...

Khi nào Tăng Ni VN có tuyên bố mạnh mẽ chống lại cải đạo?

143

Đó là câu hỏi nảy sinh trong tôi sau khi đọc bài trả lời của Đức Dalai Lama về việc cải đạo được đăng lại trên Phattuvietnam.net.

Chúng ta đều biết, Đức Dalai Lama là một vị thánh tăng, biểu tượng cho sự trung hậu, hiền từ, hòa đồng cho Phật giáo ở tầm cỡ thế giới.

Ngay với chính quyền Trung Quốc, ngài cũng hiếm khi đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ, căng thẳng.

Ấy vậy mà, hôm nay, Đức Dalai Lama đã phải có những tuyên bố dứt khoát, kiên quyết như thế về việc cải đạo tín đồ Phật giáo.

Chúng ta đã đọc thấy cụm từ “nghiêm khắc phê phán”.

Thực ra cụm từ này vẫn còn nhẹ, vì mở đầu, ngài đã coi “đó là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa không giống với văn hóa và dân tộc của các nước Thiên Chúa giáo”.

Một hình thức chiến tranh”: quả thật vấn đề là cực kỳ nghiêm trọng. Chắc chắn Đức Dalai Lama đã rất cân nhắc khi dùng đến định nghĩa này.

Một nhân vật được nêu thẳng trong bài phê phán của Đức Dalai Lama, là giáo hoàng Vatican.

Chúng ta hiểu đó là người cầm đầu hoạt động mà Đức Dalai Lama đã gọi là “một hình thức chiến tranh”. Chiến tranh nhắm vào Phật giáo và các dân tộc có văn hóa Phật giáo.

Người ta không dám đụng tới Hồi giáo và Ấn Độ giáo, vì khi những tín đồ tôn giáo này cải đạo, thì người xúc tiến cải đạo và người bị cải đạo đều không thể sống yên, nếu còn ở lại bản địa.

Vì thế, cải đạo chỉ là một cuộc chiến nhằm duy nhất vào Phật giáo, một tôn giáo hiền hòa, bất bạo động và nhẫn nhịn.

Chưa có thống kê đầy đủ về số tín đồ Phật giáo cải đạo từng tháng, từng năm, từng thập kỷ, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng con số đó khá trùng khớp với con số tín đồ đạo Cơ đốc gia tăng trong chừng ấy thời gian, sau khi trừ đi sự gia tăng tín đồ do tăng trưởng dân số tự nhiên từ sinh đẻ trong cộng đồng tôn giáo này.

Đức Dalai Lama đã dùng đến từ “chống”. Nguyên văn “Nhất định là chống!”.

Rất quyết liệt!

Ngài đưa ra ví dụ các vùng miền Đông Ấn Độ, Phật giáo Mông Cổ.

Nhưng ngài đã nói đến như vậy, thì chắc chắn không vì vấn đề ở một số khu vực với số người chỉ ở mức ngàn, trong một hai ví dụ.

Đây là một cuộc chiến ở cả một châu lục..

Vùng miền, quốc gia thì khác nhau, nhưng cùng có chung một phương tiện, là nhằm vào nhược điểm của sự nghèo đói khó khăn và dùng tiền mua chụộc.

Việt Nam chúng ta, tất nhiên, cũng nằm trong địa bàn của cuộc chiến đó, với đời sống đại đa số người dân chưa cao.

Nhưng rất tiếc, lẽ ra chư tôn đức đức Phật giáo Việt Nam là những người đi tiên phong trong việc đối phó cải đạo tín đồ Phật giáo, thì đến bây giờ, nhìn chung vẫn là sự im lặng.

Chừng như không có một cuộc chiến nào hết, ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Phật giáo hiếm khi dùng tới từ “chống”, nhưng Đức Dalai Lama đã phải dùng tới cụm từ này. Trong khi đó, chư tôn đức Phật giáo Việt Nam chưa hề có khái niệm “chống”, cũng chưa hề có khái niệm “thấy”, khái niệm “biết”.

Tôi được xem là một cây viết “nóng” trong nước về vấn đề cải đạo tín đồ Phật giáo, nhưng trong hoàn cảnh chung của Phật giáo Việt Nam, tôi cũng ngần ngại dùng đến động từ “chống” (mà chỉ thường dùng từ “ngăn chặn”, với cấp độ thụ động), cũng ngại không nêu đích danh ai đó.

Có lẽ, nay đã đến lúc phải nói như Đức Dalai Lama.

Và chúng ta cũng quay lại, ngước lên chờ đợi ở chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, nhưng người chịu trách nhiệm trước lịch sử Dân tộc và Đạo pháp đối với cuộc chiến ác liệt này.

Thật kính phục Đức Dalai Lama, vì ngài đã nêu ra được thực chất và tầm mức của vấn đề.

Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng tâm linh, mà là chiến tranh tàn phá văn hóa các dân tộc châu Á, là vấn đề chính trị có tính chất đối kháng, một vấn đề “Nhất định là chống!”.

Cho đến khi nào chư tôn đức Phật giáo Việt Nam nói lên những lời như thế, trong bối cảnh Phật giáo Việt Nam, thiết tưởng còn bi đát hơn, nguy ngập hơn Phật giáo miền Đông Ấn Độ, hay Phật giáo Mông Cổ, như đạo hữu Nguyễn Kha đã có ý kiến.

MT