Trang chủ Quốc tế Lịch sử bắt đầu từ phế tích

Lịch sử bắt đầu từ phế tích

66


5 năm sau khi chế độ Taliban sụp đổ, khu di tích Phật giáo ở Bamiyan lại một lần nữa trở thành đề tài gây tranh cãi: Liệu có khả thi khi phục hồi hai bức tượng Phật khổng lồ như vậy và nếu có thì tìm đâu ra nguồn kinh phí để phục hồi trong một đất nước mà sự nghèo đói và tàn dư của chế độ Hồi giáo Taliban vẫn còn nhưng quan trọng hơn hết là đất nước này vẫn là một nước mà đạo Hồi là quốc giáo.


 


Thung lũng Bamiyan nằm cách thủ đô Kabul 140 dặm về phía Tây Bắc. Vào thế kỷ thứ Sáu, thung lũng này đã thu hút hàng ngàn người hành hương tham gia cúng bái và cùng tu tập trong các hẻm núi.Vào năm 2003, Liên Hiệp Quốc xếp Bamiyan vào danh sách Di sản thế giới đồng thời cũng liệt chúng vào dạng đang bị đe dọa vì tình trạng ăn cắp cổ vật, điều kiện bảo quản yếu kém và các áp lực về xây dựng và du lịch thời hậu Taliban.


 


Trong khi đó, các nhà khảo cổ học đang nỗ lực tiến hành nhằm bảo tồn những gì còn sót lại và đang theo đuổi truyền thuyết về một bức tượng Phật khổng lồ thứ ba đang bị chôn vùi tại khu vực này. “Lịch sử của Bamiyan đang dần được hé mở”, Kasaku Maeda, sử gia người Nhật có hơn 40 năm nghiên cứu về Bamiyan cho biết. Trong nhiều năm qua, Unesco đang thực hiện các chương trình khẩn cấp nhằm khôi phục lại những gì có thể tại khu vực này bằng cách đưa đến đây nhiều chuyên gia về khảo cổ học trên khắp thế giới. “ Khu vực này đang trong tình trạng nguy hiểm”, Masanori Nagaoko, một chuyên gia về văn hoá thuộc văn phòng Unesco ở Kabul cho biết.


 


Gedeone Tonoli, kỹ sư về đường hầm đến từ Italia, đang giám sát nhiệm vụ khẩn cấp nhất: bảo đảm an toàn cho các phiến đá. Mỗi buổi sáng hai nhà leo núi người Ý treo mình trong hốc đá phía Đông, nơi đã từng tồn tại bức tượng Phật khổng lồ, giăng các lưới kim loại phía dưới các vách đá nhằm ngăn không cho các viên đá rơi xuống. Vì các lổ hỗng do các vụ nổ gây ra có khả năng sẽ làm cho các viên đá rơi xuống và làm sập toàn bộ hốc đá. Riêng khu vực phía bên kia của hốc đá đã được cố định trong hai năm qua bởi các dây kim loại và hàng tấn bê tông được bơm vào các khe nứt. Các mảnh thuỷ tinh nhỏ được dán lên các phiến đá và một bộ cảm biến được nối với máy tính nhằm theo dõi bất kỳ một rung động nhỏ nào có thể xuất hiện trên các tảng đá.


 


Tại chân của bức tượng Phật ngày trước, các công nhân vẫn kiên nhẫn di dời các mẫu đá còn sót lại sau vụ nổ. Các nhà phục chế người Đức thuộc Hội đồng Bảo tàng và Di sản quốc tế trong hai năm qua đã cẩn thận phân loại các mảnh vỡ này, trong đó có những tảng đá nặng tới 70 tấn, và bảo quản chúng một cách cẩn thận vì các phiến đá vỡ này không chịu được các trận mưa ở khu vực này.


 


Nhà phục chế Edmund Melzl cho biết thêm: “Các báo cáo cho rằng Taliban đã dùng 40 xe tải nặng để cho các viên đá từ các bức tượng bị vỡ đem đi bán là không đúng. Chỉ 60% khối lượng của các bức tượng bị vỡ là đá, phần còn lại đã bị tan thành bụi”.


 


Các bức tượng được khắc vào đá sau đó được phủ lên một lớp bùn được trộn với rơm và lông đuôi ngựa và được sơn các màu sáng. Các công nhân đã tìm được gần 3000 mảnh vỡ có dấu vết của lớp sơn, bùn cũng như các cọc bằng gỗ và dây cáp nằm dọc theo thân của bức tượng. Nhờ thời tiết hanh khô của Afganistan và độ sâu của các bức tượng bên trong các vách núi đã giúp bảo vệ chúng.


 


Ông Melzl cho biết: “bức tượng lớn nhất được sơn với màu đỏ chói trong khi bức tượng nhỏ được sơn nhiều màu khác nhau.” Ông nhấn mạnh, khám phá thú vị nhất là một chiếc hòm trong đó chứa các chuỗi hạt bằng đất sét, một chiếc lá, một con dấu bằng đất sét và một phần các bài kinh được viết trên vỏ cây. Chiếc hòm này được đặt ở phần ngực của bức tượng lớn và được che lại trong thời gian xây dựng bức tượng.


 


Các mảnh vở của bức tượng được lưu giữ một cách cẩn thận trong khi nhiệm vụ quan trong nhất vẫn được tiến hành: tập hợp tất cả các mảnh vụn để chính quyền Afganistan và các chuyên gia quyết định sẽ làm gì với chúng. Có nhiều lời kêu gọi việc xây lại bức tượng, hầu hết là từ người dân trong nước vì họ cho rằng việc khôi phục bức tượng sẽ góp phần thu hút du khách và cũng là để sửa chữa sai lầm trong qúa khứ. Nhưng Unesco lại cảnh báo rằng nên duy trì Bamiyan như tình trạng hiện nay vì đây là Di sản thế giới nên cần được bảo quản chứ không phải xây dựng mới.


 


Song song đó cách phục chế các bức tượng cũng đang được Unesco cân nhắc. Đây là cách thường được dùng cho các đền đài ở Hy Lạp và La Mã, trong đó người ta ráp các mảnh gốc lại với nhau và sử dụng một lượng tối thiểu các vật liệu mới để tạo thành bức tượng mới. Michael Urbat, một nhà khảo cổ học đến từ Đại học Cologne đã phân tích các mảnh vỡ của các bức tượng lớn và lớp vỏ của ngọn núi và cho biết có thể xác định được các mảnh vỡ đến từ phần nào của bức tượng.


 


Nhưng việc ráp các mảnh vỡ trở thành một bức tượng nặng đến 90 tấn là điều cực kỳ khó. Chính quyền Afganistan không có đủ các phương tiện kỹ thuật để thực hiện điều đó. Ông Melzl nói. Dự án xây dựng lại bức tượng mà chính quyền tỉnh Bamiyan ước lượng là phải cần đến 50 triệu USD, điều này có thể trở thành một vấn đề gây tranh cãi ở đất nước mà hơn 10% dân số cần phải cứu trợ lương thực khẩn cấp.


 


Mặc dù vậy, Tỉnh trưởng Bamiyan bà Habiba Sarabi ủng hộ dự án xây dựng lại bức tượng và cho biết bà sẽ trình lên chính phủ nhằm đưa ra một lời yêu cầu chính thức đối với Unesco. Trong khi đó, giáo sư Maeda nói ông ủng hộ phương án phục chế lại bức tượng  và lưu lại các tàn tích khác như là một chứng tích của tội ác. Chính phủ Afganistan cũng đã chấp nhận đề nghị của họa sỹ người Nhật khác là lắp ráp các thiết bị âm thanh và laser trị giá 64 triệu USD bắt đầu từ năm 2009 nhằm tái tạo lại hình ảnh của Đức Phật ở Bamiyan. Trong đó sẽ sử dụng các cối xay gió để tạo ra nguồn điện cung cấp cho các thiết bị và cư dân ở khu vực xung quanh đó.


 


Vấn đề gây nhức đầu hiện  nay ở Bamiyan là nạn trộm cổ vật và để lấy được những thứ quý giá như là các bức phù điêu vẽ Đức Phật chúng cũng không ngần ngại gì mà không phá huỷ các thứ khác. Đường đến của những món bị đánh cắp này Nhật Bản và giáo sư Maeda đã cố gắng thu hồi lại được hơn 40 đồ tạo tác từ các bức tượng.


 


Trong khi nhiều nhà khảo cổ học tập trung vào việc bảo tồn thì một số khác lại đang cố gắng để tìm ra bức tượng Phật khổng lồ thứ ba cũng tại khu vực này. Theo truyền thuyết một nhà sư Trung Quốc là Xuan Zang đã đến Bamiyan vào năm 632 và mô tả rằng không chỉ có hai bức tượng đừng khổng lổ  này mà cách cung điện hoàng gia không xa còn có một bức tượng khổng lồ khác nữa. Nhiều chuyên gia tin rằng bức tượng này rất có thể bị vùi dưới đất cát sau một thời gian dài bị phá huỷ. Hai nhà khảo cổ học, một người Afganistan và một người Nhật sau nhiều nỗ lực tìm kiếm đã khai quật được một tu viện và một bức tường của cung điện hoàng gia mà có thể sẽ dẫn đến việc khám phá ra bức tượng thứ ba. Ông cho biết sẽ quay trở lại vào năm sau để tiếp tục công việc của mình.


 


(dịch theo New York Times)