Trang chủ PGVN Cửa thiền Tốt đời, đẹp đạo ở Làng Chùa (Đức Trọng, Lâm Đồng)

Tốt đời, đẹp đạo ở Làng Chùa (Đức Trọng, Lâm Đồng)

970

Thôn Phú An thuộc xã Phú Hội ở phía hữu ngạn sông chỉ với 2.170 nhân khẩu mà có tới 53 cơ sở thờ tự bao gồm chùa, tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Nếu tính trung bình, cứ 40 người dân tại địa phương này đã có một cơ sở thờ tự.


Còn xã Ninh Gia ở phía tả ngạn sông cũng có tới 31 thiền thất. Như vậy, dù chưa có một thống kê cụ thể nhưng nhiều người đã khẳng định rằng, đây là địa phương có mật độ chùa chiền nhiều nhất nước hiện nay.


Hơn 14 xã, thị trấn của huyện này, có tất cả 165 cơ sở thờ tự thì hai xã trên đã chiếm gần một nửa và riêng thôn Phú An đã có tới 492 chức sắc và tăng ni đang hành đạo trên tổng số 650 vị trên địa bàn toàn huyện.


Ông Cao Văn Còn – Phó Chủ tịch xã Ninh Gia cho hay, “trước ngày đất nước thống nhất, vùng đất Ðại Ninh còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài ngôi thiền thất ẩn mình giữa chốn rừng già. Càng về sau, dân tứ xứ kéo về đây lập cư, lập nghiệp tạo thành một vùng quê sầm uất, các cơ sở thờ tự tôn giáo cũng từ đó ngày một nhiều thêm“.


Ðến bây giờ, vùng Ðại Ninh được mệnh danh là chốn “đất lành” của những người hành đạo Thích Ca mà người dân qua đây thì không biết từ bao giờ đã quen gọi “làng chùa”…


Nhìn từ quốc lộ, đã hiện lên hình ảnh những mái chùa cong, những tòa bảo tháp cao vút và nhiều mái tam quan giữa vườn cà-phê và cây ăn trái trĩu quả. Một không gian đậm chất thiền đã tạo cho mỗi ai đến đây cảm giác thật thanh thoát và an bình.


Ngôi thiền thất đầu tiên chúng tôi vãn cảnh là chùa Thánh Ðức do Thượng tọa Thích Thanh Thế trụ trì. Vị thượng tọa đang bận Phật sự nơi xa, Ðại đức Thích Thông Phương tiếp chúng tôi cùng với lãnh đạo địa phương hết sức nồng hậu.


Thầy Thông Phương cởi mở: “Chùa chúng tôi mới mở rộng từ năm 1997, trước đó chỉ là một tịnh thất nhỏ. Từ khi lập chùa, tăng ni và Phật tử một lòng hướng Phật với tinh thần đạo pháp gắn liền với dân tộc, tăng ni nhập thế, đạo và đời cùng hòa hợp, đồng hành trong bước phát triển đi lên của đất nước“.


Ở thôn Phú An, Vĩnh Minh Tự Viện được coi là tòa Phật đường nổi tiếng nhất. Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao rộng chừng 10 ha, không gian rợp mát cây xanh, thoáng đạt và thanh tịnh.


Tại đây, chúng tôi đã tìm hiểu về quá trình hình thành “làng chùa” Phú An. Theo đó, những năm đầu thập niên 60, chán ghét chiến tranh, các hòa thượng Bửu Huệ, Bửu Lại và Thích Thiện Tâm đã cùng nhau đến vùng núi rừng hoang vu bên bờ sông Ða Nhim xa xôi này khai sơn, dựng thạch thất để mong tìm được chốn yên tĩnh tu hành.


Tất nhiên, những năm chiến tranh ác liệt đã làm cho việc mở mang cửa Phật cũng gặp nhiều sóng gió.


Ban đầu, hòa thượng Thích Thiền Tâm cho xây dựng tu viện và chùa Hương Nghiêm, ngôi chùa đầu tiên của vùng đất này, bây giờ được gọi là tổ đình.


Còn Vĩnh Minh Tự Viện được thành lập năm 1973 bởi hòa thượng Thích Tâm Thanh, học trò của ba vị hòa thượng đầu tiên đến đất Phú An. Ban đầu, hòa thượng Thích Tâm Thanh chỉ xây dựng một tịnh thất nhỏ để tĩnh tâm sau những ngày thuyết giảng.


Sau ngày đất nước thống nhất, được sự ủng hộ của chính quyền, nhận thấy duyên hóa độ có nhiều thuận lợi, ông mở mang tịnh thất cũ thành Vĩnh Minh Tự Viện.


Theo các chư tăng ni và Phật tử, từ khi Vĩnh Minh Tự Viện hình thành, cùng với tài thuyết giảng của Hòa thượng Tâm Thanh (nguyên Phó ban Trị sự, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Lâm Ðồng), nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những người theo đạo Phật khắp các làng quê quanh vùng.


Tiếng lành đồn xa, từ đó, không chỉ tăng ni, Phật tử trong huyện Ðức Trọng mà người tứ xứ đã tụ về đây để nghe thuyết giảng và thọ giáo quy y, tịnh xá, tịnh thất cũng từ đó mà mở mang nhiều thêm…


Thượng tọa Thích Minh Chiếu, Chánh đại diện Phật giáo huyện Ðức Trọng, cho biết: “Các tăng ni, Phật tử trên địa bàn luôn ý thức sống tốt đạo, đẹp đời, chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Mỗi tháng hai lần các đại đức, tăng ni có hai buổi quy tụ về chùa Hương Nghiêm và Ðạo Tràng Long Châu để học giới luật nhà Phật. Ðây cũng là dịp để các tăng ni biểu lộ tinh thần gắn kết cùng nhau xây dựng đạo, đời tốt đẹp“.


Ông Mai Hữu Hòa, Trưởng phòng Tôn giáo huyện Ðức Trọng thì nói rằng, Phú An là vùng đất ít có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Các tăng ni về đây an nghiệp tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà-phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân.


Hầu hết các cơ sở thờ tự Phật giáo đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, gắn bó với chính quyền và Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân quanh vùng.


Ðiều đặc biệt nữa là các chùa cũng luôn mở rộng vòng tay đón nhận trẻ em mồ côi, bất hạnh; các em đều được tạo điều kiện đến trường học hành, bên cạnh đó các tăng ni còn giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trưởng thành.


Lúc sinh thời, Hòa thượng Thích Tâm Thanh đã vận động Phật tử xa gần góp công quả thi công gần 4 km đường bê-tông nhựa nóng chạy dọc thôn Phú An, xây dựng chiếc cầu treo dài hơn 200 m bắc qua sông Ða Nhim, nối liền hai thôn Phú An và Ðại Ninh giúp cư dân qua lại dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt tai nạn giao thông vì không phải đi thuyền qua sông như trước.


Khi chúng tôi nhắc đến việc một vài tăng ni, Phật tử đi chệch đạo pháp, gây nên hậu quả không tốt, Ðại đức Thích Thông Phương ở chùa Thánh Ðức bày tỏ: “Tôi cho rằng, những người đó chưa có quan điểm rõ ràng về tu tập, cách hành đạo không chuẩn, chệch hướng. Giáo lý nhà Phật thể hiện tinh thần bất bạo động, chỉ mang đến cho thế giới hòa bình và an lạc.


Là người tu hành chân chính thì phải khắc tâm điều đó. Ðược hành đạo trong môi trường lý tưởng, được hưởng an lạc, thái bình, càng phải trân trọng và phát huy điều đó…”.