Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Tìm về thượng nguồn Phật giáo Luy Lâu

Tìm về thượng nguồn Phật giáo Luy Lâu

Luy Lâu được coi là trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm nhất trong ba trung tâm Phật giáo thời kỳ khởi thuỷ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Luy Lâu là minh chứng cho sự hoà hợp của Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa, chứ không phải là sản phẩm của 1.000 năm Bắc thuộc.

344

Khởi nguồn của Phật giáo “bản địa hóa”

Bắt đầu từ phố Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), trên con đường trải nhựa vòng vèo, ngang qua nhà máy san sát vườn rau và cả khu mồ mả nghĩa địa của dân làng Lũng Khê. Tôi tìm mãi mới đến đền Sĩ Nhiếp, vì nằm lọt thỏm giữa vườn nhãn xanh tốt, người đi đường ít ai để ý tấm biển đền Nam giao học tổ khiêm tốn cạnh mặt đường.

Ông cũng là người khởi thủy cho nhiều công trình Phật giáo của Luy Lâu xưa, đặc biệt là hình thành hệ thống thờ tự Phật Tứ Pháp riêng biệt, độc đáo của người Việt. Cạnh mộ Sĩ Nhiếp có con cừu thần, theo lời cụ từ: “Xưa cụ Sĩ Nhiếp có hai con cừu, khi mất, hai con cừu lang thang khắp ruộng đồng, một con tìm được về lăng rồi nằm phủ phục, một con lạc đến chùa Dâu không biết đường về nên ở luôn lại đó nghe kinh đến nay vẫn còn”.

Cách đền, lăng Sĩ Nhiếp không xa là chùa Dâu (trung tâm Phật giáo của Luy Lâu xưa) vẫn còn nguyên vẹn sự cổ kính, linh thiêng tồn tại hàng nghìn năm. Trong ghi chép của Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục có đoạn: “Vào khoảng năm cuối Hán Linh đế (189 SCN) có nhà sư Kỳ Vực và sư Khâu Đà La, chống gậy vân du đến thành Luy Lâu. Bấy giờ trong thành có Ưu-bà-tắc Tu Định mộ đạo, thỉnh hai sư ở lại, chỉ có Khâu Đà La nhận theo lời mời đến ở nhà.

Tu Định có một con gái đặt tên là A Man, thấy nàng Khâu Đà La nói có đoạn: “Nhưng còn con gái A Man tuy là thân nữ song rất có phần đạo, nếu gặp được một người nam, thì thành nên một pháp khí lớn”. Bèn gọi A Man đến trước mặt. Sư đưa tay xoa đầu mà nói: “Con đã thành pháp khí của ta”. Nhân đó lại bảo: “Sau đây ba năm, trời tất có hạn lớn, chẳng phải chỉ mùa lúa khô héo, mà người vật đều không có chỗ uống. Ta giúp nhà con một việc sức khí”.

Sư ở trong vườn lấy gậy cắm xuống đất mất dạng. Rồi thì nhổ ra, nước theo đó mà phun lên, bèn khiến Tu Định đào giếng ở đó, để chuẩn bị cho thiên tai hạn hán sắp tới. Nói rồi, sư từ giã ra đi. Thẳng vào trong núi xanh. Tu Định dắt A Man theo gót đến chân núi, biết chỗ sư ở, ngồi dưới gốc cây, lấy hang đá làm nhà. Tu Định thường đem ra trái cúng dường, trải năm không mệt. Có khi sai A Man đi một mình; sáng đi chiều về.

Một hôm, A Man ngủ thiếp đi trước bậc thềm, Khâu Đà La vô tình bước qua mà chẳng bấy lâu sau nàng động thai. Tu Định xấu hổ, đến chỗ sư hỏi: “Gái không chồng mà chửa, lỗi ấy tại ai?”. Sư biết ý, mỉm cười mà nói rằng: “Nhẫn, nhẫn, nhẫn. Tất cả oan gia từ đây hết. Ta với ngươi, sạch dứt ở đây. Chẳng biết lỗi gì phải đến”. Ngày sau, vào mồng tám tháng tư, giờ ngọ, sinh ra một bé gái. A Man bồng đem vào núi đến chỗ sư, gọi con mình là con của Khâu Đà La.

Sư bảo rừng cây: “Các cây đại thọ đây, có cây nào vì ta nuôi dưỡng đứa trẻ này thì hãy mở lòng chứa nó, ngày kia tất có thể vì trời người mà ra lịnh, muôn đời được tôn trọng”. Liền có một cây lớn đáp lời, mở toát ra. Sư đem đứa bé đó đặt vào trong chỗ mở thì cây liền khép lại. Sư bèn nói kệ rằng:

“Hình hài như nghịch lữ,

Tâm không cảnh cũng không,

Quấn quýt một mùi đạo,

Đáp vật muôn duyên cùng”.

Sư Khâu Đà La đưa bé đến gửi vào một cây đa. Về sau, bị mưa bão đánh đổ xuống sông, cây trôi dạt về làng Dâu. Dân làng xô nhau ra kéo nhưng không thể đưa được cây vào bờ, Man Nương biết chuyện liền ra sông. Nhờ có sự giao cảm của tình mẫu tử, nàng quăng dải yếm ra và kéo được cây vào bờ trước sự kinh ngạc của mọi người.

Thân cây cổ thụ được người đời tạc thành bốn vị thần Tứ Pháp gồm Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tương ứng với mây, mưa, sấm, chớp và được thờ tại chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng và chùa Dàn trong vùng Luy Lâu… Đó chính là nguồn gốc của hệ thống Tứ Pháp trong vùng.

Dấu ấn của đời sống nông nghiệp

Ngôi đền thờ Pháp đơn giản nhất có mặt bằng hình vuông, trung tâm đặt tượng Tứ Pháp, sau lưng đặt tượng Thủ vệ (Khâu Đà La), trước mặt đặt tượng đức Thánh tải, hai bên đặt tượng thị giả. Khi đạo Phật du nhập, điện thờ Tứ pháp được đẩy lên phía trên, điện thờ Phật bố trí trong một ngôi nhà khác phía sau, gọi là kiến trúc Tiền Thánh Hậu Phật.

Ở vùng Luy Lâu, chùa tổ thờ Man Nương quay về hướng Nam, nơi đất ở cũ của gia đình bà trong làng Mãn Xá, bốn chùa Mây – Mưa – Sấm – Chớp quay về phía tây nhìn sang chùa tổ, tức là hướng về mẹ. Hàng năm, vào ngày giỗ Phật Mẫu, các bà Vân – Vũ – Lôi – Điện đều được rước về chùa Tổ để vấn an tổ Mẫu.

Các nghi thức trong hội Tứ Pháp xét cho cùng đều là những hoạt động diễn xướng tín ngưỡng cầu mưa của nông dân. Ban ngày rước Tứ Pháp về chùa Dâu, “Công đồng” là hội tụ các yếu tố: mây, mưa, sấm, chớp. Ban đêm rước Tứ Pháp đi “tuần nhiễu” một vòng khép kín từ đông sang tây là mô tả chu kỳ quả đất xoay tròn, tạo ra năm tháng, bốn mùa.

Đặc biệt cuộc thi “Cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, là cuộc thi chạy giữa bà Sấm (Pháp Lôi) với bà Mưa (Pháp Vũ). Người ta bói xem ai về đích trước để dự báo mùa màng. Nếu là bà Mưa thì năm ấy được mùa. Nếu là bà Sấm thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

Trong hội có tục “Múa gậy” không chỉ để dẹp đám mà còn tái diễn sự tích cây gậy thần kỳ của Khâu Đà La khi đến nhà Tu Định. Giếng cổ trong chùa Dâu chính là dấu vết A Man (hay Man Nương) cắm gậy xuống đất làm ra nước cứu sống sinh linh khi hạn hán.

Nhiều tục lệ chùa Dâu cũng gắn với những tâm thức gần gũi trong đời sống sinh hoạt của người nông dân. Như hai bên ngai của Phật Pháp Vân là hai vị nữ thần thị giả, “giữ chùa”. Khi vào hội, sau khi các em của Phật Pháp Vân đến thăm chị, thì cả bố bà đều lên chùa Tổ thăm mẹ. Khi đó các chùa đều vắng chủ, nên phải có các bà hầu cận ở lại giữ nhà. Khi rước tượng Tứ pháp đi, người ta phải chuyển tượng bà hầu cận lên ngồi trên điện chính để không bị vắng chủ.

Trong lịch sử và đời sống của người Việt, người ta ít nhắc đến vấn đề Luy Lâu như là một trung tâm chính trị của kẻ đô hộ, mà nhắc nhiều hơn đến Tứ pháp, một tín ngưỡng bản địa của người Việt.

Nhiều nơi như Hưng Yên, Nam Định xưa kia vẫn duy trì lễ cầu đảo, đây là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng Tứ Pháp. Xuất phát từ chính nhu cầu canh nông của người dân, tức là khi nước đủ không hạn, không lụt là quan trọng, nên hạn thì cầu mưa, lụt thì cầu nắng. Bốn vị Thần, Phật tự nhiên Mây – Mưa – Sấm – Chớp làm ra mưa nên được sùng bái từ chính nhu cầu “mưa thuận gió hòa” của người dân.

Ngày xưa, tương truyền những lễ cầu đảo nhỏ ở vùng Hưng Yên, Hải Dương thường có một tượng đá đặt nằm trên một bục có ba cấp, nếu cầu mưa nhỏ đặt lên bậc một, cầu mưa vừa đặt lên bậc hai, cầu mưa to đặt lên trên cùng. Lịch sử đã ghi lại lễ cầu đảo có lẽ là lớn nhất do triều đình tổ chức đời Vua Lý Nhân Tông rước tượng Pháp Vân từ chùa Dâu về Kinh đô cầu tạnh.

Sự hòa trộn này đã sản sinh ra một dạng thức đặc biệt của việc thờ phụng Phật giáo – thờ bốn lực lượng thiên nhiên mây, mưa, sấm, chớp. Điều ấy phản ánh tư duy của nền nông nghiệp lúa nước, coi trọng sự sinh sôi, nảy nở, đề cao vai trò người phụ nữ. Cũng là cơ sở hình thành nền móng về một hình thức thờ tự Phật giáo hòa nhập gần gũi với tư duy bản địa, độc đáo, riêng biệt, thuần Việt.

Minh Hải