Trang chủ Quốc tế Khi Thiếu Lâm Tự kinh doanh

Khi Thiếu Lâm Tự kinh doanh

93

Người Trung Quốc gọi Thiếu Lâm Tự là “Quốc tự”, là cái nôi của nền võ thuật Trung Hoa, đồng thời là cội nguồn của Phật giáo Thiền tông Trung Quốc.


Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới, Thiếu Lâm Tự còn có một bộ mặt mới: trở thành một thương hiệu kinh doanh nổi tiếng.


Từ nhiều lỗ thủng trên cây cổ thụ đến vết lõm trên nền gạch


Tôi đến Thiếu Lâm Tự vào một ngày cuối tháng tư năm nay. Rời Trịnh Châu (thủ phủ của tỉnh Hà Nam) vào buổi sáng sớm, chúng tôi đi theo đường cao tốc về phía tây nam, hơn một tiếng đồng hồ thì đến huyện lỵ Đàng Phong. Từ đây vào Thiếu Lâm Tự chỉ còn 10km.


Chùa nằm trên núi Thiếu Thất, thuộc dãy Tung Sơn. Từ dưới chân núi, đã thấy san sát hai bên đường nhiều võ đường xây cất theo lối hiện đại. Đấy là những trường dạy “Thiếu Lâm công phu” được mở ra để thu nhận học sinh từ mọi miền của đất nước Trung Hoa. Hàng ngàn võ sinh ở lứa tuổi thiếu nhi và thiếu niên đang hăng say luyện tập trên các sân trường.


Đường đi vào Thiếu Lâm Tự rộng rãi như vào một công viên. Khoảng sân rộng lớn trước cửa chùa tấp nập du khách. Hai bên sân là hai dãy hàng quán bán đồ lưu niệm, nhiều nhất là “Thập bát ban vũ khí” mà các nhà sư chùa Thiếu Lâm thường sử dụng. Nhìn vào những món hàng cồng kềnh đó, tôi nghĩ chỉ du khách nội địa mới có thể mua đem về, còn du khách nước ngoài như chúng tôi giỏi lắm chỉ mua được một thanh đoản kiếm hay một khúc đoản côn mà khi rời Trung Quốc bằng máy bay đều không được xách tay theo quy định của ngành hàng không. Loa ở các gian hàng rót vào tai du khách, không phải các bản nhạc mà là những bài kinh tụng như để nhắc nhở du khách rằng bạn đang đi vào cõi Thiền.


Trước tiên, du khách bước qua cổng gọi là Sơn Môn (cửa lên núi), trên cổng treo tấm bảng với ba chữ “Thiếu Lâm Tự”, đấy là bút tích của vua Khang Hy nhà Thanh để lại khi ông viếng chùa này. Từ Sơn Môn, du khách đi giữa hai hàng bia đá đến Thiên Vương Điện. Nơi đây có tượng của bốn vị Thiên Vương, mà nhiệm vụ là phù hộ dân chúng, bênh vực cái thiện, diệt trừ cái ác.


Tiếp đến là Đại Hùng Bảo Điện, tòa kiến trúc lớn nhất trong chùa. Cô hướng dẫn viên lưu ý du khách nhìn vào cây bạch quả có hàng ngàn năm tuổi, trên thân có rất nhiều lỗ trống to như có viên đạn găm vào. Đó chính là dấu vết của các nhà sư để lại khi họ luyện công, đã dùng ngón tay đâm thủng thân cây.


Đại Hùng Bảo Điện là nơi diễn ra các buổi cầu kinh long trọng, các buổi đại lễ. Bên trong, có điện thờ Phật Thích Ca, tượng mười tám vị La Hán, tượng Đạt Ma Tổ Sư – người sáng lập ra Phật giáo Thiền Tông và môn võ Thiếu Lâm. Điều gây ấn tượng lớn nhất đối với du khách là trên nền gạch của điện có năm mươi vết lõm rất sâu, vốn là dấu chân của các nhà sư khi họ luyện công ở đây.


Câu chuyện biến tuyết từ màu trắng thành màu đỏ


Chúng tôi đi tiếp đến Tàng Kinh Các, nơi lưu giữ kinh sách và các bí kíp võ công của môn phái Thiếu Lâm. Hiện nay, chỉ còn ngôi nhà trống rỗng, kinh sách bị đốt cháy rất nhiều vào thời…, số còn lại được cất giữ nơi khác.


Giữa sân, có đặt một nồi đồng to lớn đường kính 2m, nặng 65kg, đây là một trong những nồi nấu cơm từ xưa còn sót lại. Trong lịch sử phát triển của chùa, có lúc số nhà sư lên đến hai ngàn người. Mỗi bữa ăn phải nấu đến hàng mấy chục nồi cơm như thế. Nồi cơm quá to nên không thể đứng bên cạnh đảo cơm được, mà các nhà sư phải móc chân lên giàn giáo bên trên, chúc ngược đầu xuống, hai tay dùng một cái muôi to tướng để đảo.


Trong số những sảnh điện phía sau chùa, đáng chú ý nhất là Lập Tuyết Đình với bức tượng của một nhà sư cụt tay đặt ngoài sân: đó là Huệ Khả – vị tổ sư thứ hai của chùa Thiếu Lâm. Tương truyền rằng có một thanh niên rất sùng kính Đạt Ma Tổ Sư nên đến đây xin được truyền đạo. Bị Đạt Ma Tổ Sư từ chối, người thanh niên đó không nản chí, hết ngày này đến ngày khác cứ quỳ trước cửa. Đến mùa đông, tuyết rơi ngập cả sân chùa, chàng trai đó không ngại rét buốt, vẫn tiếp tục quỳ ngoài trời. Cuối cùng, Đạt Ma Tổ Sư bước ra và bảo: “Nếu nhà ngươi có thể làm tuyết màu trắng chuyển sang màu đỏ, ta sẽ nhận ngươi làm đồ đệ!”. Chàng trai bèn dùng thanh kiếm chặt đứt một cánh tay của mình, máu chảy xuống xối xả, rõ ràng tuyết xung quanh chuyển từ màu trắng sang màu đỏ. Xúc động trước tấm lòng chí thành cầu đạo của chàng trai, Đạt Ma Tổ Sư thu nhận chàng và đó là Nhị Tổ Huệ Khả của chùa Thiếu Lâm. Nơi Huệ Khả đứng dưới tuyết cầu đạo chính là Lập Tuyết Đình (lập tuyết = đứng dưới tuyết).


“Cửu niên diện bích” của Đạt Ma Tổ Sư


Chùa Thiếu Lâm được xây dựng năm 495, dưới triều Bắc Ngụy (386 – 534). Năm 517, một nhà sư Ấn Độ tên là Bồ Đề Đạt Ma (vốn là con một vị tiểu vương ở miền nam Ấn Độ) đến đây tu hành và sáng lập ra Phật Giáo Thiền Tông, đồng thời truyền bá võ công, gọi là Thiếu Lâm công phu. Tương truyền rằng, ông ngồi thiền trong một hang núi bên trên chùa Thiếu Lâm, mặt quay vào tường đá trong suốt chín năm liền, đến nỗi khuôn mặt của người in hằn lên đá. Đó là câu chuyện ly kỳ Cửu niên diện bích mà du khách nào đến Thiếu Lâm Tự cũng được nghe kể lại. Bồ Đề Đạt Ma còn là tác giả của bộ Dịch cân kinh, “bí kíp” tuyệt đỉnh của Thiếu Lâm Tự.


Trong lịch sử hơn 1.500 năm, Thiếu Lâm Tự trải qua những thời kỳ phát triển rực rỡ, nhưng cũng có những giai đoạn đen tối, u buồn. Nhiều vương triều Trung Quốc được các nhà sư ủng hộ để dẹp loạn, do đó Thiếu Lâm Tự cũng được các triều đình đề cao. Tiêu biểu nhất là câu chuyện vào năm 620, mười ba vị sư đã giúp Thái tử Lý Thế Dân (về sau là vua Đường Thái Tông) đánh thắng tướng nhà Tùy là Vương Thế Sung, giúp nhà Đường thống nhất Trung Quốc. Câu chuyện này được thể hiện trên bức bích họa trong Đại Hùng Bảo Điện có tên Mười ba nhà sư Thiếu Lâm giải cứu vua Đường.


Thiếu Lâm Tự nhiều lần bị đốt phá, lần cuối cùng là vào năm 1928 bởi bọn quân phiệt ở địa phương. Các sảnh điện ở đây hiện nay đều là những kiến trúc được xây dựng lại trên nền cũ.


Thiếu Lâm Tự mà du khách viếng thăm ngày nay thực chất là một viện bảo tàng. Tại đây, chỉ có một vài nhà sư trẻ làm nhiệm vụ trông nom, bảo quản, không thấy bóng dáng của các vị cao tăng, không có cảnh đọc kinh hay luyện võ như ta vẫn xem trong phim. Đằng sau khuôn viên chùa Thiếu Lâm, còn có những tu viện dành riêng làm nơi ăn ở và luyện võ của các vị chân tu. Du khách không được vào, vì đây là nơi truyền dạy những bí kíp của Thiếu Lâm công phu. Còn tại các võ đường mà chúng tôi thấy rất nhiều ở dưới chân núi, người ta chỉ dạy những môn võ phổ thông. Dù không trông thấy, nhưng chúng tôi vẫn nghe được âm thanh những binh khí chạm vào nhau và tiếng huỳnh huỵch bên ngoài bức tường bao quanh ngôi chùa.


Ra khỏi chùa, đi một quãng độ vài trăm mét, du khách đến thăm khu vực có tên là Rừng Tháp (Tháp Lâm) với hàng trăm tháp lớn nhỏ khác nhau, nhưng không tháp nào vượt quá chiều cao 15m. Mỗi vị sư trụ trì của chùa, sau khi qua đời, tro cốt được đặt trong một tháp ở đây.


Vị CEO khoác tăng bào


Du khách đến thăm Thiếu Lâm Tự đều nghe nói đến tên nhà sư Thích Vĩnh Tín, vị phương trượng của chùa hiện nay. Muốn gặp ông không phải là chuyện dễ, vì ông luôn bận rộn đi chu du khắp nơi trong nước và cả ở nước ngoài để quảng bá “thương hiệu” của Thiếu Lâm Tự.


Thích Vĩnh Tín năm nay 42 tuổi, tên thật là Lưu Ứng Thành, quê quán ở tỉnh An Huy, đến chùa vào năm 1981. Năm 1987, ông là chủ nhiệm Ban quản lý Thiếu Lâm Tự. Năm 1999, ông được bầu làm phương trượng (sư trụ trì của chùa), khi mới 34 tuổi, trở thành vị phương trượng trẻ nhất trong lịch sử 1.500 năm của Thiếu Lâm Tự.


Khác hẳn các phương trượng trước kia có cuộc sống khắc khổ, nghiêm nghị, xa cách với bên ngoài, Thích Vĩnh Tín đã hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thị trường. Trong quyển Thiền lộ tập, ông viết: “Phật giáo không tỵ thế, nếu tỵ thế, Phật giáo sẽ sớm diệt vong”. Ông còn nói: “Điện ảnh, truyền hình và Internet, đều là các công cụ giao lưu của thế giới hiện đại, phải sử dụng những công cụ đó để phục vụ Phật giáo và văn hóa truyền thống”.


Ngay từ những năm 1996, trong lúc ở Trung Quốc chưa mấy người biết đến Internet, ông đã xây dựng website đầu tiên về các ngôi chùa Trung Quốc. Sau đó, ông cho công bố trên website một số bí kíp võ công của nhà chùa, điều này đã gây ra một số tranh cãi và những phê phán. Ông đã cử những đoàn võ thuật Thiếu Lâm, trong đó có nhiều vị cao tăng, đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Năm 2006, Thiếu Lâm Tự và tập đoàn truyền thông Thâm Quyến hợp tác tổ chức cuộc đại tỉ thí võ thuật toàn cầu Ngôi sao Kungfu.


Thích Vĩnh Tín muốn nâng “võ thuật” Thiếu Lâm lên tầm “võ học”, “võ đạo”. Ông thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu với nhiều trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Nhân Dân nhằm xây dựng một nền Thiếu Lâm học, giống như Đông Phương học, Đôn Hoàng học (nghiên cứu di sản văn hóa Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc), Hồng học (nghiên cứu tác phẩm Hồng Lâu Mộng). Tháng 8.2006, ông sang Úc, mua mảnh đất rộng 12km2 với dự định xây dựng một Trung tâm văn hóa Thiếu Lâm ở đây. Theo Thích Vĩnh Tín, thì văn hóa Thiếu Lâm không chỉ có võ thuật mà phải bao gồm cả ba yếu tố võ, thiền, y. Ông đang xin phép chính quyền cho phép mở “Thiếu Lâm dược cục” ở góc tây nam khu chùa.


Cách đây bốn năm, kênh truyền hình Mỹ, Discovery, đã làm một bộ phim về Thích Vĩnh Tín có tên là Tân Thiếu Lâm Tự Phương trượng. Còn bản thân Thích Vĩnh Tín cũng đang xây dựng một bộ phim truyền kỳ về các võ tăng của Thiếu Lâm, dự kiến sẽ trình chiếu vào thế vận hội Bắc Kinh 2008. Báo chí Mỹ gọi ông là một CEO (Tổng giám đốc điều hành) mặc áo cà sa. Thực tế là ông đang quản lý một doanh nghiệp lớn, trong đó khu vực nhà chùa chỉ là một bộ phận. Năm 1981, khi Thích Vĩnh Tín đến chùa, Thiếu Lâm Tự đang trong tình trạng hoang phế. Một năm sau, bộ phim Thiếu Lâm Tự của Hồng Kông ra đời (trong đó Lý Liên Kiệt – một môn sinh của Thiếu Lâm, thủ vai chính), khiến cho ngôi chùa này trở thành tiêu điểm chú ý của quốc tế. Ngày nay, Thiếu Lâm Tự là một khu vực xây dựng hiện đại, có nhiều trường võ thuật, nhà hàng, khách sạn, quán ăn… đều là tài sản của chùa.


Chúng tôi đến thăm Thiếu Lâm Tự, cũng nghỉ tại khách sạn của chùa có tên là Thiền. Cung cách phục vụ cũng giống như các khách sạn ở thành phố, nhân viên khách sạn đều là người bên ngoài làm thuê cho chùa, không có vị sư nào cả. Nếu muốn ăn chay, thì có một nhà hàng đồ chay ở bên ngoài khách sạn. Buổi sáng, du khách xem biểu diễn võ công trong một sảnh đường bên cạnh khách sạn. Buổi tối, nếu bỏ ra 200 nhân dân tệ (400 ngàn đồng Việt Nam) để mua vé, du khách có thể thưởng thức một chương trình võ thuật với âm nhạc, vũ đạo, có sự tham gia của hơn 600 diễn viên. Sân khấu ngoài trời nằm ở thung lũng Đại Tiên Câu, cách chùa Thiếu Lâm 7km, xung quanh là vách đá dựng đứng. Trong thung lũng có sẵn khe suối, tùng bách, cầu đá, hình thành một sân khấu thiên nhiên thật thơ mộng và hùng vĩ. Kỹ xảo ánh sáng tối tân, nhạc thiền êm dịu sâu lắng, kết hợp với vũ đạo và biểu diễn võ công điêu luyện, tạo nên một chương trình nghệ thuật đặc sắc không giống bất cứ cuộc biểu diễn nghệ thuật nào trên thế giới!


Đúng là thời hiện đại. Khi Thiếu Lâm Tự kinh doanh, họ kinh doanh giỏi chẳng kém những “Thiếu Lâm công phu” nổi tiếng”…