Trang chủ Đời sống Tranh thủ giờ làm… đi lễ chùa cầu may

Tranh thủ giờ làm… đi lễ chùa cầu may

56

Dân Hà Tây gốc, cô gái 26 tuổi này không năm nào không bỏ qua lễ hội chùa Hương, bởi theo cô, đây là nơi rất linh thiêng, đến cầu an đầu có thể mang lại điềm lành cả năm. Và để tránh lâu ngày tàn hội, cộng với việc cầu may càng sớm càng tốt, ngay sau khai hội chùa Hương, cô xếp lịch cùng nhóm bạn đến thăm ngay. Vì thế, khi bị sếp giao việc đột xuất, Loan thà bị mắng vì tội "trốn", chứ không thể mắc lỗi với thần linh được.

Giống như Loan, khá nhiều người, đặc biệt là công chức trẻ, đã tranh thủ đầu năm ít việc mà "xén" bớt ngày làm hoặc hoặc tranh thủ nửa buổi để đến thăm chùa chiền cầu an, xin lộc hoặc tham gia các lễ hội đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như lễ hội Yên Tử, Chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, hội Lim, Đồng Kỵ, Bia Bà…

"Cơ quan chị là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng vẫn có cô xin nghỉ cả ngày thứ bảy tuần rồi để đến cúng Đền Bia Bà ở Hà Đông, cũng may đầu năm ít việc nên sếp không quản chặt lắm", chị Mai, phó phòng một công ty thiết bị cơ khí ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.

Còn chị Xuân, vợ anh Tuân, ở Phú Mỹ, Từ Liêm, Hà Nội thì lặn lội 2 buổi chiều liền lên phủ Tây Hồ xin thăng chức cho chồng, để anh được cắt chữ "quyền", làm trưởng phòng thực sự. "Mình nói khéo mãi mới lỉnh đi được một buổi, còn bữa nay phải trốn ra cuối giờ. Cúng chăm chỉ thế này hy vọng ‘các cụ’ duyệt cho anh ấy", chị tâm sự.

Nếu không xin nghỉ được cả ngày để đến các chùa chiền ở xa, thì các công chức (nhất là nữ giới) thường tranh thủ 1-2 tiếng đầu giờ sáng hoặc chiều đến thăm các đền chùa nhỏ ở gần cơ quan hoặc nhà mình. "Nói thật nhé, hầu hết các chị em ở mấy cơ quan công sở mà mình biết đều đi chùa đầu năm, người ít thì tranh thủ đầu giờ, nhiều thì bỏ luôn cả buổi. Nhiều người tâm linh lắm, không đi thì cảm thấy áy náy, bất an. Mà định đi rồi lại hủy thì sợ các thần quở chết", chị Hoa, một giảng viên đại học cho biết.

Đi chùa cầu may đầu năm là xu hướng chung của nhiều người dân hiện nay. Ảnh: Lệ Chi

Tại TP HCM, đi chùa cầu may đã cũng trở thành xu hướng chung của nhiều người dân trong thời gian gần đây. Thậm chí có nhiều người trốn cả việc, cúp học để đi rút quẻ, cầu duyên.

Lan Anh, nhân viên biên tập web của một công ty xuất bản ở quận 3, bật mí, trong ngày đầu làm việc, cô và một số người bạn cùng cơ quan đã rủ nhau đi chùa Châu Đốc, Kiên Giang. "Nghe chùa này rất linh, bọn mình tranh thủ đi cầu tình duyên vì năm nay đã ngoài 30 tuổi rồi mà vẫn cứ ‘đi sớm về khuya’ một mình".

Còn nhóm của Mai, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng quyết định "trốn" một ngày học để lên thắp hương, lễ chùa. "Nghe chùa Bà Đen, Tây Ninh trước giờ rất nổi tiếng. Năm nay bọn mình thi tốt nghiệp nên đi chùa cầu may mắn, hy vọng sẽ đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp sắp đến".

Không phải "trốn" việc hay "trốn" học do tự làm chủ công việc của mình, nhưng trong mấy ngày đầu năm, nhiều người làm nghề tự do hoặc doanh nghiệp tư nhân cũng đã cố gắng thu xếp thời gian để đi xin lộc.

Tại TP HCM, chùa Bà Bình Dương đã trở thành nơi được nhiều người tin tưởng đến xin lộc Bà sẽ làm ăn may mắn cả năm. Chính vì thế, từ mùng 9 đến 15 tháng Giêng, người dân khắp nơi đổ về đây xin lộc đông như trải hội. Chị Hương, quận Tân Phú, buôn bán phụ tùng ôtô cho biết, năm trước đã lên vay lộc Bà nên năm nay cũng phải thu xếp công việc đến trả lộc cũ và xin lại lộc mới. Do cửa hàng khai trương từ mùng 10 Tết, nên rằm tháng Giêng ông xã phải ở nhà bán hàng và phụ trông con. Một mình chị đến Bình Dương để thắp hương cho Bà và xin lộc làm ăn năm mới.

Theo chị Hương, giống như chị, nhiều người ở tận Bình Thuận, Ninh Thuận… vẫn thuê xe chở gia đình đến thắp hương cầu lộc tại chùa Bà.

Vợ chồng bà Thảo ở quận Bình Tân, TP HCM, chồng chạy xe ôm, vợ bán quán ăn. Bốn năm qua, cứ đến rằm hàng tháng, vợ chồng bà đều đi chùa thắp hương. Đặc biệt là sau Tết, dù có bận bịu cỡ nào ông bà cũng nhất định phải đi viếng đủ ít nhất 10 cảnh chùa. Bà tâm sự "từ ngày chăm đi lễ, chồng tôi bớt rượu chè bê tha hẳn, cuộc sống gia đình cũng khấm khá hơn, nên giờ chúng tôi phải tạ ơn, không bỏ được".

"Đi chùa đầu năm là hình thức tâm linh nên cần được tôn trọng. Nhưng anh chị em cũng nên cân nhắc thu xếp thời gian hợp lý, tránh ‘ăn lẹm’ vào giờ làm. Tốt nhất nên thu xếp đi vào cuối tuần, như thế sẽ thuận lợi cho cả cá nhân lẫn công ty", anh Bình, giám đốc một công ty quảng cáo tư nhân, bộc bạch.