Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Lê Đại Chúc: “Vẽ tranh là để trải lòng mình”

Lê Đại Chúc: “Vẽ tranh là để trải lòng mình”

83

Triết lý Phật giáo thấm đẫm trong từng nét vẽ


Hoành tráng về kích thước, rực rỡ về màu sắc, điêu luyện về kỹ thuật là những ấn tượng  đầu tiên của mỗi người xem có mặt tại triển lãm “Vũ trụ và con người” của hoạ sĩ Lê Đại Chúc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa qua.


63 bức tranh sơn dầu, trong đó nhiều bức tranh có kích thước khổng lồ đã phần nào chứng tỏ sức lao động phi thường của người hoạ sĩ đang bước vào tuổi 65 này. Điều đáng nói ở những bức hoạ này là triết lý Phật giáo thấm đẫm trong từng mảng màu, từng nét vẽ của Lê Đại Chúc.


Nếu như 8 triển lãm trước đây, tác phẩm của ông chủ yếu mang đề tài phong cảnh, về chân dung những người thân, bạn bè, danh hoạ nổi tiếng thì đến triển lãm lần thứ 9 này ông lại mang đến cho người yêu hội hoạ những giáo lý cao siêu của đạo Phật mà không phải ai cũng dễ dàng hiểu được.


Lý giải những phá cách lần này, họa sĩ Lê Đại Chúc vẫn không ngần ngại nói rằng: “Có lẽ phải đến cái tuổi này tôi mới phần nào thấm được Phật giáo, nghĩa là cái “duyên” nó mới  “khởi” và khi ngôn ngữ bất lực, âm nhạc không thể lên tiếng thì hoạ sĩ cầm bút vẽ để nói lên lòng mình, cùng chia sẻ với những người xung quanh”.


Và điều ông cảm thấy thấm nhuần giáo lý của đạo Phật chính là “lòng từ bi”, với ông “chỉ có lòng từ bi mới cứu vãn được con người”.


Với bức vẽ chân dung đa chiều, những mảng phối màu “lạ” thì khán giả yêu chuộng tranh của Lê Đại Chúc cũng phải là người đặc biệt, không chỉ am hiểu về nghệ thuật mà họ còn phải có tri thức về thế giới tâm linh.


Tôi vẽ tranh là để trải lòng mình, không quan tâm đến số đông, vì thế mà tôi luôn chịu về mình những thiệt thòi. Nhưng đã là hoạ sĩ thì phải dám chơi, dám chịu, không đổ lỗi cho xã hội, cho dư luận mà phải làm hết lòng mình “vô sở cầu, vô sở đắc”, Lê Đại Chức vẫn luôn tâm sự vậy.


Khai thác nhiều góc cạnh của con người, chân dung mỗi người thầy: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái hay Văn Cao, Trịnh Công Sơn… trong tranh ông đều mang dáng dấp của những nhân cách lớn, có lẽ bởi Lê Đại Chức luôn “cảm” thấy ở họ một tấm lòng bên cạnh tài năng thiên phú.


Tuy nhiên, hoạ sĩ vẫn khiêm tốn bộc bạch rằng: “Đây mới là cuộc tập dượt cuối cùng cho một cuộc thi, tôi đang cố gắng làm nhiều điều gì đó hay hơn, sâu sắc hơn cho hội hoạ. Nếu như trước kia, tôi vẽ là để thoả mãn cái “tôi”, cái tham vọng của tuổi trẻ thì giờ đây tôi muốn qua hội hoạ, bằng những chuyến chu du hội hoạ của mình để nói với bạn bè quốc tế rằng: Người Việt Nam chúng tôi không chỉ biết chống giặc ngoại xâm mà còn có những tài năng hội hoạ không thua kém nước bạn”.


Bước nhảy vọt bất ngờ


Xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, bố là nhà thơ, kịch sĩ Lê Đại Thanh, anh trai là đạo diễn, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu. Đại gia đình ông có đến 32 người làm nghệ thuật, trong đó có 2 nghệ sĩ nhân dân (NSND Trần Tiến, NSND Lê Khanh), 7 nghệ sĩ ưu tú (NSƯT Lê Mai, NSƯT Lê Vi…), nhưng cái gen di truyền ấy ban đầu dường như chẳng tác động gì đến Lê Đại Chúc.


Học Đại học Hàng hải (Hải Phòng), ông trở thành chuyên viên cao cấp ngành biển, sở hữu vốn tiếng Anh uyên thâm, đó là bước đệm để ông được tiếp xúc với nhiều cuốn sách nghệ thuật hay của nước ngoài, cũng là cái cớ khi ông lý giải về sự thay đổi đột ngột từ ngành hàng hải sang nghệ thuật hội hoạ.


Dù không được đào tạo nghệ thuật trong môi trường chính quy nào,  nhưng điều may mắn nhất trong cuộc đời người hoạ sĩ này chính là thời niên thiếu ông có cơ hội làm quen với nhiều hoạ sĩ nổi tiếng và nhận được sự chỉ dạy của hai bậc thầy của làng hội họa: Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái.


Nói về tranh Lê Đại Chúc, nhà thơ Mai Linh đã có nhận xét sâu sắc: “Xem tranh ông, người ta không nhận thấy vết hằn của đời sống lam lũ, túng khó, nét đặc trưng của tính cách đồng ruộng, thôn quê trên từng mặt người. Nhưng sự thanh tú cao sang của các nhân vật trong tranh lại huyền ức thăm thẳm những số phận, cuộc đời, ấn tượng đến mức ta ngỡ như đã gặp họ một lần nào đó trong chật chội dương gian…”.


Và nói như một nhà phê bình nghệ thuật người Anh, David Deveraux: “Trong một thời đại mà một sự sắp xếp hổ lốn những sắt thép, nệm rách, nilông vào làm một nhằm tạo ra những cái giả danh nghệ thuật thì việc xem nghệ thuật được mài giũa một cách sắc bén của Lê Đại Chúc là một sự cổ vũ to lớn”.


Không phải họa sĩ nào cũng có được vinh dự nhận những lời tri kỷ như vậy. Họa sĩ cho biết, một trong những bài học ông luôn tâm niệm và coi đó là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp nghệ thuật của mình chính là lời nhắc nhở của người cha, người thầy lớn trong cuộc đời ông: “Một tác phẩm bôi bác thể hiện một tâm hồn đê hèn”.