Trang chủ Đời sống Phố Lý Quốc Sư có sư cười

Phố Lý Quốc Sư có sư cười

110

Gallery “Nụ cười Việt Nam” thực ra chỉ là một cuộc triển lãm ảnh mini của 8 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Khắp bốn bức tường của gallery đầy ắp những nụ cười, nụ cười hàm tiếu của thiếu nữ, nụ cười tĩnh lại của bậc lão nông tri điền, nụ cười gặt hái, nụ cười mênh mang sơn cước… từ Nam chí Bắc, từ thành phố tới ruộng đồng tụ hội trong nụ cười. Rất nhiều bức ảnh trưng bày tại triển lãm đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ, lôi cuốn sự đồng cảm của người xem, như tác phẩm “Bà cháu và con mèo” của Trần Huy Hoan, “Chung một niêề vui”, “Cô gái Tây Nguyên” của Trần Hùng…


 


Bức ảnh “Sư cười” thực ra có tên chính thức “Chung một niềm vui”, lấy nụ cười thoát tục của một ni sư làm điểm nhấn. Bức ảnh có sức sống kỳ lạ, dù chỉ là ảnh đen trắng nhưng trải qua gần ba mươi năm mà vẫn tươi mới hơi thở của thời đại, không bị cổ hủ, vẫn tạo được ấn tượng cho thế hệ trẻ hôm nay. Trong suy nghĩ của không ít người, các bậc tu hành là những người luôn đạo mạo trang nghiêm, vì thế nét mặt họ lúc nào cũng nghiêm nghị, nên khó có thể tìm thấy ở họ niềm vui của đời thường. Thực ra các nhà sư luôn sống vui vẻ, lạc quan và yêu đời.


 


Bức ảnh “Chung một niềm vui” chụp được đúng lúc nụ cười thoát tục nở trên môi ni sư, một nụ cười rất thật với đời, đạo và đời hòa quyện làm một, an trú trong nụ cười. Phía sau có bóng dáng mờ ảo của hai ni sư khác làm nền. Tuy ta không nhìn rõ nét mặt của họ, nhưng thấy rất rõ nụ cười của hai người phía sau. Nụ cười huyền ảo phía sau và nụ cười chân thật phía trước trợ duyên cho nhau làm nên sự thăng hoa của bức ảnh. Khi biết bức ảnh “Chung một niềm vui” sẽ trưng bày lại tại phố Lý Quốc Sư, Hoàng Nhuận Cầm đã cảm tác một bài thơ rất hay, đem đọc tặng các nhà nhiếp ảnh tại buổi khai mạc triển lãm “Nụ cười Việt Nam”. Đáng tiếc tôi không ghi lại được bài thơ, chỉ nhớ một câu này: “Phố Lý Quốc sư có sư cười”.


 


Trần Hùng, tác giả bức “Sư cười”, sinh năm Đinh Dậu (1957), tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam. Nhiếp ảnh đối với anh chỉ là “chơi cho vui”, thực ra nghiệp chính của anh là quay phim, công tác tịa Hãng phim truyện Việt Nam. Tôi hỏi: Bức ảnh “Sư cười” đã được anh chụp tại chùa Lý Triều Quốc Sư? Anh trả lời: Không phải! Phố Lý Quốc Sư chính là nơi triển lãm “Nụ cười Việt Nam”, còn bức ảnh “Chung một niềm vui” anh chụp được ở Đà Lạt. Anh kể: Cách đây 26 năm, vào năm 1980, anh theo đoàn vào Đà Lạt làm bộ phim truyện “Hồi chuông màu da cam”. Đoàn làm phim chọn cảnh quay tại một Ni viện ở Đà Lạt. Cảnh chùa thật tĩnh lặng. Thấy ba vị ni sư nét mặt lúc nào cũng nghiêm nghị, diễn viên Thế Anh liền pha trò khiến ba vị ni sư bất giác nhỏen miệng cười. Trần Hùng không bỏ lỡ cơ hội, chụp liền 5 “pô”, ngẫu nhiên có được một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Tấm ảnh được một tờ báo sử dụng và được nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp khen ngợi. Năm 1996, anh đem “Chung một niềm vui” trưng bày tại triển lãm cùng nhiều tác giả mang chủ đề “Cuộc trò chuyện tháng Tư”. Bức ảnh gây xúc động mạnh mẽ cho nhiều người, tạo ấn tượng đối với các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Tới nay đã gần ba mươi năm mà tấm ảnh vẫn còn nguyên sức sống, không bị lỗi thời.


 

Anh tâm sự, mình rất yêu thích phong cảnh. Đất nước mình nơi đâu cũng có cảnh đẹp. Cốt lõi của con người là chữ “Nhân”. Tron chữ “Nhân” có chữ “Tâm”. Trên bàn thờ gia tiên nhà anh có treo một bên là bức thư pháp chữ “Tâm”, bên kia treo 10 điều răn của Phật. Phật giáo chính là cái gốc của văn hóa dân tộc. Nhà sư chiếm số đông trí thức thời Đinh – Lê – Lý – Trần. Nhiều vị vua Trần cũng đồng thời là bậc tu hành. Từng được du ngoạn nhiều nước Đông Nam Á, thấy ở các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia… toàn dân theo đạo Phật. Họ nói Phật giáo là trường dạy làm người.