Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Lá thư từ phương xa

Lá thư từ phương xa

79

Xã hội ngày càng phát triển,  đời sống tâm linh con người cần được nâng cao đó là điều tất yếu như một quy luật, nhu cầu về vật chất đã được đáp ứng thì người ta sẽ tìm về nội tâm hơn.


Thế nhưng chúng ta thấy đến với đạo Phật phần đông là những người lớn tuổi nếu không muốn nói là già, còn tầng lớp trí thức, hàng thanh thiếu niên trẻ nơi nào là nơi trú ngụ tâm linh cho họ? Và tại sao họ lại ít chọn đạo Phật?


Có phải chăng họ chưa tìm thấy được sự mầu nhiệm của một tôn giáo đã hơn hai ngàn năm trăm năm vẫn tồn tại và đứng vững, hay tính thực tiễn của đạo Phật đối với xã hội đã không giúp gì mấy cho cuộc sống đời thường của họ?


Phải chăng Giáo hội của chúng ta thiếu một đội ngũ nhân lực nên các bậc tôn túc của chúng ta dù tuổi đã cao, sức đã yếu mà bôn ba vẫn cứ bôn ba, các ngài vẫn không ngừng nghỉ, không có thời gian để nghỉ bởi Tăng Ni trẻ chúng ta không đủ “già dặn”, còn “non” chăng?


Vậy bao năm học nơi trường, ở lớp để qua ngày đoạn tháng sao? Nguời ta cắp sách đến lớp, mình cũng đến nhưng chẳng hấp thu được gì.Thế nên khi tiếp xúc, cọ xát thực tế chúng ta không đủ bề dày kinh nghiệm?, nên những công tác chuẩn bị đã xa rời thực tế không đáp ứng được đời sống tâm linh của thanh thiếu niên trẻ?


Chúng ta thử làm một con số tính với những khóa Học viện PGVN cả 3 miền vừa qua hàng trăm Tăng Ni tốt nghiệp họ đi về đâu? Và sẽ làm gì? Nơi nào là nơi bổ xứ cho họ? Có lẽ đó cũng là thực trạng của các trường Phật học ngày nay!


Như SC.Chúc Nhã vừa tốt nghiệp Đại học Mahachulalongkorn – Thái Lan, cô tâm sự: “Cô muốn đi học tiếp và học tiếp nữa bởi xã hội ngày càng tiến bộ đòi hỏi hàng Tăng Ni trẻ phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, bổ ích, thực tiễn để có thể đáp ứng những nhu cầu giữa Đạo và Đời đang đặt ra… và hình như Phật giáo nước nhà chưa thích ứng kịp sự phát triển của xã hội, nên Tăng Ni trẻ chưa có điều kiện phát huy, và có đôi khi họ bị xem là“quá hiện đại”.


Tôi muốn làm một điều gì đó cho Phật giáo nước nhà, tôi muốn đem một chút sức lực của mình để cống hiến, để phục vụ, để hoằng truyền ngọn lửa Phật pháp…Thương những em nhỏ nơi quê hương mình, thương các em nơi vùng xa xôi hẻo lánh kia, những mái nhà nơi vùng cao nguyên, họ còn quá “nghèo”, nghèo về vật chất lẫn tinh thần…


Tôi muốn làm một điều gì trong công việc “Thực Hành Đẳng Quan Âm Chi Từ Tâm, Hành Phổ Hiền Chi Nguyện Hải, tôi muốn ngôi nhà Phật pháp của chúng ta sẽ sáng lên, ngọn đèn Chánh pháp càng ngày càng lan rộng, tỏa đi nơi nơi…”.


Có lần tôi hỏi thầy Minh Đức hiện nay thầy đang theo học tiến sĩ ở Ấn Độ: “Thầy không có ý định về phục vụ Giáo hội mình sao?”, thầy trả lời một cách thản nhiên: “Liệu sẽ đến lượt mình không, mình chẳng quen ai cả!”.


Thiết nghĩ Giáo hội chúng ta có nên lập một bộ phận, một tổ chức, hay một hội cho những Tăng Ni du học khi họ về nước có điều kiện trao đổi, học hỏi và nâng cao kiến thức của mình?. Còn rất nhiều, rất nhiều những nhân tố khác, những trăn trở, những thao thức của Tăng Ni trẻ, họ nung nấu bầu nhiệt huyết, những lý tưởng để đến với Đạo và rồi, và rồi họ cứ đi mãi… và đi mãi…


Song song với việc ấy, Tăng Ni trẻ như chúng ta còn quá nhiều điều cần trau giồi, học hỏi, rèn luyện… từ phẩm chất đạo đức đến sinh hoạt đời thường. Chúng ta cần nâng cao khả năng về chuyên môn, đời sống tâm linh, và cần nhất nên có những quan niệm chính xác về cái mà gọi là “Phật giáo nhân gian” làm thế nào để mang Đạo vào Đời mà không bị Đời thế tục hóa, đi vào xã hội hiện đại mà không bị xã hội cách tân?


Có đôi khi chúng ta lầm lẫn hay ngộ nhận những “Khai, Trì, Tác, Phạm” của giới luật nên chúng ta thật “phóng khoáng” nên đã xảy ra những điều thật bất cập cho Giáo hội, nếu không nói là thực trạng của Tăng già!


Người huynh đệ ơi! Điều tôi muốn nói nhiều, nhiều lắm. Chúng ta có lúc cũng cần ngồi lại với nhau để tâm sự những gì mà chưa một lần nói ra được, để trao đổi những gì đã học được nơi quê người, để hóa giải những nội kết chúng ta đang vấp phải, những gì còn vướng mắc kia… Chúng ta có cần thời gian ấy không?, có cần lúc ấy không?


Tôi viết những dòng này như muốn nhắn gởi đến bạn bè tôi, những người huynh đệ tôi, và tôi viết cho cả chính tôi nữa!