Trang chủ Tết Việt Cảm xúc Tết Miền Trung những ngày chạm Tết

Miền Trung những ngày chạm Tết

66

Những ngày cuối năm, quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung oằn mình gánh những chuyến xe ra Bắc vào Nam. Tình đất, tình người nơi đây thể hiện khá rõ ở tấm lòng của những đứa con xa quê vào Nam, nay vội vã trở về trên từng cây số. Nhìn từng đoàn xe lăn bánh chậm chạp cần mẫn trên đường, tôi nhớ lại một thời sinh viên khốn khó!

Cuối năm, dù gì lòng người đi xa cũng rưng rưng, nao nao nhớ về quê mẹ, nhớ về miền Trung ruột thịt thân yêu. Hạnh phúc hiện hữu trên từng khuôn mặt. Ấn tượng khắc ghi trong những phút giây tiễn đưa, đón mời.

Bây giờ, ở ngoại ô thành phố Tuy Hòa, Nha Trang, Quy Nhơn… người ta đã bày bán những chậu mai vàng hé nụ chờ hành khách ngang qua mua làm quà ra Bắc. Những chậu mai trước đây ba tháng, đã từng ngâm mình trong nước lũ mấy ngày, vậy mà giờ đây vẫn kịp cho hoa, vẫn thể hiện được khí khái của bản loài khi mùa xuân về.

Nhìn tâm trạng những người con đang nóng ruột về quê, những cô chủ nhà vườn cẩn thận hì hục chuyển từng chậu mai lên mui xe mà lòng đôi khi rộn lên một niềm vui lạ. Từng chậu mai được chủ nhân bọc gói cẩn thận, phải chăng đã nói lên được tình người miền Trung. Trong sâu thẳm, công và tình bình dị đó được con người nơi đây kín đáo gửi đi khắp nơi, cũng như tấm lòng của người Việt san sẻ, giúp đỡ với miền Trung trong cơn hoạn nạn vừa qua. Giá trị đích thực được thể hiện trong mấy chữ “tình thương mến thương”.

Không nhộn nhịp sôi động như hai đầu đất nước, song dọc dải miền Trung những ngày cuối năm trời cũng trở gió, hanh hao và xa vắng lạ thường. Bình thường, người miền Trung thư thái và nhẫn nại. Vậy mà đến cuối năm, họ phải tất bật chạy vạy trăm điều để chuẩn bị cho một cái Tết đàng hoàng, cúng ông bà và chào đón người thân.

Nếu như Sài Gòn, những ngày cuối năm đường phố thênh thang thưa vắng và yên lặng; sân ga, nhà hàng hoặc những tòa nhà sừng sững với dáng vẻ im lìm thì dải đất miền Trung cuối năm lại rộn ràng thương nhớ. Dễ hiểu thôi. Sự nghịch lí có căn duyên đã nói lên sức hút kỳ lạ của “con rồng” phương Nam.

Một năm xa gia đình, một năm lận đận mưu sinh, một năm bôn ba xứ người, một năm thầm lặng thành đạt hay thất bại thì nay cũng phải trở về giáp mặt người thân. Cuối năm trở về, đầu năm ra đi mặc dù quê hương đang vẫy gọi. Ăn Tết rồi, họ ra đi, bỏ lại miền Trung lầm lũi với nắng hạn rồi tầm tã trong bão mưa bời bời.

Người miền Trung chung tình, thật bụng. Những buổi chiều cuối năm chạm Tết nghe bâng khuâng và sao đầy ắp tình người. Dù trời se lạnh hay đổ mưa, nhìn từng chuyến xe qua cũng đủ để con người nơi đây cảm thấy ấm lòng.