Trang chủ Tuổi trẻ Thanh niên Phật tử Nhật ký Phật tử trẻ : Bao giờ gặp lại và ở...

Nhật ký Phật tử trẻ : Bao giờ gặp lại và ở đâu !?

79


Chủ nhật, ngày 17 tháng 12 năm 2006


Sau một tuần làm việc sáu ngày, sáng nay tôi tự cho phép mình dậy muộn một chút, hưởng một chút khoan khoái của sự biếng nhác đáng yêu.


7h30, chuông điện thoại reo, tôi uể oải nhấc máy. Tiếng quát từ đầu giây bên kia:  Alô! Quên rồi hả? Biết ngay mà! dậy ngay! Sáng nay nhà em đưa bà lên chùa đó. Chùa Cót, 8h30!


 



 


Tôi cuống cuồng dậy ngay. Chẳng là hôm nay, bên ngoại nhà người bạn thân nhất của tôi – Tuấn Anh, có làm lễ cúng Phật đưa hương hồn bà ngoại lên ăn mày cửa Phật và làm tiệc chay đãi bà con thân hữu, nhân 49 ngày sau khi bà mất. Là người thân trong gia đình Tuấn Anh đã nhiều năm, tôi không thể không có mặt trong dịp này.


Buổi sáng mùa đông Hà Nội hôm nay thật đẹp. Tuy trời vẫn se lạnh nhưng cao ráo, trong trẻo. Ánh nắng vàng ươm như tơ đã vương khắp phố phường. Là ngày nghỉ nên giờ này đường xá không đông lắm. Từ Thụy Khuê, tôi lướt xe nhanh qua dốc Tam Đa, sang các đường Liễu Giai, Ngọc Khánh, ra ô Cầu Giấy, xuôi đường Láng 1 km, rẽ phải qua cầu Yên Quyết, theo đường Hoa Bằng cũng khoảng 1 km thì tới chùa Cót.


 



 


Ngôi chùa này là chốn thân yêu với tôi đã từ hơn 10 năm nay. Chùa Cót có tên chữ là Ngọc Quán tự, vốn là một ngôi chùa làng, trải qua các cuộc thăng trầm đã bị đổ nát nhiều. Đến cuối những năm 1980, đại đức Thích Thanh Tùng, mà chúng tôi vẫn gần gũi gọi là sư ông Cường, về trụ trì chùa này thì nơi đây đã đổi thay rất nhiều.


Đây là nơi đi về ăn nghỉ của rất nhiều các thế hệ tăng sĩ trẻ, mỗi khi cần qua Hà Nội. Trước đây, chùa còn chật chội, nhưng tấm lòng đùm bọc chăm lo cho các thế hệ hậu lai của Thầy trụ trì thì thật rộng lớn. Thầy có ý thức mạnh mẽ trong việc gây dựng các thế hệ kế tục. Tất cả các đệ tử xuất gia của Thầy đều được Thầy cho ăn học chu đáo, trong đó có đại đức Nguyên Toàn đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam.


 



 


Đây là nơi rất thân thuộc với sinh viên học sinh các trường đại học, cao đẳng khu vực Cầu Giấy, nhất là các trường Nghệ thuật, trong đó có tôi. Hết thế hệ này đến thế hệ khác được Thầy đùm bọc, nâng đỡ. Có lúc cao điểm ở chùa có tới hàng chục sinh viên trọ học miễn phí hoàn toàn. Tuỳ theo gia cảnh, Thầy còn hỗ trợ ăn, mặc, sách vở, đi lại. Không biết đã có biết bao trăm lượt sinh viên từ cổng chùa Cót mà trưởng thành. Thầy trụ trì là nhà tu hành thường tham gia các hoạt động từ thiện an sinh xã hội liên tục hàng chục năm nay.


 



 


Mấy năm gần đây, cơ duyên đến, Thầy mới để tâm đến việc kiến tạo cảnh chùa. Nhìn các công trình đã hoàn thiện hay còn đang dang dở, mới thấy quy mô xây dựng và tầm nhìn kiến trúc của Thầy lớn biết chừng nào.


Đón tôi ở cổng, Tuấn Anh bảo:


– Chùa hôm nay đông quá. Việc nhà mình khoảng 200 người thôi. Nhà chùa thì có việc khánh thành Tổ đường nên tôn đức tăng ni về rất đông. Hơn nữa có một hội Thanh niên Phật tử gì đó đến sinh hoạt tại đây, họ đang giao lưu chia xẻ trong khu nhà khách dưới đó!


Vào chùa, đi lễ Phật, lễ Tổ xong, định đi vãn cảnh nhưng lại thôi vì người đông đúc quá, xe cộ chật nêm. Tôi tò mò ghé qua phòng khách dưới xem “tụi thanh niên” làm gì.


Trong căn phòng đơn giản khoảng hơn 40 m2, gian giữa có bàn thờ Quán thế âm và tủ Kinh, trên sàn nhà trải chiếu có hơn 20 thanh niên nam nữ đang ngồi xếp bằng xung quanh nghiêm trang trao đổi với nhau về những vấn đề gì đó rất thành kính. Nhìn các ăn mặc của họ thì thấy ngay là họ không để tâm lắm đến hình thức, trang phục của họ giản dị rất mực. Thấy tôi đến, anh chị em hoan hỉ mời cùng tham gia hoạt động của họ. Còn biết làm gì nữa, tôi ngồi xem, nghe họ làm gì, nói gì.


À! đang là màn chào hỏi giới thiệu. Chăm chú lắng nghe và sau này hỏi lại tôi được biết, đây là sinh hoạt của Câu lạc bộ – diễn đàn Thanh niên Phật tử Việt Nam ở miền Bắc. Trong hơn 20 thanh niên đang có mặt, chủ yếu là đang ở Hà nội, nhưng cũng có 5-7 người là từ Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Tây, Thanh Hoá đến. Có người sinh năm 1987, 1988 và cũng có người sinh năm 1972, 1973; Có vài người đã xây dựng gia đình, còn lại thì chưa. Họ làm đủ các nghề: Sinh viên, giảng viên, giáo viên, công nhân, công chức, tiểu thương, v.v.


 Vậy vì sao họ gắn kết với nhau và tập trung ở đây nhằm mục đích gì?


 Dưới đây là tập hợp một số ý kiến của họ mà tôi còn nhớ:


– Đa số, nay nhớ lại, đều cho rằng họ có duyên mến đạo từ rất sớm. Chỉ có điều không có cơ duyên gặp thầy gặp bạn nên thời gian trôi qua mà thành tựu tu tập chẳng có là bao. Nay đã có bầu bạn thì mong mỏi được tranh thủ thời gian học hành, tu tập.


– Một số bạn đến với Đạo đã gặp khó khăn – chướng duyên từ phía người thân trong gia đình, cơ quan, xuất phát từ sự chưa hiểu về Đạo. Khi đó cách giải quyết là cần kiên trì, cảm hoá. Cần sống, làm việc và cư xử như thế nào để mọi người xung quanh thấy rằng là Phật tử tức là một người tốt, mẫu mực, tiêu biểu trong mọi lĩnh vực của đời sống. Khi đó thì sẽ là tốt đẹp cho cả Đạo pháp và gia đình, xã hội.Là Phật tử trẻ, cần kết hợp học với tu. Chỉ có thành tựu trên con đường tu tập mới mang lại sự an lạc đích thực. Mỗi người có pháp môn riêng. Anh Trọng Hoàng đã rất có lý khi cho rằng: Khi thấy, hiểu cái hay, cái đẹp của Phật pháp như lý Nhân quả, Vô ngã, Nghiệp báo… thì cần vận dụng vào trong đời sống công việc hàng ngày. Nâng cao được hiệu quả công việc, đó chính là tu.


– Theo một số anh em, là Phật tử trẻ, có trí tuệ, cần biết về các phép tu đang lưu dụng hiện nay ở nước ta như Niệm Phật, Thiền quán, tu Mật. Song, có ý kiến cho rằng, thực ra chỉ có Thiền và Tịnh độ là rõ ràng tông phái, còn Mật thì chỉ đan xen, nhiều khi lẫn với Sa man giáo…Do vậy cần hết sức thận trọng.


 – Và một ý kiến được đa số chia xẻ đó là, các Phật tử tại gia cần y chỉ, nương tựa không chỉ là Tam bảo chung chung mà cần trực tiếp và cụ thể vào các Tăng Ni. Những vị xuất gia, đặc biệt là các vị tu hành tinh tấn đạo hạnh lâu năm, nhiều kinh nghiệm khi nhận làm Hướng Đạo Sư  thì có khả năng sách tiến cho các Phật tử tu tập đúng hướng và chóng thành tựu.


 Và nhiều và rất nhiều các ý kiến đồng cảm về con đường mà họ đến với đạo…


 Cứ vậy, tôi mê mải nghe họ chia xẻ với nhau, và với tôi về kinh nghiệm tu tập, về một ý Đạo và những điều mà họ tâm đắc. Nhẹ nhàng, không huyên náo; tuy có ý riêng mà cùng kiến giải, chờ đợi, không tranh cãi; hoan hỉ, vui vẻ mà không suồng sã Cách làm việc ấy rất có ấn tượng với tôi, một người lăn lộn trong cuộc sống thị trường.


 Gần 2 tiếng trôi qua, cuộc trao đổi, chia xẻ tạm dừng mà không cần có tổng kết, rút ra một cái chung gì đó. Mỗi người sẽ tự tìm thấy cái mình cần ở đó. Hơn hai mươi thanh niên đó, theo kế hoạch đã thống nhất, chỉn trang áo dài nâu sồng truyền thống, chuẩn bị lên Đại điện để thực hiện khoá lễ, tụng kinh Tám điều.  Một chàng trai trẻ, nghe đâu sinh 1982, tên là Trí Minh làm chủ sám, sử chuông mõ khá thành thục, cầm chịch cho hơn 20 thanh niên tụng kinh lễ Phật. Trong tôi, một cảm giác xúc động thiêng liêng bỗng trào dâng.


Mười một giờ đã điểm. Chia tay với họ, trở về với mục đích ban đầu khi đến chùa Cót. Dẫn tôi lên nhà khách, nơi có thết tiệc chay, Tuấn Anh bảo: Lạ thật! Họ tụ họp làm gì mà anh nghe lâu vậy? Sao người bần thần thế? Cứ như là việc của mình, anh quen biết họ à?  Tôi lơ đãng trả lời: Họ toàn là những người quen biết cả. Họ bàn toàn chuyện anh đang quan tâm và suy nghĩ. Tôi bỗng giật mình: Quên chưa hỏi họ, bao giờ gặp lại và ở đâu?