Trang chủ Tết Việt Du xuân Mai ta vào chùa trong…

Mai ta vào chùa trong…

68

Theo Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, từ hôm khai hội đến giờ, bình quân mỗi ngày có khoảng 35.000 đến 40.000 lượt du khách tới vãn cảnh chùa (riêng ngày khai hội có khoảng 50.000 người chen chân lên động Hương Tích). Chính vì thế, chọn thời điểm nào đi lễ hội chùa Hương, để vừa dự được phần “lễ” mà vẫn tham gia được phần “hội” là điều băn khoăn của không ít người.

Quá ngại hiện tượng chen lấn, xô đẩy do đông người trẩy hội, nên mặc dù rất thích đi chùa Hương nhưng gia đình chị Nhị (phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đắn đo mãi mới dám nhận lời đi lễ tại đây cùng gia đình một người bạn. Tuy nhiên, trái với lệ thường là dậy sớm từ 1-2 giờ sáng chuẩn bị đồ rồi khởi hành để đến chừng 4 giờ 30 phút sáng đã có mặt tại chùa Hương mà vẫn phải len chân tìm đò hay tìm chỗ đặt lễ tại đền Trình, năm nay gia đình người bạn chị Nhị lại chọn khởi hành vào buổi chiều. Quả nhiên, vào cuối giờ chiều, sân đền Trình đã không ồn ào tấp nập mà thay vào đó là sự tĩnh tại trong hương nến và tiếng đàn nhạc của các bà, các mẹ hát văn nơi cung Thánh Mẫu, cùng tiếng rì rầm cầu nguyện của những người hành hương về cõi Phật.

Khi đã an tọa trên con đò vào Thiên Trù, gia đình chị Nhị được thảnh thơi ngắm cảnh hai bên bờ suối Yến lúc chiều tà trong không gian mờ ảo của tiết xuân đẫm hơi sương cùng những đám mây bảng lảng trên các ngọn núi. Đây đó, còn rộn ràng tiếng nói cười của các cặp nam thanh nữ tú trên các chuyến đò tấp nập trở ra sau khi đã lễ Phật. Đò cập bến tới Thiên Trù, cũng là lúc tiếng chuông chùa hành lễ chiều đêm ngân vang và khóa tụng kinh vào thời khắc giao thời giữa ngày và đêm cùng với sự lung linh của đèn nhang, khói nến tăng thêm sự trang nghiêm và tôn kính nơi đất Phật. Theo quan niệm của người xưa, giao thời giữa ngày và đêm là thời khắc cửa dương gian đóng vào và cửa âm mở ra. Lễ trong thời gian này, những lời nguyện cầu an lành và bình yên cho cả gia đình như linh ứng hơn.

Rời Thiên Trù, lên động Hương Tích bằng hệ thống cáp treo mà không mất thời gian xếp hàng mua vé hay chờ đợi lên cáp. Lần đầu tiên trong số những lần đã đến chùa Hương, chị Nhị mới được thư thái lễ Phật tại động Hương Tích dưới đàn tụng kinh của vị sư khoác cà sa vàng và phật tử bách phương vừa tới.

Sau phần lễ, đêm đó gia đình chị được thưởng thức không khí lễ hội nhộn nhịp của hàng quán, điểm vui chơi của những người đi trẩy hội nghỉ đêm tại khu vực Thiên Trù tự tạo ra và một đêm trong lành tại nơi đất Phật.

Thế là hành trình của chị Nhị cũng giống hành trình xưa của cô bé trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, đến Hương Sơn nên lưu lại một đêm, “Mai ta vào chùa trong”…