Trang chủ Bài nổi bật Phật Học Viện Phật Giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh &  một...

Phật Học Viện Phật Giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh &  một ngày tu học của các Học Tăng

898

“Mặc dù điểm xuất phát trong việc xuất gia học Phật của mỗi người khác nhau, nhưng mục đích tu học của các Học Tăng tại PHVPG TQ đều giống nhau, đó là cùng sống chung nghiên cứu và hoằng dương chánh pháp”


 

Đôi nét về Phật Học Viện Phật giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh

 

Chùa Pháp Nguyên nằm ở quận Tuyên Võ, Bắc Kinh, nay là số 9, Tiền Nhai, Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chùa còn là trụ sở của Phật Học Viện, là Trung tâm Văn hóa Giáo dục Phật giáo Trung Quốc.

Cho đến nay, chùa Pháp Nguyên không chỉ là một chùa cổ nhất ở Bắc Kinh, mà nó còn là ngôi chùa cổ được bảo tồn một cách hoàn chỉnh nhất.

Bảng hiệu của Phật Học Viện Phật giáo Trung Quốc được treo bên phải cổng trường, nhìn rất khiêm tốn, đơn giản, thể hiện sự tôn nghiêm đúng với tinh thần giáo dục của Phật giáo (Nếu ta đi ngang qua không chú ý thì cũng không nhận ra).

Phật Học Viện được thành lập vào tháng 09/1956, địa điểm được chọn là chùa Pháp Nguyên.

Thời đó, đội ngũ giảng viên của trường là những bậc cao tăng, thành phần trí thức trong giới Phật giáo.

Phật Học Viện do Đại sư Hỷ Nhiên Gia Thổ làm Viện trưởng, Phó Viện trưởng là: Thầy Pháp Tôn, cư sĩ Hòa Triệu phát Sơ; Trưởng phòng Giáo vụ là Cư sĩ Chu Thúc Già.

Đến 1965, Phật Học Viện tạm ngừng giảng dạy. Đến năm 1980, Phật Học Viện mới bắt đầu hoạt động trở lại.

Từ năm 1980 đến 1982, Học Viện Phật Giáo Trung Quốc mở thêm các phân viện khác, như tại Tô Châu (chùa Linh Thạch), Nam Kinh (núi Kinh Tê Hà).

Hiện nay, hệ thống giáo dục tại Phật Học Viện đã hoàn thiện, hệ thống đào tạo theo niên chế. Thời gian đào tạo chương trình cử nhân Phật học là 4 năm, với hơn 40 môn học liên quan đến lĩnh vực Văn hóa và Phật học.

Chủ trường và khẩu hiệu của Phật Học Viện: “TRI ÂN BÁO ÂN, ĐA VĂN ĐA TƯ”

 

Sau khi tốt nghiệp, Học Tăng được phân bố làm việc trên toàn quốc, có nhiều vị đang là trụ trì các Tự viện,  có vị đang công tác tại các Hiệp hội Phật giáo.

So với các trường đại học khác bên ngoài, Phật Học Viện Trung Quốc tại Bắc Kinh có kiến trúc, quy mô nhỏ hơn nhiều. Kết cấu tổng thể chỉ có 1 tòa giảng đường chuyên dụng cho việc giảng dạy và một khoảng sân nhỏ phía trước, tăng xá, chánh điện hành lễ cho Học Tăng nằm trong khuôn viên chùa Pháp Nguyên.

Số lượng Học Tăng theo học không quá 100 vị, gồm hệ Đại học, Nghiên cứu sinh Thạc sĩ.

Hệ đại học cách năm tuyển sinh một lần, mỗi khóa chỉ có 40 – 50 Học Tăng. Riêng về số lượng Nghiên cứu sinh Thạc sĩ  theo học tại Phật Học Viện thì có khoảng 9 vị.

Lễ tốt nghiệp khóa 2011 tại Phật Học Viện Trung Quốc , chùa Pháp Nguyên

Năm 2020, Phật Học Viện Trung Quốc tại Bắc Kinh sẽ tuyển sinh khóa mới hệ cử nhân và Nghiên cứu sinh Thạc sĩ.

Chỉ tiêu cho hệ cử nhân là  60 vị phân chia ra hai lớp (lớp Ất, lớp Giáp), mỗi lớp 30 vị. Với lớp Giáp, chương trình đào tạo thiên về việc tu và học giáo lý các tông phái; lớp Ất thiên về bồi dưỡng năng lực hoằng pháp, quản lý tự viện.

Chỉ tiêu cho hệ đào tạo Nghiên cứu sinh Thạc sĩ Phật học khóa này là 5 vị .

Đối tượng tuyển sinh là chư Tăng tại các tự viện, tỉnh thành Trung Quốc, nhưng phải được sự giới thiệu của Hiệp Hội Phật giáo, Ban tôn giáo địa phương.

Hồ sơ tuyển sinh gồm: Giấy giới thiệu (của Hiệp hội Phật giáo, Ban tôn giáo), giấy khám sức khỏe, phiếu đăng ký dự thi, giấy chứng nhận Văn bằng (bản photo), 5 tấm ảnh 3×4.

Môn thi chương trình cử nhân: Phật Học, Ngữ Văn, chính sách Pháp luật, Sử địa, Anh văn, Khóa Tụng.

Đối với thí sinh tham gia thi tuyển chương trình đạo tạo Nghiên cứu sinh Thạc sĩ cần: (1) Nộp tổng thuật đề tài luận văn nghiên cứu chuyên ngành Phật học số lượng 5000 – 8000 từ; (2) Thi viết:Phật Học, Ngữ Văn, Anh văn, Chính trị; (3) Vấn đáp: trả lời những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành Phật Học do Giáo viên hướng dẫn đặt ra.

Học Viện Phật Giáo Trung Quốc hiện nay do Hòa thượng Truyện Ấn làm Viện Trưởng danh dự.


 Một ngày của tu học của Học Tăng HVPGTQ tại Bắc Kinh

Cũng giống như những sinh viên các trường đại học bình thường bên ngoài, Học Tăng  HVPGTQ cũng phải lên lớp học tập từ thứ hai đến thứ sáu (học cả buổi sáng và chiều).

5h30 sáng,

Học Tăng nội trú tại chùa Pháp Nguyên thức dậy theo hiệu lệnh. Vệ sinh cá nhân xong, khi nghe chuông trống Bát-nhã, tất cả tập trung tại chính điện để cử hành lễ tụng kinh sáng.

Hằng ngày, buổi công phu sáng bắt đầu từ 6h00 đến 7h00 giờ. Theo quy định, Học Tăng không được vắng mặt, vì đây được xem là thời khóa tu tập quan trọng của người xuất gia.

 

Một khóa lễ tại Chính điện

Sau khi công phu xong, Học Tăng tập trung về Ngũ quán đường để ăn sáng.

Khu quá dường được bài trí rất gọn gàng với các chiếc bàn dài được đặt xen kẻ nhau. Sau khi hơn 90 Học Tăng ngồi vào vị trí xong, người trực nhật mới bắt đầu công việc hành đường. Dù số lượng rất đông nhưng trai đường rất yên lặng và nghiêm tịnh.

Việc ăn uống trong thiền môn nhất định không được lãng phí, nên Học Tăng muốn ăn bao nhiêu thì lấy thức ăn bấy nhiêu, không dám để dư thừa. Thức ăn gồm: Rau xào, cháo và bánh bao không nhân.

Sau thời quá đường, Học Tăng bắt đầu lên lớp học tập, bằng con đường xuyên qua cánh cửa nhỏ thông giữa chùa Pháp Nguyên với tòa giảng đường Phật Học Viện.

Như đã nói, Phật Học viện không lớn, được phân làm 2 tầng: Tầng hầm và tầng trên cao.

Tầng trên cao là một hành lang hình chữ Hồi (回), các lớp học được bố trí ở phía Đông và phía Tây (hai lớp Đại học đang học tại đây). Phòng ốc được bày trí rất gọn gàng.

Nếu từ lớp học đi hướng về phía Bắc, chúng ta sẽ đến Thư viện, đây được xem là Thư viện Phật Học lớn nhất cả nước, với hàng trăm ngàn đầu sách Phật giáo.

Giữa các hành lang là một giếng trời, chúng ta có thể nhìn thấy phòng đọc lớn ở tầng dưới, nơi chứa các dãy tủ chứa kinh sách Phật giáo.

Dưới tầng hầm phía Nam là Hội trường lớn, nơi sinh viên hội họp, và là nơi thỉnh giảng, thuyết trình của các vị giảng viên trường Đại Học Thanh Hoa, Đại Học Bắc Kinh. Những buổi giảng này thường được diễn ra vào buổi tối sau giờ học.

Theo chương trình đào tạo, một năm học, Học Tăng cần phải hoàn tất hơn 10 môn. Tính luôn chương trình cử nhân trong 4 năm, thì Học Tăng phải hoàn tất 40-50 môn học.

Nội dung chương trình đào tạo, ngoài các môn học bắt buộc như: Ngoại ngữ, Lịch sử, Hán cổ… Học Tăng còn phải học thêm thư pháp, Lịch sử Phật giáo, Duy thức học và các môn Phật học khác.

Môn Chính trị trong chương đào tạo tại HVPG TQ được xem là môn bắt buột. Nội dung chia làm hai phần: (1) Pháp luật & các quy định về tôn giáo, (2) Các vấn đề về thời sự, xã hội

Phòng học tại Phật Học viện Trung Quốc cũng giống như các trường đại học bên ngoài. Đặc biệt hơn ở chỗ đây là phòng học “chuyên thuộc”, nghĩa là mỗi Học Tăng phải ngồi đúng vi trí cố định của mình trong suốt 4 năm học. Mỗi chỗ ngồi học tập của Học Tăng là  khoảng không gian nghiên cứu, học tập ngăn nắp, gọn gàn. Trên bàn gỗ để đầy các loại sách vở đến cao ngất.

Trước khi bắt đầu vào buổi học, Học Tăng đứng lên chào Giảng viên và niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.

Dụng cụ giảng dạy tại Phật Học Viện kết hợp giữa bảng đen và phương tiện nghe nhìn (màn hình, máy chiếu).

Nội dung các bài giảng theo khung chương trình đã đề ra, chủ yếu tập trung về kiến thức Phật học.

11giờ 30phút

Kết thúc giờ lên lớp buổi sáng, Học Tăng trở về phòng mặc áo hậu chỉnh tề tập trung về Ngũ quán đường để thọ trai.

Thức ăn buổi trưa khá đơn giản như: khoai tây, cà tím và các loại rau củ;  xúp carrot, cơm và bánh nướng.

Nghi thức cúng quá đường được cử hành rất trang trang nghiêm và an tịnh.

Sau khi thọ trai xong, chư tôn đức quay về phòng nghỉ ngơi, đọc sách, ngồi thiền, kinh hành… khoảng 1 tiếng đồng hồ sẽ tiếp tục lên lớp.

15giờ 40phút

Kết thúc buổi học chiều, Học Tăng trở về phòng mặc áo hậu hành lễ đến chánh điện chùa Pháp Nguyện cử hành lễ tụng kinh tối.

16giờ00, bắt đầu vào thời kinh tối kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Người xuất gia quen dùng ăn ngọ, nhà chùa không tổ chức dùng tối, nên Học Tăng tự chăm sóc sức khỏe theo thể trạng của mình.

19giờ 30

Học Tăng quay lại Tòa nhà giảng đường để tự học trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Nội dung cho chương trình tự học gồm: Thiền học, Lịch sử phật giáo Trung Quốc, Thiên thai học…

Sau 20giờ 30

Học Tăng tự sắp xếp và hoạt động theo lịch cá nhân, có một số vị đọc sách đến tận khuya.

Được biết, ngoài giờ học ra, một số Học Tăng còn học thêm đàn cổ, trà đạo; một số thì đi nhà sách, vào thư viện…

Đời sống Học Tăng rất đơn giản, các khoản chi tiêu không nhiều, nếu có tịnh tài thì họ chỉ tập trung vào việc mua sách vở và tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập. Hiện nay, mỗi Học Tăng được Phật Học Viên phụ cấp 100 tệ mỗi tháng, đồng thời nhận thêm sự tùy hỷ cúng dường của thí chủ khi chùa Pháp Nguyên có pháp sự.

Tại đây, Học Tăng nghỉ học phải có lý do chính đáng, nếu không có lý do gì quan trọng thì sẽ không được chấp nhận.

Nhìn chung, Học Tăng tại chùa Pháp Nguyên cũng ít khi xin nghỉ học, ngay cả khi bị bệnh họ vẫn kiên trì lên lớp. Nếu bệnh nặng một chút thì chỉ xin nghỉ công phu sáng, tối mà thôi.

Theo thầy Tông Tánh – Phó Viện Trưởng Thường trực HVPGTQ cho biết “Những Học Tăng theo học Phật Học Viện đều tận tâm cầu học, nghiên cứu Phật pháp, chứ không phải học chỉ là để lấy văn bằng. Quan niệm học tập của họ khác nhiều với người thế tục ở chỗ đó.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Phật Học Viện, Học Tăng sẽ có rất nhiều sự chọn lựa khác nhau như: trở về chùa Thầy tổ để phục vụ, phái đi nước ngoài tiếp tục học cao hơn.

Mặc dù điểm xuất phát trong việc xuất gia học Phật của mỗi người khác nhau, nhưng mục đích tu học của các Học Tăng tại PHVPG TQ đều giống nhau, đó là cùng sống chung nghiên cứu và hoằng dương chánh pháp”


Một số hình ảnh Phật Học Viện Phật Giáo Trung Quốc tại Bắc Kinh – Chùa Pháp Nguyên

 


TRẦN CỬU LONG tổng hợp