Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Thực hiện chương trình kết nghĩa Phật pháp

Thực hiện chương trình kết nghĩa Phật pháp

74

Gần đây có nhiều dư luận trong giới Tăng Ni và Phật tử về những làn sóng cải đạo của các Tôn giáo Phương Tây qua nhiều hình thức khác nhau, mục đích chính là hướng vào những thành phần nghèo khó, hoạn nạn trong lúc bệnh tật, yếu kém về nhận thức Tôn giáo, tuổi trẻ nhẹ dạ, theo trào lưu mới, không nắm vững nguồn gốc văn hóa dân tộc. 

Hiện nay những Tôn giáo đó còn cải đạo qua chương trình giáo dục và y tế v.v…

Đó là những chiêu thức níu kéo tín đồ có tổ chức, có bài bản. 

Là Phật tử có tâm huyết với đạo pháp thì ai cũng phải đau lòng trước những sự kiện cải đạo đã xảy ra. 

Từ những lý do trên, Giáo hội PG nên rà soát, chỉnh đón lại cách tổ chức, quản lý nhân sự và các cơ sở thờ tự, đổi mới tư duy, hiện đại hóa phương pháp học hỏi và thực tập chính pháp. 

Một trong những cách đổi mới nầy là nên “THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KẾT NGHĨA PHẬT PHÁP”.

THỰC TRẠNG

Hiện nay, tổ chức, quản lý của Giáo hội còn lỏng lẽo, không có giáo quyền, các vị trụ trì ở mỗi địa phương không nắm được những hộ Tín đồ Phật giáo trong khu vực của chùa mình, không có sổ theo dõi số lượng Tín đồ Phật tử. Thậm chí, nhiều chùa cũng chẳng quan tâm đến số tín đồ của mìn, chỉ quan tâm có bao nhiêu người đến dâng sao giải hạn, cầu siêu, cầu an mà thôi.

Nhiều vị còn thụ động, có thể nói là tiêu cực, e dè, chưa đổi mới phương pháp làm việc, áp dụng triệt để chính pháp vào cuộc sống xã hội.

Sinh họat Phật pháp chưa phù hợp với từng lứa tuổi trong thời hội nhập trong bối cảnh xã hội hiện đang có những bước tiến rất nhanh trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục v.v…

Nếu chúng ta không hiện đại hóa cách tổ chức và quản lý Giáo hội, không đổi mới phương pháp học hỏi và thực tập chính pháp để đưa đạo vào đời, thì chúng ta sẽ không đáp ứng được kịp thời với những nhu cầu xã hội mới.

Một trong những hạn chế nổi bật hiện nay là mạng mạch Phật pháp bất quân bình quân. Trên địa bàn cả nước, từ các tỉnh, thành thị, thôn quê, miền núi, mạng mạch Phật pháp chưa chảy đều, quá chênh lệch. 

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM…, cơ sở tự viện được xây cất quá nhiều, cụ thể như tại Qquận 3, TP.HCM có tới 500 ngôi chùa. Tăng Ni tập trung ở thành phố rất nhiều, trong khi ở các tỉnh miền núi ở phía Bắc và cao nguyên Trung phần, vùng sâu, vùng xa, rất ít chùa lại không có Tăng Ni Trụ Trì, trông coi ngôi nhà Phật pháp, tổ chức, sinh hoạt Tín đồ, Phật tử, thậm chí có nơi trắng Phật giáo. 

Trong khi đó, Catô và Tin Lành hoạt động ráo riết với mọi thủ đoạn để cải đạo.

Ví dụ, như trong tham luận của ĐĐ. Bản Chung – Trưởng Ban HDPT tỉnh Lạng Sơn đọc trước Hội thảo HDPT tại Hải phòng, cho biết tỉnh Lạng Sơn chỉ có 3 ngôi chùa, trên 1 địa bàn qúa rộng với dân tộc ít người, nên đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc sinh hoạt Phật pháp. 

Những nơi đó rất cần Tăng Ni, Kinh, sách giáo lý, băng đĩa Phật pháp,tượng Phật, ấn tống cho Phật tử, yểm trợ xây dựng chùa, niệm Phật Đường để Phật tử người dân tộc có nơi sinh hoạt.

Gần hết nhiệm kỳ 5 năm 2007-2012 mà các tỉnh Nghệ An, Sơn La, Hà Giang vẫn chưa có Ban Đại diện Phật Giáo. Đừng nói gì đến BĐD huyện, xã, cơ sở hạ tầng.

ĐỀ NGHỊ

Trước tình trạng bất quân bình mạng mạch Phật pháp, bất quân bình nhân sự, bất quân bình cơ sở thờ tự, chúng con kính đề nghị Giáo hội PG nên thực hiện “ CHƯƠNG TRÌNH KẾT NGHĨA PHẬT PHÁP”.

Theo chương trình nầy, cứ mỗi Quận Hội PG ở Hà Nội sẽ kết nghĩa với 1 tỉnh hội PG ở các tỉnh miền núi phía Bắc sau đây: Lạng Sơn, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Cạn, Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái.

Mỗi Quận hội PG ở TP.HCM, kết nghĩa với 1 tỉnh hội PG ở các tỉnh Tây Nguyên phía Nam đó là Bình Phước, Gia Lai, Đắc Nông, Kon Tum, Đắc Lắc

Kết nghĩa Phật pháp ở nhiều diện:

– Về tổ chức nhân sự: tham gia nhân sự tại các địa bàn khó khăn

– Tài trợ vật chất, để củng cố cơ sở thờ tự, chùa, niệm Phật Đường

– Hỗ trợ truyền bá giáo lý, đỡ đầu các đạo tràng

– Tổ chức những chuyến viếng thăm từ thiện, y tế, cho các Phật tử vùng núi, trong mùa An Cư Kiết Hạ, Vu Lan, Tết Âm lịch v..v…

Nếu thực hiện được chương trình kết nghĩa nầy, chúng con hy vọng mạng mạch Phật pháp sẽ chảy đều từ thành thị đến thôn quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể nắm bắt được chánh pháp.

Kính bạch chư Tôn Đức Giáo Phẩm, nhân dịp GH tổ chức Hội Thảo HP toàn quốc 2011 tại Bình Dương, chúng con mạo muội đề nghị chương trình nầy, mong chư liệt vị thảo luận rộng hơn để được áp dụng.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.