Trang chủ Quốc tế Trung Quốc: Triển lãm nghệ thuật Đôn Hoàng dấy lên cơn sốt...

Trung Quốc: Triển lãm nghệ thuật Đôn Hoàng dấy lên cơn sốt “Đôn Hoàng”

122

Cả kiến trúc Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc được trang trí giống như những tường đá, hang đá trải qua những năm tháng bể dâu, trước cổng chính dựng một cổng chào kiểu thời cổ, trên viết ba chữ “Mạc Cao Quật”, khiến mọi người nhớ ngay đến hang Mạc Cao Đôn Hoàng tỉnh Cam Túc ở miền tây bắc Trung Quốc. Tin cho biết, vào ngày khai mạc, triển lãm này đã thu hút khán giả trên 7000 lượt người. Gần đây, bầu không khí xem triển lãm đã ngày càng sôi nổi, khán giả/ngày đã lên tới hơn 20 nghìn lượt người, phá kỷ lục lịch sử của Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Ông Phạm Địch An, Giám đốc Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc nói:


“Nghệ thuật Đôn Hoàng gắn liền với mỹ thuật Trung Quốc, giới mỹ thuật Trung Quốc và các nhà mỹ thuật Trung Quốc, nét nổi bật nhất của nghệ thuật Đôn Hoàng là quan hệ kế thừa và sáng tạo với cội nguồn lịch sử, văn hóa lâu đời của Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc. Như vậy, Triển lãm nghệ thuật Đôn Hoàng với quy mô lớn nhất trong lịch sử được tổ chức tại Bắc Kinh có thể tạo cơ hội cho khán giả thủ đô, trong đó kể cả khán giả nước ngoài có dịp cảm nhận nội hàm rộng lớn, sâu sắc và cái đẹp hoành tráng của Đôn Hoàng.”


Đôn Hoàng là nơi quan trọng trên “Con đường Tơ lụa”, một con đường thương mại quan trọng nối liền Trung Quốc thời cổ với các nước Trung Á, Tây Á và châu Âu. Kể từ thế kỷ 4 công nguyên, cùng với việc Phật giáo truyền đến Trung Quốc và trở nên hưng thịnh, người dân đào hang, tạo hình ở vách núi Đôn Hoàng, và kéo dài nghìn năm không dứt, cho đến nay vẫn còn hơn 800 hang đá, có bích họa các triều đại trên 50 nghìn mét vuông. Nhất là hang Mạc Cao Đôn Hoàng nổi tiếng, còn được gọi là “Thiên Phật Động”, cả thảy đã bảo tồn các tác phẩm điêu khắc và bích họa trải qua hơn 1000 năm, là tinh hoa nghệ thuật chứng kiến quá trình nền văn hóa Trung Quốc tiếp thu văn hóa ngoại lai. Năm 1987, hang Mạc Cao Đôn Hoàng được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.


Triển lãm lần này tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc cả thảy trưng bày 10 hang động được phục chế đẹp đẽ, hơn 20 tác phẩm điêu khắc màu nguyên bản và phục chế, hơn 120 bức bích họa, cũng như văn hiến nguyên bản và cổ vật khai quật từ hang Tàng Kinh, các thứ này đều là tác phẩm tiêu biểu nhất trong thời kỳ từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 14 công nguyên. Bà Phàn Cẩm Thơ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng nói:
“Chúng tôi chưa bao giờ trưng bày cả 10 hang động và hơn 100 bức bích họa. Các tác phẩm này là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của các triều đại, là tác phẩm điển hình, tác phẩm tinh hoa trong các tác phẩm bích họa. Chúng tôi đã trưng bày nghệ thuật hang Mạc Cao một cách hoàn chỉnh, hệ thống và mạch lạc rõ ràng. Vì Đôn Hoàng là Di sản Văn hóa Thế giới không thể di dời, nên các tác phẩm phục chế này là hiện vật triển lãm tốt nhất.”


Với vốn đầu tư to lớn, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc đã bố trí phòng trưng bày với diện tích 4000 mét vuông theo hang đá Đôn Hoàng. Sau khi bước vào phòng triển lãm, khán giả cảm thấy hình như đang đứng trong hang đá đẹp đẽ, huyền bí, mặt đất lát gạch hình hoa sen Đôn Hoàng, trần nhà là vòm bích họa, thưởng thức các bích họa cổ xưa, chiêm ngưỡng các pho tượng phật, cảm nhận sức cuốn hút nghệ thuật uyên bác và tinh tế, khán giả ai ai cũng tấm tắc ca ngợi. Bác Ngô Kính Dân 75 tuổi nói:
“Tôi chưa đi Đôn Hoàng, luôn mong có dịp đi một chuyến, nhưng tỉnh Cam Túc cách Bắc Kinh rất xa, tôi chưa có dịp đi. Triển lãm này trưng bày tinh hoa nghệ thuật tỉnh Cam Túc tại Bắc Kinh, đã tạo cơ hội cho tôi. Sau khi bước vào viện bảo tàng, tôi cảm thấy hình như đã đến tận hang đá. Tôi cho rằng, chỉ xem một lần còn chưa đủ, tôi sẽ đến lần nữa, để tham quan một cách tỷ mỉ nghệ thuật Đôn Hoàng.”


Bà Phàn Cẩm Thơ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng giới thiệu, do thời gian lâu dài, bích họa Đôn Hoàng bị gió, mưa, cát ăn mòn. Kể từ năm 1943, rất nhiều nghệ sĩ Trung Quốc đã từ bỏ cuộc sống ở thành phố, đến Đôn Hoàng ở bãi sa mạc hẻo lánh tham gia công tác bảo tồn hang đá. Trong đó có một công việc là phục chế cả hang đá theo nguyên bản, dùng để nghiên cứu và trưng bày. Việc phục chế một hang đá phải mất khoảng 4 năm, vài thế hệ nhân viên công tác mỹ thuật trong Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng cả thảy mất 65 năm mới hoàn thành công tác phục chế bằng phương pháp thủ công 12 hang Đôn Hoàng.


Được biết, gần đây Chính phủ Trung Quốc đã quyết định bắt đầu thực thi Công trình bảo tồn hang Mạc Cao Đôn Hoàng với quy mô lớn nhất trong lịch sử, dự định đầu tư 260 triệu đồng nhân dân tệ. Công trình bảo tồn bao gồm gia cố vách núi, cải tạo sạn đạo, chống bão cát, tăng cường các biện pháp an toàn v.v.


bai1107032008.jpg picture by beijing_20071


 


bai1007032008.jpg picture by beijing_20071


 


bai0907032008.jpg picture by beijing_20071


 


bai0807032008.jpg picture by beijing_20071