Trang chủ PGVN Nhân vật Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận: Tôn...

Tưởng niệm Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN Thích Đức Nhuận: Tôn sư Tuỳ niệm

117

Đức Pháp chủ là bậc cao tăng chân tu, thực học 97 tuổi đời, 77 tuổi Đạo.


 


Trong suốt cuộc hành trình của đời sống Đạo, với chí nguyện hoằng hoá độ sinh, Ngài là một trong những vị đi đầu trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Công việc Phật sự hàng đầu của Ngài là chăm lo mở Phật – Học – Đường, quy tụ một số Tăng – Ni từ các chùa Phúc Nhạc, Đồng Đắc, Đại Hữu, nhằm mục đích đào tạo tăng tài. Có thể nói: Ngài là bậc lương đống trong chốn Thiền môn.


 


Đức tính cần mẫn, nhu hoà và hết lòng phụng sự Tam Bảo; đó là nét đặc trưng của Ngài.


 


97 tuổi đời – tuổi của Lão giả an chi – nhưng đối với Ngài, Ngài vẫn đem hết tâm lực để phụng sự Chính pháp. Bởi vậy, mỗi khi nhìn lại chân dung của Ngài, hình như khơi dậy một tình đạo thắm thiết rõ nét nhất trong tâm hồn con, gợi lại hình ảnh của bậc Tôn Sư gương mẫu, bậc danh tăng đạo học uyên áo của thời đại cuối thế kỷ 20.


 


Giáo hội thành tựu được những công đức to lớn như mở trường Cao Cấp Phật Học ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và các tỉnh mở các trường Cơ bản Phật học; chùa chiền có những người thừa kế… Tất cả những Phật sự này được viên mãn là nhờ tài đức và nhân cách cao đẹp của Ngài. Đại hội Phật giáo đã sáng suốt khi suy tôn Ngài lên ngôi vị Pháp chủ.


Ở ngôi vị này. Ngài tỏ rõ là biểu tượng, là tiêu đích giải thoát cho hàng Tăng tín đồ ngưỡng mộ và kính mến.


 


Công hạnh đã viên mãn, tuổi đời, tuổi Đạo đã cao niên, thân tứ đại giả huyễn của Ngài vẫn bị chi phối bởi định luật: sinh, trụ, dị, diệt.


 


Vốn sinh ở Bắc, hành Đạo ở Nam, khi nghe tin Ngài nhuốm bệnh, lòng con vẫn không sao ngăn được niềm xúc động vô biên. Trong những năm tháng gần đây, con luôn luôn theo dõi bệnh trạng của Tôn Sư qua thông tin hằng ngày của đồng đạo ở chùa Hoè Nhai, Hà Nội.


 


Thế rồi, một sớm tinh sương, con được tin Ngài nhẹ bước lên đường về xứ Phật!


 


Vẫn biết “Thế giới vô thường, không có ngã, ai mà sinh diệt” Nhưng khi bước chân lên máy bay ra Bắc, lòng con bùi ngùi đau xót khi nghĩ về Tôn Sư – một hình bóng thân thương cao đẹp của đời con – trước cơn vô thường của hiện tượng. Phải chăng, cái động lực sâu thẳm trong tận cùng của ý thức con vẫn khơi dậy một nỗi niềm bâng khuâng, luyến tiếc về hình bóng của vị Thầy khả kính?


 


Trong suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, bao kỷ niệm dồn dập về Ngài hiện ra rõ ràng và linh động trong ký ức của con.


 


Đạo hạnh của Ngài cứ chập chờn bay đẹp trong lòng con. Con nghe lòng mình cũng ngân hoà một âm thanh đồng vọng – cái âm thanh quen thuộc của sớm chiều tham cứu tu học trong ngôi cổ tự Đồng Đắc.


 


Năm mươi tám năm trầm mình trong giáo lý của Đức Phật, con đã hiểu ý niệm nhập thế để xây dựng cho đời mà không bị ràng buộc trong vòng lợi danh thế tục của chư vị Bồ Tát. Cố nhiên, về căn bản xuất thế của chư vị đã vững chắc, con đường nhập thế của các Ngài nhằm mục đích độ đời chứ không phải vì danh lợi, vì chấp trước, vì tư tâm và tà kiến.


 


Càng liên tưởng đến hình ảnh của chư vị Bồ Tát bao nhiêu, con lại càng nghĩ đến hình ảnh của Tôn Sư bấy nhiêu.


 


Tuổi đời, tuổi Đạo đã cao, Ngài vẫn ra đảm nhiệm trọng trách ở Ngôi vị Pháp chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Phải chăng việc làm đó không còn ý niệm hữu vi khi Ngài nhập thế độ đời với tinh thần vô ngại đại bi?


 


Cho hay: Một con én không làm nên nổi mùa Xuân. Trong hơn hai ngàn rưỡi năm lịch sử, Phật giáo đã minh chứng cho chúng ta thấy rằng: Ngôi nhà Phật giáo rạng rỡ sáng ngời hay lu mờ tăm tối đều tuỳ thuộc vào hàng Tăng Sĩ thực tu thực học hay thiếu tu thiếu học.


 


Đọc “Thiền Lâm Bảo Huấn”, những ai có tâm hồn vì Đạo Phật tha thiết, chắc hẳn rất tâm đắc với Ngài Chân Tịnh:


“Khi nghe một Bậc đạo đức mất đi thì Ngài Chân Tịnh thương tiếc đến rơi lệ, khiến thị giả là Trạm Đường thấy vậy, than rằng: Vạn vật sinh ra trong Trời Đất, một khi đã có hình chất, thì sự khô chết tàn lụi dường như không thể tránh được! Thiền Sư tự rước lấy khổ đau làm gì?


 


Ngài Chân Tịnh dạy rằng: “Pháp môn được hưng thịnh là nhờ người có đạo đức chân chính, nay các bậc ấy đã mất đi thì tùng lâm phải suy kém vậy”. Thâm thuý thay!


 


Lời dạy của Ngài Chân Tịnh thật là chí lý! Chỉ có bậc đạo đức chân tu gương mẫu mới có đủ khả năng lèo lái con thuyền chính pháp vượt qua khỏi phong ba bão táp của dòng đời, mới thắp sáng lên ngọn đèn trí tuệ để đưa chúng sinh đến bờ thơm hương. Chỉ có tâm hồn thương Đạo mới biết lo lắng cho tiền đồ Phật giáo, mới có ý tưởng tốt đẹp nhằm thăng hoa ngôi nhà Đạo pháp.


 


Trong Quy Nguyên Trực chỉ ở phần chú thích có câu:


“Quốc đắc nhất hiền thần tắc hưng quốc trị bang. Pháp môn đắc nhất hiền nội tử tắc tùng lâm vĩnh lại.”


(Nước nào được một vị hiền thần cai trị thì nước đó thịnh vượng. Pháp môn được một tăng sĩ tài đức dẫn đạo thì tùng lâm nhờ đó mà được lâu dài).


 


Trong những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, sinh khí của đạo Phật trỗi dậy biểu hiện đồng bộ một cách đa dạng qua các mặt: giáo lý khả hành, kiến trúc Phật giáo đồ sộ, Văn học phong phú, xã hội trật tự, dân chúng an cư lạc nghiệp… Ấy, một phần là do các bậc tiền bối lãnh đạo sáng suốt. Mặt khác, do các bậc xuất gia tịnh hạnh cùng chung lo hạnh phúc nhân gian Phật giáo.


 


Nhìn lại ngày nay, chúng ta đành phải thốt lên rằng: bậc chân tu thực học bây giờ quả thực là ít ỏi!


 


Dõi theo ý tưởng miên man về Đạo, máy bay đã hạ cánh lúc nào, tôi bàng hoàng như vừa tỉnh giấc mơ. Ra khỏi phi trường, tôi được hai vị Đại Đức đón tiếp và đưa về Tổ đình Hoè Nhai.


 


Nơi đây, tôi được nghe kể lại những mẩu chuyện nho nhỏ về Ngài. Trong suốt thời gian lâm bệnh, Tôn Sư của chúng tôi mặc dù pháp thể suy yếu và mòn mỏi, nhưng trí tuệ của Ngài vẫn minh mẫn, đôi mắt vẫn tinh anh.


 


Ngài xả thân nhẹ bước để trở về cõi an nhiên tự tại, không để lại dấu vết, chẳng khác nào đàn chim bay trên không trung không để lại vết tích.


“Nhạn quá trường không


Ảnh trầm hàn thuỷ


Nhạn vô di tích chi ý


Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm”,


(Hương Hải Thiền Sư)


 


Ồ! Bóng nhạn vẫn chập chờn trên sóng nước khác nào hình bóng Tôn Sư vẫn thấp thoáng bóng dáng đâu đây. Âu đó là cái thực tướng so với ảo tưởng như cành mai đêm qua của Mãn Giác Thiền Sư vẫn nở trong sân khi xuân tàn hoa rụng.


“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,


Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”


(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết


Đêm qua sân trước một nhành mai


(Ngô Tất Tố dịch)


 


Giữa hai bến bờ sinh diệt, cái bóng dáng chập chờn huyền ảo như một ánh sao đêm loé lên rồi vụt tắt. Có nghĩa gì đâu một cuộc thịnh suy, chẳng qua chỉ là một giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ. Đó chính là liễu ngộ được cảnh sống chết vô thường nên chi trước cảnh đời mất còn đối với Thiền Sư Vạn Hạnh, Ngài vẫn giữ tâm trạng thản nhiên:


Thân như điện ảnh hữu hoàn Vô


Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô


Nhậm vận thịnh suy vô bố uý.


Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


(Thân như bóng chớp chiều tà


Cỏ cây tươi tốt thu qua rụng rời


Sá chi suy thịnh cuộc đời


Thịnh suy như giọt sương rơi đầu cành).


(Mật Thể dịch)


 


Thì ra, chiếc cầu sinh tử khác nào búa vô thường sẵn sàng đốn ngã thân ngũ uẩn giả hợp để lộ ra cái thân hữu hạn của kiếp người. Xét cho cùng, dưới đáy của cơn vô thường vẫn lộ ra cái chân thường bất biến.


 


Đó chính là pháp thân bất diệt mà tất cả chúng sinh đều có.


Hành trang Tín, Hành, Nguyện đưa Giác Linh Đức Pháp chủ về cõi Lạc bang.


Ca Lăng Tần Già thánh thót reo ngân Thánh hiệu Vô Lượng Thọ Phật, cảnh giới thất trùng la võng, thất trùng hàng thụ hiện ra ngàn muôn tia sáng của Đại Hùng Bảo Điện xứ Phật.


 


Con đường Thượng phẩm Thượng sinh ngào ngạt hoa sen – thênh thang trải đầy cát vàng, lóng lánh muôn ngàn hạt kim cương.


 


Hoa vẫn nở, chim vẫn hót trên đường trở về quê cũ, chúng con tin chắc rằng Giác Linh Ngài sẽ hiển hiện trong không gian đích thực của dòng sinh diệt đi ngang qua dòng bất diệt.


 


Viện chủ chùa Kim Cương


Q.3, TP. Hồ Chí Minh


Môn nhân, giới tử


THÍCH TUỆ ĐĂNG