Trang chủ Đời sống Mùa Vu Lan 2006: nhu cầu dành nhiều cho người sống

Mùa Vu Lan 2006: nhu cầu dành nhiều cho người sống

98

Sự thành tâm cúng kính trước giờ vẫn thế, mê tín dị đoan vẫn không giảm nhưng mùa Vu Lan ngày càng có ý nghĩa hơn với người đang sống chứ không hẳn chỉ dành cho cõi âm. Vì vậy, nhu cầu dành nhiều hơn cho những người đang sống.


Chợ hàng mã: vắng hơn, nhưng không kém “chất”


Bà Năm Tâm ở chợ Thiếc (Q.10) cho biết, năm nay hàng bán lai rai từ đầu tháng tới cuối tháng “nhì nhằng” chứ chẳng được nhiều như mọi năm”. Bà con bình dân chỉ mua vàng, hoa, sát rằm mới mua thêm quần áo, bánh kẹo…Còn “nhà giàu” thì họ lấy hết tất tần tật, có nhà còn đặt làm cả ô tô, máy tính cho ông bà dưới đó xài!”.


Dọc heo khu phố bán nhiều hàng lễ tết, hàng mã – đường Nguyễn Trãi, Q.5, cũng thấy không khí tẻ nhạt ở những dãy hàng quán dài nhưng rất vắng khách. Các chủ cửa hàng cho biết, sát tới ngày rằm rồi nhưng trung bình mỗi ngày chỉ mươi mười lăm người ghé qua xem nhiều hơn mua! Mua cho người cõi âm mà trả giá, kì kèo sát giá lắm chứ không như trước đây, các “đại gia” ném tiền ra là vác hết tất tật đồ dùng giấy cần thiết về đốt cho các cụ.








Soạn: AM 859015 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chợ Thiếc (quận 10, TP.HCM)) đìu hiu trong mùa lễ

Chủ quán Thuận Lợi, có hơn 10 năm trong nghề bán hàng mã cho biết: năm tới anh bỏ sang kinh doanh mặt hàng khác đỡ phí mặt bằng. Lý do theo anh vì bây giờ người ta thờ cúng hàng ngày nên dịp rằm tháng Bảy cũng không còn nhiều ý nghĩa. Vả lại, giờ người ta không đốt vàng, đốt mã nhiều mà thờ cúng trái cây, làm mâm, để con cháu… còn có lộc hưởng lại, vàng mã chỉ là tượng trưng. Tuy là tượng trưng nhưng “bình thường người ta cũng mua vài trăm, nhà khá giả thì bỏ vài triệu. Có nhà bên quận 3 còn hỏi cả xe Mercedes. Nhưng khi làm những loại hàng đặc biệt thế phải đặt trước mươi mười lăm ngày mới có hàng, không có hàng loạt được.








 

Chính vì tâm lý có thờ có thiêng, và có thờ nhiều thì… thiêng nhiều, được phù hộ nhiều nên dù khách mua hàng mã ít hơn nhưng “chất” hơn. Gia tăng theo giá cả thị trường, đời sống mình tăng thì nhu cầu các cụ cũng tăng – một tiểu thương chợ Bến Thành khẳng định chắc như “đinh đóng cột”!


Không chỉ giới buôn bán mê đốt hàng mã để xin lộc. A. Quyết cho biết, để xin cho công ty làm ăn phát đạt, người bà con của anh tuốt bên Mỹ có cổ phần rất lớn trong công ty đã đặt làm hẳn một con ngựa 80 triệu (theo báo mộng) để đốt tặng cô hồn. Anh bạn có văn phòng ở Việt Nam đành nghe lời, nhưng “bớt xén” chút đỉnh, chỉ đặt ngựa 50 triệu! Còn phần bớt xén thì đưa về phát cho lũ trẻ anh em họ hàng ở quê còn nghèo, có ý nghĩa hơn là đầu tư làm con ngựa để đốt.


Hỏi sao không đặt ngựa 1triệu thôi rồi đưa 79 triệu còn lại phát họ hàng nghèo làm thơm thảo, anh bạn có hẳn hai bằng đại học này lè lưỡi: “Cũng sợ, lỡ công ty làm ăn không được xuôi chèo mát mái, mình cũng hối hận lắm!”.


Ở Công ty may T.Bình (Bình Đường, Bình Dương) thì công nhân chung tay góp vốn làm mâm cúng các cụ. Đốt một ít vàng hương, khấn vái, xong “thủ tục” thì tổ chức nhậu. Chị Thanh Chương, tổ nhà bếp cho biết: “Thực ra lấy cớ để anh em tổ chức nhậu nhẹt cho vui thôi. Những ngày làm mâm, anh em trong công ty thích lắm. Chứ nếu gọi là thờ nghiêm chỉnh thì phải về nhà làm mâm, tại gia tại tâm.”


Ở chợ Hòa Bình (Q5), thời gian gần đây, những ngày rằm lớn thường tổ chức gom góp gạo, sau khi cúng ông bà, các “bề trên”, số lương thực ấy được chia cho người nghèo ở chợ. Chị N Hương, tiểu thương ở chợ giải thích: đúng ra như vậy là có đức hơn, đốt vàng mã, cỗ quan cho nhiều đâu thiết thực bằng cách góp của nhà có cho nhà khó.


Ăn uống, thưởng thức phong phú bội phần


Dạo quanh nhà hàng, siêu thị mùa Vu Lan mới thấy thị trường món ăn chay phong phú vô vàn. Nhìn vào thực đơn, các món ăn cạnh tranh món ăn mặn không kém về phần… tên gọi! Gà nấm đông cô, xà lách cá ngừ, bào ngư hồng xíu, gà tiềm ngũ quả… thậm chí, cá viên chiên, gà xé phay, sườn xào chua ngọt… là những tên gọi cho thấy món ăn chay không kém phần phong phú so với ăn mặn.


Ở nhà hàng Á Đông, nhà hàng Vân Cảnh đều có tiệc buffet chay. Đặc biệt ở nhà hàng Vân Cảnh, tiệc chay lên đến 100 món ăn. Từ các món bình dân bánh xèo, bún bò Huế, mì xào bò… đến các món sang trọng gà tiềm, gỏi vịt, cánh gà rôti… đều có mặt ở những quán ăn, nhà hàng cơm chay… Không có món gì mà đồ ăn chay không thể có, chỉ có điều khác đó là… món chay.


Tới siêu thị, các món chay đặc biệt tung ra trong dịp này. Những cơ sở sản xuất như Vissan, Âu Lạc, Kim Chi tham gia với hàng chục loại mặt hàng, có thể cung cấp nguyên liệu để chế biến các món không chỉ cho bữa cơm thông thường mà có thể làm hẳn tiệc chiêu đãi với đủ món xào, luộc, gỏi, lẩu, đa dạng.








Soạn: AM 859013 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Quán cơm chay bình dân đắt  khách trong mùa Vu Lan

Trong khi các nhà hàng rục rịch lên kế hoạch cho một mùa chay thì những quán cơm chay bình dân vẫn hút khách hơn cả. Chị Thu Hà – quán cơm chay đường Nguyễn Văn Đậu cho biết, liên tục từ đầu tháng đã có nhiều khách hàng tấp nập, tháng Bảy khách không chỉ ăn chay ngày rằm, mồng một đông đúc mà rất nhiều người ăn chay nguyên tháng. Cuối tuần phục vụ không xuể vì có nhiều gia đình kéo cả nhà ra ăn”.


Bên cạnh nhu cầu ăn uống, nhu cầu giải trí cũng đa dạng trong mùa Vu Lan. Các chùa liên tục từ 11 – 15 âm lịch đều chú ý tổ chức những đêm nhạc, văn nghệ, có ca sĩ, nghệ sĩ  tên tuổi biểu diễn hẳn hoi. Bên cạnh đó là các tiết mục cây nhà lá vườn của các phật tử. Ở các tụ điểm văn hoá, trung tâm văn hoá cũng tổ chức chương trình văn nghệ mừng ngày Vu Lan báo hiếu. Điều đáng nói, bên cạnh những ca khúc, tiểu phẩm có ý nghĩa đạo hiếu, truyền thống, vẫn có những tiết mục “lạc sân”. Những ca khúc sôi động có chất hiphop lẫn… não tình với  những  ca từ “trái tim anh đớn đau”, “Anh mơ về em”… vẫn vô tư lọt vào sân chùa biểu diễn cho khán giả mộ đạo, phật tử và sư, sãi ở chùa thưởng thức.


Trước các cổng chùa, từng đôi, từng cặp không ngại ôm nhau ngồi trên xe vừa ngóng cổ vào sân khấu, vừa thì thầm những chuyện riêng tư.


Chương trình văn nghệ kỷ niệm Vu Lan ở nhà Văn hóa Thanh Niên vẫn là điểm hẹn của những bạn trẻ. ”Vẫn biết là Vu Lan năm nào cũng nghe “bông hồng cài áo”, “ơn nghĩa sinh thành”… nhưng không khí ở đây trân trọng, gần gũi bè bạn là lý do để ngay cả những người không theo đạo cũng thấy ý nghĩa rất rõ của ngày này – M.Hoàng, ĐH KHTN cho biết – trong mùa Vu Lan, nghe đến thuộc nằm lòng “Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”… để thấy cuộc đời mình ý nghĩa lắm, chỉ suy nghĩ ấy đã ấm áp với những người trẻ tuổi suốt trong mùa Vu Lan rồi.