Trang chủ Thời đại Truyền thông Phân tích tin tức trên Truyền hình An Viên

Phân tích tin tức trên Truyền hình An Viên

97

Đề cập nhiều đến Truyền hình An Viên còn là vì truyền hình liên hệ đến lãnh vực mà tôi được đào tạo, và truyền hình Phật giáo là một mơ ước từ lâu của tôi, nay đã bước đầu trở thành hiện thực với kênh Truyền hình An Viên.

Bạn đọc Hiếu Hạnh, trong một phản hồi, có ý kiến rằng chương trình “Ngày An Viên” là một chương trình thời sự, mà tin trong thời sự thì “chỉ được chạy lướt 90 giây, “không thể nào phân tích một Phật sự dài tầm 10 – 15 phút như chương trình chùa Việt Nam được””.

Đúng là trong giáo khoa về truyền hình, một bản tin không nên kéo dài quá thời lượng 90 giây. Các nghiên cứu về khán giả truyền hình cho thấy, nếu tin dài hơn 90 giây, thì ra khỏi giới hạn đó, khán giả sẽ mất đi sự tập trung cần thiết. Nhiều nhà báo còn chủ trương khống chế tin truyền ở thời lượng ngắn hơn nữa, mới có thể gây được sự chú ý, tập trung ở khán giả.

Tuy nhiên, trong báo chí, bên cạnh tin còn có phần phân tích tin tức. Trong báo viết, phân tích tin tức có nhiều loại bài khác nhau. Trong phát thanh truyền hình, phân tích tin tức có thể tách riêng ra, nhiều đài gọi là phần thời sự, bên cạnh phần tin tức. Nhưng cũng có đài phát xen lẫn tin tức với phân tích tin tức. Trường hợp chương trình thời sự 19 giờ của VTV là ví dụ.

Chẳng hạn, sau khi đưa tin ngắn về việc phóng vệ tinh Vinasat, thì vì đó là một sự kiện báo chí quan trọng, nên tiếp theo sẽ có tường thuật của phóng viên VTV gởi về từ bãi phóng, phỏng vấn các quan chức liên hệ đến việc phóng, phỏng vấn các chuyên gia chịu trách nhiệm về cuộc phóng, chuyên gia hãng chế tạo vệ tinh… Như thế, phân tích tin tức có rất nhiều dạng, và rất rộng rãi về thời lượng, phụ thuộc vào nội dung, tầm quan trọng bản tin.

Không phải tin nào cũng có phần phân tích tin tức, mà chỉ có những tin có ý nghĩa quan trọng, được lựa chọn. Các kênh chương trình nước ngoài, sau khi đưa nhanh các tin, mỗi tin 60 giây – 90 giây, thì có phần phỏng vấn những nhân vật có liên hệ đến bản tin, những chuyên gia, những nhà báo uy tín… Lúc này, cầu truyền hình được thiết lập. Người trả lời phỏng vấn có thể từ nhiều nơi trên thế giới, trả lời nhiều câu hỏi, có thể là bị phóng viên “quay”. Chúng ta thường thấy trên TV chiếu 2 khung hình chân dung bán thân, đều nhìn về khán giả,  nhưng đối đáp với nhau như nhìn nhau trực tiếp, là thuộc dạng này.

Riêng về vụ cháy chùa Hội Sơn, trên Truyền hình An Viên không có phân tích tin tức, mà chỉ là nhiều tin khác nhau phát vào những chương trình Ngày An Viên nối tiếp nhau, như bạn đọc Hiếu Hạnh đã ghi nhận (không kể phóng sự phòng cháy ở các chùa Hà Nội). Phân tích tin tức liên quan đến sự kiện này, thì có thể lấy ví dụ như các bài liên hệ trên báo Giác Ngộ liên hệ đến vụ cháy chùa Hội Sơn, đăng trong số 652, nhất là ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Phó ban Văn hóa Trung ương GHPGVN, do H. Diệu ghi.

Trong số báo Giác Ngộ nói trên vẫn có một bản tin ngắn đăng ở trang “Thời sự” có tựa đề “Vụ hỏa hoạn tại chùa Hội Sơn do chập điện” (khoảng 1/3 trang so với phần phân tích tin tức trải trên gần 3 trang). Còn lại, những bài khác, là phân tích tin tức.

Phân tích tin tức thường là nói công việc sau khi đã xảy ra sự kiện, nhưng nó cũng có thể thực hiện trước khi xảy ra sự kiện, với nhiều mục tiêu, mà một trong những mục tiêu là quảng bá cho sự kiện đó. Thí dụ, trước sự kiện Đại hội Phật giáo Hà Nội, thì có thể có cuộc phỏng vấn vị tôn đức Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hà Nội chẳng hạn về những thành tích của Phật giáo Hà Nội, về những nội dung chính của Đại hội Phật giáo Hà Nội…

Chúng tôi nghĩ là chương trình “Ngày An Viên” có thể hay hơn, sâu hơn, phong phú hơn nếu Ban Biên tập quan tâm nhiều hơn đến việc phân tích tin tức, khai thác tin tức ở bề rộng và ở chiều sâu.

Thí dụ, đối với phóng sự về việc phòng cháy chùa ở Hà Nội, thì ngoài việc ghi nhận ở một số chùa cụ thể, nên có cuộc phỏng vấn đối với cán bộ kỹ thuật phòng cháy chữa cháy về đặc điểm dễ cháy của chính điện nhà chùa, nhất là chùa cổ, chùa gỗ, các thiết trí phòng cháy, báo cháy cần có, cách chữa cháy đối với những tình huống cụ thể (ngã đèn, vỡ đèn, chập điện, bén lửa cây hương…).

Làm phân tích tin tức không khó, nhưng cũng cần kỹ năng nghiệp vụ, nhất là nhà báo phải nhạy một chút. Với một tin quan trọng thì sẽ có 101 cách phân tích tin tức.

Nếu khán giả truyền hình để ý, trên VTV1, nội dung phân tích tin tức sẽ nhiều hơn rất đáng kể so với các đài truyền hình địa phương. Còn trên các kênh chuyên tin tức nước ngoài (như CNN, BBC, France 24…), thời lượng phân tích tin tức sẽ nhiều hơn VTV1 rất nhiều.

Tin tức, từ một sự kiện được ghi nhận, chuyển sang tin tức báo chí có giá trị, là do ở phân tích tin tức, khai thác tin tức. Trên quá trình đó là kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo. Chúng tôi tin rằng Truyền hình An Viên sẽ tiến nhanh trong hoạt động này.

Thí dụ, tu chỉnh hiến chương là sinh hoạt lớn, có ảnh hưởng quan trọng của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Truyền hình An Viên có thể khai thác chi tiết Phật sự này, phỏng vấn những vị tôn đức góp nhiều ý kiến cho việc tu chỉnh, đáp ứng sự quan tâm của Tăng Ni Phật tử. Mới đây, Truyền hình An Viên cũng đã có chương trình phỏng vấn liên hệ đến sự kiện tu chỉnh hiến chương. Đó là một dạng phân tích tin tức.

MT