Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Lễ hội trong tâm

Lễ hội trong tâm

172
Ảnh VTC News
Văn hóa Việt có cội nguồn xuất phát từ nền văn minh lúa nước sông Hồng. Một trong những đặc trưng làm nên giá trị bản sắc truyền thống của người Việt hàng nghìn năm qua là các lễ hội truyền thống có mặt ở hầu khắp các làng xã, trong đó nổi bật là các lễ hội cổ truyền được tổ chức vào mùa xuân ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.

Lễ hội này nối tiếp lễ hội kia, kéo dài từ ngày này qua ngày khác: “Mồng bốn là hội kéo co/ Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về/ Mồng sáu đi hội Bồ Đề/ Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao”; “Mười một thì hội Hương Nha/ Mười hai Gia Dụ, mười ba hội Hiền”. Lễ hội khởi đầu từ tháng Giêng: “Lễ Phật quanh năm không bằng hội Rằm tháng Giêng”, nối đến tháng hai: “Ai là con cháu Rồng Tiên/ Tháng hai mở hội Trường Yên thì về”, sang cả tháng ba: “Tình cờ ta lại gặp ta/ Vui bằng mở hội tháng ba đền Sòng”, thậm chí đến cả tháng tư: “Ai ơi mùng chín tháng tư/ Không về hội Gióng thì hư mất đời”. Người xưa quan niệm “Sống ở làng, sang ở nước”. Người nào ở làng quê mà không trọng lễ nghĩa, không tham gia sinh hoạt cộng đồng, không hòa mình vào lễ hội đình đám của dân làng thì dễ bị coi là mất gốc, là chẳng ra gì. Thậm chí người ta “cuồng” lễ hội đến mức khi nhắc nhở nhau: “Bỏ con bỏ cháu/ Không ai bỏ hội mồng sáu chợ Dưng”(!).

Tại sao người Việt say sưa hội hè đình đám vào mùa xuân đến vậy? Bởi ngày xưa dân ta gắn bó với công việc nông tang, sớm tối miệt mài bên ruộng lúa, nương dâu, vào mùa thu hoạch thì đầu tắt mặt tối, làm lụng quần quật ngoài đồng ít có thời gian nghỉ ngơi. Sau dịp Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nông nhàn, thế nên từ khắp làng trên xóm dưới, người dân sống dưới lũy tre làng cùng nhau tận hưởng không khí: “Làng ta mở hội vui mừng/ Chuông kêu, trống gióng vang lừng đôi bên”. Câu thành ngữ “Trống giong cờ mở” có lẽ xuất phát từ hình ảnh náo nhiệt, rộn ràng của lễ hội.

Theo các chuyên gia văn hóa, những giá trị tích cực của lễ hội cổ truyền là góp phần cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, giúp con người hướng về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh, bảo tồn và trao truyền văn hóa, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Lễ hội cổ truyền chính là sợi dây tâm linh gắn kết quá khứ với hiện tại, góp phần định vị bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tuy vậy, lễ hội cổ truyền không chỉ toàn màu hồng mà cũng có mặt trái của nó: “Vui như hát, nhạt như bơi, tả tơi như hội”. “Tả tơi” muốn nói tới hình ảnh lôi thôi, nhếch nhác, thậm chí tiêu điều đến mức thảm hại. Việc tổ chức lễ hội với mật độ dày đặc, kéo dài thời gian không những khiến con người dễ sa đà vào thú vui ham chơi, sinh ra tính lười nhác mà còn gây ô nhiễm môi trường và có những lễ hội kéo theo cả hiện tượng mê tín dị đoan, thậm chí xảy ra bạo lực: “Râm râm hội Khám/ U ám hội Dâu/ Vỡ đầu hội Gióng”(!).

Trong ký ức mỗi người, đặc biệt là những người sinh ra và lớn lên ở làng quê thật khó phai tiếng trống hội, điệu nhạc lưu thủy kim tiền và hình ảnh cờ ngũ sắc bay phấp phới những ngày đầu xuân. Ký ức về hội làng là một ký ức đẹp, nhưng thời đại 4.0 khác rất xa xã hội nông nghiệp cổ truyền nên chúng ta không nên sống mãi trong hoài niệm mà cần có cách ứng xử mới với lễ hội cổ truyền.

Giảm bớt tần suất, mật độ lễ hội là việc cần thiết. Hạn chế tụ tập đông người làm lễ cầu an, cúng bái ở các chùa chiền là việc nên làm, nhất là trong bối cảnh xã hội đang phải căng sức gồng mình “chống dịch như chống giặc” hiện nay, chúng ta không nên vì niềm vui hội hè, không nên vì tự do thực hành quyền tín ngưỡng tâm linh của cá nhân mà ảnh hưởng đến nỗ lực chung của cả cộng đồng.

Tổ tiên sẽ phù hộ độ trì cho con cháu, đức Phật sẽ cứu độ chúng sinh khi mỗi người dân, mỗi thiện nam tín nữ, mỗi tăng ni phật tử để trong tâm trí, suy nghĩ và hành động chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh, làm cho quốc thái dân an, nhà nhà an lạc, người người yên vui.


THIỆN VĂN/QĐND