Trang chủ Tu học Tính không: Từ bị hiểu sai nhất trong Phật giáo

Tính không: Từ bị hiểu sai nhất trong Phật giáo

Nếu chúng ta thật sự muốn đưa Phật giáo hòa nhập đúng đắn vào phương Tây, trước hết cần hiểu rõ về “Tính không”, bởi một sự hiểu sai về ý nghĩa của nó có thể gây ra sự hoang mang, thậm chí nguy hại.

“Tính không” là một giáo lý cốt lõi trong mọi truyền thống Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của nó thường bị hiểu lầm. Nếu muốn đưa Phật giáo vào phương Tây một cách đúng đắn, chúng ta phải làm rõ ý nghĩa của Tính không, vì sự hiểu lầm về nó không chỉ gây rối rắm mà còn có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Bậc thầy Phật giáo Ấn Độ vào thế kỷ thứ ba, ngài Long Thọ (Nāgārjuna), từng dạy rằng: “Hiểu sai về Tính không giống như cầm nhầm đầu con rắn độc – bạn sẽ bị cắn!”

Tính không không phải là sự hư vô hoàn toàn; nó không có nghĩa là mọi thứ không tồn tại. Đó là một quan điểm hư vô đi ngược lại với lẽ thường. Điều Tính không thật sự chỉ ra là mọi sự vật không hiện hữu theo cách mà bản ngã bám víu của chúng ta cho rằng chúng hiện hữu. Trong cuốn sách viết về Bát-nhã Tâm Kinh, Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi Tính không là “bản chất chân thật của mọi sự vật và hiện tượng”, nhưng đồng thời ngài cũng cảnh báo “đừng hiểu nhầm rằng Tính không là một thực tại tuyệt đối hay một chân lý độc lập”. Nói cách khác, Tính không không phải là một thiên đường nào đó hay một cõi riêng biệt nằm ngoài thế giới này và những đau khổ trong đó.

Bát-nhã Tâm Kinh dạy rằng: “chư pháp tự Tính không”. Chứ không nói “chư pháp là không.” Sự phân biệt này là rất quan trọng. “Tự tánh” có nghĩa là sự tồn tại độc lập, riêng biệt. Câu này có nghĩa là không có điều gì trong những gì ta thấy, nghe (hay chính ta) tồn tại một cách biệt lập; mọi thứ chỉ là những biểu hiện tạm thời trong một dòng chảy liền mạch, luôn biến đổi. Do đó, dù không có cá thể nào hay sự vật nào có bản ngã cố định hay thường hằng, nhưng tất cả mọi sự kết nối lại tạo nên cái mà thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi là “tương tức”. Thuật ngữ này nhấn mạnh khía cạnh tích cực của Tính không khi được sống và thể hiện bởi người có trí tuệ – với sự kết nối, từ bi và tình yêu thương. Hãy nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma – người rộng lượng, khiêm nhường, luôn nở nụ cười – và ta có thể thấy rằng việc chỉ hiểu Tính không bằng lý trí không thể nắm bắt được chất sống hân hoan, thiết thực của nó trong đời sống tâm linh. Vì vậy, Tính không có hai khía cạnh: một tiêu cực và một tích cực.

Ari Goldfield – một giáo thọ Phật giáo tại Wisdom Sun và là dịch giả của cuốn Stars of Wisdom – tóm lược hai khía cạnh này như sau:

“Nghĩa thứ nhất của Tính không được gọi là ‘Tính không của tự tính’, tức là các hiện tượng không có bản chất cố hữu riêng biệt. Nghĩa thứ hai là ‘Tính không trong bối cảnh Phật tính’, tức là Tính không được thấm nhuần bởi các phẩm chất của tâm giác ngộ như trí tuệ, hỷ lạc, từ bi, sáng suốt và dũng khí. Chân lý tối hậu chính là sự hợp nhất của cả hai loại Tính không này.”

Với tất cả những điều đó, sau đây là ba hiểu lầm phổ biến về Tính không mà tôi muốn nhấn mạnh: về mặt cảm xúc, đạo đức, và thiền định.

Về mặt cảm xúc

Khi chúng ta nói “Tôi cảm thấy trống rỗng”, chúng ta đang ám chỉ sự buồn bã hay chán nản. Trong tiếng Anh, “emptiness” là một từ mang cảm xúc tiêu cực, và dù chúng ta có nhắc đi nhắc lại rằng Tính không trong Phật giáo không phải là cô đơn hay tách biệt, thì cảm giác đó vẫn còn vương lại. Tôi từng thử tìm từ khác để dịch từ Sanskrit śūnyatā – như “sự đầy tràn”, “sự rộng mở”, “sự kết nối” hay “tính vô biên” – nhưng như Ari Goldfield chỉ ra, “emptiness” là bản dịch chính xác nhất. Đây cũng là thuật ngữ mà thầy tôi – Thiền sư Shunryu Suzuki – đã sử dụng, dù thầy luôn giải thích kèm theo bối cảnh. Một lần, khi nói về Tính không, thầy nói: “Tôi không có ý nói sự trống rỗng hoàn toàn. Có một cái gì đó, nhưng cái đó luôn sẵn sàng để mang lấy một hình thức cụ thể nào đó.” Một lần khác, khi nói về cảm giác của Tính không, thầy nói: “Tính không giống như đang nằm trong vòng tay mẹ – và mẹ sẽ chăm sóc cho bạn.”

Về mặt đạo đức

Một số học trò Phật giáo biện minh hoặc bao che cho hành vi sai trái của thầy mình bằng cách nói rằng nhờ hiểu Tính không nên vị thầy được miễn trừ khỏi các quy chuẩn đạo đức thông thường. Một học trò từng nói: “Roshi sống trong tuyệt đối, nên hành vi của thầy không thể bị đánh giá theo tiêu chuẩn thông thường.” Dù đúng là đôi khi các thiền sư sử dụng những phương pháp bất ngờ để giúp học trò tỉnh ngộ, động cơ của họ phải bắt nguồn từ lòng từ bi, chứ không phải vì cái tôi. Không có hành vi nào gây tổn hại là chấp nhận được đối với một hành giả Phật giáo – dù là thầy hay trò.

Về mặt thiền định

Một số học trò Phật giáo cho rằng trạng thái không có tư tưởng hay hoạt động trong thiền là sự chứng ngộ Tính không. Dù đúng là trạng thái này được mô tả trong các kinh sách thiền, nó chỉ là một trạng thái tâm lý – mang tính tạm thời và không phải là cứu cánh tối hậu. Thật ra, Tính không không phải là một trạng thái tâm thức, mà là như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “bản chất chân thật của mọi sự vật và hiện tượng” – bao gồm cả tâm thức. Dù tâm của thiền giả có đầy ý nghĩ hay trống rỗng, thì bản chất ấy vẫn luôn hiện hữu.

Cuối cùng, nếu Tính không khó hiểu đến vậy, tại sao Đức Phật lại dạy về nó? Là bởi Ngài có cái thấy sâu sắc về nguyên nhân của khổ đau. Rốt cuộc, chúng ta khổ vì chấp thủ mọi sự vật là cố định, thực có, và có thể chiếm hữu bởi bản ngã. Chỉ khi ta có thể xuyên thấu ảo tưởng đó và mở lòng ra – như lời Ari Goldfield nói – “với thực tại trôi chảy và linh động vốn không thể nắm bắt và không thể nghĩ bàn”, thì ta mới có thể buông xả để sống trong sự sáng suốt, từ bi và dũng cảm. Chính mục tiêu cao đẹp đó làm cho nỗ lực hiểu về Tính không trở nên xứng đáng và quan trọng.

Lewis Richmond