Trang chủ Tin tức Phật giáo Việt Nam với cong tác phòng chốgn HIV – AIDS

Phật giáo Việt Nam với cong tác phòng chốgn HIV – AIDS

97

Thượng tọa Thích Thiện Tánh,


Phó ban Thường trực BTS THPG TP.HCM:


GIÁO HỘI RẤT CẦN NHỮNG TU SĨ TRẺ NHẬP THẾ


VỚI TINH THẦN TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ


Xin Thượng tọa cho biết tổng quan về hoạt động phòng chống AIDS của Phật giáo chúng ta? Hiệu quả của hoạt động này như thế nào?


– Nói về tổng quan thì công tác phòng chống HIV/AIDS của Phật giáo chưa rõ nét, chưa có sự chỉ đạo chung từ Trung ương mà mỗi tỉnh thành gắn trực tiếp với UNICEF, UBPC AIDS của tỉnh thành đó. Tuy vậy, thời gian qua hoạt động này đã mang lại một số kết quả nhất định, trong đó nổi bật là Trung tâm Điều trị Hải Đức (Huế), Pháp Vân (Hà Nội), Diệu Giác và Kỳ quang (TP.HCM) v.v… Hy vọng trong tương lai, Ban TTXH T.Ư sẽ có sự quan tâm đúng mực đối với hoạt động phòng chống HIV/AIDS!


Thượng tọa đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Tăng Ni trẻ trong hoạt động này?


– Những đóng góp của Tăng Ni trẻ trong thời gian vừa qua là đáng trân trọng. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận thờ ơ và thụ động! Bên cạnh đó, do chưa có sự chỉ đạo nhất quán nên một bộ phận Tăng Ni trẻ vẫn còn lúng túng khi tham gia hoạt động.


Trong phương hướng sắp đến, THPG có chủ trương gì để vận động Tăng Ni trẻ tham gia công tác phòng chống HIV/AIDS?


– Trước tiên Thành hội sẽ làm việc lại với hai phòng tư vấn của Phật giáo thành phố là Diệu Giác và Kỳ Quang. Sau đó mở rộng và đặt thêm một số điểm tư vấn nữa. Đây chính là cơ hội cho Tăng Ni trẻ tham gia công tác.


Với cương vị là một trong những vị giáo phẩm của T.Ư, của THPG, Thượng tọa có nhắn nhủ gì với Tăng Ni trẻ?


– Giáo hội luôn ủng hộ những tu sĩ trẻ nhập thế! Do vậy ngay từ lúc này, chính mỗi Tăng Ni trẻ phải tự năng động, tự ý thức được trách nhiệm của mình để tham gia tốt các công tác thể hiện tinh thần nhập thế với tâm nguyện từ bi và trí tuệ của Phật giáo. Nhưng hãy luôn tự nhớ là hòa nhập chứ không hòa tan!


 


Ni sư Thích Nữ Như trí, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ người nhiễm,


                bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS Diệu Giác, quận 2:


TU SĨ TRẺ ĐỪNG NÊN ĐỨNG BÊN LỀ


Xin Ni sư cho biết cơ duyên đưa Ni sư đến với Chương trình phòng chống HIV/AIDS này?


– Đã 17 năm tôi gắn bó với công tác xã hội về trẻ em. (NS hiện là “mẹ” của 126 đứa trẻ tại Nhà tình thương Diệu Giác, quận 2, TP.HCM – PV). Trong những đứa trẻ mà tôi gặp và chăm sóc giúp đỡ, có những em gặp hoàn cảnh thương tâm do gia đình, cha mẹ các em vướng vào các tệ nạn, nhiễm HIV và mắc bệnh AIDS… Thế là tôi quan tâm, tìm hiểu… cũng xuất phát từ những “đứa con” của mình…


Năm 2001, được Thành hội tạo điều kiện, tôi đi dự Hội nghị về HIV/AIDS ở Thái Lan. Trở về, vào năm 2002, chúng tôi có một buổi hội thảo về khả năng đóng góp của Phật giáo trong phòng chống HIV/AIDS.


Sau đó Thành hội được UNICEF tài trợ, Chương trình phòng chống HIV/AIDS này đã tiến hành được một năm nay. Phòng Tư vấn và Hỗ trợ người nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đặt tại chùa Diệu Giác.


Lực lượng công tác tại Phòng Tư vấn và Hỗ trợ về HIV/AIDS Diệu Giác hiện nay như thế nào?


– Rất nhiều. Phòng do một Tăng và ba Ni phụ trách. Chúng tôi đang rất cần các tu sĩ trẻ góp vào. Chỉ cần thêm khoảng 20 vị tu sĩ trẻ nhiệt tình chịu lăn xả với công tác xã hội, mà không, có lẽ khoảng 10 người như thầ A.Đ, hay cô H.B. thôi thì cũng tốt cho chương trình lắm rồi…


… có vẻ như đa phần tu sĩ trẻ đang… “ngủ quên” bên dòng hoạt động thiện nguyện xã hội!?


– Không, họ đâu có ngủ quên. Mà đứng bên lề… Giống như hình ảnh bà lão trong một bộ phim: bà lão này quanh năm suốt tháng chăm chú đọc kinh niệm Phật, chẳng màng gì đến chuyện diễn ra xung quanh, kể cả cháy nhà…


Theo tôi, tu sĩ trẻ đừng nên tiếp tục đứng bên lề. Không chỉ riêng chương trình về HIV/AIDS này mà nói rộng ra công tác từ thiện xã hội Phật giáo nói chung, rất cần lực lượng tu sĩ trẻ đứng ra gánh vác theo hướng chuyên nghiệp, có tổ chức hơn. Họ nên được khuyến khích và hỗ trợ để vận dụng sự tu học của mình vào thực tiễn cuộc sống, giúp ích cho đời. Họ cũng sẽ học được không ít từ sự dấn thân này…


Từ trải nghiệm của bản thân, tôi thấy rằng thay vì cứ miệt mài đi học, học trong nước rồi lo đi học nước ngoài (mà đâu phải ai cũng thật sự phù hợp với con đường học tập nghiên cứu chuyên sâu, có người đôi khi chọn hướng phát triển khác thích hợp với bản thân, lại giúp ích được nhiều người thì sao không làm), các em tu sĩ trẻ nên biết mình học để làm gì.


Một tu sĩ trẻ đến với chương trình phòng chống HIV/AIDS thì có gì khác so với một tình nguyện viên không phải là tu sĩ?


Khác chứ. Đầu tiên là chiếc áo. Chiếc áo giúp họ nhận được sự tin tưởng, tạo bước đầu thuận lợi cho công tác tư vấn hỗ trợ tiếp sau đó. Việc khoán chiếc áo tu sĩ cũng khiến họ đôi lúc bất lợi trong công tác tại các cơ sở, chẳng hạn họ không thể dùng cơm với các bệnh nhân, hay khi gặp các đối tượng cần tư vấn, cần ở tư vấn viên nét hòa đồng… Bản lĩnh, sự linh hoạt cùng với kết quả tu học sẽ giúp họ mang lại lợi ích cho người mà không tổn hại đến bản thân và hình ảnh chiếc áo của mình.


Và điểm khác biệt thứ hai là những hiệu quả về phương diện Phật giáo mà tu sĩ trẻ có thể mang lại cho những nạn nhân HIV/AIDS. Họ có thể hướng dẫn mọi người tập thiền để xoa dịu cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Vận dụng giáo pháp để nhìn ra nguyên nhân các đau khổ của họ, giúp họ cùng nhận ra và từng bước tự tháo gỡ…


Xin Ni sư chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc, những câu chuyện đã tiếp thêm sức mạnh giúp Ni sư vượt qua không ít giây phút khó khăn khi một người nữ tu dấn thân vào công tác xã hội…


Có rất nhiều điều cảm động… Một lần tôi đến thăm bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối mà chúng tôi chăm sóc. Nhìn em bị căn bệnh tàn phá tiều tụy thật thương tâm… Thấy tôi, em xúc động. Em hỏi tôi: “Cô có sựo con không?”. Tôi bảo em, không đâu. “Thế cô có thể ôm con không?”. Tôi ôm em vào lòng. Dù rất thương cảm và xúc động, dù biết rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường, nhưng tôi cũng chỉ là một con người bình thường… Giữa ngập tràn cảm thương tôi dành cho em, vẫn có chút e ngại gì đó, rất phi lý, mà cũng rất người, rất thường tình… Tôi ôm em để em hiểu rằng tôi không phân biệt đối xử với em, mà tôi hết mực quan tâm yêu thương em. Tôi ôm em – và tôi xóa tan nỗi e ngại vô căn cứ trong tôi… Hai ngày sau em mất…


 


BS.Minh Hải (Phòng Tư vấn và Hỗ trợ người nhiễm,


                        bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS Diệu Giác):


TÂM LÝ ĐIỀU TRỊ CŨNG RẤT QUAN TRỌNG


“Tôi điều trị cho 250 bệnh nhân có H. tại chùa Diệu Giác. Tất cả đều được sử dụng thuốc miễn phí, nhưng thuốc không phải là giải pháp duy nhất đối với bệnh nhân AIDS. Thuốc chỉ có tác dụng về mặt sinh lý, nhưng về mặt tâm lý cần có giải pháp tư vấn. Tôi cũng đã đóng vai trò nhà tư vấn để khuyên bảo bệnh nhân khi họ tràn ngập niềm âu lo trong tâm hồn. Một bệnh nhân có quá nhiều âu lo, phiền muộn thì thuốc sẽ không phát huy tác dụng nhiều. Chính vì thế, ổn định tâm lý cho bệnh nhân là chuyện hết sức quan trọng. Về mặt này, giáo lý nhà Phật là một liệu pháp tâm lý “cực hay”. Bệnh nhân sẽ dễ dàng chấm dứt âu lo khi họ nhận ra rằng tất cả mọi thứ trên cuộc đời này đều vô thường!”.


 


Anh H.H (Bệnh nhân – Tình nguyện viên tại Phòng Tư vấn và


hỗ trợ người nhiễm, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS Diệu Giác):


ĐẠO PHẬT ĐÃ GIÚP TÔI


“Nhờ sự bảo lãnh của Sư cô Hạnh Bảo trong một đợt đặc trị mà tôi có duyên đến với Trung tâm. Sư cô đã động viên tôi, hướng dẫn tôi phương pháp tọa thiền để cởi bỏ bớt nỗi đau tinh thần lẫn thể xác. Sau một thời gian, sức khỏe tôi đã cải thiện đáng kể; tôi ăn ngon, ngủ yên và có được niềm vui sống. Nhiều khi tôi quên mất rằng mình đang có H; ngay cả vợ tôi cũng vậy, có lần cô ấy buột miệng nói với tôi: trông cánh tay anh bị lở y như người bệnh H… Bây giờ, ngoài mỗi tuần 3 buổi tư vấn cho những bệnh nhân khác, tôi cùng tụng kinh, ngồi thiền, và sau mỗi lần như vậy tôi cảm thấy lòng thật nhẹ nhàng, thanh thoát. Chính tình cảm từ bi, lòng bao dung và sự che chở của các sư cô cùng với phương pháp thực hành của đạo Phật mà tôi thoát khỏi sự suy sụp; tôi bắt đầu hướng về Phật, dù trước đó tôi chưa biết đến chùa…”.