Trang chủ Từ Thiện Xã Hội Tình người ở quán không bảng giá

Tình người ở quán không bảng giá

74
Hàng chục món chay ở Mãn Tự Vegan phục vụ mọi thực khách đến quán.

Giữa một đô thị luôn nhộn nhịp, hàng triệu người tất bật mưu sinh, vẫn có nhiều hàng quán mà ở đó thực khách được ăn uống, thư giãn cả ngày nhưng không phải lo nghĩ chuyện tiền nong. Hoạt động của những quán ăn, hàng nước theo kiểu “trả tiền tùy tâm” như thế ở TP Hồ Chí Minh thật sự làm ấm lòng nhiều người.

Trốn cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 3, chúng tôi vào một nhà hàng chay có tên Mãn Tự Vegan nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) để thưởng thức tiệc tự chọn miễn phí. Hai dãy bàn dài bày rất nhiều các món chay từ cơm, canh, bún xào, đến các loại rau củ, nem, gỏi… Khách đến chỉ cần lấy đĩa, chọn thức ăn rồi mang ra bàn ngồi thưởng thức. Ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Trước cửa quán có một hộp giấy với dòng chữ nắn nót “Ăn tùy bụng, trả tùy tâm”, khách trả tiền bao nhiêu cũng được.

Luôn tay nấu nướng hàng chục món chay mỗi ngày để phục vụ thực khách, chị Ðỗ Thị Ngọc Phượng (39 tuổi) cho biết, quán mở và duy trì gần ba năm qua. “Tôi mở quán nhằm muốn truyền bá việc ăn chay vì đây là lối sống lành mạnh, tốt cho sức khỏe cũng như ý nghĩa của việc làm từ thiện, khuyến khích mọi người hãy cho đi nhiều hơn thay vì cứ nhận lại”, chị Phượng tâm sự. Vì sao không ghi rõ số tiền cho một phần ăn? Chị Phượng trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Nếu niêm yết giá là 2.000 đồng, 5.000 đồng hay 10.000 đồng thì vô tình chỉ nhắm đến đối tượng khách hàng là người dân lao động nghèo; các bạn trẻ hay dân văn phòng sẽ ngại không đến vì tâm lý chung”.

Mặc dù mới khai trương nhưng quán trà Zentea nằm yên bình trong con hẻm “ba xuyệt” ở quận Bình Thạnh đã là điểm hẹn quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Lách mình qua cánh cửa gỗ, chúng tôi đắm mình trong không gian trà đạo với hương thơm ngan ngát, tiếng nhạc thiền dịu êm. Quán không có nhân viên phục vụ, cũng không có bảng giá thức uống. Trên từng quầy kệ bày sẵn các loại ấm, tách, trà… để khách tự chọn lựa loại thức uống cho riêng mình và pha theo ý thích. Ngoài trà xanh truyền thống, quán có nhiều loại trà khác như ô-long, trà lam gác bếp, hoa cúc, phổ nhĩ, san tuyết, trà thảo dược… Khi ra về, khách có thể không trả tiền, hoặc đóng góp tùy tâm cho quán tại thùng gỗ đặt trước cửa ra vào. Anh Phạm Hoàng Sơn (30 tuổi), người đồng sáng lập quán trà trả tiền tùy tâm này chia sẻ, anh muốn có một nơi để người yêu trà, thích sống chậm, muốn chiêm nghiệm giá trị cuộc sống, tìm ra giá trị bản thân có thể đắm chìm trong không gian của quán mà không bị ai làm phiền. Do vậy, anh đã cùng bạn bè bắt tay xây dựng quán trà và không thu tiền của bất kỳ ai. “Ðây là dự án vì cộng đồng, kinh phí xây dựng quán đều đến từ sự đóng góp của bạn bè, những người hảo tâm. Ai có tấm lòng đều có thể đóng góp. Tất cả đều tùy tấm lòng của khách đóng góp cùng duy trì quán”, anh Sơn bộc bạch. Ðược biết, vào cuối tuần, tại quán còn mở lớp thư pháp, học cắm hoa hay học võ tự vệ hoàn toàn miễn phí.

Với nhiều bạn trẻ thành phố, Quán của Thời Thanh Xuân (quận Phú Nhuận) do các bạn bị khuyết tật bẩm sinh không có khả năng nghe (điếc) phục vụ không còn là điểm đến xa lạ nữa. Thực đơn của quán xoay quanh những món trà đơn giản nhưng được chăm chút từ nguyên liệu cho tới cách pha và trình bày. Các món bánh ngọt được làm ở Ðà Lạt (Lâm Ðồng) và chuyển về trong đêm… Ngoài trà, bánh, quán còn bày bán những sản phẩm do các bạn tự làm (handmade) như tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ Ðà Lạt, xà-phòng, vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá… Anh Võ Thành Luân (32 tuổi), người sáng lập Quán của Thời Thanh Xuân cho hay, anh mở quán vì muốn tạo việc làm, tạo thu nhập, giúp các bạn điếc hòa nhập cuộc sống, giúp những bạn khuyết tật có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau. Với tinh thần “phi lợi nhuận”, quán đã mang đến cho chính anh và những người trẻ như Luân, như các bạn nhân viên phục vụ của quán, như những vị khách ghé quán… cơ hội được mở lòng, trao đi và nhận về những giá trị tinh thần đáng trân quý…

Giữa trung tâm thành phố luôn nhộn nhịp, tất bật, những địa điểm kinh doanh hoạt động theo kiểu “trả tiền tùy tâm” làm cho nhiều người có cuộc sống khó khăn thấy thật sự ấm lòng. Với chúng tôi, những nơi ấy đong đầy tình người, giúp chúng tôi và nhiều người tin yêu hơn vào giá trị cuộc sống.

Khi hỏi các anh, chị chủ quán trẻ có sợ lỗ vốn hay không, nếu ai cũng vào quán ăn uống “miễn phí”, tất cả đều có chung câu trả lời: “Tiền có thể nay có, mai không, nhưng tình cảm rất thiêng liêng, không đong đếm được bằng vật chất. Chúng mình tin quán sẽ duy trì được lâu dài bởi tấm lòng hào sảng của người dân thành phố…”.


Bài và ảnh: PHƯƠNG VY