Trang chủ Tin tức Lâm Đồng: Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông

Lâm Đồng: Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông

166

 Tham dự lễ có HT.Thích Toàn Đức, UV. HĐTS – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, cùng chư tôn đức tăng, ni thường trực BTS và các tự viện trong Tp.Đà Lạt. Về phía chính quyền địa phương có sự hiện diện của đại diện Ban Tôn Giáo tỉnh, phòng nội vụ và UBND phường 2 Tp.Đà Lạt . 


Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, HT. Thích Toàn Đức,  Trưởng BTS GHPGVN tỉnh đã cung tuyên tiểu sử đức Vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Ngài với đạo pháp và dân tộc, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ hộ quốc an dân đã từ bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

TT. Thích Thanh Tân, UV. HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS GHPGVN tỉnh; dâng lời tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần, vị vua anh minh lỗi lạc, anh hùng xuất chúng, giải phóng dân tộc, xuất gia, tu hành đắc đạo. Người được phật tử Việt Nam tôn vinh là Điều Ngự Giác hoàng vì những đóng góp vĩ đại trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, người anh hùng dân tộc, nhà văn hóa vĩ đại, của non sông đất nước Việt .

Năm 41 tuổi, Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông lên làm Thái Thượng Hoàng. Đến năm 1294, Ngài cầm quân sang chinh phạt Ai Lao, giữ yên bờ cõi, sau đó, trở về Hành cung Vũ Lâm – Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ Xuất gia, tập sự tu hành. Sau này, Ngài quyết tâm trở lại thăm Kinh sư lần cuối, rồi đi thẳng lên núi Yên Tử – Quảng Ninh quyết chí tu hành, tham thiền nhập định, lấy tên là “Hương Vân Đại Đầu Đà” và độ Đồng Kiên Cương làm đệ tử và ban pháp hiệu là Pháp Loa (năm 1299).


 Sau đó, Ngài hạ san, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành và nghiên cứu về tôn giáo, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang. Trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở Hội đại thí vô lượng cho nhân dân. Năm 1304, Ngài chống gậy trúc dạo đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích muôn dân giữ năm giới, tu hành Thập thiện, dẹp bỏ những nơi thờ cúng không đúng Chính pháp, loại bỏ những điều mê tín dị đoan v.v… Theo sử cũ, Ngài xả báo an tường, thâu thần thị tịch ngày 01/11/Mậu Thân (1308). Thọ thế 51 năm tại am Ngọa Vân – Đông Triều – Quảng Ninh.


 Kết thúc buổi lễ, toàn thể hội chúng đã thực hiện nghi lễ tưởng niệm, dâng hương Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông theo nghi thức truyền thống Phật giáo. Lễ tưởng niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn (1/11/Mậu Thân – 1/11/Giáp Ngọ) là dịp để chư tăng, ni, phật tử trong Giáo hội cùng toàn thể xã hội, chiêm ngưởng và hiểu rõ hơn về thời đại của nhà Trần, hào hùng trong lịch sử dân tộc. Một vị Vua – Vị Phật đại diện cho ý chí vươn lên và sự thống nhất đất nước, một Tổ sư đã để lại cho đời sau sự nghiệp hành đạo sáng chói, kết hợp hài hoà giữa vai trò của một nhà cầm quyền (vua) và một nhà tu hành, luôn đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho muôn dân .