Trang chủ PGVN Cửa thiền Phòng mạch chốn thiền môn

Phòng mạch chốn thiền môn

72

"Lương y có phật tánh"

Dưới chân núi Sập, nghe chúng tôi hỏi chuyện sư Thành, trước khi chỉ đường, bà Nguyễn Thị Lệ, năm nay 82 tuổi, bày tỏ lòng tri ân: "Nhờ có thầy mà những người nghèo như tôi có nơi bấu víu, nương tựa mỗi khi đau bệnh. Kẻ làm thuê, người gánh gồng hay ai đó đi xe 4 bánh, có nhà cao cửa rộng khi đến cậy cửa chùa đều được thầy đối xử bình đẳng như nhau. Hơn 5 năm uống thuốc ở chùa, tôi không tốn một đồng, sức khỏe luôn ổn định".

Tiễn chân khách lên đỉnh núi, bà Lệ nói với theo: "Thầy chữa bệnh cứu người bất vụ lợi nên khi thầy bốc mạch kê đơn xong, mấy chú đừng nói chuyện tiền nong nghen, bằng không thầy buồn lắm đó!".

Đường lên đỉnh núi Sập liên tục ôm cua qua các mỏm núi được tráng nhựa láng o nên hành trình thượng đỉnh bằng xe gắn máy của chúng tôi rất thuận tiện. Điều ngạc nhiên là hôm ấy chúng tôi bắt gặp nhiều người gửi xe gắn máy ở phía dưới rồi cứ thế cuốc bộ lên chùa Phước Duyên.

Nằm chênh vênh trên đỉnh núi bên vực sâu hun hút, bên vách đá dựng đứng, chùa Phước Duyên cổ kính, rêu phong với lối kiến trúc thanh gọn. Có pháp danh Thích Thanh Từ, người đàn ông mặc áo lam tuổi ngoài 50, ở tỉnh Sóc Trăng, tâm sự: "Sư Thành, 34 tuổi, nguyên quán ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ông thân sinh thầy là cụ Trương Văn Bé là lương y hiện vẫn bốc mạch kê toa miễn phí cho bệnh nhân nghèo nơi quê nhà. Nhờ được sinh trưởng trong gia đình có truyền thống y học dân tộc nên từ nhỏ sư đã được tiếp cận với nhiều bài thuốc cỏ cây. Năm 15 tuổi sư được gia đình gửi lên Phước Duyên tự tiếp tục theo học nghề y do cố hòa thượng trụ trì lúc bấy giờ là thầy Thích Thiện Duyên truyền dạy. Do thầy có phật tánh, lại hiếu học nên được sư Duyên truyền cho nhiều bài thuốc quý chuyên trị các chứng bệnh nan y… Nhờ vậy mà tuy còn trẻ nhưng thầy Thành có nhiều kinh nghiệm, chữa bệnh mát tay lắm!".

Nhờ có sư Thành mà nhiều bệnh nhân nghèo thoát khỏi cơn bĩ cực của bệnh tật.

 

Cứu người là trên hết

Năm 2002, hòa thượng Thích Thiện Duyên viên tịch và sư Thành đảm nhiệm vai trò cứu nhân độ thế của sư phụ. Mến mộ y đức của sư Thành, nhân sự kiện mẹ già được thầy chữa dứt căn bệnh gai cột sống cách đây 2 năm nên cuối mỗi tuần đều đến chùa làm công quả, chị Lê Thị Liên ở thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) gửi lòng: "Thầy Thành là người đức độ, khiêm tốn, có chừng mực. Sau khi bắt mạch, xem thần sắc, với những bệnh nhân có thể cứu chữa thì thầy theo dõi điều trị đến khi dứt bệnh mới thôi. Riêng với những trường hợp cần có sự can thiệp khẩn cấp của Tây y sẽ hiệu quả hơn thì thầy tư vấn cặn kẽ, khuyên bệnh nhân theo phương pháp chữa trị tốt nhất. Thầy không chỉ được đông bảo bà con quanh vùng tin cậy mà bệnh nhân từ khắp các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp… nghe danh thầy tìm đến đông lắm!".  

Ngày nào cũng vậy, từ 6h sáng đến 7h tối, chùa Phước Duyên luôn tấp nập bệnh nhân. Đã quá 2h trưa mà sư Thành vẫn chưa dứt tay dùng cơm, thầy vẫn bốc mạch, kê đơn không ngơi nghỉ, vẫn lo ưu tiên khám chữa bệnh cho bệnh nhân là người già, ở nơi xa để bà con kịp về nhà trước lúc tối trời. Chị Liên tiếp tục mạch chuyện: "Thường thầy chỉ dành 10 phút dùng cơm trưa và ngần ấy thời gian để nghỉ ngơi rồi tiếp tục công việc cho đến khi không còn bệnh nhân nào mới nghỉ tay".  

Gần 8h tối, chúng tôi mới có dịp đàm đạo với vị thầy thuốc áo nâu giàu lòng nhân ái. Hôm nay thầy Thành bốc gần 1.200 thang thuốc với 130 lượt bệnh nhân được kê toa. Thầy trải lòng: "Số chuẩn của con số 130 là 120 thôi, bởi có 10 bệnh nhân đến thời hạn lấy thuốc nhưng có lẽ do bà con bận việc, hoặc do phải đi làm thuê kiếm kế sinh nhai nên nhờ người thân, hàng xóm lấy giúp".

Bất giác, sư Thành trĩu giọng: "Cuộc sống của đồng bào ở nhiều địa phương tại miền Tây, trong đó có Thoại Sơn còn lắm bĩ cực, nhiều người phải lo chạy ăn từng ngày, mỗi khi đau bệnh chỉ biết cắn răng chịu đựng. Thầy muốn chia sẻ sự khốn khó ấy với tất cả bà con nhưng sức mình có hạn, thôi thì khả năng bao nhiêu thì làm tới nấy".

Bác sĩ Nguyễn Hồng Phương (Chủ tịch Hội đông y huyện Thoại Sơn) nói về vị lương y áo nâu: Không chỉ chăm lo cho sức khỏe của bà con, sư còn là cầu nối giữa những tấm lòng thơm thảo với những cá nhân, gia đình lâm cảnh khốn khó"