Trang chủ Đời sống Tâm sự May mà đời còn dễ thương

May mà đời còn dễ thương

59

Khu đất vừa sang tay từ chủ cũ qua chủ mới là khu đất đẹp nhất trong những khu đất đẹp của vùng này. Người chủ cũ của khu đất luôn tự hào về nó. Hồi đất nước còn khó khăn, thu nhập từ khu đất này đã giúp gia đình ông sung túc hơn các gia đình khác. Đứa con gái rượu của ông cũng nhờ nguồn thu từ khu đất này mà học hành thuận lợi hơn bè bạn.


Khoảng vài năm gần đây, ông có thêm nhiều tài sản kếch sù, thu nhập của khu đất đối với ông trở nên vụn vặt. Tuy vậy, ông vẫn luôn dành thời gian chăm sóc nó vì, ông nói với vợ: “Đất hương hỏa phải vun trồng để làm của hồi môn cho con gái”.


Thế mà, chỉ vì ngỡ “sao trời” trong tầm tay hái, ngờ đâu càng vói càng xa. Sự không biết đủ đã khiến ông phải trả giá: tất cả những tài sản mà ông có lần lượt đội nón ra đi, cuối cùng đất hương hỏa cũng bán. Ông bán khu đất như bán niềm tự hào của mình.


Sự cố này xảy ra lúc tuổi ông và tuổi bà đã quá 50. Ít ai xây dựng lại sự nghiệp mà thành công ở độ tuổi này. May mà đứa con gái duy nhất vừa học xong đại học.


Con suối có dòng nước trong veo trải theo chiều dài khu đất, hai bên bờ suối cát trắng như pha lê, đẹp đến chạnh lòng người. Ông đã nhiều lần tự hỏi, nước mang cát từ đâu về rải bên suối của ông?


Khu đất nhờ nước của dòng suối mà cho ông nhiều huê lợi: trồng hoa thì hoa đẹp nhất chợ, trồng kim châm giá cao gấp đôi vườn khác, trồng rau lá mướt xanh, trồng củ thì củ lớn, các nhà hàng muốn mua phải đặt tiền trước… Dân quanh vùng thấy vậy, khen ông làm gì cũng mát tay.


Khi đất nước giải phóng, ông cũng học xong đại học. Cả nhà đi nước ngoài, ông xin được ở lại. Cha mẹ anh chị gạt nước mắt ra đi, giao toàn bộ tài sản cho đứa Út, trong đó có khu đất 20.989m2.


Ông đi dạy, lấy vợ cùng ngành giáo. Vợ ông không được khỏe, sinh cho ông một đứa con gái, rồi nghỉ sinh, nghỉ dạy. Thương vợ và con, ông đã giành làm hết mọi việc. Ông muốn vợ được nghỉ ngơi, nuôi dạy con; con gái khỏe mạnh, chuyên tâm học hành. Ngoài những chuyện phải làm của một nhà giáo có lương tâm, thời gian còn lại ông lặn hụp trong khu đất, kiếm thêm tiền nuôi vợ, nuôi con. Cuộc sống của gia đình ông tuy không khá giả bằng thời của cha, của nội, nhưng cũng thuộc loại phong lưu nhất vùng.


Một buổi sáng, thấy trời nắng ráo, ông gọi xe cẩu giúp ông lấy đi những tảng đá lớn nằm sâu từ rất lâu đời dọc bờ suối đem về trang trí vườn nhà. Ngày hôm sau trời mưa lớn, nước suối cuồn cuộn kéo theo cát trắng từ đầu về lấp đầy những lổ hõm lớn hôm qua. Ông phát hiện bờ suối là mỏ cát. Ông cào một ít cát vào bao đem chào cửa hàng xây dựng, họ đồng ý mua với giá cao, còn nói “có bao nhiêu xe cửa hàng bao hết”!


Gom tiền dành dụm bấy lâu nay, ông sắm được hai chiếc xe reo. Ông mướn người cào cát, người lái xe, sau khi trả xong tiền xăng, tiền thuế, mỗi xe ông còn dư được sáu trăm ngàn. Góp gió thành bão, số tiền có được từ mỏ cát ông dành để sắm thêm xe; đoàn xe của ông đã lên hai mươi chiếc. Việc bắt đầu nhiều, tuổi cũng đã cao, ông quyết định thôi nghề dạy học.


Nguồn lợi từ hai mươi chiếc xe chở cát đủ cho ông bước qua lĩnh vực mới, kinh doanh nhà. Mới đầu ông mua một, hai căn nhà cấp 3, cấp 4, sửa chữa lại đem bán. Sau, ông mua những căn nhà lớn hơn rồi mua cả nhà kho, nhà xưởng… Cái thì ông trực tiếp kinh doanh, cái ông cho thuê, cái ông đem bán lại kiếm lời.


Trong lần mua một cơ sở sản xuất đang ở tình trạng người chủ bị sa cơ phải bán, ông gặp một phụ nữ làm kế toán tại đây. Cô là người miệt vườn, quê ở Hậu Giang, tuổi đã quá thì. Đương nhiên, khi cơ sở đã bán cho ông, cô mất việc. Thấy cô giỏi giang, chân chất, ông mời cô quản lý giúp ông công chuyện làm ăn.


Từ này có cô giúp ông quản lý, thu chi được rành mạch, chuyện kinh doanh trôi chảy, ông nhẹ cả người; những con số thôi theo ông vào giấc ngủ. Cô khuyên ông ngưng khai thác cát, sang lại đoàn xe reo. Cô nói, lợi nhuận thu từ khai thác cát so với kinh doanh không thấm vào đâu, nhưng tàn phá cảnh quan, làm cho khu đất không còn đẹp như trước.


Ông đã nhiều lần thấy cô thấp thoáng trong khu đất, lúc đi dọc theo con suối, lúc đứng lặng nghe chim kêu, lúc cùng với nhân công lên liếp, bón phân. Gái miệt vườn có khác. Ông nghe lời cô khuyên, bán đứt đoàn xe.


Trước đây, gia đình cũng khuyên và ông cũng biết vậy, nhưng vì cần vốn làm ăn nên ông bỏ ngoài tai. Biết chuyện, vợ và con gái ông nể phục cô lắm. Đoàn xe reo được bán cho ông phó giám đốc ngân hàng tỉnh, qua cuộc thương thảo, hai người mừng rỡ nhận ra nhau, thời niên thiếu họ đã từng là bạn học. Nhưng tai ương lại bắt đầu từ đó.


Thay vì trả tiền, người bạn học cũ đã ưu ái chia cho ông cổ phiếu ngân hàng theo giá gốc. Ông bán được một vốn bốn lời. Ông không ngờ mua bán cổ phiếu nhẹ nhàng và giàu nhanh hơn khai thác cát, cho lãi cao hơn kinh doanh nhà. Được sự tiếp tay của người bạn học, ông thế chấp nhà xưởng, nhà kho, cơ sở làm ăn, lấy tiền mua cổ phiếu.


Ông không rành lắm về cuộc chơi này, thấy bạn ông bỏ vào đâu là ông bỏ vào đấy; cả hai hả hê khi mua dưới đầu sóng và bán trên ngọn sóng. Mặc cho cô quản lý can ngăn, mặc cho vợ con khóc ròng, ông vẫn lao vào mua bán cổ phiếu như con thiêu thân lao vào ánh đèn xanh đỏ.


Đùng một cái cổ phiếu tuột dốc, ông không giải kịp; đã thế người bạn học cũ, phó giám đốc ngân hàng, tự nhiên chết. Nếu ông không tận mắt chứng kiến sợi dây thừng siết vào hai cườm chân khi vớt bạn lên từ con thác thì ông vẫn không tin bạn của mình tự tử.


Cổ phiếu trong tay ông bỗng chốc thành giấy lộn. Nợ ngân hàng đến hẹn ông không trả được, chỉ còn cách duy nhất là bán tống bán tháo tài sản thế chấp để không bị phát mãi. Đã có lúc nghĩ quẩn, ông định buộc dây thừng vào hai cườm chân rồi nhảy xuống thác như bạn học của mình, nhưng thương vợ, thương con, thương cô quản lý, ông cắn răng vượt qua.


Lần lượt, lần lượt, hết nhà này đến nhà khác, hết cơ sở làm ăn này đến cơ sở làm ăn khác bỏ ông mà đi. Chưa tròn một năm, ông trắng tay, mất sạch! Cuối cùng còn một khỏan nợ lớn nhưng không còn gì để bán, ngoài khu đất – của hồi môn của đứa con gái rượu. Ông hỏi ý kiến con, nó vừa khóc vừa nói: “Con thương khu đất, nhưng con thương ba hơn. Mình bán để trả nợ đi ba”.


Cô quản lý xót của, xót ông, đổ bệnh nặng. Cũng phải thôi, biến cố dồn dập trong thời gian ngắn đã quá sức chịu đựng của cô gái chân chất, miệt vườn. Vợ và con gái ông nghe cô nằm viện đã thay nhau chăm sóc như người ruột thịt. Ngày cô ra viện, gia đình ông đón cô về nhà tiếp tục lo cho cô thật khỏe, nhất là khỏe về tâm lý.


Rồi cô muốn về lại Hậu Giang, vợ ông vét hết chút nữ trang còn sót lại biếu cô làm vốn. Ngày cô đi, ông và gia đình tiễn cô ra tận bến xe. Xa cô, ông cũng buồn nẫu ruột.


Thấy chồng khóc, người vợ khẽ khàng ôm chồng vào lòng như má ôm con trai, nói: “May mà chúng ta còn có nhau, may mà mình còn giữ được căn nhà để có chỗ chui ra, chui vào. Đừng khóc nữa mình nghen, em và con sẽ cùng mình gầy dựng lại. Ta về thôi để con gái nó chờ”.


Nói xong bà dìu ông đứng dậy, hai người nương vào nhau chệnh choạng bước.


Ráng chiều đó ối trên nương, người chủ đất mới nhìn theo đôi vợ chồng người chủ đất cũ, bóng hai người nhập một đổ dài trên rẫy, chẳng thể phân định bóng nào là “tùng” bóng nào là “liễu”.