Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Từ góc nhìn Phật giáo: giới thiệu Mê Thảo – Thời vang...

Từ góc nhìn Phật giáo: giới thiệu Mê Thảo – Thời vang bóng

95

Giới thiệu về Mê Thảo – Thời vang bóng

Mê Thảo – Thời vang bóng là một phim truyện Việt Nam được công chúng và giới học thuật, lý luận và phê bình nghệ thuật chú ý nhiều, nhất là trong các năm 2004 – 2005. Phim dựa theo tác phẩm Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân (in đầu tiên năm 1946).

Các tác giả kịch bản phim gồm Việt Linh, Phạm Thùy Nhân, Serge Le Peron; đạo diễn Việt Linh, sản xuất năm 2002 với tài trợ quốc tế.

Phim đã được trao tặng giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Bergamo, Ý, lần thứ 21 là giải “Bông hồng vàng” (Rosa Camuna), giải nhì của Quỹ Cổ động phát hành quốc tế của Tổ chức liên chính phủ các nước nói tiếng Pháp, Paris, 2003; giải khuyến khích Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2002 và giải nữ diễn viên phụ xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14, năm 2004.

Phim được công chiếu tại Việt Nam vào năm 2004, 2 năm sau ngày hoàn thành, do có một vụ việc liên quan đến nam diễn viên chính trong phim, với nhiều ý kiến khác biệt.

Tuy nhiên, phim được giới phê bình hầu như thống nhất coi là một hiện tượng điện ảnh trong những năm gần đây.

Đây là một bộ phim gợi ra nhiều vấn đề về mặt tâm linh. Nữ đạo diễn của phim cho biết: “Tên phim là Mê Thảo, vừa là địa danh, vừa gợi nên sự ẩn chứa tâm linh.”

Mê Thảo – Thời vang bóng, bi kịch của sự mê muội, của “si”

Nói Mê Thảo – Thời vang bóng là một bi kịch, vì cuối cùng, nó dẫn đến cái chết của nhân vật chính – Nguyễn – chủ ấp Mê Thảo. Một cái chết trong khủng hoảng, bế tắc, lầm lạc, tuyệt vọng, hãi hùng.

Toàn bộ những chi tiết trong phim Mê Thảo – Thời vang bóng đều là sự chuẩn bị để dẫn đến kết cục bi thảm đó. Bộ phim là một xâu chuỗi những sự việc mê lầm, nhìn từ góc nhìn cuộc đời, lẫn góc nhìn Phật giáo.

Bộ phim không đề cập nhiều đến Chùa Đàn, ngôi chùa được lấy làm tên tác phẩm của Nguyễn Tuân, mà cốt truyện được sử dụng để xây dựng thành phim Mê Thảo – Thời vang bóng. Chất thần bí, linh dị trong Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân cũng giảm đi rất nhiều trong Mê Thảo – Thời vang bóng, nhưng nổi lên trong Mê Thảo – Thời vang bóng là những vấn đề đậm nét tâm linh, và ở đó là cái nhìn Phật giáo: vấn đề sống – chết, còn – mất, khổ – vui, mê – ngộ…

Bộ phim mở đầu bằng bối cảnh nhân vật chính đối mặt trước cái chết vì tai nạn giao thông của người vợ yêu quí. Cái cách mà nhân vật chính của bộ phim (Nguyễn – chủ ấp Mê Thảo) phản ứng trước cái chết của người vợ mới cưới, liên tiếp nhau hết cách này đến cách khác, đã tạo thành một bộ phim “Mê”.

Nhân vật Nguyễn đã đem những cái giả ra để giải quyết vấn đề. Anh ta không nhìn thấy cuộc đời là vô thường, giả tạm. Khi cái giả tạm mất đi, vô thường xảy đến, anh không chấp nhận và đưa hàng loạt cái giả khác ra để cố gắng giải quyết vấn đề giả tạm, vô thường.

Chính cái chất Phật giáo, cũng là yếu tố tâm linh của bộ phim, nằm ở chỗ này. Những sự việc diễn ra là những cơn mê nối nhau, bắt nguồn từ sự mê muội của nhân vật chính. Trong chuỗi cơn mê đó của nhân vật chính, bộ phim đưa người xem vào không khí u u, minh minh, nửa ma quái, nửa tâm linh…

Anh Nguyễn, chủ ấp Mê Thảo, tìm mọi cách giao tiếp với người vợ quá cố.

Khởi đầu là chi tiết một con chuột (vợ Nguyễn tuổi Tí) với cái nhìn “nhập tràng”. Sau đó, đi xa hơn, là hình nhân bằng rơm mặc áo cưới. Chìm sâu hơn nửa vào cơn mê, Nguyễn giao hợp, làm tình với hình nhân bằng gỗ và tự kỷ ám thị vợ mình trở về.

Linh hồn vợ Nguyễn không hề xuất hiện trong phim, nhưng vẫn được thể hiện một cách thần bí, bàng bạc, xuyên suốt qua những hành động mê tưởng kỳ dị của Nguyễn.

Có lúc, khán giả cứ tưởng là hồn ma vợ Nguyễn sẽ xuất hiện đến nơi. Nhưng không, không bao giờ có, chỉ có Nguyễn, chìm ngập trong ái dục, không ngớt oằn oại với những hành động mê lầm tiếp nối: hết tìm cách dời cây gạo thúc nở hoa trái mùa nhân ngày giỗ vợ, đến việc thả đèn trời ngược với thời gian tập quán để cầu vợ sống lại…

Lời thoại trong phim không hề đả động đến bất kỳ khái niệm Phật giáo nào, nhưng người theo đạo Phật có thể cảm nhận rõ tố chất Phật giáo ở đây. Tất cả mê muội chỉ vì ái dục. Mê muội ái dục đã dẫn đến sự “hiện hữu” của hồn ma, dù nó hoàn toàn không có thật.

Nguyễn, nhân vật chính của Mê Thảo – Thời vang bóng là thí dụ điển hình rõ ràng và sống động về ái dục. Do ái dục, Nguyễn chống lại qui luật vô thường, muốn ân ái với hồn ma, thả thiên đăng trong một cố gắng “nghịch thiên” cầu vợ sống lại và lên đến đỉnh cao khi cô lập ấp Mê Thảo với văn minh, tìm cách kéo lùi cỗ máy thời gian.

Phim kết thúc bằng cái chết tự tử tuyệt vọng của nhân vật chính. Nhưng ánh lửa bừng lên cuối phim trong trường đoạn hỏa thiêu tửu phần đầy ấn tượng và mang ý nghĩa “ngộ”.

Nhìn góc độ Phật giáo, Nguyễn tự đốt mình bằng lửa ái dục và ấp Mê Thảo bừng lên soi rọi tự thân mình: con tin của si, của mê lầm và tham ái. Lửa như làm tất cả tỉnh dậy sau một cơn mơ dài hỗn mang.

Bộ phim đi từ một câu truyện ma đến một tác phẩm điện ảnh sâu lắng yếu tố nhân văn. Phim có vẻ chỉ gắn với Phật giáo ở mỗi một chú thích “dựa theo tác phẩm Chùa Đàn” nhưng phía sau nó là những khái niệm Phật học ẩn hiện. Bộ phim giúp khán giả nhìn nhận cuộc đời qua cuộc đời của nhân vật Nguyễn bằng con mắt thức tỉnh, con mắt lửa. Chất trí tuệ trong đoạn kết soi sáng lại cả chuỗi sự kiện ngồn ngộn trước đó, trong ánh lửa bập bùng chấm hết tấn bi kịch.

Kết luận

Có những tác phẩm mang đậm màu sắc Phật giáo, dù là trong tác phẩm không hề có lấy một chữ “Phật”. Mê Thảo – Thời vang bóng là một tác phẩm như vậy. Giải vàng một liên hoan phim quốc tế cũng không thể trao cho một phim ma huyễn hoặc, hay cho một bộ phim xâu chuỗi những hành vi tâm thần dẫn đến kết thúc tự sát.

Có nhiều cách hiểu, cách nhìn nhận, cách lý giải khác nhau về Mê Thảo – Thời vang bóng. Ở đây chỉ xin trình bày một cách nhìn từ nhãn quan Phật giáo, chia sẻ cùng tâm sự của đạo diễn: “Mê Thảo” vừa là địa danh, vừa gợi lên sự ẩn chứa tâm linh (1).

MT

————————————————

(1) Dẫn theo: Nguyễn Nam, Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo – Liên văn bản trong văn chương và điện ảnh. Tạp chí Văn học, 12 – tháng 12 năm 2006, trang 114.