Trang chủ PGVN Uy tín, năng lực của GHPGVN phụ thuộc vào đạo hạnh tu...

Uy tín, năng lực của GHPGVN phụ thuộc vào đạo hạnh tu hành của Tăng Ni, Phật tử

79

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,

Thưa toàn thể Phật tử,

2633 năm trước đây, vào tháng tư, mùa Hạ, ngày trăng tròn, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đản sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni, cách kinh thành Ca tỳ la vệ 25 cây số về phía Đông của nước Ấn Độ cổ.

Theo truyền thống, bấy giờ ánh sáng chan hòa khắp vũ trụ, mặt đất rung chuyển, nhạc trời lừng vang, hoa trời tuôn rải… báo hiệu sự xuất hiện của đấng Toàn giác, Toàn năng, cứu độ hết thảy chúng sinh trên đời.

Như Khế kinh đã đề cập: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-kheo, là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, đại minh; là sự xuất hiện của thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải, là sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng ngộ minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A-la-ha. Người ấy là ai? Chính là Như Lai A-la-ha”.

Kỷ niệm ngày Khánh đản của Đức Bổn Sư, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam để lòng hướng về quá khứ, về vùng đất thiêng và tưởng như trong hiện tại, chúng ta đang tắm mình trong ánh vàng rực rỡ của kim thân Đức Phật. Lâm tỳ ni nay thuộc phía Nam Nepal, giáp giới Ấn Độ với những di tích linh thiêng, trụ đá của vua A-dục, đền thờ Thánh mẫu Ma da, cây Bồ đề xanh tốt, ao thiêng mà Thánh Thái tử Tất-đạt-đa tắm mát lúc chào đời…

Vùng đất thiêng liêng này, nơi Đức Phật đã sinh ra và đã một thời dừng chân thuyết pháp trên đường du hóa của Ngài, ngày nay đã trở thành Thánh địa Phật giáo, được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, được bao quanh bởi rất nhiều chùa chiền, tự viện của Phật giáo nhiều nước, đầu tiên là của Phật giáo Việt Nam.

Ký ức, tưởng niệm của người con Phật không chỉ hạn hẹp trong không gian và thời gian mà là ký ức, tưởng niệm về một đại sự nhân duyên hy hữu luôn luôn tỏa sáng, hướng dẫn cho sự phát triển tâm linh, làm tăng trưởng quyết tâm tu tập, thực hành theo giáo pháp của Đức Từ Phụ.

Ý nghĩa lớn lao nhất cho sự xuất hiện của Đấng Đại giải thoát là lòng Đại từ bi muốn cứu khổ hết thảy chúng sinh. Ngài dạy: “Ta thương các vị hơn cha mẹ thương con. Ta làm Phật ở thế gian này để đối trị với cái xấu ác, loại trừ cái khổ sanh tử, khiến mọi người được đầy phước đức, đạt đến sự an ổn vô vi”.

Chính sách bảo vệ và phát huy tư tưởng, văn hóa truyền thống dân tộc của Nhà nước ta đã tạo những thuận duyên lớn cho việc phát triển tôn giáo trên đất nước Việt Nam thân yêu này, đặc biệt là cho Phật giáo chúng ta.

Trong hơn hai thập niên qua, sự vững mạnh và những thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thể hiện rõ rệt về tổ chức, nhân sự về khả năng hoạt động Phật sự vì Đạo pháp và Dân tộc…

Sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, như từ suốt hơn 2.000 năm trước đây, luôn luôn song hành với sự phát triển của đất nước. Mặt khác, trong thời đại mới, những hiện tượng suy giảm đạo đức ở khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam cũng là mối quan ngại lớn cho phương hướng phát triển chung. Tăng Ni và Phật tử chúng ta trước hết cần củng cố niềm tin Tam Bảo, biết sợ hãi và biết đối trị với những điều xấu ác, biết hổ thẹn về những hành vi xấu ác của mình; từ đó kiên trì, nhẫn nại, tinh tấn trong việc phát triển trí tuệ, tâm linh.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, thành tựu 5 pháp này thì ngay trong hiện tại sống an lạc, không tổn não, không ưu não, không nhiệt não; và sau khi mạng chung, được chờ đợi là cõi lành. Thế nào là 5? Này các Tỳ-kheo, đó là có lòng tin, có lòng hổ thẹn, có lòng sợ hãi, có tinh cần, tinh tấn và có trí tuệ”.

Lời dạy trên nhấn mạnh đến nỗ lực tự tu, nhưng mặt khác sự khuyến khích mọi người tự tu, tạo nên một xã hội hiền hòa, lành mạnh với những cái tâm trong sáng, hướng đến giải thoát mới là mục tiêu của Phật giáo: Tu tập Tam vô lậu học, vượt khỏi phiền trược, chấp trước, đạt đến trí tuệ toàn hảo.

Đức Phật dạy tiếp: “Này các Tỳ-kheo, tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh; tự mình đầy đủ thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ thiền định; tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ; tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát; tự mình đầy đủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Và các Tỳ kheo nếu thành tựu 5 pháp này thì đem lại hạnh phúc cho mình và cho người”.

Hiện nay như đã nói, 28 năm qua từ khi được thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, để đạt được những thành tựu khả quan, chứng tỏ uy tín, năng lực của mình đối với quần chúng nhân dân trong và ngoài nước.

Nhưng uy tín, năng lực lớn lao nhất thì thuộc về đạo hạnh tu hành của Tăng Ni, Phật tử chúng ta; điều này thì khó thể hiện, khó được đo lường, lại là cái cốt lõi của mạng mạch Phật giáo.

Chúng ta chỉ biết nhắc nhở nhau giữ trọn cốt cách của người tu Phật, giữ trọn tâm mình cho thanh tịnh, làm việc Đạo, việc đời mà không quên tu tâm, dưỡng tính; nói pháp cho người làm, nhưng chính mình không quên hành trì theo pháp cho chính mình.

Tôi cũng xin kêu gọi các vị Bổn sư, các vị Thân giáo, các Giảng sư, ngành Hoằng pháp, ngành Giáo dục Phật giáo nỗ lực lưu tâm trong việc đào luyện đội ngũ Tăng Ni trẻ mà tương lai sẽ là “những vị Như Lai sứ hành Như Lai sự”, làm gương mẫu cho quần chúng Phật tử.

Phật giáo phát triển như thế nào là tùy thuộc chủ yếu vào những người tu tập và thực hiện Phật sự. Khó khăn không phải chỉ đến từ ngoại cảnh mà thường phát sinh tự chính trong tâm chúng ta. Hãy cố giữ lấy tâm mình và lòng tin Tam Bảo để nỗ lực vượt khó, đem công sức thành tựu các Phật sự lợi Đạo ích đời và tinh tiến trong tu tập.

Thực hiện như thế, tôi tin rằng chúng ta sẽ cảm nhận được một sức mạnh mới trong tự thân mỗi người, và tôi nghĩ rằng đây chính là năng lực gia trì thiêng liêng mà Đức Phật đã hộ trì cho chúng ta.

Nhân kỷ niệm ngày Đản Sinh của Đức Phật PL.2553, tôi chân thành cầu chúc chư Tôn giáo phẩm, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và toàn thể quý Phật tử trong và ngoài nước được an khang, Phật sự viên thành.

Mong sao hết thảy chúng sinh được tắm gội trong năng lượng từ bi, ánh sáng trí tuệ của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và tất cả đều được bình an, hạnh phúc.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Diễn văn Đại lễ Phật đản Phật lịch 2553 của Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Tịnh. Tựa đề do Phattuvietnam.net đặt