Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Những bất cập trong bản Hiến chương GHPGVN mới tu chỉnh

Những bất cập trong bản Hiến chương GHPGVN mới tu chỉnh

219

Nhân dịp Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, báo VNN có đăng bài “Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển theo quy luật thế gian”. Trong bài viết này, HT. Thích Thiện Nhơn xác nhận như sau: “Đặc biệt là vấn đề cơ cấu nhân sự: HĐTS không quá 80 tuổi, trên 80 tuổi tham gia HĐCM; các vị tham gia HĐCM thì không tham gia HĐTS và ngược lại. Hiến chương mới quy định mỗi vị trong Ban Thường trực HĐTS kiêm nhiệm không quá 2 chức, thời gian tại vị không quá 3 nhiệm kỳ, áp dụng chung cho các tỉnh thành”.

Những nội dung trong bản dự thảo tu chỉnh Hiến chương mới đã được đọc tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, còn chờ đợi phía nhà nước phê chuẩn và đưa vào áp dụng trong thực tế.

Tuy nhiên, xem qua danh sách HĐCM và HĐTS mới rõ, vẫn còn những Hoà thượng tham gia vào cả hai Hội đồng, không những thế cả Ngài Chủ tịch HĐTS và Ngài Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS đều đã vượt quá xa với tuổi quy định để có thể tham gia vào HĐTS.

Chính bởi điều này, nên bản Hiến chương vừa mới sửa đổi đã thêm vào cụm từ: “Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt do Ban Thường trực HĐTS đề nghị”.

Nhưng nếu chỉ có từ “đề nghị”, thì “ai” (ban nào) sẽ thông qua, không lẽ Ban Thường trực vừa đề nghị và vừa thông qua? Hơn nữa, tiêu chí nào để xếp hạng “trường hợp đặc biệt”, ai được ngoại trừ ai không được ngoại trừ, và “một số” là bao nhiêu?

Hiến chương cần phải quy định bằng chuẩn càng cụ thể, rõ ràng càng tốt, tránh những cách hiểu đa nghĩa, mơ hồ, cảm tính, nhằm “chữa thẹn” cho những vị đã ngồi quá lâu ở cả hai Hội đồng.

Mặt khác, chuyện “ngoại trừ” ấy không nên chỉ để cho Ban Thường trực HĐTS quyết định, rồi mới đưa ra cuộc họp thường niên của HĐTS biểu quyết thông qua. Bởi điều này từng bị đại biểu không ít lần phản ứng, các vị trong Ban Thường trực đã “quyết” rồi mà còn cho đại biểu giơ tay biểu quyết, thì đó là chuyên quyền và “ngụy dân chủ”.

Vì thế, tốt nhất nên tiến hành bỏ phiếu kín tại Hội nghị, để tất cả các đại biểu đều có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc công cử lãnh đạo.

Cần phải xác định cho rõ, nếu không đây chính là điểm dễ dẫn đến lợi dụng quyền hành của “Ban Thường trực” (do một vài người chi phối) trong vấn đề sắp đặt nhân sự Giáo hội. Bởi nếu không thông qua ý kiến của Hội nghị đại biểu (thường và bất thường) của toàn thể thành viên trong HĐTS, thì không đúng với hiến định: “Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…”.

Hơn nữa, áp dụng Hiến chương với những quy định mới như vậy, thì phải áp dụng ngay lập tức cho nhiệm kỳ này, chứ không nên mượn vào cớ “ngoại lệ” để trì hoãn theo sự sắp đặt của một số người. Bằng không, vì lòng tự trọng nên bỏ những quy định kia ra khỏi Hiến chương, để thế hệ con cháu đi sau khỏi mất công sửa chữa.

Điều 19, khoản 5 ghi: (HĐTS) “Được quyền phân công, luân chuyển nhân sự tham gia Ban Trị sự trên cơ sở trao đổi với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong trường hợp Ban Trị sự cấp tỉnh, thành thiếu nhân sự”.

Như vậy, phải đưa việc này ra trước cuộc họp của HĐTS để đại biểu thảo luận, tránh tình trạng một số văn bản do một số vị trong Ban thường trực “tự quyết” một cách không công bằng và khách quan, dẫn đến một người giữ chức vụ cao ở nhiều tỉnh thành khác nhau, phân chia lãnh địa, hình thành cơ chế quyền lực bủa vây, chuyên quyền và độc tài, trong khi nhiều Tăng Ni của các tỉnh thành khác không có cơ hội cống hiến, phục vụ Giáo hội.

Điều 21: “Thành viên tham gia HĐTS không quá 80 tuổi; mỗi thành viên không kiệm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực HĐTS, mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ”.

Ghi như thế này là tự mâu thuẫn với điều 13 (trong mục Hội đồng Chứng minh): “Chư vị Hoà thượng được suy tôn vào HĐCM thì không tham gia HĐTS, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt do Ban Thường trực HĐTS đề nghị” và mâu thuẫn ngay với độ tuổi của Hoà thượng Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực, vì không có điều nào ghi về việc “ngoại lệ” trong quy định độ tuổi.

Phải chăng Giáo hội này khủng hoảng đến mức quá thiếu người làm việc, nên mặc dù đã quá 80 mà vẫn phải hy sinh quyền được chứng minh (suy tôn) để phục vụ cho HĐTS?

Xin lưu ý, được nghỉ dưỡng là một cái quyền không ai có thể cản ngăn được. Cũng trong điều này, đưa thêm cụm từ: “Mỗi thành viên không kiệm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực HĐTS” nghe thì có vẻ mới, nhưng thực ra chỉ là một trò chơi chữ nghĩa.

Thực tế rất khó để xác định thế nào là quá 3 chức danh trong Ban Thường trực HĐTS. Ví dụ các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban viện Trung ương, Phó Thường trực các Ban viện Trung ương, Trưởng ban Trị sự các tỉnh thành, Tổng Thư ký, Phó tổng Thư ký, Uỷ viên Thư ký, Uỷ viên Kiểm soát, Pháp chế… đều nằm trong Ban Thường trực.

Vậy thì những người có chức danh Phó Chủ tịch, Trưởng Ban…TW, kiêm Trưởng ban Trị sự… thì có phải đã quá 2 chức vụ trong Ban Thường trực hay không? Nếu theo đúng quy định của Hiến chương thì hoặc Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban…TW, hoặc Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Trị sự (một tỉnh thành).

Nếu Hiến chương vừa sửa đổi kia không áp dụng ngay trong nhiệm kỳ này, thì nên bỏ cụm từ đó ra khỏi Hiến chương. Còn nữa, ghi “mỗi chức danh không quá 3 nhiệm kỳ”, nhưng chỉ bắt đầu áp dụng từ nhiệm kỳ này, thì nhiều vị sau khi kết thúc 3 nhiệm kỳ cũng đã vào tuổi xấp xỉ 80, rồi khi đến tuổi 80 lại lấy Điều 13, đem cái “ngoại lệ” ra để công cử, thì dù có mang tiếng là sửa đổi, nhưng gần như chẳng sửa đổi gì. Vì thực tế, cần phải quy định Uỷ viên Thường trực cũng không được quá 3 nhiệm kỳ, bởi bản thân “Uỷ viên Thường trực” cũng đã là một chức danh trong Hội đồng Trị sự.

Điều 28: “Nếu Chủ tịch HĐTS khuyết vị khi chưa hết nhiệm kỳ thì Ban Thường trực HĐTS tổ chức Hội nghị bất thường của Ban thường trực HĐTS để suy cử một trong 3 Phó Chủ tịch Thường trực đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch HĐTS…”.

Có thể nói, những điều được ghi trong mục HĐTS (từ điều 19 đến 28) đã ôm trọn hết quyền hành vào cho Ban Thường trực, điều này là hết sức bất thường so với Hiến chương cũ. Bởi thực tế, những chức vụ quan trọng hàng đầu của Giáo hội phải do toàn thể thành viên của HĐTS cả chính thức lẫn dự khuyết cùng công cử, tốt nhất theo hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

Bằng không, Ban Thường trực này rất dễ bị một vài cá nhân vận động hành lang cho các chức danh trong Giáo hội (như vừa qua). Khi ấy, ai sẽ kiểm soát cái “Ban” có quyền lực tuyệt đối và vô biên này?

Điều này sẽ kém dân chủ và chỉ tiếp tay thêm cho sự tha hoá quyền lực trong một tổ chức, phớt lờ ý kiến của Tăng Ni, Phật tử trong cả nước, đẩy mọi việc vào “sự đã rồi”.

Tại sao chỉ là Hội nghị bất thường của Ban Thường trực? Và tại sao chỉ là các vị Phó Thường trực lên đảm nhiệm chức vụ Quyền Chủ tịch HĐTS?

Vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự là một chức vụ thể hiện trực tiếp uy tín của một tổ chức Giáo hội, nên cần phải do toàn thể Hội đồng Trị sự, thậm chí cần phải lấy ý kiến của toàn thể Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, chứ sao lại tập trung hết về cho Ban Thường trực quyết định?

Chúng tôi cho rằng, phía Nhà nước cần phải điều nghiên kỹ bản Hiến chương này trước khi cho thông qua. Đặc biệt, Giáo hội cần phải mở Hội nghị lấy ý kiến của Tăng Ni đại biểu sau khi Hiến chương đã hoàn thiện phần tu chỉnh, để đại biểu tiếp tục bàn bạc, thảo luận và phải có biểu quyết thông qua. Hiến chương Giáo hội nếu chưa được đại biểu biểu quyết thông qua mà vội vã trình Nhà nước phê duyệt và áp dụng là chuyên quyền và vi hiến.

Dư luận của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đang chờ đợi câu trả lời, vì sao một nhóm người có vai vế trong Ban Thường trực lại có thể thao túng Giáo hội, tự ban phát cho nhau lợi ích để phân chia vùng miền?

Giáo hội là đại diện duy nhất cho tăng ni, Phật tử, thì phải nhìn thẳng vào thực tế đó, giải tỏa bức xúc trong dư luận. Tăng Ni, Phật tử mong quý vị lãnh đạo không còn sức khoẻ và khả năng minh mẫn thì hãy mạnh dạn từ chức, để “Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển theo quy luật thế gian”, như Hoà thượng Thích Thiện Nhơn đã phát biểu.

Chừng nào trong Giáo hội còn cái cơ chế “xin-cho” từ việc bổ nhiệm, tấn phong giáo phẩm, đến việc “y chỉ” để chạy chức, chạy quyền, thì sẽ làm hỏng nhận thức của những tăng ni trẻ đi sau. Cái hỏng từ trong hệ thống này là nguy cơ làm giảm uy tín của Giáo hội, chia rẽ sự đoàn kết trong Giáo hội.

Từ chức khi không đủ năng lực lãnh đạo là hành vi có trách nhiệm với hậu thế, là tiếng nói của con người có văn hoá và văn minh. Khi đã sinh ra tổ chức đại diện cho tăng ni, Phật tử, thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức ấy một cách hợp lý và hài hòa.

Muốn vậy, như chúng tôi đã từng phân tích, cần phải tăng vai trò cho Hội đồng Chứng minh. Có nghĩa rằng, Hội đồng Chứng minh không phải là “Hội đồng” của những người đã trên 70 tuổi, mà là một Hội đồng có những hoạt động, phân tích, đánh giá những hiệu quả hoạt động của Hội đồng Trị sự, và nó cần những Chư Tôn đức có năng lực tham gia giúp việc trong Hội đồng này, cụ thể lập một ban chuyên trách đứng đầu là một vị Hoà thượng nhằm tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử toàn quốc, có ý kiến kịp thời đối với HĐTS. Như thế mới đúng với vai trò mà Hiến chương quy định tại điều 15: “Hội đồng Chứng minh là cơ quan lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật của Giáo hội PGVN”.

Nếu không làm được như vậy thì Hội đồng này chỉ như một cái bóng mờ trước HĐTS. Chẳng hạn đối với vấn đề tham nhũng, lạm quyền trong HĐTS, thì HĐCM phải xử lý theo đúng giáo luật thì mới đảm bảo khách quan và công bằng.

Với tinh thần vô ngã, xả bỏ ngai vàng như xả bỏ đôi giày rách trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, văn hoá từ chức càng phải được nhân rộng trong bộ máy lãnh đạo Giáo hội. Nếu cảm thấy điều đó là quá khó khăn, thì triệu tập Hội nghị bất thường của Hội đồng Trị sự để cho đại biểu chính thức được bỏ phiếu tín nhiệm, bầu người thay thế.

Hãy để cho tất cả Tăng Ni, Phật tử thành viên của Giáo hội được phép chọn lựa lãnh đạo cho mình. Như vậy, cần phải giao sự giám sát về cho Tăng Ni, Phật tử. Giáo hội này không phải là nơi tập trung của một nhóm người có quyền hành và tiền bạc.

Nếu họ không có đủ tâm, đủ tầm để lãnh đạo Giáo hội, nếu không vận động để mời họ xuống được, thì nói như Cư sĩ Lê Minh, chúng ta hãy quên họ đi, quên ngay từ bây giờ và quên càng nhanh càng tốt.

Bởi nếu để rơi vào tình trạng chạy chức, chạy quyền, bè phái vùng miền, thì Giáo hội ấy sẽ không thể hộ pháp cho dân tộc, cho đất nước, một khi những đổi thay, biến động xã hội bất ngờ xảy ra.

Có hàng triệu, hàng triệu đồng bào Phật tử đang trông chờ các đại biểu hãy thoát ra khỏi sự chịu đựng vô lý đó và cất cao tiếng nói chính kiến của mình.

Trong các góp ý tu chỉnh Hiến chương, tôi từng đề nghị tăng số lượng Uỷ viên HĐTS lên 250 thành viên, nhằm tăng tiếng nói phản biện tại các ban, ngành, viện và ban trị sự tỉnh thành, chứ không phải tăng ghế ngồi để lấy danh một cách hão huyền.

Nếu không làm được như vậy, thù dù có hàng vạn lời đạo từ, hàng triệu lời trích dẫn rất kêu từ kinh điển, cũng chẳng lay động được ai, mà còn trở thành sự tô hồng cho những người vì lợi ích cá nhân của mình thì nhiều, chứ không vì lợi ích chung của một tổ chức đúng nghĩa Giáo hội.