Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Cảm hứng mới từ âm nhạc Phật giáo

Trần Mạnh Tuấn: Cảm hứng mới từ âm nhạc Phật giáo

90

Phong cách trò chuyện sôi nổi, khi nói về âm nhạc thì hưng phấn không còn gì bằng, thi thoảng lại chêm vào câu nói một vài điệu nhạc khiến cho câu chuyện của chúng tôi trở nên sinh động. Có lẽ hành trình dài trải qua căn bệnh hiểm nghèo một cách kỳ diệu khiến cho anh thấy yêu đời hơn gấp bội…


Phóng viên (PV): Chào anh Tuấn. Anh khoẻ chứ?


TRẦN MẠNH TUẤN (TMT): Tôi khoẻ lắm. Rất khoẻ. Lại đang thừa năng lượng để làm rất nhiều việc đây! Còn quá nhiều dự án phía trước mà tôi muốn thực hiện.


PV: Nghe anh nói, cảm giác như anh đang rượt đuổi thời gian thì phải?


TMT: Đúng hơn là tôi muốn tận dụng tối đa quỹ thời gian của mình để làm được tất cả những việc mình yêu thích. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng đã nói thế rồi!


PV: Ý thức nâng niu thời gian và quý trọng cuộc đời như thế phải chăng khởi phát sau khi anh vượt qua căn bệnh hiểm nghèo?


TMT: Đúng thế! Trước đây tôi vốn yêu đời rồi, từ sau khi tôi khỏi bệnh, tôi càng thấy cuộc sống thật có ý nghĩa, thấy quý sức khoẻ hơn. Tôi là người nghệ sĩ mà, trước đây sống hơi “văng mạng” một chút, coi thường sức khoẻ và chẳng đi khám bác sĩ định kỳ, trong đó cũng có một phần cũng do công việc cứ cuốn mình đi.


Bạn biết không, lúc phát hiện bệnh tôi đang lưu diễn bên Đức, liên tục thấy mệt phờ, ăn không được mà cứ nghĩ rằng tôi mệt chắc là do làm việc nhiều, chứ cũng chẳng hề nghĩ rằng tôi bị bệnh gì đấy!


PV: Biết mình mang một căn bệnh hiểm nghèo hẳn nhiên ai cũng sẽ hoang mang. Anh đã vượt qua cái tâm trạng bất ổn đó như thế nào, chắc chắc là không dễ dàng…


TMT: Thật ra, đối mặt với cái chết không hề đơn giản. Đó là chưa kể, khi tôi chưa nghĩ đến cái chết của mình, mà người khác đã nghĩ dùm cái chết của tôi, thì thật là kinh khủng. Tôi vốn là người mạnh mẽ, lúc đầu tiếp nhận căn bệnh, mình cũng không tỏ ra quá lo lắng. Nhưng rồi, chính những người xung quanh làm tôi hoang mang.


Nhớ có lần, tôi đang dự một đêm nhạc để máy chế độ im lặng. Đến khi về nhà thì thấy hàng trăm cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của bạn bè, công chúng và báo giới, mục đích hỏi về căn bệnh của mình. Tôi mạnh mẽ lắm nhưng trước sự “quan tâm quá mức” như thế thì dù có lạc quan cách mấy cũng phải suy nghĩ và lo âu.


Thú thật thì vượt qua cái tâm trạng ấy cũng cam go đấy! Nhưng, trong cái không may hoá ra lại may. Từ sau cơn bệnh, tôi mới biết được gia đình, vợ con yêu thương mình thế nào, bạn bè quan tâm mình ra sao. Chính họ là những người động viên và góp thêm sức mạnh cho tôi.


PV: Đặc biệt là anh trai của anh, người đã cho anh một phần cơ thể?


TMT: Khi tôi sang Mỹ điều trị, nhiều người nước ngoài họ không thể tin được, họ bảo anh tôi là hero! Đúng là không phải người anh nào cũng làm được, bởi vì dù là anh em, thì vẫn là hai cơ thể độc lập. Giờ đây, trong tôi có một phần của anh mình, tình cảm máu mủ như được thắt chặt thêm.


Cũng có thể kể đến tấm chân tình của ngài Tổng Lãnh sự Mỹ, một trong những người bạn âm nhạc của tôi cũng hết lòng giúp đỡ tôi qua Mỹ để chữa trị. Bạn thấy đấy, những tấm lòng ấy nếu không có bệnh hoạn thì làm sao mình có thể nhận ra được?


PV: Hoàn toàn không có một chút bi quan nào chiếm lấy anh sao?


TMT: Thực ra, lúc đầu tôi cũng hơi cực đoan. Tôi cứ tự hỏi, mình có làm điều gì không tốt đâu? Nếu nói theo luật nhân quả, thì phải làm điều gì không tốt mới nhận lại điều không tốt chứ! Quý thầy Thích Lệ Trang, Thích Giác Dũng… nói với tôi rằng, không phải cứ mình làm gì xấu mới nhận ngay cái xấu. Đôi khi là số phận và phải biết chấp nhận. Khi rủi ro đến là đến và mình hãy đón nhận một cách tự nhiên…


PV: Nãy giờ không nghe anh nhắc đến jazz và saxophone, tình yêu lớn của suốt cuộc đời anh, có vai trò như thế nào trong hành trình chiến đấu với bệnh tật của Trần Mạnh Tuấn?


TMT: Ôi trời, âm nhạc là tất cả đối với tôi. Không có âm nhạc thì không biết tôi ra sao nữa. Trong những tháng ngày với căn bệnh mang theo, tôi đã dựa vào âm nhạc mà sống. Lúc chờ để vào làm phòng lọc máu, tôi cũng rất bình thản nghe ipod, viết nhạc trên laptop. Jazz và saxophone đã cứu tinh thần tôi trong suốt cuộc đời tôi. Chả có động lực nào mạnh hơn!


Tất nhiên gia đình cũng là động lực quan trọng. Nhưng âm nhạc lại là vị cứu tinh về tinh thần lớn nhất. Ai cũng sợ chết, vì là con người mà. Người thân, bạn bè có yêu thương mình bao nhiêu, nhưng tiếp xúc với con người thì mình cũng không thể thoát ra khỏi nỗi sợ. Chỉ có âm nhạc là vượt lên tất cả, giúp ta quên đi được nỗi sợ ấy.


PV: Sau tất cả, giờ đây, điều mà anh chiêm nghiệm được là gì?


TMT: Tôi nhìn đời bằng một mắt do tai nạn từ năm 13 tuổi, rồi từng trải qua nạn hoả hoạn, gần đây nhất là mất đi quả thận… Nói một cách thẳng thắn thì những cái không may ấy đối với một con người là rất lớn. Song, so sánh giữa cái mình được và cái mình mất, thì cái được là lớn hơn nhiều. Tôi không thiếu gì cả. Tiền bạc có, chỗ đứng trong xã hội có, công chúng có, danh tiếng có, gia đình đầm ấm, bạn bè quan tâm chia sẻ, công việc thuận lợi… Đấy là cái lớn!


Giờ đây, nhìn lại những chặng đường hoạn nạn đã qua, tôi thấy thoải mái khi nghĩ về chúng, không hề buồn khổ, bởi chúng chẳng là gì so với những gì mà đời cho mình. Tôi đang có một cuộc đời thứ hai quá kỳ diệu!


PV: Và anh chọn thái độ sống thế nào trong cuộc đời thứ hai của mình?


TMT: Tôi đang thừa năng lượng để làm thật nhiều việc. Trước đây cuộc đời mình đã đẹp rồi, bây giờ mình lại càng thấy đẹp hơn. Trước đây tôi vốn rất thích những câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nay lại càng chiêm nghiệm hơn những gì mà anh ấy đã viết nên. Rất Phật giáo. Rất Thiền!


Tôi không am hiểu Phật giáo như anh Trịnh Công Sơn, nhưng tôi cảm nhận rất gần với anh ấy. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Đúng là không thể biết mình sẽ đón nhận cái gì, về đâu, như thế nào. Thế nên, cứ sống hết mình với cuộc đời đi!


Rồi sống như thế nào? Thì sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Có thể ai đó khi nghe tôi nói sẽ nghĩ rằng tôi lý thuyết. Nhưng, nếu những ai đã qua cái cảnh của tôi, thì sẽ hiểu sâu sắc hơn điều tôi đang nói.


PV: Anh nói nhạc Trịnh Công Sơn rất Phật giáo, rất thiền, còn jazz và saxophone của anh thì sao? Anh có dự định kết hợp hay lấy cảm hứng gì từ Phật giáo để cho ra đời những tác phẩm của mình không?


TMT: Tôi có duyên làm việc và trò chuyện với nhiều quý thầy như Thích Minh Hiền, Thích Lệ Trang… nên có được nghe cá thầy nói về cách tụng và tán ở ba miền. Cái chất miền Bắc thì mộc mạc, miền Trung thì trang nghiêm, còn miền Nam bay bổng, phóng khoáng. Ba tính cách của ba miền thể hiện rõ qua cách tụng và tán. Tôi thích lắm và từng hỏi thầy bây giờ con phải làm gì, vì nhạc jazz của con là ngẫu hứng, phá phách, không mang tính bảo tồn bảo tàng.


Thầy bảo với tôi tụng thì không thể thay đổi, phải trang nghiêm, còn tán thì có thể phá cách đôi chút. Thế là tôi đã tìm thấy một con đường riêng để đi vào với âm nhạc Phật giáo. Nghe và chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc Phật giáo, chứ không phải là lấy giai điệu trong tán của Phật giáo làm nền để sáng tác.


PV: Đó có phải là một trong những dự án mới của anh không? Ý tưởng này thật là độc đáo. Anh có thể nói một chút về cách mà anh sẽ phối nhạc như thế nào, để vẫn giữ cái chất saxophone, đậm chất jazz và vẫn thấy thấp thoáng hồn của âm nhạc Phật giáo?


TMT: Tôi rất ngại nói nhiều về điều gì đấy mà mình chưa thực hiện. Nhưng tôi cũng đã hình dung rất rõ lúc đó nhạc tôi chơi sẽ “man” thế nào! Bạn sẽ không tưởng tượng nổi, một tiếng kèn saxo réo rắt ở trong chánh điện của một ngôi chùa, với cái trần rất cao, tạo nên những tiếng vang rất lạ, như vút lên theo từng mái ngói cong, rồi hoà vào tiếng mõ, tiếng chuông và tiếng tụng đang rì rào quyện lấy nhau, và cả tiếng trống, tiếng gió…


Tôi thích những âm thanh mộc, không cần bắt chước hay kỹ thuật gì cả, nghe sẽ rất thiền, rất sâu. Tôi cũng sẽ đầu tư rất cao về phần hình ảnh, đó là bối cảnh của những ngôi chùa đẹp trong nước. Tôi đi khảo sát nhiều chùa rồi, có những nơi phong cảnh phù hợp, nhìn là mê ngay. Tôi hình dung âm thanh và hình ảnh bổ sung nhau tạo một hiệu quả rất cao.


PV: Nếu thực sự dự án này hoàn thành, thì sẽ tạo nên một hiện tượng, và đặc biệt sẽ được người nước ngoài yêu thích, bởi vì cái chất văn hoá thấm đẫm trong từng âm thanh và hình ảnh. Hình dung lúc này jazz và saxophone không còn độc quyền là nhạc Tây nữa, mà rất Á Đông, rất Việt Nam… phải không anh?


TMT: Bạn rất hiểu mình. Tôi còn nhớ có lần mình họp báo ra đĩa “body&soul”, có một nhà báo đã hỏi mình thế này: “Anh làm đĩa này là muốn chinh phục thị trường thế giới phải không?”. Lúc đó, tôi đã lắc đầu phủ nhận. Tôi làm nhạc nước ngoài là để đưa jazz đến với ta. Còn bây giờ cũng vậy, làm nhạc rất đậm chất phương Đông, rất Việt Nam như thế ngoài việc chinh phục khán giả trong nước, mục đích cao hơn là chinh phục khán giả nước ngoài.


Ngoài ra, tôi còn muốn phá vỡ một suy nghĩ cũ, rằng âm nhạc Phật giáo là buồn, là bất khả xâm phạm và không thể hội nhập. Tất nhiên, tôi không thể giới thiệu nhạc Phật giáo thuần tuý qua tiếng kèn, nhưng như tôi đã nói trên đây, mình có thể “phá phách” bằng cách lấy cảm hứng từ âm nhạc Phật giáo để rồi tạo nên một loại nhạc rất riêng, mang phong cách độc đáo của Trần Mạnh Tuấn.


PV: Cảm ơn anh và chúc anh sống vui trong cuộc đời thứ hai này, và sẽ thật thành công với những dự án âm nhạc mới.



Nghe nhạc phẩm Một cõi đi về