Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Quang Hào suýt đi tu

Quang Hào suýt đi tu

65

Gặp Quang Hào, mọi người đều bất ngờ với vẻ trong, ngoài đều lạnh lùng khác với phong cách sôi nổi vốn có của chàng ca sĩ gốc Quảng Nam này. Khi được hỏi, Quang Hào phân trần: “Thời gian này, Hào hay đến chùa tìm chỗ tĩnh lặng nên trầm hơn và cũng ít nói. Còn cái đầu trọc này thì… coi như là nóng quá nên cạo cho mát vậy”. Ngồi nghe Quang Hào trút bầu tâm sự mới hay, anh cạo đầu vì cảm thấy chán nản, mệt mỏi và căng thẳng khi tìm hướng đi cho sự nghiệp của mình giữa lúc thị trường âm nhạc xô bồ, bon chen.

"Tôi bị stress nặng và nghĩ có lẽ mình chọn sai đường. Tôi tự hỏi sao số mình khổ thế, 30 tuổi rồi sự nghiệp chưa đâu vào đâu. Có lúc tôi chỉ muốn đi tu thoát tục. Tôi đã lên chùa, đã cạo trọc đầu, nhưng rồi cũng lại tại cái số nó bắt tôi phải đứng dậy" – Quang Hào tâm sự. Lý do để anh bi quan là những khó khăn liên tiếp trong nghề nghiệp. "Tôi đi vay tiền góp thêm vào khoản dành dụm được để tự đầu tư cho dự án âm nhạc mà tôi rất tâm huyết (vì thời điểm kinh tế khó khăn thế này không dễ xin được tài trợ). Một thời gian dài gần như tôi không nhận show, vào TP HCM để gõ cửa tìm gặp những người phối khí giỏi, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, phòng thu… Tôi bắt đầu từ đầu ở một nơi không quen ai. Cứ bơ vơ như vậy đến lúc chán chường, tôi thật sự đã buông xuôi, trở về Hà Nội với sự vô vọng. Tôi không biết phải làm gì, rồi một lần đi chùa, tôi tìm thấy sự thanh thản nơi đất Phật. Thời gian đến chùa, ăn chay, tĩnh tâm, ngẫm nhiều câu nói của Phật…, tôi nghiệm ra rằng, sống là phải đối mặt chứ không phải chạy trốn" – Quang Hào trải lòng.

Quang hào
Quang Hào và mái tóc đã kịp mọc trở lại.

Anh quay trở lại công việc với nhiều động lực. Sau nhiều cố gắng, album "Ôi một người con gái" đã hoàn thành với "sự nỗ lực 200%" – như Quang Hào tự nhận. CD gồm 7 ca khúc đều là các sáng tác mới do nhạc sĩ Trần Quế Sơn phổ hoặc lấy ý thơ của “nhà thơ điên” Bùi Giáng. Họ đều là những người đồng hương nên dường như có sợi dây liên hệ đặc biệt. Dự án được xem như sự "khai hoang" mảnh đất thơ màu mỡ của Bùi Giáng, ca ngợi vẻ đẹp mộc mạc của người phụ nữ Việt Nam.