Trang chủ Đời sống Phật giáo và cầu nguyện trong thể thao

Phật giáo và cầu nguyện trong thể thao

276

Đồng thời, trên mạng và các hệ thống điện thoại di động lan truyền tin nhắn về việc huấn luyện viên Calisto cùng học trò đi lễ đền chùa và cầu nguyện.

Từ quận 6, TPHCM, từng đoàn xe gắn máy lao về phía chùa “Phật Cô Đơn”, tên mà giới trẻ TPHCM gọi chùa Bát Bửu Phật Đài, để cầu nguyện cho thắng lợi của đội tuyển

Được hỏi, nhiều fan bóng đá đáp rằng các vận động viên châu Mỹ La tinh và các fan vẫn thường cầu nguyện trước khi ra sân. Các fan nghĩ rằng Phật cũng có thể phù hộ đội tuyển Việt Nam trước nhiều lời nguyện cầu chí thành góp lại.

Nên qua tin nhắn, các bạn trẻ rủ nhau đi chùa cầu nguyện.

Phân tích hiện tượng này ở TPHCM, chúng tôi nghĩ rằng đây là một cách ủng hộ đội tuyển Việt Nam một cách chân thành. Khi ước muốn về một điều nào đó, một trong những cách thể hiện ước muốn là cầu nguyện. Người theo đạo Chúa thì cầu Chúa, người theo đạo Phật thì cầu Phật…

Ngoài ra, ở Phật giáo còn có hiện tượng van vái và trả lễ khi ước cầu nguyện đạt thành. Ngoài phẩm vật cúng dường mang lên chùa, cúng bàn thờ Phật ở nhà, có thể có các hình thức khác như bố thí, hay… xuống tóc.

Thực ra, đáp lễ, trả lễ việc cầu nguyện như ý, không phải là việc chỉ có ở đạo Phật. Ở những tôn giáo khác cũng có, nhưng có thể có các hình thức khác (như các bảng tạ ơn đặt trước bàn thờ, hang đá…).

Viết bài này, chúng tôi muốn lưu ý các bạn trẻ là tinh thần cầu nguyện của đạo Phật khác với những tôn giáo khác.

Không nên thấy các fan bóng đá châu Âu, châu Mỹ cầu Chúa, thì chúng ta có hành động tương ứng, là cầu nguyện với Phật để mong được phù hộ, đoạt cúp.

Đức Phật không phải là thượng đế, nên hiểu đúng về Ngài. Đức Phật không ban phúc giáng họa như một vị thần linh.

Trong các tôn giáo khác, việc cầu nguyện trong thể thao cũng không thích hợp, huống nữa là đối với đạo Phật, tôn giáo đặt sự thành bại nơi vai trò con người chứ không phải sự phù trợ từ một đấng nào đó.

Nếu hai đội bóng Nam Mỹ gặp nhau, cùng cầu chúa, nhưng cúp vàng chỉ có một, thì liệu đội thắng có phải là đội được Chúa đáp lại lời cầu nguyện, còn đội bại trận thì không?

Vì vậy, không nên thấy người ta cầu Chúa thì chúng ta cũng cầu Phật.

Trong Kinh Phật, có một ví dụ, không thể cầu nguyện để một hòn đá nổi lên, hay là váng dầu chìm xuống nước.

Vấn đề là ở sự tạo tác của chính con người và thiện nghiệp, phúc báo.

Suy nghĩ kỹ, thì những vị như Chúa hay Phật cũng không thể đi làm cái việc can thiệp cho tỷ số thể thao.

Riêng đối với thanh niên Phật tử chúng ta, không nên rủ nhau đi cầu nguyện, để nếu khi không như ý muốn thì thất vọng tập thể, rồi trách cứ, chùa này không linh sao lại cứ đi cầu, mà không đi vái ở miễu kia, đền nọ…

Càng không nên có tư duy trả lễ trong đạo Phật, vì đó là kiểu cầu nguyện có kèm điều kiện.

Các fan bóng đá Việt Nam có thể ủng hộ đội tuyển của mình, mong có sự may mắn, bằng các việc làm tạo ra phước báu và thành tâm hồi hướng cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà. Việc làm cụ thể có thể là như công tác từ thiện, mà làm đến như thế nào cũng không thể đủ.

Trong thể thao có yếu tố may mắn. Người làm thiện nghiệp có thể hy vọng phước báu ứng nghiệm vào sự may mắn. Điều đó phù hợp với tinh thần đạo Phật.

Nhưng trước hết phải tạo ra thiện nghiệp, không phải cầu xin có điều kiện trả lễ với Phật.

Nếu không có điều may mắn chúng ta mong cầu, thì nên hiểu rằng thiện nghiệp mà chúng ta tích tụ chưa đủ, và nên làm thiện nghiệp nhiều hơn nữa vì mong ước đó.

Hoàn toàn không nên quay đầu đoàn xe gắn máy về một ngôi chùa mới, hay một ngôi đình nào đó, với hy vọng là sẽ linh hơn, nếu lời cầu nguyện không linh ứng.

Cũng cần nhớ, may mắn không phải là tất cả của sự thành công.

Rủi may không là tư duy của đạo Phật. Kinh Phật luôn nhấn mạnh đến những nỗ lực. Ngay Đức Phật, khi còn là thái tử, cũng phải ra sức rèn luyện các môn võ nghệ cộng với tài năng thiên phú mới có những thành quả xuất chúng.

Cũng có em nói với tôi, những đoàn xe hướng về “Phật cô đơn” đó không hẳn là đi cầu nguyện thật sự, mà bên cạnh đó, còn có cái cớ tập họp đi chơi. Chuyện cầu nguyện cho đội tuyển chỉ là cách nói để dễ mời gọi nhau, và cũng có lời khuyên tôi không nên quan tâm.

Nhưng tôi nghĩ rằng, dẫu thế thì cũng đáng quan tâm. Vì, đi chơi chùa vẫn tốt hơn đi chơi một số nơi khác.

Và nếu trong những bạn trẻ nào đó hiểu nhiều về đạo Phật hơn nữa, không chỉ nghĩ rằng chuyến đi chùa là để chơi, để phụ thêm nữa là chuyện cầu nguyện cho đội tuyển bóng đá, mà có thể nâng cao niềm hy vọng, niềm tin yêu dành cho đội tuyển, thêm ý nghĩa cho cuộc đi chơi bằng cách ghé qua một địa chỉ từ thiện nào đó, Bệnh viện tâm thần ở khu Lê Minh Xuân gần đó chẳng hạn, với những món quà tịnh tài nho nhỏ, và hồi hướng công đức cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà.

Đây là công thức gợi ý, nếu các bạn trẻ fan bóng đá muốn làm một điều gì đó vì sự hy vọng may mắn cho đội tuyển bóng đá chúng ta, trong cao điểm giải đấu. Nó tốt hơn là sự bắt chước cầu nguyện.

MT