Trang chủ Người thời nay Mùa Vu Lan, nghe Thầy Tuệ Quang nói về những chuyến đi...

Mùa Vu Lan, nghe Thầy Tuệ Quang nói về những chuyến đi Hoằng pháp

531

Đã từ lâu lễ Vu Lan báo hiếu, một ngày lễ trọng đại trong năm của Đạo Phật đã trở thành một ngày lễ mang tính nhân văn cao cả của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Tinh thần đạo hiếu, báo đáp công ơn các bậc sinh thành đã thấm nhuần sâu sắc trong nếp nghĩ của dân tộc sống trên mảnh đất này

Dù chúng ta là ai, một tiến sỹ khoa học hay một người còn chưa đọc thông viết thạo, dù là một doanh nhân thành đạt hay một người đang ngày đêm khốn khổ để mưu sinh, dù là một anh lính trẻ mới bước chân vào quân ngũ hay một vị tướng đã dạn dày trận mạc, tất cả đều nhớ về người đã sinh thành ra mình với một tình cảm thiêng liêng sâu nặng nhất dù người đó còn tại thế hay đã đi xa mãi mãi!

Cứ mỗi lần xem đoạn phim quảng cáo của chương trình "Trái tim cho em" trên đài truyền hình Việt Nam, khi nhìn thấy những bà mẹ nghèo ôm con trong lòng với giọng nói nghẹn ngào trong nước mắt: "Em chỉ mong được đánh đổi cả sinh mạng của mình để cho con em được sống” lần nào tôi cũng cảm thấy trái tim mình như thắt lại!

Một bà mẹ trẻ đã nhảy từ tầng hai của một tòa nhà để cứu đứa con ba tuổi của mình bị rơi từ một ô cửa sổ. Người mẹ bị gãy chân nhưng cháu bé thì đã được cứu sống một cách thật diệu kỳ!  

Một bà mẹ khác đã hơn 20 năm ngồi bên cạnh săn sóc đứa con trai bị liệt toàn thân nằm bất động. Tất cả các bệnh viện đã bó tay, tất cả các danh y đều đã lắc đầu. Chỉ có người mẹ là không chấp nhận số phận con trai mình. Bà bán tất cả tài sản thậm chí cả ngôi nhà duy nhất của cả gia đình để cứu chữa cho con với một niềm tin không bao giờ lay chuyển rằng con trai bà không thể nào chết được.

Kỳ lạ thay! Có lẽ tình cảm quá sâu nặng của Người Mẹ đã có sức mạnh diệu kỳ nên sau hơn hai mươi năm nằm bất động, người con trai đã bất ngờ cử động, anh đã ngồi dậy được và đang trong quá trình tập đi để hồi phục chức năng.

Các nhà khoa học nghiên cứu về tiềm năng con người cho rằng ngoài các dạng tương tác sản sinh ra năng lượng mà chúng ta đã biết một cách tường minh thì còn tồn tại các dạng tương tác khác nữa mà con người chưa phát hiện được.

Không loại trừ còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng liên quan đến các hiện tượng siêu nhiên mà các giác quan bình thường của con người chưa thể cảm nhận được. Khoa học và kỹ thuật hiện nay cũng chưa đủ trình độ để tìm ra. 

Đây có thể là một dạng siêu năng lượng bắt nguồn từ lòng Vị tha Bác ái thường được nói đến rất nhiều trong Kinh Phật. Lòng từ bi, lòng yêu thương chân thành sẽ dẫn đến một dạng tương tác tâm linh tạo ra một nguồn năng lượng to lớn giúp con người chiến thắng bệnh tật và tạo nên sức mạnh vô biên!

Tôi đã có những suy tư và cảm nhận thiêng liêng như thế về tình mẫu tử khi được nghe Thầy Tuệ Quang nói về đạo hiếu của người Việt trong mùa lễ Vu Lan và kỷ niệm về những chuyến đi hoằng pháp của Thầy ở một số tỉnh thành miền quê Bắc Bộ.

Tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại Đức Thích Tuệ Quang là một nhà tu hành tâm huyết, có nhiều hoài bão và trăn trở với sự phát triển của Phật giáo nước nhà.  

Tuy mới về Thiền viện Trúc lâm Sùng Phúc được một thời gian ngắn nhưng khi được Thầy Trụ Trì là Đại Đức Thích Tâm Thuần giao phụ trách Đoàn thanh niên Phật tử Trần Thái Tông do Thiền viện bảo trợ, Thầy Tuệ Quang đã thổi một luồng sinh khí mới vào các buổi sinh hoạt của các bạn trẻ trong các buổi tọa đàm về Phật pháp và cuộc sống.

"Thầy không truyền đạt kiến thức Phật pháp một chiều, mà thầy muốn đưa các bạn thanh niên vào chủ đề của mỗi buổi sinh hoạt bằng chính tư duy của các bạn, có như vậy những kiến thức Phật pháp mới là của chính các bạn chứ không phải của người khác" ( Trích từ nguồn tvsungphuc.net)

Khoảng đầu năm nay, Thầy Tuệ Quang cùng với một số Tăng sinh vừa tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh đã có một chuyến đi hoằng pháp thật đặc biệt tại các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, nơi còn chưa có dấu ấn của Phật giáo.

Đến địa phương nào các Thầy thuê nhà ở rồi cùng dân đi khai phá ruộng nương làm lụng như người dân tộc. Tối đến các Thầy tổ chức chiếu phim về Đức Phật, tổ chức nói chuyện Phật Pháp cho người dân tộc thiểu số nghe. Mảnh đất khô cằn lần đầu tiên được các Thầy gieo hạt giống Phật Pháp.

Chuyến đi của các Thầy làm cho tôi nhớ lại chuyến đi tiền trạm của các chiến sỹ bộ đội Việt Nam khi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc chuyến hoằng pháp đặc biệt và độc đáo này, các Thầy bàn giao lại cho người dân địa phương tất cả thành quả lao động của mình và để lại một tình cảm sâu đậm trong lòng người dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc về hình ảnh của Phật giáo.

Người dân tộc thiểu số vùng núi phia Bắc rất chân thật và mộc mạc như hạt lúa củ khoai. Nếu được tiếp tục hoằng dương Phật pháp thì đây sẽ là một mảnh đất tốt cho Phật giáo

Chuyến đi của các Thầy cũng gặp không ít khó khăn. Do nhận thức còn hạn chế của các cấp chính quyền địa phương về Phật giáo nên các Thầy đã bị căn vặn đủ điều. Nhiều nơi còn nói tỉnh chưa có Ban trị sự Phật giáo nên không cho các Thầy tiếp xúc với dân cư.

Thế là để có thể mang được ánh sáng Phật pháp đến với người dân, các Tăng sinh trẻ đã phải vượt qua rất nhiều rào cản và chướng duyên. Trong khi đó, thật tiếc thay, có những ngôi chùa tọa lạc ngay giữa Thủ đô, có điều kiện hoằng pháp thuận tiện gấp hàng trăm lần thì quanh năm chỉ thấy ngút ngàn khói hương vàng mã!  

Thầy Tuệ Quang nói có một lần Thầy đến một địa phương hoằng pháp. Cũng chính tại đây chỉ mấy ngày trước đã có một số tu sĩ Đạo Tin lành đến truyền giáo. Người dân đặt câu hỏi: "Mấy hôm trước các tu sỹ nói Đạo Tin lành tốt lắm, hay lắm. Còn bây giờ Thầy nói về Đạo Phật. Vậy chúng tôi biết theo ai bây giờ?"

Đây là một hoàn cảnh rất tế nhị, đòi hỏi bản lĩnh của người đi trao truyền Phật pháp!

Thầy Tuệ Quang nói với người dân rằng Đạo Phật là đạo của Từ bi Hỉ xả đã gắn bó với dân tộc ta từ mấy ngàn năm nay. Đạo Phật đã đi vào nếp sống và suy nghĩ hàng ngày của một bộ phận lớn người dân Việt Nam, là sự gắn bó của tổ tiên ông bà và quê hương nguồn cội. Mọi người hãy tự suy nghĩ về những lợi ích trước mắt và những lợi ích căn bản dài lâu trong cuộc sống của mình mà lựa chọn.

Tôi nghĩ đây là một câu trả lời rất thỏa đáng trong hoàn cảnh khá phức tạp này!

Trong câu chuyện, Thầy Tuệ Quang luôn luôn có một trăn trở về tình hình phát triển của Phật giáo hiện nay. Thầy nói mới đi hoằng pháp ở Hà Nam và về tận mắt thấy các tôn giáo khác xây hàng loạt nhà thờ to đẹp lắm trong khi Phật giáo thì vẫn vẫn im ắng quá!

Thầy Tuệ Quang cùng các Thầy của Thiền viện Sùng Phúc đã về một xã nghèo nhất của huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam để gieo duyên hạt giống Phật pháp đầu tiên. Các Thầy tổ chức một lễ an vị Phật không cầu kỳ nhưng có sức lôi cuốn người dân, một bữa an chay tập thể do mọi người cùng đóng góp và cùng nấu nướng. Lần đầu tiên người dân quê được biết đến ăn chay, được nghe những lời tốt đẹp Phật dạy chúng sinh!

Giọng Thầy Tuệ Quang hơi có chút đượm buồn. Tôi hiểu nỗi lòng ưu tư của một nhà sư luôn thiết tha và mong muốn sự phát triển của Phật pháp trên đất nước ta tương xứng với vị thế vốn có của một tôn giáo đã có thời là Quốc giáo và luôn luôn gắn bó với dân tộc như hình với bóng kể từ ngày lập nước dù đã trải qua bao nhiêu thăng trầm bể dâu của lịch sử.

Tôi biết Thầy Tuệ Quang chỉ ra Bắc một thời gian ngắn rồi lại trở vào Nam học Cao học tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng những kết quả bước đầu trong công việc hoằng pháp của Thầy thật đáng trân trọng. Cùng với việc làm sống lại không khí sinh hoạt thiết thực và bổ ích của Đoàn thanh niên Phật tử Trần Thái Tông của Thiền viện Sùng Phúc, Thầy Tuệ Quang còn góp phần xây dựng được hàng chục Đạo tràng ở các tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.

Thầy Tuệ Quang xuất thân trong một gia đình có truyền thống về Phật giáo. Cụ Thân sinh cũng đang là một nhà sư tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Hai người em trai của Thầy cũng xuất gia trong chốn thiền môn. Được đào tạo bài bản trong Học viện Phật giáo Việt Nam, tôi nhận thấy ở Đại Đức Thích Tuệ Quang một cái tâm luôn luôn thiết tha mong được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, để Phật giáo phát triển mạnh mẽ hơn nữa xứng tầm với vị thế vốn có của nó trong lịch sử ngàn năm của dân tộc.