Trang chủ Đời sống Tâm sự Nước mắt miền Tây đã chảy…

Nước mắt miền Tây đã chảy…

84

Sông Hậu mênh mang. Miền Tây mây trắng đầy trời. Hai trụ cầu vươn cao giữa màu nước mang phù sa nặng đỏ. Cần Thơ đã chào đón tôi như vậy trong chuyến đi cách đây 3 tháng…


Khi đó các nhịp cầu còn chưa bắc, dây văng chưa căng. Tôi đứng từ phà Hậu Giang nhìn về các trụ cầu nghĩ về một sự hoài niệm cho những con phà một mai khi cây cầu vươn nhịp sẽ lùi vào dĩ vãng.


Tôi nghĩ về truyện ngắn “Người giữ cồn” của một người anh đã đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Đồng Bằng Sông Cửu Long 2005 lấy cảm hứng sáng tác từ việc xây cây cầu này. Tôi nghĩ đến những giai điệu trong ca khúc “Kỷ niệm của tôi” của Phú Quang. Một dòng sông loang dòng máu đỏ / Bạn bè tôi gục ngã dưới chân cầu. Dù rằng cả truyện ngắn và bài hát này không phải về những người thợ xây cầu mà là về những người lính, những người tham gia cách mạng đã ngã xuống để mang lại bình yên cho quê hương. Tôi hình dung lần trở lại sau, tôi sẽ được dạo bước trên cây cầu lớn để ngắm dòng sông Hậu với một tư thế cao rộng và lồng lộng gió.


Hai ngày với Cần Thơ. Tôi đã được dạo chơi trên sông để khám phá những đặc trưng sông nước miền Tây. Tôi đã được đi trên những con đường của Thành phố nhỏ bé có ngôi chùa cổ Munir Ansay, với ngôi nhà cổ 200 năm ở Bình Thủy. Và những người bạn Cần Thơ trên du thuyền sông Hậu buổi đêm… (Đúng ra là những người bạn miền Tây làm việc và sinh sống tại Cần Thơ). Tôi đã được nghe lại những khúc ca tài tử do chính bạn hát trong ngây ngất hơi men chính tại nơi này.


Tôi đã mang theo những kỷ niệm của miền “gạo trắng nước trong” về Hà Nội.  Để rồi hôm nay nghe tin rung động cả nước: Cầu sập khi chưa kịp xây xong kéo theo sự ra đi của gần trăm sinh mạng. Nước mắt miền Tây đã chảy…



Trong giờ phút này, khi ở miền đất cách Cần Thơ gần 2000 km, tôi lại nhớ đến những ca từ của nhạc sĩ Phú Quang: Kỷ niệm của tôi, dòng sông thành phố / Bạn bè tôi gục ngã dưới chân cầu. Tôi lại nhớ đến đoạn kết trong truyện ngắn Người giữ cồn của Nguyễn Thế Hùng mà mình đã ngẫm ngợi khi đi phà trên sông Hậu 3 tháng trước. Đoạn kết như sau: “Tôi mở tờ giấy già Tám đưa, trong đó chỉ có duy nhất một dòng chữ viết nắn nót: “Nhắn những ai đi trên cây cầu này hãy nhớ, dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống!”. Tôi không biết có làm được việc già nhờ không, nhưng nhìn vào đôi mắt già, nghe già kể chuyện, tôi không nỡ từ chối. Già muốn khi cây cầu khánh thành, bằng uy tín và mối quan hệ của mình, tôi xin các cơ quan chức năng cho in hàng chữ này lên thành cầu, phía trên cồn Thương.”


Vâng! Những người thợ xây cầu đã ngã xuống. Họ không phải là “những người con trung kiên”, nhưng sự ra đi của họ đã góp phần làm nên những nhịp cầu vươn mình trên sông Hậu để nối những bến bờ. Ngày 16 tháng 8 âm lịch (tức 26 tháng 9) sẽ trở thành ngày giỗ của gần một trăm con người. Tên tuổi của họ sẽ mãi gắn với cây cầu. Mai này khi nhắc đến cầu Cần Thơ, hẳn mỗi người sẽ nhớ đến sự kiện 26/9, dù đau thương nhưng đã làm nên huyền thoại bi tráng. Và vào mỗi dịp trung thu, cả dòng sông Hậu sẽ sáng lên ánh trăng tưởng niệm những người thợ xây cầu.


Top bài viết :


1 – Đau từ nửa bờ Hậu Giang


2 – Chư Tôn đức Tăng Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương và văn nghê sĩ thăm nạn nhân trong biến cố sập cầu Cần Thơ


3- Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ủng hộ nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ hơn 100 triệu đồng


4 – Chùa Thiện Mỹ (TP. Hồ Chí Minh) cầu siêu cho nạn nhân sập cầu Cần Thơ