Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Nhận rõ thực chất của việc cải đạo

Nhận rõ thực chất của việc cải đạo

205

 

I. DẪN NHẬP:
 
Trong khoảng thời gian gần đây, hiện tượng cải đạo – khuyến dụ người từ đạo này sang đạo khác – chủ yếu là dụ dỗ những người Phật tử thiếu kiến thức bỏ đạo Phật để sang “đầu quân” cho đức Chúa Trời, đang lan tràn và phát triển rầm rộ trong hệ thống các nước được xem là chậm phát triển về kinh tế và trình độ dân trí thấp.
 
Nước ta cũng nằm trong tầm ngắm của họ. Cho nên, trong phạm vi của bài tham luận này, chúng tôi xin trình bày những ưu tư về vấn đề cải đạo và tình hình phát triển của Phật giáo nước ta, để từ đó chúng ta có đường lối đúng đắn trong công tác xiển dương chánh pháp lợi lạc quần sinh.
 
II. NỘI DUNG:
 
1. Vấn Đề Cải Đạo Ở Nước Ta:
 
Mùa lễ Giáng Sinh năm 2009, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhóm Tin Lành đã quy tụ hàng nghìn người để tổ chức “thánh lễ” cũng như phát biểu những “tuyên ngôn thuộc linh” để khuếch trương thanh thế và dụ dỗ hàng nghìn người cải đạo.
 
Chúng tôi xin trích dẫn một đoạn trong “tuyên ngôn” như sau: “Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước, Hội thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp một khắn khít trước mặt Đức Chúa Trời...”.
 
Khi nghe những lời tuyên ngôn “nóng” này chúng tôi không hiểu sao các cơ quan chức năng lại dửng dưng làm ngơ. Dân tộc ta luôn gắn liền với hình ảnh con rồng cháu tiên trải qua mấy nghìn năm văn hiến, vậy mà chúng dám nói hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam”.
 
Một sự xúc phạm quá lớn cho nền văn hóa của dân tộc ta. Thế mà một số người lại bị mê hoặc bởi sự khuyến dụ đó, bỏ quên truyền thống vẻ vang của dòng giống Lạc Hồng để “đầu quân” cho những sự mê tín.
 
Ngoài miệng thì luôn nói đạo đức, nhân nghĩa nhưng lại âm thầm chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các tôn giáo, lại còn dụ dỗ người khác bỏ đạo để theo đạo của mình, không biết từ “đạo đức” của họ định nghĩa ra sao?
 
Tin Lành hay Thiên Chúa giáo là một tôn giáo hữu thần, họ xem đức Chúa Trời là người sáng lập ra tất cả. Đi đâu họ cũng đem hình ảnh sự cứu vớt của Chúa để khuyến dụ mọi người. Con hãy tin đi, hãy tin vào chúa, chúa sẽ gia hộ cho con và khi chết con được lên Thiên Đàng.v.v… Những xảo ngôn này ngày nào cũng được phát ra từ cửa miệng của những người làm công tác dụ đạo.
 
Gần đây, họ còn dám tung tin giả là một “sư cô chân tu” bỏ đạo Phật và theo đạo Thiên Chúa. Khi tìm hiểu sự thật, Thầy Thanh Thắng đã vạch trần được âm mưu xảo quyệt của họ. Họ làm như vậy với mục đích chính làm lung lay niềm tin của những Phật tử cả tin và thiếu kiến thức Phật pháp để có cơ hội “thu thập thêm linh hồn” cho Chúa. Họ đi khắp nơi và nhất là những nơi xa xôi hẻo lánh, những vùng tập trung các dân tộc thiểu số. Những nơi đó, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn và như vậy, với một chút gạo hay tiền gì đó thì nói gì mà họ chẳng nghe. Nhân gian có câu “theo đạo có gạo mà ăn” là vậy.
 
Hơn thế nữa, trên các diễn đàn của một số tín đồ Thiên Chúa giáo, họ còn tung những tin vô căn cứ và hết sức sai lầm để đả phá và công kích Phật giáo. Điển hình là Chu Tất Tiến – một con chiên ngoan đạo, đã vô duyên vô cớ nêu ra những thông tin lệch lạc, chúng tôi xin trích ra một đoạn như sau: Phật Giáo Việt Nam được xem là hiền lương nhất, nhưng cũng giết hơn 100,000 người cùng máu đỏ da vàng chỉ vì tội theo đạo Ca Tô! Nào ngục tù, xiềng xích, treo cỗ, bắt trèo lên cây nứa đã đập nát, rồi cho voi xé thân người ra làm 4 mảnh.”
 
Không biết ông ta lấy từ nguồn tư liệu nào mà lại có những phát biểu như vậy. Là người Phật tử ai lại không xót xa khi đạo Phật bị đem ra làm bàn đạp cho những bước tiến vô chấp thủ đoạn của bọn “cáo mượn oai hùm” như vậy.
 
Bất chấp thủ đoạn, tung những quả mù, che mắt quần chúng là phương pháp mà một số nhóm người thực hiện để cải đạo mọi người.
 
Về cơ sở vật chất, hệ thống nhà thờ, giáo xứ phát triển và bành trướng khắp nơi. Mặc dù số lượng không nhiều nhưng người ta xây cái nhà thờ nào ra cái nhà thờ đó. Trong khi đó, theo thống kê của GHPGVN, nước ta có hơn 15,000 ngôi chùa, nhưng quy mô “bé bé nhỏ nhỏ” chiếm hơn phân nửa.
 
Cây thập ác được dựng lên nhiều chừng nào thì sự ảnh hưởng về mặt tâm linh của chùa bị thu hẹp chừng đó.
 
Trên đây là một số nhìn nhận khách quan về vấn đề cải đạo đang diễn tiến trong nước.
 
2. Vấn Đề Cải Đạo Ở Một Số Nước Châu Á:
 
Mặc dù nội dung chủ yếu của tham luận này là trình bày về vấn đề cải đạo trong nước. Nhưng chúng tôi xin đề cập đôi chút về những diễn biến về “công cuộc cải đạo” đang tiến triển trên một số nước trong khu vực để thấy sự bành trướng “vô quy hoạch” của họ.
 
Trong phần này chúng tôi xin đề cập vấn đề chủ yếu xoay quanh cuốn sách Các Dân Tộc Trong Thế Giới Phật Giáo” (Peoples of the Buddhist World, Piquant Editions, Carlisle, 2004) được xuất bản bởi Paul Hattaway. Mượn danh nghĩa thống kê các dân tộc theo đạo Phật, nhưng âm mưu của ông ta chính là vạch đường lối cho những nhà cải đạo của Thiên Chúa giáo hoạt động.
 
Trong trang Web sachhiem.net có đăng bài nhận xét về cuốn sách này, chúng tôi xin trích ra một đoạn: “Cuốn sách cho biết chi tiết từng nhóm, số lượng người trong nhóm, có bao nhiêu người theo Phật Giáo, có bao nhiêu người thực sự hiểu biết và thực hành đạo Phật, nói tiếng gì, sức mạnh của họ và cách vượt qua, các điểm yếu của họ và cách lợi dụng họ, tổng quan về lịch sử, văn hoá và những cách cải đạo tốt nhất.
 
Cuốn sách có đầy các hình màu đẹp về các dân tộc này, mà đa số ít người biết đến. Điều làm chúng ta rất buồn khi nghĩ đến các người hiền lành, vui cười và vô tội này đang ở trong tầm nhắm của các người truyền đạo xảo quyệt đang nhất quyết phá hoại niềm tin và văn hoá cổ truyền của họ.”
 
Thế mới thấy công tác tổ chức và tìm hiểu rõ ngọn ngành của các dân tộc theo đạo Phật trước khi họ tiến hành “truyền trao phúc âm” của Chúa quá tinh vi và xảo quyệt. Điểm đặc biệt, tầm ngắm của các nhà truyền giáo đa phần hướng đến các bộ lạc, thổ dân, các dân tộc ít người, những người có trình độ văn hóa thấp, ở các nước có điều kiện kinh tế khó khăn.
 
Theo thống kê trong sách, mặc dù công tác truyền đạo khá rầm rộ ở Tích Lan nhưng ở đây chỉ có 4% dân số theo Thiên Chúa. Ở Nepal, 31% là tín đồ của họ. Và hoạt động truyền đạo thành công nhất của họ là ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở Trung Quốc hiện nay, Thiên Chúa Giáo gia tăng mau chóng đến độ không kịp xây các nhà thờ để chứa các người mới cải đạo” (Sđd).
 
Trả lời cho giới báo chí, Đức Dalai Lama thứ 14 nêu ra những dẫn chứng như sau: “Tại Mông cổ chẳng hạn, các nhà truyền giáo Thiên chúa giáo cải đạo cho hàng nghìn người trước kia theo Phật giáo Tây tạng. Đồng thời người Trung quốc tại Tây tạng khuyến khích các vị cố đạo của quý vị cải đạo những người đồng hương của chúng tôi. Tại các vùng miền đông Ấn độ các nhà truyền giáo người Mỹ sử dụng các phương tiện tài chính để cải đạo các bộ tộc miền núi nghèo đói, cô lập họ với cội nguồn, văn hóa và lối sống lâu đời của tổ tiên họ để lại.”, và thái độ của ngài vô cùng phản đối hiện tượng cải đạo.
 
Trên đây chỉ là những ví dụ điển hình cho quá trình truyền đạo của Thiên Chúa giáo ở một số nước trong khu vực.
 
Chúng ta tự đặt câu hỏi, tại sao trong những thập niên gần đây Thiên Chúa giáo lại rầm rộ “tấn công” sang các quốc gia ở Phương Đông này? Để trả lời cho câu hỏi, chúng ta tìm hiểu tiếp phần thứ ba của tham luận.
 
3. Một Số Nước Phương Tây Với Niềm Tin Tôn Giáo:
 
Trong phần này, chúng ta sẽ khái quát một số vấn đề về Thiên Chúa giáo và Phật giáo ở các nước Tây Phương. Trả lời cho câu hỏi ở trên, chúng ta dễ dàng biết được ngay là khi mà trình độ tri thức của con người được mở rộng, những nhận thức căn bản về các vấn đề của xã hội được hanh thông thì điều trước hết, chúng ta sẵn sàng loại bỏ những niềm tin mê tín, những tuyên ngôn mang tình chất mặc khải của một đấng nào đó hoàn toàn phản khoa học. Cũng vậy, ở các nước phương Tây, dần dần họ đã nhận ra được rằng không ai là người tạo ra thế giới và mọi vật ngang qua những tiến bộ về khoa học kĩ thuật.
 
Trong tác phẩm “Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế” của Quentin Smith, do học giả Trần Tiên Long dịch, có nêu lên như sau: “Để kết luận, tôi xin khẳng định rằng, thứ nhất khoa học hiện nay không chấp nhận có Thượng Đế hiện hữu. Và thứ hai, lý luận thông thường mà chúng ta sử dụng hằng ngày khi áp dụng vào mọi sự dữ chúng ta trông thấy cũng tự nó không chấp nhận có Thượng Đế. Do đó, tôi nghĩ quan điểm hữu thần rất là vô lý, còn quan điểm vô thần thì hữu lý hơn.”
 
Tác phẩm còn nêu thêm những luận điểm nữa là: Trong thế chiến 1914-1918, có 10 triệu người chết; nhưng chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 9 tới tháng 11 năm 1919, có tới 20 triệu người đã chết do dịch cúm Spanish, tương đương với số người chết vì bệnh dịch hạch ở thế kỷ 14. Rồi lại thình lình vi khuẩn này biến mất và không ai còn thấy chúng xuất hiện. Như vậy, nếu có Thượng đế hiện hữu thì tại sao thiên tai này lại xảy ra? Hay tại Thượng đế không đủ toàn năng để có thể giết chết hết những con vi khuẩn, hay không đủ toàn năng để làm chúng không phát sinh thêm?”
 
Chúng ta thử đặt ra câu hỏi, với quan điểm của Thiên Chúa giáo là Thượng Đế tạo ra tất cả thì chẳng lẽ đại dịch trên cũng do Thượng Đế tạo ra? Vậy thì tình thương của Chúa nằm ở đâu, trong khi những xảo ngôn của các nhà truyền giáo luôn luôn cho rằng chúa yêu thương tất cả!?
 
Như vậy với những luận điểm chắc chắn và thuyết phục, cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn trong niềm tin cố thủ của một bộ phận người dân ở phương Tây. Và điều không thể bàn cải là họ sẽ từ bỏ những mặc khải vô lý mà các nhà truyền giáo cho đó là “thông điệp của đức chúa trời”.
 
Qua những dữ kiện nêu trên, chẳng bao lâu, mảnh đây phương Tây sẽ không còn chỗ đứng cho những triết thuyết vô lí, những tà tín mê muội và điều hiển nhiên, các nước chậm phát triển chính là thửa ruộng màu mỡ cho mùa “gặt hái linh hồn” để dâng lên cho đức Chúa trời của những nhà truyền giáo.
 
4. Củng Cố Niềm Tin (Dành cho cư sĩ):
 
Chúng ta thử đặt vấn đề là tại sao một bộ phận Phật tử lại dễ dàng tin theo những tà thuyết của họ đến như vậy. Một điều đơn giản dễ nhận thấy nhất đó chính là trình độ hiểu biết về giáo lí của Phật giáo còn thấp và mức độ hành trì chưa được chuyên môn. Trong phần này chúng tôi xin nêu ra bốn vấn đề căn bản để củng cố niềm tin về đạo Phật cho toàn thể quý Phật tử.
 
Thứ nhất, đức Phật không phải là một đấng thần linh hay một tạo vật chủ và đạo Phật không tin vào Thượng Đế.
 
Như chúng ta được biết, đức Phật lịch sử chính là một vị Thái tử, từ sự nhận thức được bản chất cuộc đời nên Ngài mới xuất gia tìm đạo giải thoát. Ngài trải qua một quá trình tu hành gian khổ mới tìm được con đường giải thoát và giới thiệu nó cho tất cả mọi người. Ngài cũng như tất cả mọi người, cố gắng trong tu tập mới thành tựu được đạo quả. Và tuyên ngôn bất hủ của Ngài đã chứng minh được điều đó: “Ta là Phật đã thành còn mọi người là Phật sẽ thành.”
 
Đối với vấn đề về Thượng đế trong đạo Phật, chúng ta chấp nhận ngoài vũ trụ còn có vô vàn hành tinh. Ví dụ như những cõi trời mà nơi đó những chúng sanh có được phước báu vô cùng to lớn đang cư ngụ. Đó cũng chính là quan niệm của dân gian về Ông trời. Còn nói về vấn đề Thượng đế là người tạo ra tất cả, hay là một thần linh siêu nhiên thì đạo Phật không chấp nhận điều đó. Nền giáo lí căn bản giúp ta khẳng định được điều đó chính là giáo lí duyên khởi. Tất cả mọi sự vật hiện tượng đang tồn tại đều chịu sự tác động của nhân duyên. Do duyên mà thành và cũng do duyên mà hoại. Chính vì thế trong giáo lí của đạo Phật không chấp nhận một tạo vật chủ và đức Phật không phải là một đấng thần linh.
 
Thứ hai, đạo Phật giúp con người tự giác ngộ không mang tính chất cứu rỗi.
 
Đức Phật khẳng định, Ngài chỉ là người dẫn đường có đi hay không là tùy mỗi người. Cũng vậy, giáo lí của đạo Phật khẳng định một cách chắc chắn về vấn đề tự tu tự chứng của mỗi hành giả. Không ai có thể thay ta chịu tội hay có khả năng ban phước cho ta. Chính những việc làm, lời nói và ý nghĩ của ta trong hiện tại sẽ quyết định số phận của chúng ta trong nay mai.
 
Thứ ba, đạo Phật chủ trương vô ngã và phủ nhận một linh hồn bất biến thường tại.
 
Đức Phật khẳng định thân thể con người là tổ hợp của bốn yếu tố đất nước gió lửa và nó không cố định, trải qua những giai đoạn sinh trụ dị diệt và bị chi phối bởi nghiệp lực. Chính vì vậy, chúng ta không nắm bắt và điều khiển được những thay đổi của sắc thân. Khi chết, nghiệp lực sẽ chi phối và dẫn dắt chúng ta đi tái sinh. Cho nên nói một linh hồn bất biến trong đạo Phật là điều không thể chấp nhận.
 
Thứ tư, đạo Phật không chinh phục hay dụ dỗ người khác bằng nhiều hình thức.
 
Đến với đạo Phật, mỗi người tự ý thức là mình đang đến với sự tỉnh thức, đến với chân lý. Chính đức Phật khẳng định với một bộ lạc muốn đi theo Ngài rằng đừng tin những gì kinh điển, truyền miệng, mặc khải, người đi trước,… khi các con chưa hiểu rõ những điều đó, và hãy tin khi các con đã hiểu và thấy những điều đó đúng với chân lý, khi áp dụng các con thấy an lạc và hạnh phúc.
 
Với bốn điều nêu trên, chúng tôi tin chắc rằng mỗi Phật tử sẽ nhận rõ và có một niềm tin vững chắc vào chân lý của đạo Phật, không bị lôi kéo bởi những thế lực ngoại đạo bằng những hình thức mua chuộc hay dụ dỗ.
 
5. Những Đường Hướng Cho Công Cuộc Hoằng Pháp:
 
Nhìn thực trạng của Phật giáo Việt Nam, chúng ta cần có những phương thức hoằng pháp mới để ngăn chặn những biến tướng cải đạo, đẩy mạnh sự phát triển của Phật pháp làm lợi lạc quần sinh. theo chủ quan, chúng tôi xin đưa ra một vài ý kiến:
 
Thứ nhất, Phật giáo chúng ta là một tôn giáo của trí tuệ nên nhu cầu phát triển tâm linh của Phật tử rất cao, cho nên trong mỗi chùa nên có giảng đường để phục vụ vấn đề nghe giảng của đại đa số Phật tử. Chẳng lẽ, cứ để Phật tử đến chùa cứ ê a những bài kinh trong khi không hiểu một tí gì về ý nghĩa của kinh điển và giáo lí đạo Phật. Một khi quý Phật tử nắm bắt được giáo lý thì họ sẽ thích đến chùa và công tác cúng dường cho chư tăng sẽ được đẩy mạnh, góp một phần vào việc hưng thịnh ngôi Tam Bảo trong chốn nhân gian.
 
Thứ hai, mỗi chùa nên tổ chức các khóa tu hàng tháng hoặc hàng tuần. Tác dụng của khóa tu có ảnh hưởng rất lớn trong việc phụng sự Phật pháp của quý Phật tử và nhất là nơi mà quý Phật tử đó đang dự tu. Bởi lẽ khi chúng ta cung cấp về vấn đề ăn và ở cho họ thì họ sẽ có trách nhiệm căn bản là hộ trì cho chúng ta. Trách nhiệm đó gắn liền với đạo đức của người con Phật.
 
Thứ ba, đẩy mạnh công tác hoằng pháp trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Lứa tuổi này là rường cột của nước nhà, là tương lai của đạo pháp, nên mỗi chùa nên tổ chức những khóa tu, những trại hè mang tình chất đạo đức Phật giáo với những bài giảng về công cha nghĩa mẹ,.v..v.. làm tác động đến tâm tư của các em, hướng các em đến với Chân Thiện Mỹ.
 
Thứ tư, tổ chức những buổi họp mặt mang tính chất giao lưu với các giáo viên trực thuộc những trường học ở địa phương. Họ chính là những người tác động mạnh đến tâm lý của học sinh, nên những buổi giao lưu của chúng ta phần nào giúp họ hiểu thêm và hiểu đúng về Phật giáo, và có sự giới thiệu Phật giáo với những em học sinh của mình.
 
Thứ năm, có những lớp giáo lý để đào tạo hoằng pháp viên cư sĩ. Những vị này đảm trách công việc đem Phật pháp đến với những người xung quanh khu vực của mình ở. Tiếp thu kiến thức từ quý thầy rồi đem giúp đỡ những người xung quanh. Đây là trách nhiệm lớn lao mà mỗi người cư sĩ phải đảm trách.
 
Thứ sáu, mỗi tự viện trong các thời tụng kinh nên tụng đọc kinh điển với chữ quốc ngữ. Như vậy thì quý Phật tử mới hiểu được những lời dạy của Phật trong kinh và áp dụng hành trì.
 
Và cuối cùng là những chuyến từ thiện với những bài giảng kèm theo, tặng sách đĩa cho họ để họ biết thêm về Phật pháp ngang qua những món quà từ thiện của chúng ta.
 
Trên đây là những vấn đề mang tầm vóc tự viện, hơn thế nữa, giáo hội Phật giáo chúng ta phải có những chính sách, đường lối rõ ràng trong công cuộc hoằng pháp. Đặt ra chỉ tiêu cho hoạt động hoằng pháp và cố gắng thực hiện cho đúng chỉ tiêu mà mình đề ra. Giáo hội cần có sự thống nhất trong các hình thức như lễ nghi, kinh điển,…
 
Bên cạnh đó, giáo hội cần có sự động viên và ủng hộ về mặt vật chất cũng như tinh thần cho những ngôi chùa ở những vùng hẻo lánh, giúp các tự viện đó đẩy mạnh việc giảng dạy Phật pháp cho phật tử sở tại. Thứ nữa, giáo hội cần đề ra các tiểu ban hoằng pháp với sự ủng hộ về vật chất, mục đích của các tiểu ban này là dấn thân phục vụ cho các dân tộc ở những vùng xa xôi hẻo lánh, nhằm giúp những dân tộc này hiểu Phật pháp và sống theo lời Phật dạy.
 
Thiết nghĩ bao nhiêu ý kiến cho đủ đây khi mà tính chất thực hành lại được đặt trong tình trạng hứa hẹn vào một tương lai mù khơi diệu vợi. Một ý kiến hay nếu đem ra thực hành mang tính chất đại chúng thì hiệu quả sẽ mang lại vô cùng rõ rệt và có ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống thực tại.
 
III. KẾT LUẬN:
 
Nhu cầu cấp thiết của đạo Phật không phải là những triết thuyết cao xa diệu vợi, nó nằm ngay trong chính hành động và suy nghĩ của mỗi nhà hướng dẫn tâm linh, đó chính là những trưởng tử Như Lai, những hoạt động trong lĩnh vực hoằng pháp.
 
Chúng ta hãy thôi những cuộc tranh giành, đả kích lẫn nhau, tạo ra cảnh “trùng sư tử ăn thịt sư tử” để những “con sói” khát máu lợi dụng cơ hội lần mò từng ngỏ ngách thu phục và bắt giữ “bầy cừu” vô tội. Chung tay góp sức ngăn chặn những biến tướng của xã hội hiện nay, giúp mọi người nhận ra lẽ thật, nêu cao tinh thần sống vì chân lí, đó mới đúng là một người con của Đức Từ Phụ.
 
Đức Phật dạy nước của bốn biển chỉ có một vị mặn, giáo Pháp của Phật chỉ có một vị là vị giải thoát. Cho nên, tất cả những bài tham luận mà chúng ta trình bày đều mang tính chất là góp phần vào xây dựng ngôi nhà Phật pháp ngày một vững mạnh và có tầm ảnh hưởng trên khắp năm châu. Chúng tôi xin trích dẫn lời của nhà khoa học lỗi lạc Einstein để kết thúc cho tham luận của mình: “Tôn giáo tương lai là tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt trên một đấng thiêng liêng và tránh hết mọi giáo điều và thần học. Bao trùm cả thiên nhiên lẫn tinh thần tôn giáo, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đang phát sinh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật đáp ứng điều đó.”
 
Tư liệu tham khảo:
Trang web giacngo online.
Trang web sachhiem.net.
Trang web phapluan online
Trang web tusachphathoc.com
Sách Đạo Phật dưới con mắt các nhà trí thức.