Trang chủ PGVN Cửa thiền Nơi vắng tiếng chuông chùa

Nơi vắng tiếng chuông chùa

131

Từ rất lâu, tiếng chuông chùa đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt kể từ khi Phật giáo có mặt tại Việt Nam. Âm thanh trầm bổng du dương đã làm lắng dịu biết bao tâm hồn đang còn lưu lạc giữa chốn hồng trần, như Chu Mạnh Trinh từng viết:


Vẳng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng


Tiếng chuông huyền diệu, thanh thoát không những thức tỉnh đưa mọi người về với giây phút hiện tại mà còn là âm thanh siêu độ cho tất cả những oan hồn và các chúng sanh đang còn bị đọa đày trong các cõi tối tăm:


Nguyện tiếng chuông này khắp pháp giới
Thiết vi u ám cùng nghe được
Căn cảnh thanh tịnh chứng viên thông
Hết thảy chúng sinh thành chính giác.


Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ
Trí huệ lớn, bồ đề sinh
Thoát địa ngục vượt hầm lửa
Nguyện thành Phật độ chúng sinh.


Trên đây là hai bài kệ xướng lên mỗi lần thỉnh đại hồng chung. Mái chùa che chở hồn dân tộc và tiếng chuông thức tỉnh là hai hình ảnh bất khả phân ly, và mãi mãi là nơi nương náu cho cõi thế gian đầy đau khổ này. Cho nên, có những người khi lưu lạc đến đất khách đã cảm thấy rằng mình đã mất đi một cái gì đó rất thiêng liêng:


Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa!


Vâng, nếu thiếu đi quê hương, thiếu mái chùa thân thương và thiếu cả tiếng chuông ấm dịu nữa thì quả là một sự mất mát lớn lao. Ngôi chùa mà thiếu đi tiếng chuông khuya sớm thì đó là sự thiệt thòi cho bá tính thập phương, đây chính là nỗi lòng của chúng tôi khi được biết ngôi chùa quê tại một huyện nhỏ ở tỉnh Quảng Nam đã thiếu thốn “tiếng chuông chùa” từ mấy mươi năm nay. 


Chùa Phước Quang, thôn Phước Hà, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam, khi kiến tạo vào năm 1958 có tên là Chùa An Nam. Ngôi bảo tự nhỏ bé ban đầu ấy đã bị tàn phá nặng nề trong thời gian quê hương bị chiến tranh.


Sau ngày giải phóng, ngôi bảo tự chỉ còn trơ trọi nền đất với những hố sâu của bom đạn. Năm 1990, đồng bào sinh hoạt tạm trong một gia đình Phật tử hữu tâm, đến năm 1994 mới quyên góp mua lại một nhà kho của Hợp tác xã để sinh hoạt lễ bái, và chùa đổi tên thành chùa Phước Quang từ đó.


Năm 2000 chùa được chính quyền cấp đất, nhưng vì điều kiện kinh tế của đồng bào rất khó khăn, nên đến năm 2005 mới đặt móng xây dựng. Nhờ hồng ân Tam Bảo và sự hỗ trợ của Chư tôn Hòa thượng, chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni Phật tử thiện tín khắp nơi, nên đến năm 2008 chùa đã xây dựng được ngôi chính điện.


Đặc biệt, sau khi ban hộ tự cung thỉnh được sư cô Thích nữ Diệu Thiện về với chùa, ngôi bảo tự sớm hôm đã có thêm tiếng kinh câu kệ, nhờ đó mà Phật tử quy hướng ngày càng đông đảo.


Điều đáng nói là ngôi chùa Phước Quang nằm trên một ngọn đồi xưa kia là căn cứ địa, ở đây dân cư thưa thớt, mồ mả của anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn rất nhiều, do đó chùa quê heo hút lại càng vắng vẻ thêm. Chùa vắng không phải chỉ do đồi núi mồ mả hoang vu, mà vắng vì ngôi chùa quê thân thương Phước Quang chưa có tiếng chuông, vắng âm thanh huyền dịu thức tỉnh lòng người về với cõi thiền môn thanh tịnh, và thiếu cả tiếng gọi siêu thoát khỏi u đồ cho tất cả chúng sinh bị đọa đày trong cõi tử sinh.


Ước mong sớm có tiếng chuông chùa, không những là kỳ vọng thiết thực của đồng bào Phật tử địa phương mà còn là nguyện ước của chúng tôi, của tất cả những người con Phật, và những ai đã trân quý và thấu hiểu giá trị tâm linh sâu xa của tiếng chuông chùa. Để rồi đây, tiếng chuông sẽ ngân xa lời nguyện cầu cho lòng người thanh thoát và nuôi lớn hồn ai mỗi khi tâm tưởng lại quê hương:


Ôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu.