Trang chủ PGVN Cửa thiền Những đứa trẻ mồ côi và một mái ấm gia đình

Những đứa trẻ mồ côi và một mái ấm gia đình

185

NHƯ CHUYỆN CỔ TÍCH

Chúng tôi đến chùa Niết Bàn khi các em đang quây quần vui chơi trong khuôn viên nhỏ bé của nhà chùa. Thấy chúng tôi đến, không đứa nào bảo đứa nào, tất cả nhoẻn miệng cười thân thiện và chắp tay cúi đầu chào lễ phép. Nhìn những khuôn mặt thơ ngây với đôi mắt to, đen tròn của các em, chúng tôi hiểu được rằng các em đã có một mái ấm gia đình, một điểm tựa để khôn lớn và trưởng thành.


Chùa Niết Bàn được xây dựng và bắt đầu hoạt động từ năm 1983. Thượng toạ Thích Thiện Phụng kể: “Lúc mới hoạt động, chùa nghèo lắm, điện thờ chính vẫn là nhà tranh tre, vách đất. Chúng tôi cũng chưa có chủ trương nào về chuyện nuôi dưỡng trẻ lang thang, cơ nhỡ, khuyết tật, nhưng mỗi lần nhìn các em bơ vơ ngoài đường, ăn không no, mặc không đủ ấm là tôi lại trăn trở. Tôi cũng xuất thân là một trẻ mồ côi nên tôi hiểu được sự cực nhọc của các em. Trong kinh phật cũng có dạy “Cứu giúp chúng sanh là cúng dường tam bảo”, vì vậy, tôi đã quyết định nhận các em về nuôi.” Đấy là vào khoảng năm 1985, lúc này cơ sở vật chất còn thiếu thốn, mới nhận 6 em về nuôi nhưng các tăng, ni tất bật cả ngày lo ăn, lo uống cho các em vì chẳng ai có kinh nghiệm nuôi trẻ con cả. Thế rồi, dần dần các em quen với cuộc sống trong nhà chùa và các sư cũng thấy nhớ các em mỗi khi đi đâu xa vài ngày.


Tiếng lành đồn xa, gia đình nghèo khó tìm đến gửi con, trẻ em lang thang cơ nhỡ tự tìm về nương tựa cửa Phật. Hết lớp này lại tới lớp khác, hiện nay trong chùa vẫn còn 120 em đang sinh sống. Thượng tọa Thiện Phụng bảo đó là “cơ duyên”, bởi chưa chùa nào làm được điều đó và tự bản thân các em khi vào đây sinh sống đã luôn coi nhau như anh em ruột thịt trong một gia đình.


Hầu hết các em vào đây từ khi còn rất nhỏ, có em mới chỉ có vài ngày tuổi đã được gửi vào chùa. Tất cả các em đều có chung một họ -họ Phạm của sư cô Phạm Thị Nuôi, tên pháp danh Thanh Liêm. Sư cô Thanh Liêm cho biết: “Tôi đi tu từ năm còn nhỏ, chưa một lần làm mẹ, nên khi được thầy Thiện Phụng giao trách nhiệm chăm lo các em, tôi nghĩ mình không thể làm được. Nhưng khi gắn bó với các em rồi, từ các em đã khơi dậy trong tôi tình mẫu tử. Tôi được làm mẹ của hàng trăm đứa con, được cùng vui, cùng buồn với các em. Bây giờ thì các em đã là phần máu thịt trong tôi rồi.”


VẪN CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG


Nói là ở trong chùa, nhưng cũng như bao đứa trẻ khác, các em đều được cắp sách đến trường, được vui chơi và nhận phần thưởng khi học giỏi, ngoan ngoãn. Hiện nay, 92 em ở chùa đều được đi học: 5 em học mẫu giáo; 50 em học cấp I; 30 em học cấp II và 12 em học cấp III. Hàng năm 100% các em lên lớp, tỷ lệ khá giỏi chiếm 30%. Động lực khiến các em chăm chỉ học hành chính là từ phong trào chăm học, chăm làm do Thượng tọa Thiện Phụng phát động. Với những phần thưởng như: Xe đạp, chuyến đi dã ngoại, quần áo mới… đã khích lệ các em siêng năng học hành. Một số em trước khi vào chùa phải tự đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân, do phải vào đời sớm nên các em có một bản tính không bình thường, em thì quá hiếu động, nghịch ngợm, quậy phá; em lại lầm lì, dễ cáu gắt… Do đó, để quản lý các em, nhà chùa đã cạo tóc, chỉ để lại một chỏm tóc nhỏ đỉnh đầu. Thượng tọa Thiện Phụng cho biết: “Làm vậy để các em tự ý thức được mình là người nhà chùa không được ham chơi lêu lổng, học xong là về đúng giờ.”


Hàng tháng, nhà chùa đóng 20 triệu đồng tiền học phí cho các em, ngoài ra còn mua xe đạp, tạo điều kiện cho các em đi lại thuận tiện. Em Phạm Minh Hoàng, do gia đình nghèo khó, cha mẹ đã gửi em vào chùa từ khi em 5 tháng tuổi, hiện em đang học lớp 3/1 trường Tiểu học Quang Trung, thị trấn Phú Mỹ, em hồn nhiên cho biết: “Ở đây vui lắm, con có nhiều anh, chị, được đi học, còn được mẹ Liêm cho đi chơi nữa”. Khi tôi hỏi, nếu cha mẹ con đọc báo thấy hình con đến đón về thì sao? Ôm chặt Thượng tọa Thiện Phụng, Hoàng nói: “Con không muốn về, con muốn ở lại đây với thầy, với mẹ.”


Có thể nói, suốt 22 năm qua, mái chùa Niết Bàn đã trở thành ngôi nhà lớn của hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 100 em trưởng thành từ nơi đây, nhiều em đỗ đạt có học vị cao và có công ăn việc làm ổn định. Thượng tọa Thích Thiện Phụng tâm sự: ” Với mong ước duy nhất của nhà chùa là nâng đỡ, dìu dắt các em đi qua một quãng đời ấu thơ không may mắn, để các em có cơ hội được học hành, trưởng thành như các bạn cùng trang lứa trở thành người có ích cho xã hội, cho đất nước, nhà chùa chúng tôi đã làm hết những gì có thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí học và nuôi dưỡng các em, nhưng mỗi khi nhìn thấy các em sống vui vẻ, biết kính trên, nhường dưới, giúp đỡ nhau học hành tiến bộ là tôi thấy lòng thanh thản”.